– Điều lành cao tột chẳng gì bằng hiếu. Điều cực ác là bất hiếu vậy! – Kinh Nhẫn Nhục –
Nam mô Đại Hiếu Mục-Kiền-Liên Bồ-tát.
Gần đến rằm Vu-lan, là ngày báo hiếu của người con Phật. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, đầu tháng bảy thì Phật-tử tựu về chùa tụng kinh Vu-lan rất đông… để cầu nguyện cho cha mẹ hiện tiền được an lạc cùng quá vãng được siêu sanh lạc quốc. Chúng ta chỉ biết đến chùa tụng kinh và cầu nguyện cho Phật, Bồ-tát nghe, mà không biết tụng kinh cầu nguyện cho cha mẹ mình nghe! Thế nào là tụng kinh và cầu nguyện cho cha mẹ mình nghe? Chính là những hành động cùng lời nói của mình làm sao phù hợp với lời kinh Phật dạy, khiến cha mẹ thấy được, nghe được sanh lòng vui mừng. Đây mới là việc chính gốc cần phải làm. Còn việc đến chùa tụng kinh Báo Hiếu, làm những chuyện bên ngoài thảy đều việc phụ cả. Biết đến chùa tụng kinh cầu nguyện là tất phải y lời kinh mà làm theo thì mới trọn nghĩa báo hiếu vậy.
Kinh Đại Thừa Bổn Sự Tâm Địa Quán, Phật nói: “Bà mẹ hiền thương con, thật không biết lấy vật gì để so sánh cho cân xứng vậy. Từ khi con vào thai, trải qua thời gian mười tháng, những lúc mẹ đi đứng ngồi nằm chịu trăm điều khổ não mà miệng mẹ không thể nói ra. Muốn những đồ uống ăn hay áo mặc, dù có được mẹ cũng chẳng mừng vì lòng lo lắng không khi nào dứt, chỉ lo nghĩ đứa con sắp sanh sao cho hoàn hảo là hơn thôi. Nếu khi đẻ khó thời như trăm ngàn mũi dao đồng thời đâm cắt toàn thân; nếu khi sanh đẻ được an lành, bà mẹ với các thân thuộc cùng chung vui sướng in như kẻ nghèo được ngọc báu; sự đau khổ trong mười tháng của mẹ do một tiếng khóc đầu tiên của đứa con khi mới lọt lòng mà nỗi khổ ấy mẹ liền quên mất và vui sướng như nghe âm nhạc. Con lấy nơi bụng ngực của mẹ làm chỗ ngủ, lấy hai cổ vế là chỗ dạo chơi và do nước giếng cam lồ nơi ngực mẹ chảy ra mà nuôi lớn. Ôi! ơn đức của mẹ, núi cao biển sâu cũng chẳng thể sánh kịp. Nếu đứa con nào biết tùy thuận nghe theo những lời dạy bảo của từ mẫu mà không trái nghịch thời được các chư thiên hộ niệm, phước đức vô cùng. Nếu có kẻ trai lành gái thiện nào muốn trả ơn cha mẹ, trải qua thời gian một kiếp, cứ mỗi ngày ba lần từ cắt thịt nơi thân đem nuôi cha mẹ cũng chưa có thể gọi là đã trả ơn được một ngày vậy”. Vậy chúng ta phải làm gì để gọi là một người con hiếu thảo, đền đáp ân nghĩa sâu nặng của đấng sanh thành và những người thân của mình?
