Thiện Ác Đời Sau

Thời đại bây giờ mà còn nói chuyện nhân quả luân hồi, thiện ác nghiệp báo… nghe xưa như quả đất!!!

– Ậy!!!  tuy là thế ! nhưng chuyện này lại mầu nhiệm huyền bí vô cùng, lắm lúc xưa như trái đất thật, nhưng lắm lúc lại mới mẻ vô cùng. Nó mới tinh và ngỡ ngàng y như ngày nao, cái ngày đầu hẹn hò gặp gỡ người yêu đầu đời của quý vị vậy ấy – rất khẩn trương, rất hồi hộp mà cũng rất ư là e lệ… Tất cả quý vị đều đã biết rất rõ chỉ là gặp một người khác phái thôi mà, thật sự là đâu có gì… thế mà vẫn cứ rất khẩn trương, thận trọng lại e dè khi tìm và gặp người yêu đầu tiên của quý vị.  Thưa có đúng không ạ? Thuyết nhân quả luân hồi cũng lại như vậy!

Hôm nay rằm tháng bảy là ngày xá tội vong nhân, ngày mà các vong linh trong cõi u minh được thoát tội, được đi đầu thai, được trở lại làm người hay làm một thứ thân mạng gì đó rất mới mẻ, rất ngỡ ngàng khi ngày đầu bước vào thế giới của họ.  Nhưng đó có phải là lần đầu tiên họ đến thế giới này không?  Hay đã bao lần lên xuống ra vào ba cõi sáu đường đã từ vô lượng kiếp.  Vậy mà mỗi lần tái sinh lại làm như rất mới, mở mắt chào đời nhìn thế giới hết sức lạ lùng, bỡ ngỡ…

*

*      *

Trong truyện dài “Tu Bụi” của Trần Kiêm Đoàn, chương 26: Bờ Bên Kia có kể một chuyện rất hay về mẫu chuyện hành đạo của người trong cửa Phật và những người thế tục tu hành.   Vì là chuyện dài nên chúng tôi chỉ xin tóm gọn những ý chính.  Quan thượng thư Lê Trung Ẩn cố tìm cách thuyết phục Phạm Xảo trở lại triều-chính nên đã kể lại mẩu chuyện ẩn dụ về thủa xa xưa.

Chuyện kể về hai huynh đệ Trí Quang và Trí Minh  sau mười lăm năm dài tu học, sư phụ dạy họ nên cùng nhau xuống núi hành đạo.  Trong phút quyến luyến chia tay, vị ân sư dặn dò: “cuộc đời thật dưới kia không phải là cảnh trời, mà cũng chẳng phải là địa ngục.  Hai con đã học chín những lời dạy tinh yếu nhất của ba tạng kinh điển.  Nay phải xuống núi giúp đời là việc phải làm.  Nếu chỉ lo tu trên núi để cầu mong giải thoát cho riêng mình như thầy là điều rất khó đạt vì nợ nần chúng sanh là món nợ trùng trùng ân tình, ơn nghĩa dễ vaymà khó trả.  Chưa trả sạch nợ thì nghiệp chưa giải hết, làm sao buông tay, quay mặt với đời để giải thoát một mình… trong các món nợ thì nợ mình là lớn nhất.  Cái tôi càng nhỏ, nợ nần càng ít.  Tâm không, vô ngã là hết nợ.”  Trở về lại với đời thường, Trí Quang tin rằng,  nuôi được tâm không, vắng lặng giữa chốn bụi đời phiền trược mới thật là tịnh tâm và tịch diệt được mọi ham muốn ở đời.  Nghĩ vậy nên Trí Quang suốt ngày lê la sống giữa chợ, mỉm cười bất chấp những điều tục lụy khen chê.  Riêng phần Trí Minh thì hoàn toàn ngược lại, nghĩ rằng bồ-tát hạnh không xa thế gian một mảy may nên lặng lẽ vào đời để sống như mọi người.  Trí Minh làm ăn trở nên giàu lớn và lấy vợ sinh con, có đủ thê thiếp, kẻ ăn, người ở đầy nhà.  Mười năm sau, Trí Minh chạnh nhớ người huynh đệ nên cho người tìm và mời về nhà mình.  Khi Trí Quang đến nhà thấy dinh thự đồ sộ của Trí Minh thì ngẩn người choáng ngợp; nghĩ rằng huynh đệ của mình đã quên lời Thầy dặn, tham luyến giữa đời liền xách gậy đập vỡ hết những thứ quý giá sang trọng trong nhà, lại còn rượt đánh người nhà của Trí Minh chạy tán loạn.  Xong rồi trừng mắt hùng hổ vung gậy lên trước mặt Trí Minh, nhưng bắt gặp ánh mắt trong ngần mát lạnh, thân ái của Trí Minh đang nhìn mình.  Gậy trong tay Trí Quang rơi xuống, họ không ai nói một lời nào, đồng dang tay chạy ào đến ôm nhau…  Trí Quang cất tiếng thở dài: “Đứng lại giữa đời mà lạc đường! hèn gì Thầy mình phải vào sâu trong núi…”  Trí Minh an ủi: “Mọi vật đều biến đổi trong từng khắc.  Có gì đứng lại được đâu.  Cho nên tự mình đứng lại cũng có nghĩa là đang bị xô đi.  Đã biết phút trước không còn, phút sau chưa đến thì có gì để  bám víu và bám víu để  làm gì chứ!”

