NÊN MỜI CỤ NÀO VÀO TRƯỚC


Một người phụ nữ vừa bước ra khỏi nhà thì nhìn thấy có ba cụ già râu tóc
bạc phơ đang ngồi trên phiến đá ở trước sân nhà.
Bà không quen biết họ, nhưng với con người tốt bụng, bà lên tiếng nói:

  • Tôi không quen biết các cụ nhưng chắc là ba cụ đang đói bụng lắm, vậy
    xin mời các cụ vào nhà tôi dùng một chút gì cho ấm bụng nhé…!
    Một cụ cất tiếng ái ngại hỏi:
  • Ông chủ có ở nhà không thưa bà?.
    Người phụ nữ trả lời:
  • Dạ thưa không, nhà tôi đi làm chưa về.
  • Thế thì cả ba chúng tôi không thể vào nhà của bà bây giờ được, bà ạ!
    Đến chiều khi người chồng đi làm về, người phụ nữ kể lại chuyện cho
    chồng nghe.
    Nghe xong người chồng bảo vợ:
  • Vậy thì bây giờ em hãy ra mời ba cụ ông vào, nói với mấy cụ rằng anh
    đã về và muốn mời họ vào nhà.
    Người vợ làm theo ý của chồng, bà bước ra sân mời cả ba cụ cùng vào
    nhà.
    Cả ba cụ đồng thanh đáp:
  • Rất tiếc thưa bà, cả ba chúng tôi không thể vào nhà bà cùng một lúc
    được.
    Người phụ nữ ngạc nhiên hỏi:
  • Vì sao lại thế thưa các cụ…
    Một cụ già bèn đứng dậy từ tốn giải thích:
  • Cụ ông này tên là Giàu Sang, còn kia là cụ ông Thành Đạt, và còn lão già
    đây là Tình Thương. Bây giờ bà hãy vào nhà hỏi ông nhà xem sẽ mời ai trong
    ba lão chúng tôi vào nhà trước nhé.
    Người phụ nữ đi vào nhà và kể lại sự việc cho chồng nghe.
    Người chồng nghe xong vui mừng nói:
  • Ồ như vậy thì tuyệt quá! Vậy thì tại sao chúng ta không mời cụ ông Giàu
    Sang vào trước.
    Cụ là điềm phước rồi đây, sẽ cho chúng ta nhiều tiền bạc của cải sung túc.
    Nhưng người vợ lại không đồng ý:
  • Nếu vậy thì tại sao chúng ta lại không mời cụ Thành Đạt vào trước chứ…
    Chúng ta sẽ có quyền cao chức trọng và được mọi người kính nể.
    Hai vợ chồng cứ tranh cãi một lúc mà vẫn chưa đi đến quyết định.
    Cô con gái nãy giờ đứng nghe yên lặng ở góc phòng bỗng lên tiếng nhỏ
    nhẹ:
  • Ba mẹ ạ, tại sao chúng ta không thử mời ông già Tình Thương vào nhà
    trước đi.
    Nhà mình khi ấy sẽ tràn ngập tình thương yêu ấm áp, và ông già sẽ cho
    gia đình chúng ta thật nhiều hạnh phúc.
    Người chồng suy nghĩ rồi bảo vợ:
  • Có lẻ con gái mình nói đúng. Vậy thì em hãy mau ra ngoài mời cụ Tình
    Thương vào trước đi vậy.
    Người phụ nữ ra ngoài và cất tiếng mời:
  • Gia đình chúng tôi xin hân hạnh mời cụ Tình Thương làm vị khách mời
    đầu tiên vào với gia đình của chúng tôi.
    Cụ già Tình Thương từ tốn đứng dậy và chầm chậm bước vào nhà.
    Nhưng hai cụ già kia cũng từ từ đứng dậy và bước theo cụ già Tình
    Thương…
    Rất đỗi ngạc nhiên, người phụ nữ bước lại gần hai cụ Giàu Sang và Thành
    Đạt hỏi:
  • Tại sao hai cụ cũng cùng vào theo thế…
    Các cụ đã chẳng nói là cả ba cụ không thể vào nhà cùng một lúc sao.
    Lúc ấy cả hai cụ cùng trả lời:
  • Nếu bà mời cụ Giàu Sang hay Thành Đạt tôi đây, thì chỉ một trong hai
    chúng tôi vào nhà được thôi, nhưng vì bà mời cụ ông Tình Thương, nên cả
    hai chúng tôi cũng sẽ vào theo. Bởi vì ở đâu có Tình Thương thì ở đó sẽ có
    Giàu Sang và Thành Đạt đó bà ạ”.
Advertisement