Thông thường chúng ta chỉ biết bậc đại hiếu trong nhà Phật là đức Mục Kiền-liên Bồ-tát, nhưng kỳ thật thì chẳng có bậc chân tu nào mà chẳng tu hiếu đạo cả, đặc biệt là các hàng Bồ-tát. Thí như Địa-tạng Bồ-tát thật là bậc đại hiếu vậy, không chỉ một đời mà nhiều đời. Kinh kể lại chuyện về thủa lâu xa vô số kiếp về trước, lúc đó có Phật hiệu là Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai. Trong đời tượng-pháp, có một người con gái dòng bà-la-môn, người nầy nhiều đời chứa đức sâu dày, mọi người đều kính nể, khi đi đứng, lúc nằm ngồi, chư thiên thường theo hộ vệ. Bà mẹ của người lại mê tín tà đạo, khinh khi ngôi Tam-bảo. Mặc dầu thánh-nữ đem nhiều lời phương tiện khuyên nhủ bà mẹ, hầu làm cho mẹ sanh chánh kiến, nhưng mà bà mẹ chưa tin hẳn. Chẳng bao lâu bà ấy chết, thần hồn sa đọa vào vô-gián địa ngục. Lúc đó thánh-nữ biết rằng người mẹ khi còn sống không tin nhân quả, liệu chắc phải theo nghiệp quấy mà sanh vào đường ác. Thánh-nữ bèn bán nhà, đất, sắm nhiều hương, hoa cùng những đồ lễ cúng, rồi đem cúng dường tại các chùa tháp. Do lòng lành chí thành hiếu dưỡng nên cảm ứng đạo giao, được đức Phật quá khứ Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như-lai đến chứng minh và phát tiếng trên hư không bảo thánh-nữ rằng: “… ta thấy ngươi thương nhớ mẹ trội hơn thường tình của chúng sanh nên ta đến chỉ bảo. Cúng dường xong, ngươi mau mau trở về nhà, rồi ngồi ngay thẳng nghĩ tưởng danh hiệu của Ta, thời ngươi sẽ biết chỗ thác sanh của mẹ ngươi”. Lễ Phật xong, thánh-nữ liền trở về nhà. Vì thương nhớ mẹ, nên thánh nữ ngồi ngay thẳng niệm danh hiệu của Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai trải suốt một ngày một đêm liền thấy thân mình đi đến một bờ biển kia, nhập vào cảnh giới của địa ngục, gặp được Vô Độc quỷ vương. Thánh-nữ hỏi thăm tin tức của mẹ mình thì được Vô Độc chắp tay thưa rằng: “Xin thánh-nữ hãy trở về, chớ đem lòng thương nhớ buồn rầu quá lắm nữa. Tội nữ Duyệt-đế-lợi được sanh lên cõi trời đến nay đã ba ngày rồi. Nghe nói nhờ con gái của người có lòng hiếu thuận, vì mẹ mà sắm sửa lễ vật, tu tạo phước lành, cúng dường chùa tháp, thờ đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như-lai. Chẳng phải chỉ riêng thân mẫu của Bồ-tát được thoát khỏi địa ngục, mà ngày đó, nhũng tội nhân cũng đều được vui vẻ, đồng được thác sanh cả”. Bấy giờ, thánh-nữ dường chiêm bao chợt tỉnh, rõ biết việc đó rồi, bèn đối trước tháp tượng của đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như-lai mà phát thệ nguyện rộng lớn rằng: “Tôi nguyện từ nay nhẫn đến đời vị lai những chúng sanh mắc phải tội khổ, thì tôi lập ra nhiều phương chước làm cho chúng đó được giải thoát”. Quỷ vương Vô Độc trước đó nay chính ông Tài Thủ Bồ-tát. Còn thánh-nữ bà-la-môn đó, nay là Địa Tạng Bồ-tát vậy.