Kể xong câu chuyện, Lê Trung Ẩn kết luận cho rằng huynh đệ của họ đều bị dính mắc.  Trí Quang khinh bỉ quay lưng hay nóng nảy đập phá thế giới vật chất mà anh ta coi như là “có”, là kẻ thù của vô ngã.  Trí Minh thì tự cho mình đã vượt ra khỏi vòng câu chấp, ôm trọn đời sống vật chất trong tay nhưng quay lại đánh đổ và coi thường nó như một phủ nhận hiện hữu với tâm trạng thỏa mãn của một người “giác ngộ.”  Sự giác ngộ dễ dãi và ngây thơ của người chỉ thấy tượng Phật trong chùa mà không thấy tánh Phật quanh ta…

Phạm Xảo thì góp ý một cách lơ lửng:

– Biết đâu vậy mà hai anh em ấy lại cảm thấy an lạc và hạnh phúc hơn tất cả chúng ta bây giờ.

– Tại sao tướng quân lại suy diễn như thế?

– Vì tất cả chỉ là phương tiện tạm thời để đi đến cái đích.  Ấy là hạnh phúc.  Sống là phương tiện.  Thân xác nầy là phương tiện.  Tu bụi hay tu đạo cũng chỉ là phương tiện.  Qua những thay đổi, thăng trầm bên ngoài mà có người cho là “dâu bể” thì hạnh phúc nhất là tìm được ra nhau.  Trí Quang và Trí Minh tìm ra nhau, ôm lấy nhau sau những đổ vỡ tang thương.  Ấy là hạnh phúc.

