Phát Bồ-đề Tâm

Ngày nay đại-chúng đồng-nghiệp trong Đạo-tràng đã cùng nhau rửa sạch tâm ô-uế rồi, thập-ác, trọng chướng không còn, nghiệp lụy đã hết, trong ngoài đều thanh-tịnh.  Thứ lại xin học các vị Bồ-tát tu-hành trực-đạo, công đức trí-huệ do đó mà sanh.  Bởi vậy, chư Phật thường khen ngợi sự phát tâm là Đạo-tràng, vì hay thành tựu được đạo quả vậy.

Nguyện xin đại-chúng đều nên kiên-tâm trì-chí, chớ tưởng sống lâu mà đợi ngày lậu-tận, chớ luống qua, sau ăn-năn không kịp.  Bây giờ đã cùng nhau gặp thời buổi tốt, ngày đêm chớ để phiền-não che lấp tâm tánh, phải nên nỗ lực phát tâm Bồ-đề.  Tâm Bồ-đề là tâm Phật, công đức trí huệ vô lượng, không thể nghĩ bàn… Giả sử lịch kiếp tu hành vô lượng phước đức, làm đủ hết thảy việc lành, không bằng một niệm phát tâm Bồ-đề trong muôn một.  Toán số thí dụ cũng không thể so lường được công đức phát tâm Bồ-đề. (trích chương: Phát Bồ-đề Tâm trong Lương Hoàng Sám Pháp)

*

*       *

Trong cuộc sống đời thường cũng như trong Phật pháp, có những danh từ được lặp lại nhiều lần, biến chúng trở thành quen thuộc khiến ta ngỡ rằng đã hiểu, thật ra chúng ta chỉ làm quen mà chưa biết rõ tường tận.  Phát Bồ-đề tâm! câu nói này ở trong nhà Phật thì hầu như chẳng còn ai xa lạ nữa.  Đôi khi còn dính chắc trên môi của mọi người;  bởi lẽ lúc có việc gì cần thì mình liền khuyên họ nên phát bồ-đề tâm ủng hộ, giúp đỡ, bố thí cúng dường.v.v.  Khi công việc hoàn thành rồi thì liền tán thán họ công đức vô lượng, khen tặng tột cùng… Hiện nay chúng ta ở vị trí phàm phu địa,  muốn phát tâm bồ-đề thì phải có năng lực hiểu biết mới phát được.  Mà phát tâm bồ-đề thì phải có đủ nhân duyên mới phát được, không phải tùy tiện lúc nào cũng phát được.   Cái mà quý vị thường gọi là phát Bồ-đề tâm đó chỉ là phát lòng lành, hành thiện chia xẻ mà thôi.  Không phải là phát Bồ-đề tâm đâu!  Phát Bồ-đề tâm là phát tâm làm Phật, phát tâm ra khỏi ba cõi sáu đường, mười pháp giới.  Nay chúng ta phải ở nơi địa vị phàm phu mà muốn phát Bồ-đề tâm thì phải thường hằng tâm nguyện, bởi phát tức là từ trong lòng mình phát nguyện ra chứ chẳng phải là từ bên ngoài mà được.  Vậy thì những chữ chúng ta dùng đó thật thỏa đáng chưa?  Chúng ta có nên dùng những câu nói như vậy để làm những việc như thế chăng?  Để khảo lược chuyện này, quý vị cùng chúng tôi đi tìm hiểu một chút về mấy chữ rất phổ thông này.

Cách nói phát bồ-đề tâm, phát tâm Bồ-đề hay phát lòng Bồ-đề thảy đều là một thứ.  Mà Bồ-đề là gì? Bồ-đề là tiếng dịch âm theo Hán ngữ từ chữ Bodhi, đọc theo âm tiếng Việt chúng ta thành là Bồ-đề.  Bồ-đề dịch nghĩa là giác, trí, tri đạo, tỉnh thức, giác ngộ.  Trí huệ đoạn tuyệt phiền não thế gian để thành tựu Niết-bàn, tức là trí giác ngộ mà Phật, Duyên giác, Thanh văn đã chứng được ở quả vị của mình.