Lại nữa, vô lượng vô số kiếp về thuở trước, có đức Phật ra đời hiệu là Liên Hoa Mục Như-lai. Trong thời mạt-pháp, có người con gái tên là Quang Mục hết lòng hiếu thảo, nàng nầy sắm sửa đồ ăn cúng dường La-hán. La-hán sau khi nhập định quan sát, thì thấy bà mẹ của Quang Mục đọa vào chốn địa ngục rất là khổ sở. La-hán xót thương bèn dạy phương chước, ngài khuyên Quang Mục rằng: “Ngươi phải đem lòng chí thành mà niệm đức Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như-lai, và vẽ đắp hình tượng đức Phật, thời kẻ còn cùng người mất đều được phước lợi”. Quang Mục nghe xong, liền xuất tiền của, họa tượng Phật mà thờ cúng. Nàng lại đem lòng cung kính, khóc than chiêm ngưỡng đảnh lễ tượng Phật. Đêm đó nàng chiêm bao thấy thân của đức Phật sắc vàng sáng chói như hòn núi Tu-di. Đức Phật phóng ánh sáng mà bảo Quang Mục rằng: “Chẳng bao lâu đây thân mẫu của ngươi sẽ thác sanh vào trong nhà của ngươi, khi vừa biết đói lạnh thì liền biết nói”. Sau đó, đứa tớ gái trong nhà sanh một đứa con trai, chưa đầy ba ngày đã biết nói. Trẻ đó buồn khóc mà nói với Quang Mục rằng: “Nghiệp duyên trong vòng sanh tử phải tự lãnh lấy…. nhờ phước lực của người, nên nay được thọ sanh làm kẻ hạ tiện, lại thêm số mạng ngắn ngủi, năm 13 tuổi đây sẽ bị đọa vào địa ngục nữa….” Quang Mục nghe xong than khóc rơi lệ mà bạch cùng giữa hư không rằng: “Nguyện cho thân mẫu tôi khỏi hẳn địa ngục khi mãn 13 tuổi không còn có trọng tội cùng không còn đọa vào ác đạo nữa. Xin chư Phật trong mười phương thương xót chứng minh cho tôi, vì mẹ mà tôi phát nguyện rộng lớn như vầy: Như thân mẫu tôi khỏi hẳn chốn tam đồ và hạng hạ tiện cùng thân gái, cùng kiếp không còn thọ những quả báo xấu đó nữa, tôi đối trước tượng của đức Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như-lai mà phát lời nguyện rằng: Từ ngày nay nhẫn về sau đến trăm nghìn muôn ức kiếp, trong những thế giới nào mà các hàng chúng sanh bị tội khổ nơi địa ngục cùng ba ác đạo, tôi nguyện cứu vớt chúng đó làm cho tất cả đều thoát khỏi chốn ác đạo: địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh, v.v… Những kẻ mắc phải tội báo như thế thành Phật cả rồi, vậy sau tôi mới thành bậc Chánh-giác”. Quang Mục phát nguyện xong, liền nghe tiếng của đức Phật Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như-lai dạy rằng: “Nầy Quang Mục, nhà người rất có lòng từ mẫn, vì mẹ mà phát ra lời thệ nguyện rộng lớn như thế, thật là hay lắm. Ta quan sát thấy mẹ nhà người lúc mãn 13 tuổi, khi bỏ báo thân nầy sẽ thác sanh làm người phạm-chí sống lâu trăm tuổi. Sau đó vãng sanh về cõi nước Vô-ưu sống lâu đến số không thể tính kể. Sau rồi sẽ thành Phật độ nhiều hạng người, trời, số đông như số cát sông Hằng.” Vị La-hán phước lành độ Quang Mục thuở đó chính là Vô-tận-ý Bồ-tát. Thân mẫu của Quang Mục là ngài Giải-thoát Bồ-tát. Còn Quang Mục thời là ngài Địa Tạng Bồ-tát đây vậy.
Qua hai câu chuyện trên, quý vị nên nhớ việc cầu cúng của chúng ta, kết quả ra sao là phụ thuộc vào tâm đức, và công phu tu hành của mỗi người. Nếu không có tâm đức, công phu tu hành thì những gì chúng ta cầu nguyện không thể thành tựu được.
Chủ ý của bài viết là bàn đến việc hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ, không chỉ con cái hiện tại mà phải nói luôn cả con cái về sau nữa. Bởi sự hiếu thuận của con cái mình có hay không phần lớn quy về sự ảnh hưởng giáo dục của cha mẹ. Theo thuyết nhà Phật thì tất cả đều nằm trong lý nhân quả. Chuyện kết hôn và nối dõi tông đường không phải là việc riêng giữa hai người hay một tổ tông dòng họ nào, mà là sự ảnh hưởng cả một tộc quần xã hội và luôn cả thế giới. Quý vị chớ cho rằng sao có thể nói lời nghiêm trọng đến thế. Thật ra chúng tôi nói lời nầy vô cùng nghiêm túc, chẳng khoa trương và cũng chẳng hù dọa ai cả. Ngẫm kỹ lại mà xem, nếu quý vị có được cuộc sống hòa thuận an vui và gia đình hạnh phúc thì tất nhiên sẽ đào tạo được những đứa con ngoan hiền, học giỏi. Thì sự hữu ích mang lại không riêng gì gia đình quý vị mà luôn cả xã hội tộc quần. Nếu đứa trẻ về sau có khả năng và tước vị có thể làm nên sự ấm no hạnh phúc của muôn dân. Nhưng nếu ngược lại, đứa trẻ trở nên hư hỏng thì chẳng hại riêng gì cuộc đời nó mà còn liên lụy đến bao nhiêu kẻ khác, lại còn để lại ấn tượng xấu cho những thành phần bất hảo noi theo. Nếu trẻ càng giàu có và nhiều quyền lực thì sự ảnh hưởng của nó càng thậm tệ hơn, có thể khiến cho bao nhiêu gia đình nhà tan cửa nát. Quý vị từng đọc và học qua sử lược của các nhà chính trị cùng các vị lãnh tụ của các đảng phái. Có người đem lại sự vinh quang và hạnh phúc cho muôn dân do sự giáo dưỡng ban đầu của họ được gieo trồng bằng những hạt giống lành. Còn có người được đào luyện nên từ những hoàn cảnh và tư tưởng xấu ác thì mang lại sự họa hoạn cho cả một quốc gia và làm chết không biết bao nhiêu người vô tội. Điển tích và lịch sử để lại rất nhiều, quý vị có thể tự đọc tự biết, nơi đây không cần phải gợi lại những việc đau lòng đó.