Câu chuyện được tiếp diễn và kéo dài qua một khúc quanh.  Những oan trái thường theo danh mà đến, bám lợi mà vào, nương theo lòng ham muốn mà đi.   Riêng Phạm Xảo sống đời lặng lẽ như chiếc bóng trong Thái Ấp.  Cho đến một hôm, Quan Tổng Đốc Trần Minh tìm đến  nhà.  Ông đã ôm mối hận đi tìm kẻ thù giết cha mẹ mình và ôm ấp một hoài niệm đi tìm lại ân nhân đã cứu mình và cấp dưỡng mình trưởng thành cho đến khi ra làm quan.  Hôm nay ông đã tìm đến gặp lão tướng Phạm Xảo.  Họ đều là những tướng quân chỉ khác thế hệ.  Và bây giờ giữa có một mối thù bất cộng đới thiên, nhưng Phạm Xảo không chịu động đến đao kiếm.  Nên Trần Minh đành dùng chiến tranh lạnh, đấu pháp họ phải đối mặt bây giờ là giao đấu bằng cách ngồi bất động và lặng thinh.  Trần Minh cắm kiếm bên bàn đá và ra điều kiện người nào bị ngã ngục trước thì người kia sẽ cắt đi đầu của họ và coi như oán thù này được giải quyết.  Xem ra cuộc chiến thì rất êm ả nhưng chỉ có họ mới hiểu được cam go ở trong đó.  Thời gian chầm chậm trôi đi, nhưng nội tâm của họ bắt đầu vực dậy, cuộn trào lên bao nhiêu thứ đòi hỏi rất bình phàm của loài người, nhưng họ mỗi người tự biết mình cần phải làm gì nên chỉ còn nước cắn răng chịu đựng.  Với tuổi trẻ nóng nảy, năng động của Trần Minh thì chắc hẳn sẽ thua xa bản lãnh âm trầm chịu đựng của Phạm Xảo.  Tiếp diễn cho đến rạng ngày thứ hai, khi ánh nắng đầu rải đều trên mặt đất cũng chính là lúc Phạm Xảo tiếp xúc được với tâm linh, sống lại với cái chân thật của mình.  Nên ông xốc kiếm đứng lên đi sát đến bờ tường vôi trắng xóa, một nhát kiếm hoa lên, một ngón tay bị đứt lìa, máu! Máu biến thành màu mực son uốn lượn những nét đại tự cuồng thảo.  Mực son vừa cạn kiệt, một nhác kiếm hoa lên, một ngón tay lại rơi xuống, động tác đẹp mắt đau lòng ấy tái tiếp diễn cho đến lúc trên tường vôi hiện toàn bày bài thần chú Bát-nhã: “Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ-đề tát bà-ha”, nghĩa là vượt qua, vượt qua, hãy vượt qua bờ bên kia.  Bài chú vừa kết thúc cũng là lúc thân hình của Phạm Xảo biến thành một cái xác không hồn.  Chính ngay lúc ấy, Trần Minh cũng như choàng tỉnh sau cơn ác mộng đưa tay vào ngực áo lôi ra tấm vải gấm vàng đã cũ với những giòng chữ cuồng thảo màu son viết bài Kinh Bát Nhã đã bị xét mất đi đoạn cuối.  Những nét chữ cuồng thảo thật giống nhau, chỉ khác chăng dòng chữ trên tường chính là phần cuối của tấm vải vàng đã bị xét đi.  Đấy là vật duy nhất để cho Trần Minh đi tìm và nhận biết ân nhân của mình mà bà Vãi ở chùa đã trao cho trước khi nhắm mắt.  Trần Minh xiết chặt mảnh gấm vàng và khóc vùi dưới chân của Phạm Xảo.  Ông nói lời đủ cho mình và cả ba ngàn thế giới cùng nghe: “Mẹ ơi!  Cha ơi! Ân nhân ơi! ước chi con gần được những trái tim của mẹ, của cha, của người ân từ ngày còn bé để con biết khóc như hôm nay trước khi con biết hận thù!”

Câu chuyện trên tình cảnh khúc chiết, chúng tôi chỉ sơ lược vài dòng để quý vị nắm phần chính yếu.  Một người khi đã liễu giải được nhân quả, tiếp xúc được chính mình sẽ tự biết phải làm gì để cởi mở vòng nghiệp báo luân hồi.  Vấn đề hôm nay chúng tôi muốn bàn đến cũng chỉ là chuyện Thiện Ác Nghiệp Báo.  Bởi có phật-tử đưa ra vấn đề thế này:  Kiếp này con làm điều thiện, mà con sợ kiếp sau con sẽ làm điều ác thì có cách nào chắc chắn con có thể làm việc thiện trong tất cả các kiếp về sau của con không?