Trong tiểu thừa, Bồ-đề là chứng được Tứ Diệu Đế, thoát ly khổ hải sanh tử.  Trong đại thừa, Bồ-đề được hiểu là trí huệ, nhận ra rằng không có sự sai khác giữa Niết-bàn và luân hồi. Bồ-đề là chứng được trí Bát-nhã, nhận ra Phật tính của chính mình hay của muôn loài, nhận ra tính Không của thế gian, nhận biết sự thật như nó là chân như.  Đại thừa phân biệt ra ba loại Bồ-đề: giác ngộ cho chính mình (sự giác ngộ của một vị A-la-hán), giải thoát cho chúng sanh (sự giác ngộ của một vị Bồ-tát) và giác ngộ hoàn toàn của một vị Phật.  Trong quan điểm này, mỗi trường phái Đại thừa lại có một cách giải thích khác nhau.

Bồ-đề tâm (菩提心) tiếng phạn là Bodhi-citta, dịch nghĩa là giác tâm.  Bồ-đề tâm gọi đủ là A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề; còn có những tên khác như: vô thượng chính chân đạo ý, vô thượng Bồ-đề tâm, vô thượng đạo tâm, vô thượng đạo ý, vô thượng tâm, đạo tâm, đạo niệm, đạo ý, giác ý.  Mới bắt đầu phát tâm gọi là sơ phát tâm, đem cái tâm cầu thành Phật;.  Tâm hướng về giác ngộ là một trong những thuật ngữ quan trọng của đại thừa.  Tâm là hạt giống sinh ra tất cả chư Phật, là ruộng tốt nuôi lớn tịnh pháp, sau khi phát khởi tâm này, siêng năng tinh tấn tu hành sẽ chóng được thành Phật. Lương Hoàng Sám Pháp nói:

Lại như có người chỉ làm việc phước đức chớ không phát tâm vô thượng Bồ-đề; người ấy cũng như kẻ cày ruộng không gieo giống.  Mầm mống đã không gieo thì làm sao có lúa thóc.   Vì lý do ấy nên phải phát tâm Bồ-đề để làm nhơn duyên cho việc chứng quả; trước là báo ơn chư Phật, sau là cứu vớt muôn loài.  Cho nên Phật khen ngợi các thiên-tử rằng:

Lành thay! Lành thay!  Như lời các ngươi nói là vì muốn lợi ích cho hết thảy chúng sanh.”  Phát tâm Bồ-đề là cách cúng dường lớn hơn tất cả.”

Thế nên biết Bồ-tát Đại thừa trước tiên cần phải phát khởi tâm rộng lớn, gọi là phát Bồ-đề tâm, phát tâm, phát ý. Theo cách định nghĩa của Phật giáo Tây Tạng thì Bồ-đề tâm có hai dạng tương đối và tuyệt đối.  Bồ-đề tâm tương đối lại được chia làm hai cấp bậc:

  1. Xuất phát từ lòng Từ Bi, hành giả quyết tâm giải thoát để cứu độ chúng sinh.
  2. Hành giả hành trì thiền định, mục đích đạt được phương tiện thiện xảo, để biến ước mơ thành hành động.

Còn Bồ-đề tuyệt đối chính là sự chứng ngộ được tánh Không của mọi hiện tượng.  Mỗi khi hành giả trực nhận được tánh Không thì tâm thức nội tại lúc ấy của họ chính là Bồ-đề tâm tuyệt đối.

Theo kinh Bồ-tát Địa Trì I, có bốn thứ duyên trợ giúp hành giả phát Bồ-đề tâm:

  1. Thấy nghe thần thông biến hoá bất khả tư nghị của Phật, Bồ-tát mà phát tâm.
  2. Tuy chưa thấy thần biến, nhưng được nghe nói về Bồ-đề và Bồ-tát Tạng mà phát tâm.
  3. Tuy chẳng nghe chính pháp, nhưng tự thấy tướng chính pháp diệt, vì muốn hộ trì chính pháp mà phát tâm.
  4. Chẳng thấy tướng chính pháp diệt, nhưng thấy chúng sinh bị phiền não trói buộc khó phát tâm được nên mình phát tâm.