Trong sinh hoạt đời sống hằng ngày nhất là trong nhà có con nhỏ, ăn nói cần phải cẩn trọng. Người xưa nói: tánh tương cận, tập tương viễn. Những hành động và lời nói của mình vô hình trung ăn nhập khắc sâu vào tâm khảm của trẻ, đôi lúc em bé phát ra những lời nói cùng hành động vô ý thức, nhưng có những lời nói vượt ngoài giới hạn trẻ, và có chiều hướng xấu, chúng ta không thể đứng nhìn và cười cho là vô hại, cho rằng trẻ chỉ bắt chước không biết gì, nhưng đó là những mầm mống mà chúng ta đã gieo trồng vào tâm thức trẻ, tương lai khó mà suy lường được. Những lúc bắt gặp những trường hợp như vậy chúng ta trước hết phải cảnh tỉnh lại mình, khi có mặt trẻ cần có những lời nói và hành động ôn hòa, nhã nhặn, lễ nghĩa mang tính cách giáo dục để cho con bắt chước. Đừng cho rằng trẻ chẳng biết gì. Bởi ai cũng biết rằng tâm trí trẻ như tờ giấy trắng, chúng ta vẽ như thế nào thì tâm thức trẻ sẽ biến thành như vậy. Những lời nói cùng hành động chúng ta làm mỗi mỗi đều được ghi nhận in sâu vào tâm thức trẻ. Nên khi dạy con cái không nên có những lời nói thô lỗ và hành động bạo lực. Như chuyện kể về cuộc đời của ngài Mạnh Tử. Ông mồ côi cha, chịu sự nuôi dạy nghiêm túc của mẹ là Chương thị. Bà sau này được biết tới với cái tên Mạnh mẫu (mẹ của Mạnh Tử). Mạnh mẫu đã ba lần chuyển nhà để Mạnh Tử được ở trong môi trường xã hội tốt nhất cho việc học tập, tu dưỡng. Nhờ đó mà sau này ông mới có thể kế thừa tư tưởng của Khổng Tử, và còn phát triển và hoàn thiện thêm học thuyết của họ Khổng cho thích ứng với tình hình thực tế đương thời. Về sau, ông được xem là tổ thứ hai của nho giáo và được hậu thế tôn làm Á Thánh Mạnh Tử. Sự thành tựu và công lao đó phải đâu chẳng phải nhờ Mạnh mẫu Chương thị.
Không có người con nào mà không thọ nhận sự giáo dục của cha mẹ. Nếu là gia đình đạo Phật, quí vị phải dạy con cái giáo lý nhân quả. Phật dạy: phàm làm việc gì phải nghĩ đến hậu quả của nó. Biết đó là tác nhân xấu sẽ đưa đến quả không tốt, mình răn dạy con đừng làm việc đó, nếu gây tác nhân xấu sẽ bị quả báo xấu. Đó là một cách giáo dục, cha mẹ đã giáo dục mình, mình giáo dục lại người sau. Đây gọi là gia giáo. Tục ngữ có câu: “công cha như núi thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.” Phận làm con không thể nào quên ơn đức của cha mẹ, mà sống thật hiếu thuận để hy vọng đền trả phần nào thâm ân như trời bể vậy.