HOA BỒ CÔNG ANH MỈM CƯỜI CHO TÔI


Khi một em bé hay một người lớn mỉm cười, điều đó rất quan trọng.
Trong đời sống hàng ngày, nếu ta biết mỉm cười, nếu ta có an lạc hạnh phúc,
thì không phải chỉ có ta được sung sướng mà mọi người quanh ta cũng sung
sướng.
Bắt đầu một ngày bằng nụ cười, điều đó không khôn ngoan hơn sao? Ta
mỉm cười chứng tỏ ta có chánh niệm, có quyết tâm sống cho an lạc, hạnh
phúc. Một nụ cười có chánh niệm là một nụ cười thật sự, không giả tạo,
không méo xệch.
Làm sao để nhớ mỉm cười khi thức dậy? Bạn có thể treo trên đầu giường
một cành cây, một chiếc lá hay một câu thơ để nhắc nhở bạn mỉm cười khi
thức dậy. Thực tập lâu ngày bạn sẽ tự nhiên mỉm cười khi nghe chim hót,
khi thấy nắng ấm và bạn sống một ngày thật nhẹ nhàng, đầy hiểu biết.
Khi thấy một người mỉm cười, tôi biết là người đó đang sống thật tỉnh
thức. Biết bao nghệ sĩ đã dày công để phát họa một nụ cười lên những bức
tranh và những bức tượng tuyệt trác? Tôi tin chắc là những người nghệ sĩ
đó vừa làm việc vừa mỉm cười. Bởi khó mà có thể hình dung được một họa
sĩ nhăn nhó có thể vẻ được một nụ cười. Nụ cười Mona Lisa chẳng hạn, thật
nhẹ, thật thoáng. Một nụ cười như vậy cũng đủ làm thư giãn những bắp thịt
trên mặt, làm tiêu tan những mệt mỏi và lo âu. Nụ cười mầu nhiệm như vậy
đó, nó nuôi dưỡng chánh niệm và sự bình thản, đem lại an lạc mà ta tưởng
đã đánh mất.
Khi ta mỉm cười, ta đem lại hạnh phúc cho ta và cho cả những người
chung quanh ta. Ta tốn biết bao nhiêu tiền để mua quà cho những người
thân, trong khi ta chẳng cần tốn đồng nào mà vẫn có thể tặng một món quà
vô giá là nụ cười chánh niệm của ta?
Cuối một khóa tu ở California, có một thiền sinh làm bài thơ như sau:
Tôi đã mất nụ cười
Nhưng may mắn quá
Hoa bồ công anh đang mỉm cười cho tôi
Khi bạn không còn cười nổi mà ý thức được rằng hoa bồ công anh đang
mỉm cười cho bạn thì tình trạng chưa đến nổi nào. Bạn vẫn còn đủ chánh
niệm để thấy nụ cười đang có mặt. Bạn chỉ cần thở một vài hơi thở có ý thức
là nụ cười sẽ trở lại trên môi. Hoa bồ công anh là một thành phần của tăng
thân, một người bạn trung thành biết giữ gìn nụ cười cho bạn.
Thật ra, nếu nhìn kỹ, ta sẽ thấy hơi thở, mọi vật chung quanh ta đều đang
mỉm cười với ta. Ta có đơn lẽ một mình đâu. Mọi vật trong ta và ngoài ta
đều đang nâng đỡ ta. Chỉ cần mở tấm lòng ra là ta đón nhận được nụ cười
ưu ái của hoa bồ công anh. Và làm gì mà ta không nở một nụ cười để đáp
lại.
(trích An Lạc Từng Bước Chân)
THÍCH NHẤT HẠNH