Cho nên Phật kinh thuyết:

Lại nữa tâm Bồ-đề chỉ gặp thiện-tri-thức liền phát, vị tất phải gặp Phật xuất-thế.  Như ngài Văn-thù Sư-lợi Bồ-tát, lúc đầu hướng về Bồ-đề là nhờ gặp được nữ nhân mà phát.  Nhưng sơ tâm huệ thức không phải kẻ phàm phu, tâm chí hạ liệt mà phát được.  Phải là người có thật tâm khát ngưỡng đại thừa, tham cầu Phật-pháp, y theo kinh, xem thường thế sự, oán thân bình đẳng, lục đạo như nhau.  Nguyện cho hết thảy chúng sanh nhờ sự phát tâm ấy mà được giải thoát, đều đồng tín-giải.  Nên biết sự phát tâm không phải là việc nói chơi, hạng người tầm thường mà phát tâm được… 

Tịnh độ tông của phái Trấn Tây chia Bồ-đề tâm ra thành Bồ-đề tâm thánh đạo và Bồ-đề tâm tịnh độ môn.  Họ cho rằng Bồ-đề tâm là tổng an tâm, còn tam tâm (1. chính thành tâm, 2. Thâm tâm, 3. Hồi hướng phát nguyện tâm) là biệt an tâm, cho nên chủ trương cần phải phát Bồ-đề tâm. Tịnh Độ Chân Tông lại phân ra Tự lực Bồ-đề tâm và tha lực Bồ-đề tâm.  Trong đó, Phật dùng bản thệ nguyện cho chúng sinh tin ưa tức là tín tâm chân thật vì tâm nguyện làm Phật (tâm tự lợi nguyện thành Phật), tâm độ chúng sinh (tâm lợi tha tế độ tất cả chúng sinh), cho nên gọi là Tha lực Bồ-đề tâm, Tịnh độ đại Bồ-đề tâm.

Theo Đại Thừa Nghĩa Chương 9, có ba loại duyên:

  1. Tướng phát tâm: thấy tướng sinh tử và Niết-bàn, nên chán sinh tử và phát tâm cầu Niết-bàn.
  2. Tức tướng phát tâm: biết bản tính của sinh tử tịch diệt cùng Bát-nhã không khác, lìa tướng sai biệt mà khởi tâm bình đẳng.
  3. Chân phát tâm: biết bản tính của Bồ-đề là tự tâm, Bồ-đề tức tâm, tâm tức Bồ-đề mà quay về bản tâm của chính mình.

Luận Đại Trí Độ lại chia Bồ-đề ra năm loại:

  1. Phát Bồ-đề tâm: loại Bồ-đề của Bồ-tát ở giai vị Thập-tín phát tâm cầu Bồ-đề, tâm này là nhân đưa đến quả Bồ-đề.
  2. Phục tâm Bồ-đề: loại Bồ-đề của Bồ-tát ở giai vị Thập-trụ, Thập-hạnh, Thập hồi-hướng do thực hành các ba-la-mật, chế phục phiền não, hàng phục tâm mình.
  3. Minh tâm Bồ-đề: loại Bồ-đề của Bồ-tát ở giai vị Đăng-địa đã liễu ngộ Thật tướng các pháp rốt ráo thanh tịnh, tức là tướng Bát-nhã ba-la-mật.
  4. Xuất đáo Bồ-đề: loại Bồ-đề của Bồ-tát ở giai vị Bất động địa, thiện huệ địa, Pháp vân địa; vị này ở trong Bát-nhã ba-la-mật được sức phương tiện, không chấp trước Bát-nhã ba-la-mật, diệt trừ phiền não trói buộc mà ra khỏi ba cõi, đến Nhất thiết trí.
  5. Vô thượng Bồ-đề: Bồ-đề của đấng Đẳng giác, Diệu giác đã chứng thành A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề, tức giác trí của quả vị Phật.

Vô Lượng Thọ Kinh Tông Yếu thì lấy Tứ hoằng thệ nguyện làm Bồ-đề tâm: 1.- Tùy sự phát tâm: do sự việc cụ thể mà phát. 2.- Thuận lý phát tâm: do chân lý phổ thông mà phát.