Chúng ta ai cũng muốn con cái mình sau này đều ngoan hiền, dễ thương và có tương tai tốt đẹp. Những điều này chẳng phải chỉ mong cầu suông mà được, tất phải cần có sự giáo dục và giúp đỡ của cha mẹ. Đào tạo một con người từ sơ sanh đến trưởng thành thông thường phải trải qua bốn trường lớp hay bốn nền giáo dục: 1.- gia đình giáo dục; 2.- học đường giáo dục ; 3.- xã hội giáo dục ; 4.- tôn giáo giáo dục. Tuần tự theo thứ lớp thì gia đình giáo dục là điều tiên quyết, bởi trẻ chào đời và trực tiếp đón nhận sự giáo dục của gia đình là trước hết. Vậy thì gia đình giáo dục đóng vai trò hết sức quan trọng cho sự thành bại của một con người. Tục ngữ có câu: sai một ly là đi một dặm. Cho nên nền tảng gia đình giáo dục là căn bản của căn bản, là nền tảng sâu đậm nhất của trẻ xuyên suốt cả cuộc đời. nên khi dạy trẻ không thể không cẩn thận. Do bài viết có hạn không thể phân tích kỹ lưỡng. Đi sâu hơn chút nữa, chúng ta phải nói đến cá tánh riêng của bậc làm cha mẹ đã được giáo dưỡng như thế nào? thứ nữa là lúc hòa hợp tâm lý cùng tâm tình của họ ra sao? Và điều quan trọng hơn nữa là thời kỳ thai nhi giáo dục. Xuyên suốt mười tháng thì tâm lý và sức khỏe của người mẹ phải ổn định vui vẻ. Người xưa quan niệm: muốn con cháu mình tương lai dễ thương thì trong lúc đang mang thai nhất định chớ để bà mẹ có những tâm lý sầu khổ buồn lo, cho đến sanh lòng bực dọc, mà phải luôn làm sao tìm cách giúp cho bà mẹ được tươi vui, lành mạnh, sức khỏe kiện khang và hằng ngày thường có nhiều thời gian để tâm tình cùng dạy dỗ thai nhi. Vẫn biết với xã hội hiện tại quá phức tạp, và nhất là đất nước phương tây quá ư nặng về chạy đua vật chất này lại thêm nhiều chướng nạn. Đây quả thật là một điều bất hạnh, và cũng là xu hướng và đà xuống dốc đạo đức con người sắp đi đến cùng cực vậy. Nay chỉ nói đến những ai còn có lòng và biết nghĩ đến tương lai của con mình, nhất là những đôi vợ chồng son nên học hỏi một ít kinh nghiệm của các bậc đi trước và nên tìm đọc những sách giáo khoa lành mạnh về việc sanh nuôi dạy trẻ. Còn việc sau khi cho trẻ ra đời thì Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện dạy rõ: “Nội trong bảy ngày, sớm vì đứa trẻ mới sanh ra đó mà tụng kinh điển không thể nghĩ bàn nầy, lại vì đứa trẻ mà niệm danh hiệu của ngài Địa Tạng Bồ-tát đủ một muôn biến. Được vậy thì đứa trẻ hoặc trai hay là gái mới sanh ra đó, nếu đời trước nó có gây lấy tội vạ chi cũng được thoát khỏi cả, nó sẽ an ổn vui vẻ dễ nuôi, lại thêm được sống lâu. Còn như nó là đứa nương nơi phước lực mà thọ sanh, thì đời nó càng được an vui hơn cùng sống lâu hơn”.