Đây là một vấn đề rất nan giải.  Vì sao? Trong kinh Phật nói:  “Bồ-tát còn mê khi cách ấm”, nghĩa là khi nhập thai và sanh ra đời khác, hàng Bồ-tát hãy còn mê muội khi chuyển sanh, hà huống chúng ta là phàm phu trong hạng phàm phu.  Làm sao có thể giữ được?  Chỉ có một cách là tu thôi, mà phải tu làm sao chứng đến bậc thánh mới được.  Hiện giờ chúng ta đang trong địa vị phàm phu thì cũng phải chiếu theo bốn quy tắc căn bản của Ấn Quang đại sư  sau đây:

  1. Tồn hảo tâm: luôn giữ tâm niệm thuần thiện.
  2. Thuyết hảo thoại: luôn nói lời thật ngữ tốt lành.
  3. Tố hảo sự: luôn hành trì những điều thiện.
  4. Tác hảo nhân: làm người tốt hay cứu giúp người khác.

Y theo đây thì cái nhân lành này chúng ta đời sau mới có thể tiếp tục con đường thiện hạnh của mình được.  Do giữ tâm thuần thiện nên ba chất ác của tham sân si không thể sanh khởi nên lòng được thanh tịnh.  Tâm thanh tịnh là chất liệu vô cùng trọng yếu, nhờ có nó mà ta mới có thể nuôi dưỡng và phát huy được lòng nhân nơi ta.   Chữ lòng nhân đây,  theo cách viết Hán là nhân tâm (仁心): nó mang tính chất hội ý.  Nghĩa là tâm ý nghĩ đến phúc lợi, giúp đỡ và thành tựu cho người thứ hai, chẳng phải mình.  Chỉ luôn nghĩ đến mình thì không có lòng nhân từ, mà phải biết nghĩ đến người khác.  Như vậy cũng đồng nghĩa với Bồ-tát, vì Bồ-tát là giác hữu tình, giúp chúng hữu tình đồng giác ngộ như mình không khác.  Như câu chuyện Vua Ma-Ha-Nam tính biết trước sẽ không tránh khỏi việc Vua Lưu-ly sang trả thù đánh phá.  Ngài đã nghĩ ra một kế hy sinh bản thân mình để mong cứu thoát dân lành, nhưng bởi lòng còn lưỡng lự không biết hành động của mình có ảnh hưởng đến cận tử nghiệp và lúc chuyển sanh hay không, nên ông đã tìm đến hỏi Phật.

Ngài Ma-ha-nam bạch Phật rằng: những lúc tôi gặp phải xe, ngựa, voi điên và người đánh lộn là khi ấy tôi mất tâm niệm Phật, không may lâm nạn bị chết thì sẽ sanh về cõi nào?

Đức Phật dạy: lúc ấy không may thời người vẫn được sanh về cõi lành, chứ chẳng sanh về ác thú đâu, ngươi đừng lo sợ.  Ví như cái cây thường ngày nó nghiên về hướng đông, nếu mà nó bị gãy thì quyết định nó ngã về hướng đông.  Người lành cũng như thế, nếu khi thân chết nhờ sức hun đúc ý thức lành đã nhiều ngày từ trước như kính tin trì giới, học hỏi, bố thí và trí tuệ chắc được lợi ích mà sanh lên trời. (*)