Thiên Thai tông còn lập ra 3 nghĩa Bồ-đề:

  1. Thật tướng Bồ-đề (Vô thượng Bồ-đề): Ngộ được chân tánh Bồ-đề thuộc lý thật tướng, ứng với đức Pháp thân.
  2. Thật trí Bồ-đề (Thanh tịnh Bồ-đề): ngộ được trí huệ thuộc lý khế hợp, ứng với đức Bát-nhã.
  3. Phương tiện Bồ-đề (Cứu cánh Bồ-đề): ngộ được tác dụng tự tại giáo hoá chúng sanh, 1ưng với đức Giải thoát.

Theo luận Đại Thừa Khởi Tín, sự phát tâm lược có ba món:

  1. Tín hoàn toàn (Tín thành tựu) mà phát tâm.
  2. Hiểu và Tu (giải, hạnh) mà phát tâm.
  3. Chứng nhập chơn-như mà phát tâm.

Trong Tín thành tựu mà phát tâm, có chỗ hỏi rằng: – Phải là người thế nào và nhờ tu hạnh gì để thành tựu vị Thập-tín, mới phát tâm được? Đáp: – những chúng sanh bất định, nhờ sức căn lành huân tập, đời trước làm cho họ tin nhơn quả, nên nhàm khổ sanh tử, phát tâm tu thập-thiện, để cầu đạo vô thượng Bồ-đề.  Nhờ được đích thân hầu hạ, cúng dường chư Phật và tu hành trải qua muôn kiếp, nên họ mới đặng thành tựu tín tâm.  Do nhơn duyên đó nên được gặp Phật, Bồ-tát dạy mà họ phát tâm; hoặc vì lòng đại bi mà họ tụ phát tâm ; hoặc vì thấy chánh pháp sắp diệt mà muốn duy trì nên họ tự phát tâm.  Những người như thế, được vào hàng chánh định, trọn không thối chuyển.  Có những chúng sanh, từ hồi nào đến giờ, căn lành mỏng ít, phiền não sâu dày, tuy cũng gặp Phật cúng dường, song chỉ cầu phước báo cõi nhơn thiên, hoặc tu theo nhị-thừa, hoặc họ có cầu pháp đại-thừa, nhưng căn tánh chẳng quyết định, tấn thối không chừng ; hoặc họ cúng dường chư Phật mà chưa đấy một vạn kiếp.  Những hạng người này cũng gặp nhơn duyên lành để phát tâm (như thấy sắc tướng của chư Phật mà phát tâm, hoặc nhơn cúng dường chư Tăng mà phát tâm, hoặc nhơn gặp hàng Nhị-thừa dạy bảo mà họ phát tâm, hoặc học với thầy bạn mà phát tâm).  Nhưng các loại phát tâm này, đều chẳng nhứt định, nếu gặp hoàn cảnh  xấu ngược thì họ thối tâm, hoặc đọa vào Nhị-thừa.

Tóm lại, khi tín tâm đã thành tựu, thì phát ba món tâm như sau:

  1. Trực tâm: nghĩa là tâm trực niệm chơn như.
  2. Thâm-tâm: nghĩa là tâm ưa làm các việc lành.
  3. Đại bi tâm: nghĩa là tâm muốn cứu khổ các chúng sanh.

Bồ-đề Tâm Luận thì lập ra bốn loại phát tâm:

  1. Tín tâm: tâm không có chút nghi ngờ đối với việc cầu thành Phật đạo, vì đây là nền tảng của muôn hạnh, nên gọi là bạch tịnh tín tâm.
  2. Đại bi tâm: sau khi phát bạch tịnh tín tâm rồi thì phát tứ hoằng thệ nguyện.  Đại bi tâm này còn gọi là hạnh nguyện tâm, hạnh nguyện Bồ-đề tâm.
  3. Thắng nghĩa tâm: chọn lựa sự chân thật thù thắng trong các giáo pháp.   Thắng nghĩa tâm này còn gọi là thắng Bát-nhã tâm, thắng nghĩa Bồ-đề tâm.
  4. Đại Bồ-đề tâm: ngay lúc quyết định bỏ cái kém liệt, chọn cái thù thắng, mười phương chư Phật liền hiện ra trước mắt chứng minh, chúng ma thấy việc nầy đều khiếp sợ mà thoái lui.  Đại Bồ-đề tâm này còn gọi là Tam-ma-địa Bồ-đề tâm.