Trở lại vấn đền bổn phận làm con, chúng ta không thể viện cớ để đỗ lỗi hết lên cho gia đình, xã hội hay hoàn cảnh đã đào tạo tôi trở thành con người như thế. Chúng ta phải biết phục thiện. Hồi còn nhỏ, thân phụ của chúng tôi hay nhắc đi nhắc lại câu: “làm người phải biết phục thiện.” Lúc tuổi còn trẻ, tánh tình xốc nổi, nghe nhiều phát chán vì chẳng hiểu gì, đến nay phải trải qua hơn hai mươi năm va chạm với cuộc đời mới thể nghiệm được cái giá trị bên trong của nó. Làm người mà không biết phục thì là thứ bỏ đi. Bởi không phục thiện tức không thể hay không chịu học theo lời hay lẽ phải, không tiếp nhận sự giáo dục, chỉ thích làm càn bướng theo tánh khí phiền não của mình. Kết quả gặt được nhất định phải đắng cay. Phàm là người chung quy rồi ai cũng phải học cả. Người khôn lanh trí tuệ thì sẽ chụp lấy cơ hội học hỏi và tập tành theo khi hoàn cảnh và sức khỏe còn tốt. Kẻ cố chấp hơn chút thì phải đợi đến khi u đầu chảy máu rồi mới chịu tỉnh ngộ, họ sẽ phải ở trong hoàn cảnh khổ đau mà học tập. Còn kẻ vô trí thì cho đến chết cũng không chịu phản tỉnh. Theo tinh thần Phật giáo thì hạng này cuối cùng rồi cũng phải học. Nhưng phải trải qua nhiều kiếp lâu xa trong khổ đau cùng cực mới chịu phản tỉnh, rồi mới chịu học hỏi theo. Cái giá phải trả thật quá đắt cho những bài học hết sức bình dị. Thật đau xót thay!
Trong nhân gian có bài hát rất quen thuộc được nhiều người biết đến. Mọi người thường hát cho nhau nghe, và cũng hát cho tự mình nghe, để ngâm nga, ca tụng và để thưởng thức âm điệu, cùng ý nghĩa thâm thúy bên trong của nó. Nhưng lại không có được nhiều người làm theo những gì bát hát đã nói, để khiến cho bài hát trở nên trống rỗng, hay trở thành niềm ân hận hay nuối tiếc cho những ai đến khi cha mẹ chẳng còn mới vỡ lẽ, thấm thía hiểu ra được thì đã muộn mất rồi “…Công đức sanh thành, người hỡi đừng quên…” chúng ta căn bản chẳng quên, chỉ do công việc hằng ngày bận rộn đâm ra không nhớ. Không chỉ riêng một lý do này mà còn nhiều lý do khác nữa, nhưng cho dù là lý do gì đi chăng nữa cũng không được phép quên mới đúng. Bởi tuy rằng chẳng quên nhưng trong cuộc sống đời thường lại không bao giờ nhớ thì cũng chẳng khác gì là đã quên… đã vậy, chẳng những tự mình không nhìn nhận sự thiếu sót của mình mà đôi lúc còn viện lấy đủ thứ lý do “thật chính đáng” để biện luận cho mình và lắm kẻ còn đòi hỏi ngược lại làm tệ hơn, đây là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến những người con bất hiếu. Nếu quý vị thật hiểu được lòng bao dung và tâm tình của những bà mẹ thì không lý do gì quý vị có thể quên công đức sinh thành.
Quý vị hãy nghe chuyện kể về tấm lòng của một bà mẹ thật cảm động. Bà có 3 người con trai, người nào cũng tài tuấn. Nhưng đến khi trưởng thành và lập gia thất thì mỗi người tùy theo phước duyên của mình mà có cuộc sống khác nhau. Ba người con đều hiếu thảo nên phân chia bổn phận lo chu cấp nuôi dưỡng mẹ già. Lúc đến sống với người con cả, do anh này khá giả nhất nên phụng dưỡng mẹ được chu đáo. Lúc đến ở với người con thứ hai, anh này do làm quan nên có tiền, có xe, lo lắng cũng hoàn toàn tốt đẹp. Đến người con thứ ba thì túng thiếu, nhưng anh ta vẫn cố gắng hiếu thảo trong khả năng của mình, nên không thể bổ dưỡng đầy đủ cho mẹ. Mỗi lần từ người con này đến người con kia bà mẹ đều được cân đo, xem ba cậu con trai lo cho mẹ có chu đáo không. Kết quả thì từ anh cả đến anh hai thì cân đo đều tốt, qua người con thứ ba muốn cân đo cho tốt bà mẹ phải bỏ một cục chì trong túi áo. Vì ở với cậu thứ ba nghèo thiếu nên bà ốm gầy, nhưng thương con, sợ các anh phàn nàn quở trách nên bà mẹ phải làm như thế. Từ đó trong nhân gian mới có câu “cha mẹ bù chì” là xuất phát từ tích truyện trên, để nói lên tấm lòng của người mẹ. Người mẹ suốt đời sẵn sàng bảo bọc, che chở cho con.