Cho nên cái tiêu chuẩn đầu tiên rất ư là thiết yếu, nếu vắng mặt nó thì mọi việc thiện lành của chúng ta cũng chỉ kể như công suông.   Chính là Kinh Anan Vấn Sự Phật Kiết Hung chỗ nói: “Bất chỉ tiền thế túc tộ vô công” nghĩa là không chỉ đời trước làm phước không thật công đức; đời nay lại tiếp diễn, tức tuy cũng là làm thiện, làm phước nhưng không gặp hái được công đức.  Chỉ vì hư danh mà không thật dụng vậy.  Nên phải tu tâm thuần tịnh, thuần thiện.  Có được vậy rồi thì mới nói được lời thành thật tốt lành mà trong Tứ Nhiếp Pháp gọi là ái ngữ: nói lời hòa diệu dễ cảm hoá người.  Đến phần làm việc tốt, người tốt.  Làm việc tốt là không những không cản trở việc tốt đẹp của người mà còn hết lòng giúp đỡ thành tựu cho họ.  Làm người tốt thì không bao giờ nghĩ chuyện phương hại đến người khác.  Như Tam Tự Kinh vừa mở đầu cổ đức dạy: “nhân chi sơ tánh bổn thiện.”  nghĩa là con người ban sơ tánh vốn thiện.  Sách này là sách dạy trẻ nhỏ, nên câu kế là: “tánh tương cận, tập tương viễn.”  tức tánh nương ở gần, mà tập tành thì lâu sau.  Bởi vậy, cái tánh bổn thiện đó phải được nuôi dưỡng từ nhỏ mà quan hệ mật thiết nhất không ai hơn là ông bà, cha mẹ, cô cậu, anh em,…  Thế nên, muốn là người tốt thì cần rất nhiều yếu tố xung quanh tạo nên.  Một chứng cứ hùng hồn là ngài Mạnh Tử thành tựu là nhờ vào cách ứng xử khéo léo của mẹ.  Nếu không có sự trợ giúp đó ngài quyết định không có được người đời kính trọng như bây giờ.  Ở đây có một điểm nhỏ chúng tôi có lời thưa với quý vị, hãy học theo hạnh của mẹ ngài Mạnh Tử, để mắt lưu tâm đến con cháu mình. Nuôi dưỡng hun đúc chúng nó với lòng từ bi, biết yêu thương giúp đỡ chớ đừng để nó mang nặng niềm oán ghét thù hận trong tâm.  Trên đây là bốn yếu tố căn bản nhất của căn bản để chúng ta trở thành người thiện.

Bước thêm bước nữa chúng ta phát tâm tu hành, thực tập theo Tứ Đế, Thập Nhị Nhân Duyên của hàng nhị thừa.  Nếu muốn không còn rơi vào ba đường ác nữa thì chí ít cũng phải chứng đến quả Tu-đà-hoàn, vì Tu-đà-hoàn là quả Dự Lưu tức là đã nhập vào dòng thánh.  Còn nếu phát đại tâm, hành đại nguyện, tu theo đại thừa thì phải nắm chắc câu thần chú này: “hy sinh phụng hiến, xả kỷ vị nhân.”  Thực hành sáu pháp ba-la-mật và bốn lời nguyện lớn.  Mà thực tế và gói gọn nhất là Thập đại nguyện vương của Bồ-tát Phổ Hiền trong Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyên của Kinh Hoa Nghiêm. Còn nếu tự nghĩ mình không đủ năng lực vượt thoát trần lao thì chuyên một lòng trì danh niệm Phật cầu sanh về nước Cực Lạc của đức Phật A Di Đà.  Vì cõi ấy không có ba đường ác, và một khi vãng sanh về nước đó thì không còn thoái chuyển trong sanh tử trầm luân.  Phật A Di Đà lại còn phát đại nguyện hễ chúng sanh nào hết lòng tín nguyện niệm Phật cầu sanh sẽ được đới nghiệp vãng sanh.  Lại như thấy tất cả những điều trên đây khó khăn quá không làm được nữa thì chỉ còn một nước là phải tạo cho được đại phước báo để được sanh lên đến Đao-lợi thiên.  Người khi sanh đến Đao-lợi thiên vẫn còn nhớ biết được nguyên nhân đời trước làm sao mình được sanh lên đến cõi này nên không mất đi nhân duyên trước, có thể tiếp tục con đường thánh thiện của mình cho đến ngày giải thoát.

Bây giờ chúng tôi xin trích một vài đoạn kinh văn để quý vị hiểu rỏ thêm về nhân quả nghiệp báo. Mở đầu Kinh Nhân Quả Ba Đời – Phật dạy: – Nầy các tỳ-khưu, hết thảy trai, gái, già, trẻ, phú quý, bần tiện, chịu khổ vô cùng hay hưởng phúc vô tận đều do sự báo ứng của nhân quả kiếp trước, vậy cần phải làm gì? trước tiên phải hiếu kính cha mẹ, kính tin Tam-bảo! thứ đến cần phải giới sát, phóng sinh, niệm phật, bố thí, trồng các ruộng phúc cho đời sau!