Phật dạy: “công-đức phát tâm rất rộng lớn sâu xa, không thể so lường.  Chư Phật và Bồ-tát nói cũng không thể hết.  Thiện-lực như vậy, vô lượng vô biên không thể nghĩ bàn.”

Sáng nay trong lúc trì đại bi chú, chúng tôi đột nhiên nhận ra rằng mình làm muôn việc âu cũng chỉ vì một chuyện này thôi.  Trước kia mỗi lần trì chú thường nghĩ đến oai lực của câu thần chú, sẽ giúp năng lực cho mình, đạt được thần thông, chỉ mong cầu những cái huyền bí.  Nhân duyên hôm qua đọc cuốn Đại Bi Chú giảng giải của hòa thượng Tuyên Hóa mới biết được.  Mỗi câu mỗi lời thảy đều là nói lên, bản thể, chân tướng, diệu dụng của Bồ-đề tâm.

Kinh Pháp Hoa nói:  Chư Phật ra đời cũng chỉ vì một đại sự nhân duyên, vì muốn chúng sanh tỏ ngộ khai nhập Phật tri kiến, mà tri kiến tức là Bồ-đề tâm.  Cho nên chẳng chi chẳng phải là Bồ-đề tâm.  Trì chú không phải để phát huy năng lực thần bí, mà tiêu trừ nghiệp chướng để bảo trì việc này thôi.  Tọa thiền cũng là an định lại việc này.  Tụng kinh để tăng trưởng lý giải chỉ vì việc này.  Làm bao nhiêu điều phước thiện cũng vì hỗ trợ cho việc này.  Phật trọn đời lao nhọc đi khắp nơi hoằng truyền phật pháp cũng chính là việc này.  Đem cái sơ phát tâm Bồ-đề đạt đến cứu cánh viên mãn Bồ-đề tâm.

Bây giờ chúng ta điểm sơ qua những hành trạng của chư Tổ, trong Pháp Bảo Đàn Kinh cảnh ngộ của Lục Tổ Huệ Năng bị Hạnh Xương đến hành thích, Tổ biết trước không những không giận trách còn đem vàng trao cho và hứa về sau sẽ độ cho người.  Ngài Hám Sơn trong Đường Mây Trong Cõi Mộng bị Vua hiềm khích mà đày đi biên ải, còn bắt hoàn tục.  Nhưng ngài vẫn một lòng hành đạo cho đến ngày được ân xá mà tâm ngài không hề có niệm oán trách.  Hư Vân Đại Lão hòa-thượng trong thời cận đại bị chính phủ hiềm nghi, đánh đập, hành hạ nhưng ngài vẫn một lòng hướng Phật không thề than oán.  Đến như cảnh giới của hàng Bồ-tát thì khỏi phải nói, như Bồ-tát Thường Bất Khinh trong kinh Pháp Hoa khi bị người đánh mắng ngài không những không giận mà còn chạy ra xa lớn tiếng kêu rằng: tôi chẳng dám khinh các ngài, các ngài đều sẽ thành Phật.  Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba-la-mật có đoạn nói về chuyện vua Ca-lợi vì nóng giận và ghen tức với vị tiên nhẫn nhục.  Nên đã dùng gươm cắt tiết vị tiên nhẫn nhục ra từng phần. Nhưng vị tiên nhẫn nhục vẫn một lòng chịu đựng, không chút giận hờn còn phát nguyện: ngày tôi thành chánh giác người đầu tiên tôi độ là ông.  Và lời nói hùng hồn đó đã chứng thật.  Khi đức Thích-ca Mâu-ni Phật là đạo người đầu tiên ngài độ là A-nhã Kiều-trần-như, mà tiền thân là Ca-lợi-vương, còn vị tiên nhẫn nhục kia chính là tiền thân của Phật.  Tích truyện nầy được tả rõ trong Kinh Đại Bát Niết-bàn ở Phẩm Sư-tử-hống Bồ-tát.  Với những hoàn cảnh khắc nghiệt như thế, các ngài nương vào đâu để vượt qua được?  đâu không phải là do nguyện lực của phát Bồ-đề tâm!