Chúng ta thường nói: Đạo hiếu là đạo Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật. Để làm rõ hơn nghĩa này, chúng ta hãy đi vào một trong nhiều câu chuyện mà đức Phật đã khai môn phương tiện dạy cho người sau về hạnh hiếu như trong Kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân. “Khi vua Tịnh Phạn lâm bệnh nặng. Ngài muốn thấy mặt các con một lần chót. Bấy giờ đức Phật ở tại thành Vương-xá cách chừng năm mươi do tuần. Phật mới bảo A-nan, Nan-đà và La-vân liền dùng thần túc mà về vương cung. Rồi ngài phóng hào quang sáng rực soi khắp thân phụ-vương thì bệnh tình được thuyên giảm chút ít; và Ngài lại lấy tay rờ lên trán phụ-vương mà an ủi rằng: phụ-vương là người tu tịnh giới, đã diệt sạch tâm phiền-não cấu nhiễm; nay phụ-vương nên vui mừng và nghĩ nhớ lời kinh pháp. Đức phụ-vương nghe nằm chắp tay đem tâm mà kính lễ! Liền lát sau ngài băng hà. Các Thích-tộc và triều đình lo việc tẩm liệm vào quan tài và đem quan tài tôn trí trên tòa sư tử. Đức Phật và ngài Nan-đà nghiêm chỉnh đứng trước linh xa; ngài A-nan và La-vân đứng sau linh xa. A-nan quỳ thưa Phật rằng: cho tôi xin gánh quan tài bá-phụ; La-vân cũng xin với Phật cho mình gánh quan tài ông nội. Đức Thế-tôn nói lời an ủi: con người sau nầy đều là hung bạo, bất hiếu chẳng biết trả ơn dưỡng dục của cha mẹ, ta vì chúng sanh bất hiếu ấy mà bày ra phương pháp để giáo hóa. Rồi Như-lai đích thân gánh quan tài phụ-vương và tự tay bưng lư hương đứng trước mà đi đến nơi Lăng-mộ! Đức Như-lai kiếp trước ở trong sanh tử, thời gian như vậy nhiều như số vi trần không thể nghĩ bàn được và trong hình loại tất cả chúng sanh chịu đủ mọi thân hình. Vì chịu nhiều thân hình nên tất cả chúng sanh đã từng làm cha mẹ đức Như-lai, và Như-lai cũng đã từng làm cha mẹ tất cả chúng sanh. Vì từng làm cha mẹ tất cả chúng sanh nên thường tu những khổ hạnh khó tu, hay bỏ những vật khó bỏ. Siêng tu tinh tấn, trì giới, bố-thí, đa văn, thiền định, trí huệ cho đến đầy đủ tất cả muôn hạnh, chẳng nghĩ chẳng thôi, tâm không mệt mỏi. Vì hiếu dưỡng cha mẹ, biết ơn trả đức nên ngày nay được chóng thành tự quả vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác”.
Lời nói của Phật là ngôn giáo, mà đời sống của đức Phật chính là thân giáo. Thân giáo quan trọng hơn tất cả. Có nhiều việc mình nói người khác không tin hiểu nhưng khi mình hành động thì sẽ cảm hóa được người khác. Cho nên dạy con cái, phần thân giáo không thể thiếu. Sự thành bại tương lai của con cái về sau được đặt để trên nền tảng căn bản của gia đình giáo dục, mà trực tiếp không ai hơn hết là bậc làm cha mẹ. Khi vào học đường biết chăm chỉ học hành, làm người học trò giỏi là do việc dạy con ngoan nên không bị bạn bè xấu rủ rê lôi kéo. Lớn lên bước vào trường lớp giáo dục của xã hội, không bị các thành phần xấu, những ô nhiễm của lợi danh mê hoặc cũng nhờ vào công gia đình giáo dục vững chắc. Cả cuộc đời có được nếp sống chơn thiện mỹ tuệ thảy đều quy về công ơn giáo dưỡng ban đầu của bậc làm cha mẹ. Thế mới biết được, ơn nghĩa sanh thành dưỡng dục của cha mẹ còn hơn trời cao biển rộng sông dài, không chi đền đáp đặng. Nói chi đến công ơn thầy tổ khi bước vào ngưỡng cửa của tôn giáo giáo dục. Nên Kinh Bất Tư Nghì Quang nói: Cung phụng đồ ăn uống và châu báu chưa đủ trả được ơn cha mẹ. Hướng dẫn cha mẹ xoay về chánh pháp mới là báo hiếu.