Trước hết Phật dạy rõ cho chúng ta, người ta sanh ra có giàu nghèo, quý tiện, trai gái đẹp xấu là do quả báo của kiếp trước.  Muốn kiếp sau như thế nào thì phải do nơi nhân trồng nơi kiếp này.  Nên trong kinh có chỗ Phật thuyết: “Muốn biết nhân đời trước thì hãy nhìn vào quả báo hiện tại, muốn biết kết quả đời sau thì hãy nhìn vào chỗ tạo nhân ở hiện tại”.  Phật từ bi dạy cho chúng ta những điều về hiếu kính, niệm Phật, bố-thí là muốn cho chúng ta biết gieo nhân lành để hưởng quả phúc về sau.  Bởi vì sau khi chuyển sanh ở kiếp khác, người ta thông thường không còn nhớ được những gì ở kiếp trước nữa.  Cũng có một số rất ít người nhớ lại được, đó là những hình thức đoạt thai khi sanh, hay nhân duyên đặc biệt mà có được.  Kinh Kiến Chính –  Phật nói:  Nầy các đệ tử! thần thức chuyển dời đi theo với nghiệp, người không có đạo hạnh, không có thần thông trí tuệ sáng suốt hoàn toàn, không thể nào biết được những việc trước… Nầy các đệ tử, thần thức khi còn ở đời. làm thiện làm ác, tới lúc chết đi, sẽ tự theo chỗ nghiệp cảm phải thụ báo, mang thân hình khác, thì chỗ thấy biết cũng đều thay đổi hết, không còn có chi là như cũ nữa… Sinh tử cũng như thế, người nào chưa tu chứng được đạo quả, không có mắt trong sạch sáng suốt, thì lúc thân chết đi, thần thức phải theo nghiệp mà biến hóa đổi dời, mang lấy thân khác, lại phải chịu ở trong bào thai, tất nhiên mọi sự thấy biết, cũng đều khác hết, nên không còn nhớ đến những việc cũ nữa.

Thần-thức trong kinh Phật nói chính là cái mà chúng ta thường gọi là linh hồn.  Thần thức đây là cái thấy biết huân tập do một đời tạo tác, vin theo mà sau khi chết đi chuyển sanh thành thân trung ấm.  Bởi vì chấp trước nên phải chịu luân hồi theo nghiệp duyên thiện ác. Như trong Tứ Liệu Giản của Tổ Vĩnh Minh có viết: “ấm cảnh nhược hiện tiền, phiết nhĩ tuỳ tha khứ”. khi ấm cảnh hiện ra thì thoáng chốc tùy theo nó mà chuyển sanh.  Vì thế nên Phật ra đời, đem đạo lý ra chỉ bảo cho người tỉnh ngộ ngay trong tâm mình đã. Vậy ai muốn biết thần thức đi lại trong vòng sanh tử, hưởng thụ thế nào. cần học ngay 37 phẩm cốt yếu của Phật dạy về các phương pháp tu hành, là những phép rất mầu nhiệm vào thiền-định, khiến cho trí tuệ được sáng suốt vô cùng cực, để kiểm điểm thân tâm, gìn giữ thân tâm, điều hòa thân tâm, khiến cho thân tâm, trở lên chân chánh, đầy đủ trí tuệ, thì mới có thể biết rõ hết mọi chỗ thần thức đi lại, và các việc xưa nay thay đổi như thế nào.

Đoạn kinh văn kế tiếp, Phật từ bi nói rõ hơn về cách hành trì và đối trị: Nầy các đệ tử! các người cần phải học hỏi cho hiểu rõ mọi sự của thân và tâm, phải biết rõ các phương pháp để đối trị, mỗi khi gặp sự mờ ám, kíp phải diệt trừ ngay đi, chớ nên làm cho rối loạn thân tâm, giữ vững tinh thần theo chánh pháp, giữ đúng được như thế mãi, thì những chỗ ngờ vực không cần phải hỏi, tự khắc là giải quyết được rồi.