Theo thứ lớp tuần tự để Phát Bồ-đề tâm trong Lương Hoàng Sám Pháp thì trước hết phải hành đại sám hối, sửa lỗi cải quá khiến thân tâm thanh tịnh rồi mới phát được Bồ-đề tâm.  Nếu không vậy thì phát Bồ-đề tâm kia chỉ là hư ngụy giả tạo, không chứng thực. Sau khi phát Bồ-đề tâm rồi thì phải Phát Nguyện.  Phát nguyện tức là phải hành theo, làm những Phật, Bồ-tát dạy bảo, mình phải nguyện làm bao nhiêu công đức lành để đạt đến tuyệt đối Bồ-đề tâm.  Muốn thành tựu rốt ráo viên mãn tâm Bồ-đề còn phải Phát-tâm hồi-hướng, tức là đồng cầu hết thảy chúng sanh được như mình không khác.  Nếu còn thấy mình và chúng sanh là khác, chỉ riêng mình đắc độ thôi thì Bồ-đề tâm kia không trọn nên vậy.

Phát Bồ-đề tâm! một khi phát lên thì cả tam thiên đại thiên đều chấn động, chẳng phải việc thường.  Chúng ta mỗi khi phát tâm lành trời đất đều hoan ca, chúng ta phát tâm ác cả Diêm vương kia còn nổi giận, chẳng phải chuyện thường.  Quý vị có dịp xem kinh Diệt Tội Trường Thọ sẽ thấy được tường tận hơn.  Đừng nghĩ rằng việc làm riêng ta thì dù là thiện ác, hay tốt xấu chẳng quan hệ đến ai.  Tôi có sống chết chẳng có sao cả!  không phải như thế đâu.  Chỉ đơn cử chuyện hôn nhân gia đình thôi.  Chuyện hôn nhân không phải là chuyện cá nhân của giữa hai người đâu, mà cả một gia đình, một xã hội, ảnh hưởng đến cả thế giới.  Vì vậy mà ngày xưa việc chọn bạn trăm năm cho con cái ông bà mình đắn đo suy xét rất cẩn thận, thế mà còn không được trọn lành thay.  Ngày nay tự do luyến ái, thương nhau.  Nên thế giới ngày một tệ cũng chính bởi vì lý do này.  Vì sao?  cuộc sống của họ không ổn định, gia đình trở ngại buồn lo.  Công việc ở công ty của họ cũng bị ảnh hưởng.  tức xã hội có vấn đề.  Sanh con ra, gia đình không hòa thuận thì biến thành sinh ly.  Từ đó nảy sinh không biết bao nhiêu điều phiền phức, con cái họ lớn lên không người nuôi dưỡng, giáo dục tạo thành đứa côn đồ, làm bao nhiêu là việc… rồi từ đó gây nên không biết bao nhiêu việc rắc rối về sau nữa.   Ở đây do vì bài viết có hạn, chỉ thoáng sơ chuyện hôn nhân thôi… nói kỹ ra ắt cả bài viết nho nhỏ này cũng không đủ.  Hà huống chi nói chuyện phát Bồ-đề tâm, là phát đại tâm, hành đại nguyện, thành đại nhân.

Để thực tế hơn, chúng tôi xin thuật lại một câu chuyện người Phật-tử chân chính thời nay được kể lại trong bài diễn văn của Chánh án Nguyễn Trọng Nho trong buổi đại lễ Phật Đản Pl.2550 tại chùa Bảo Quang – California, do chính ông ta đứng ra xử án từ bốn năm trước.

*

*        *

Một người đàn bà trông dáng vẻ gầy gò, sắc mặt hãy còn xanh xám trông chừng y như một người đang bệnh.  Bà ta đang đứng trước tòa với một vết sẹo lớn bị dao chém dài từ thái dương gần đến mang tai. Vết sẹo xem ra còn rất mới, hãy còn chưa lành hẳn, đường chỉ may vẫn còn lồ lộ chưa cắt.  Quan viên tố tụng bước đến gần hỏi bà ta:

– Bà hãy nhìn kỹ người đàn ông đang đứng kia, có phải là người đã âm mưu sát hại bà chăng?