Hy vọng bài viết ngắn ngủi này có thể mang lại một chút gì cho những ai đọc được nó, tự mình phản tỉnh, thầm hỏi lại mình đã làm được gì cho mình để thoả mãn được kỳ vọng của cha mẹ! Mình đã làm được gì giúp cho cha mẹ có được cuộc sống thoải mái ổn định! Và mình đã sống ra sao có khiến cho cha mẹ không lo lắng cho mình chăng? Hơn thế nữa là mình đã làm được gì khiến cho cha mẹ vui lòng chăng? Những điều trên đây nếu hay làm được thì quả thật là xứng đáng người con hiếu thảo. Thực tế hơn một chút, Kinh Lễ Lục Phương nói con thờ cha mẹ phải có năm điều:
- Phải lo sanh kế.
- Dậy sớm sai khiến tôi tớ lo làm cơm nước cho kịp thời.
- Chẳng nên làm cha mẹ lo thêm.
- Phải nhớ ơn cha mẹ.
- Khi cha mẹ có bệnh, phải lo sợ liền mời thầy chữa thuốc kịp thời.
Lại nữa, Kinh Thiện Sanh thì nói đạo làm con đối với cha mẹ có năm việc:
- Lo gia sự
- Lo trả nợ nần
- Phải hiểu lời dạy
- Cúng dường
- Làm sao cho cha mẹ vui
Nếu ai chưa từng làm thì hãy bắt đầu hôm nay và bây giờ, ai đã làm rồi mà chưa tròn thì cố gắng làm thêm nữa. Ai đã làm được rồi thì nên phát triển và khuyến tấn mọi người cùng thực hành hiếu đạo. Kinh Đại Tập nói: “Gặp đời không có Phật, nếu biết khéo phụng sự cha mẹ tức là phụng sự Phật vậy”. Nhưng cung dưỡng cha mẹ phải biết có ba việc: 1.- dưỡng phụ mẫu chi thân ; 2.- dưỡng phụ mẫu chi tâm ; 3.- dưỡng phụ mẫu chi chí. Dưỡng phụ mẫu chi thân là chăm lo sức khỏe, sớm tối thăm hầu, lo việc ăn uống nóng lạnh. Dưỡng phụ mẫu chi tâm là luôn để ý đến tâm tình của cha mẹ, luôn làm cho cha mẹ vui lòng và dưỡng phụ mẫu chi chí thì phải khéo biết thời khiến cho cha mẹ thoát ra biển khổ luân hồi. Học Phật Hành Nghĩa nói: người học Phật rồi thì mỗi khi thấy cha mẹ nên giữ thân ngồi ngay đứng thẳng. Thường niệm kệ rằng:
Hiếu sự phụ mẫu
Đương nguyện chúng sanh
Thiện sự ư Phật
Hộ dưỡng nhất thiết
tạm dịch:
Hạnh hiếu hầu cha mẹ
Nên nguyện cho chúng sanh
Khéo phụng sự chư Phật
Cung dưỡng giúp tất cả.
Lúc phải thời thì nên đem nhân duyên Phật-pháp ra mà trình bày. Luận Tỳ-na-da nói: “Nếu cha mẹ không tin, khuyên phát khởi lòng tin ; nếu chưa có giới pháp, khuyên thọ trì giới pháp ; nếu tánh tình bủn xỉn, khuyên tu hạnh bố-thí, nếu không trí tuệ, khiến kia tu trí huệ. Làm con được như thế, mới được gọi là trả ơn.”
Mong lắm thay!
– Giữa thu Đinh Hợi, tháng 8 năm 2007 –
Đạo làm con chớ hững hờ
Phải đem hiếu kính mà thờ từ nghiêm