Trên đây là những đoạn kinh văn thuộc bên tiểu bộ, dạy rõ về sự cho chúng ta hiểu để hiểu làm sao ứng xử khi tiếp người, đối vật, đối sự trong cuộc sống hằng ngày.  Bây giờ đi sâu hơn chút nữa, chúng ta lần vào đại thừa bộ, học hỏi phần lý tánh mà ứng dụng.  Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, Phật dạy: Long vương nên biết! Bồ-tát có một pháp hay dứt tất cả các đường ác khổ.  Thế nào là một?  Nghĩa là ngày đêm thường nhớ, suy nghĩ quán sát pháp lành, làm cho các pháp lành mỗi niệm mỗi tăng trưởng, không để một mảy may bất thiện xen lẫn vào.  Tức là hay khiến cho các ác pháp hằng dứt, thiện pháp viên mãn, thường được gần gũi chư Phật, Bồ-tát và các Thánh chúng.(*)

Đoạn kinh văn này là chỗ tối diệu trong việc tu thiện, hành thiện và quả báo thiện thù thắng về sau.  Vì sao? Vì từ người, trời, cho đến quả vô thượng Bồ-đề đều phải y theo nơi pháp này làm căn bản mới được thành tựu.  Cho nên muốn đời nay và mãi mãi về sau nữa, muốn chẳng còn phải chịu thối đọa trong ba đường ác nhất định phải tu theo pháp này.  Mọi người đều biết, chúng ta có mặt trong đời này khổ nhiều vui ít.   Đức Phật thương xót than rằng: “Nhân sanh tại thù đồ.”   Nghĩa là chúng ta sanh ra có mặt ở cõi đời này chỉ là để trả nợ và đòi nợ. Vì vậy mà Quy Sơn Cảnh Sách chép: “Bởi do nghiệp trói buộc mà có thân.”

Đây chính là chỗ Phật chỉ rõ cái gốc vô minh của chúng ta.  Chúng ta có mặt đây là do nghiệp duyên trói buộc tạo thành, nên chỉ thấy cuộc đời đầy đau khổ.  Tuy khổ là thế mà nào có mấy ai muốn thoát ra, có người bảo rằng: Ai bảo em cuộc đời đầy đau khổ, khi em còn có mẹ ở trong tâm.  Nghe dễ thương làm sao! Hạnh phúc sao mà giản dị quá.  Vậy mà ở đời có nhiều người lại không tìm được cái hạnh phúc đơn giản bình phàm như vậy đó.  Hà huống chi là những thứ khác.  Nên cần phải phát đại tâm, nếu không thoát ra ba cõi thì sanh tử tử sanh không bao giờ ngừng dứt. Như trong Chứng Đạo Ca của Huyền Giác đại sư viết: “Mấy hồi tử, mấy hồi sanh, sanh tử liên miên không ngừng nghỉ”.(1)  Bởi một khi nhân đã tạo thì quả phải nhận thọ, dù đó là nhân thiện hay ác: “Thiện ác đáo đầu chung hữu báo, chỉ tranh lai tảo dữ lai trì”.  Hoặc như Quy Sơn Cảnh Sách nói:  “Giả sử trăm nghìn kiếp, nghiệp đã tạo không bao giờ mất.  Nhân duyên khi gặp gỡ, quả báo lại phải chịu”.

Nhưng rồi, dù là thiện báo, phước báo, hay gì gì đi nữa.  Chúng ta không nên chấp trước phước báo hữu lậu để rồi rơi trở lại sanh tử luân hồi, do đó mà Kinh Kim Cang, Phật thuyết:  Vị bồ-tát đúng nơi pháp, phải nên không có chỗ trụ trước mà làm việc bố-thí.  Nghĩa là không trụ trước nơi hình sắc mà bố-thí, không trụ trước nơi thanh, hương, vị, xúc, pháp mà bố-thí.