Người đàn bà đưa mắt nhìn người đàn ông hồi lâu, đôi dòng lệ từ từ ứa ra rồi chầm chậm quay lại thưa với viên quan tố tụng rằng:

– Thưa quan toà, không! Ông ta không phải là người âm mưu giết tôi.  Lúc bấy giờ tôi bị bệnh, cảm thấy vô phương cứu chữa nên nhờ ông ta giúp tôi thôi.

Mọi người đang hiện diện trong phiên tòa đều ngẩn người. Quan chánh án nhìn xuống tập hồ sơ, lật lại những lời khai và những tang chứng đã gây án của phạm nhân. Nhưng khi nghe đến câu trả lời của nạn nhân, ông ta cũng giật mình như không còn dám tin vào tai của mình nữa.  Quan chánh án nhìn kỹ lại người đàn bà, thấy bà ta tuy có vẻ bệnh hoạn thật nhưng tinh thần thì rất bình thường, sáng suốt.  Và lời nói chẳng có mang âm hưởng gì là bị áp bức đe dọa, hay tráo trở cỡn bợt chút nào, vì chẳng ai dám đứng trước tòa mà có tư cách đó bao giờ.  Ông Chánh-án định thần thấy trước ngực người đàn, trên cổ có đeo tượng đức Quán Thế Âm Bồ-tát, mới biết lời nói kia là thật, thật một cách không chê vào đâu được. Ông nhận ra rằng người đang đứng kia là hiện hữu của một lòng từ bi cực độ, một dáng dấp thân quen là hóa thân của đức Quan Thế Âm Bồ-tát.  Bà đã thể hiện được những gì mà Phật, Bồ-tát đã giáo hóa.  Bà thật sự đã làm được một phật-tử chân chánh, thuần thành đúng nghĩa.

Bấy giờ Quan chánh án thể hội được hành động vô cùng cao quý đó nên ông xúc động mạnh.  Ông nhìn lại phạm nhân rồi chầm chậm đưa mắt nhìn khắp phiên tòa, một nơi mà cảnh vật thật chẳng còn lạ lùng gì đối với ông nữa, nhưng hôm nay ông thấy đâu đâu cũng hiển hiện bóng hình của Quán Thế Âm Bồ-tát.  Bởi ông đã hiểu được người đàn bà đang hiện diện trước mặt ông đây là hiện thân tấm lòng từ bi của Bồ-tát, trong mắt người đã không còn nhìn thấy kẻ thù của mình, mà ai ai cũng đều là những con người thật đáng thương, đáng được cứu giúp…

*        *

*

Hy vọng quý vị đọc đến chuyện này, học theo đức hạnh cao quý của họ.  Đồng phát tâm dõng mãnh xả bỏ hận thù, nuôi dưỡng tánh đức thiện lương, khởi lòng từ bi hành thiện hạnh, phát Bồ-đề tâm.  Chúng ta cùng nhau ngồi lại chỉnh đốn đạo tràng, phát huy đạo pháp.  Nắm tay nhau một lòng hướng đến chân thiện mỹ tuệ, xây đắp cõi Ta-bà nhiều khổ lụy này thành Nhân gian Tịnh-độ.  Ôi! như thế thì còn gì hạnh phúc bằng!  Mong lắm thay!

Xin mọi người đồng niệm bài Phát tâm hồi hướng trong Lương Hoàng Sám Pháp:

“Nguyện xin mười phương tận hư-không giới vô lượng vô biên chư Phật, chư đại Bồ-tát, và hết thảy Hiền Thánh đều đem lòng từ-bi, đồng gia tâm che chở phù hộ cứu vớt chúng con, và chúng sanh, cho chúng con được mãn nguyện, tín tâm được kiên cố, phước đức ngày một cao dày, có từ tâm, nuôi dưỡng chúng sanh như nuôi đứa con một. 

Khiến các chúng sanh ấy được bốn vô lượng tâm, sáu ba-la-mật, thập thọ tu thiền, tâm nguyện đầy đủ, móng tâm liền được thấy Phật như bà Thắng-man phu nhơn.   Hết thảy hạnh nguyện hoàn toàn thành tựu, đồng như chư Phật, đồng đến Đạo-tràng, thành bậc Chánh-giác.”

– Đầu hè Bính Tuất, tháng 5 năm 2006 –

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s