Bởi dù phước báo nhiều như cát sông hằng, lớn bằng cả tam thiên đại thiên thế giới rồi cũng có ngày hưởng tận.  Phước báo hết tất sẽ rơi vào ba ác đạo, lại giáp mặt với thế giới khổ đau.  Bởi vô minh nên chúng ta mê lầm không hiểu được chân tướng vũ trụ nhân sanh, nên mãi trôi lăn trong ba cõi sáu đường trầm luân khổ hải.  Không nhận chân được sự thật nên lấy khổ làm vui. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa phẩm Thí Dụ nói: Các ngươi không nên ưa ở trong nhà lửa tam giới, chớ có ham mê các món sắc, thinh, hương, vị, xúc thô hèn, nếu tham, mê ắt sanh ái nhiễm thời sẽ bị nó đốt.

Chung quy lại, tất cả vạn vật hiện hữu trong thế gian nầy, thảy đều là giả hợp, là vô thường biến đổi, không thật.  Phật ví những gì có mặt đây cũng như là những cảnh trong mộng, như thuật huyễn hoá, như ánh điện chớp, sương long lanh dưới nắng, ảnh tượng trong gương phản chiếu.  Vì vậy mà trong kinh Kim Cang Phật thuyết kệ rằng:

Nhất thiết hữu vi pháp

Như mộng, huyễn, bào, ảnh

Như lộ, diệc như điện

Ưng tác như thị quán.

tạm dịch:

Tất cả các pháp hữu vi

Khác nào mộng, huyễn, khác gì điện, sương

Như (bong) bóng nước, như ảnh tượng

Xét suy như thế cho tường cho quên.

Biết được hết thảy các pháp đều không thật nên chúng ta phải suy xét mà sống thật lại với bản tâm mình, đừng chạy theo, đừng chấp trước.  Kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa có đoạn: Các pháp bản lai rỗng lặng, tàn tạ thay đổi không ngừng, niệm niệm sanh diệt. khổ không, vô thường, vô ngã,… bản lai bất sanh, nay cũng bất diệt, một tướng vô tướng, không tới không lui mà bốn tướng của chúng sanh thường phải biến thiên.

Chúng ta thấy được vạn vật biến đổi vô thường như thế thì làm sao nắm chắc được việc hành thiện của mình được mãi luôn bền vững.  Không nên vì việc quá khứ mà mãi lưu tồn niệm oán hận trong lòng, nên hướng về tương lai cùng nắm tay nhau ca khúc khải hoàn thoát ly khổ não. Vì vậy, phải y theo lời Phật dạy mà hết lòng trì danh niệm Phật để sanh về Cực-lạc mới được cái thiện chân thật không biến đổi.  Kỳ vọng mọi người đều minh bạch đạo lý này mà đồng phát tâm học Phật, tu hành, hoằng dương Phật pháp khỏi cô phụ đại ân của chư Phật, Bồ-tát, không lãng phí kiếp này sống ở thế gian.  Được vậy thì chúng tôi không uổng một phen hạ bút.

Mong thay! Mong thay!

 – Đầu hè Bính Tuất, tháng 5 năm 2006 –

 Thượng Hải Hộ Quốc Tức Tai Pháp Hội Pháp Ngữ

(*)  Phần Nhơn Quả chương Chúng Sanh “Luận Tà Trí” trong Kinh Lời Vàng.

(*) nguyên văn:  Long vương đương tri! Bồ-tát hữu nhất pháp, năng đoạn nhất thiết chư ác đạo khổ.  Hà đẳng vi nhất:  Vị ư trú dạ thường niệm tư duy, quán sát thiện pháp.  Linh chư thiện pháp, niệm niệm tăng trưởng, bất dung mao phần bất thiện gián tạp.  Thị tức năng linh chư ác vĩnh đoạn, thiện pháp viên mãn.  Thường đắc thân cận chư Phật, bồ-tát cập dư thánh chúng.

(1) Nguyên văn: Kỷ hồi sanh, kỷ hồi tử.  Sanh tử du du vô định chỉ

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s