THIỆN VÀ ÁC RẤT XA MÀ RẤT GẦN


Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, dạy các Tỷ-kheo: Này các
Tỷ-kheo, có bốn sự việc này, rất xa, rất xa với nhau. Thế nào là bốn?
Trời và đất là sự việc thứ nhất rất xa, rất xa với nhau. Bờ biển bên này
và bờ biển bên kia rất xa, rất xa với nhau, là sự việc thứ hai. Từ chỗ mặt
trời mọc lên đến chỗ mặt trời lặn xuống là sự việc thứ ba rất xa, rất xa với
nhau. Pháp của hạng người bất thiện với pháp của hạng người thiện rất
xa, rất xa với nhau, là sự việc thứ tư.
Này các Tỷ-kheo, đây là bốn sự việc rất xa, rất xa với nhau này.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 4, phẩm Rohitassa, phần Rất xa xăm).
LỜI BÀN:
Nếu ai đã từng trải nghiệm về cuộc sống thì sẽ dễ dàng nhận thấy khoảng
cách vật lý giữa xa và gần thật rõ ràng, xa thì đúng thật là xa mà gần đích
thực là gần. Tuy nhiên, khoảng cách tâm lý xa gần giữa thiện và ác thì khó
lường. Bởi thiện và ác về tính chất vốn cách nhau rất xa nhưng trong tự thân
của mỗi người thì lẫn lộn “tuy xa mà gần, tuy gần mà xa”.
Theo tuệ giác của Thế Tôn, pháp của hạng người thiện và bất thiện rất xa
nhau như khoảng cách giữa trời và đất, bờ này với bờ kia của đại dương, từ
chỗ mặt trời mọc đến chỗ mặt trời lặn. Vì đối với hạng người thuần thiện thì
suy nghĩ, lời nói và hành động đều thiện, nói chung ba nghiệp thanh tịnh và
đối lập hoàn toàn với hạng người ác, luôn tạo ba ác nghiệp.
Vấn đề là con người sống ở đời thường không thuần thiện hoặc ác mà
luôn giao thoa giữa thiện và ác. Vì thế, đời sống là một quá trình đấu tranh
liên tục để vượt lên cái ác. Nơi đây, khoảng cách giữa thiện và ác không còn
rất xa nữa mà thậm chí rất gần, chỉ cần một sát na mất chánh niệm thì cái ác
sẽ hiện tiền. Vì tham, sân, si và phiền não nói chung luôn tiềm ẩn trong ta,
do đó niệm ác sẵn sàng trỗi dậy bất cứ lúc nào. Bởi vậy, phải nỗ lực tu tập,
nguyện làm các điều lành, luôn giữ tâm chánh niệm để tự chủ để không chạy
theo và bị chi phối bởi các điều ác.
Kinh nghiệm của tiền nhân cho thấy “bảy mươi chưa hết què”, hay “chỉ
cần một chút sơ suất có thể dẫn đến đoạ lạc nhiều kiếp” (Kinh Tứ Thập Nhị
Chương), tức lầm lỗi có thể tạo ra bất cứ lúc nào. Nhận thức được như thế,
người con Phật trong nỗ lực hướng đến sự thuần thiện, luôn cảnh giác với
cái ác vì thiện ác vốn rất xa mà lại rất gần trong mỗi chúng ta.
QUẢNG TÁNH

SIÊNG TU NĂM PHÁP ĐỂ MAU CHỨNG ĐẠO


Một thời, Thế Tôn sống giữa dân chúng Bhagga, rừng Bhesakala, vườn
Lộc Uyển. Bấy giờ, vương tử Bodhi thỉnh Thế Tôn và chúng Tỷ-kheo đến
nhà thọ trai. Sau khi thọ trai xong, vương tử Bodhi bạch Thế Tôn:
Khoảng bao lâu, bạch Thế Tôn, một vị Tỷ-kheo tu tập theo giáo pháp của
Như Lai, chứng đạt và an trú vô thượng cứu cánh Phạm hạnh?
Này Vương tử, có năm tinh cần chi này.
Thế nào là năm? Ở đây, này Vương tử:

  1. Vị Tỷ-kheo có lòng tin, tin tưởng sự giác ngộ của Như Lai;
  2. Vị ấy ít bệnh, ít não, có sức khoẻ;
  3. Vị ấy không gian trá, như thật đối với bậc Đạo sư và các đồng Phạm hạnh;
  4. Vị ấy siêng năng từ bỏ các bất thiện pháp, tu tập các thiện pháp;
  5. Vị ấy có trí tuệ về sự sanh diệt của các pháp.
    Này Vương tử, vị Tỷ-kheo thành tựu năm tinh cần chi này có thể đắc lậu
    tận trong bảy năm, cũng có thể là sáu, năm, bốn, ba, hai, một năm, nửa tháng,
    cho đến bảy ngày, có thể có người được giảng dạy buổi sáng thì buổi chiều
    đã chứng đắc.
    (ĐTKVN, Trung Bộ II, kinh Bồ đề vương tử)
    LỜI BÀN:
    Tinh cần tức siêng năng, cần mẫn, tinh chuyên và bền bỉ là một trong
    những yếu tố cực kỳ quan trọng quyết định sự thành công, dù cho phải đối
    mặt với những trở ngại, khó khăn nhất. Trong sự nghiệp tu tập, tinh cần là
    một trợ đạo, góp phần không nhỏ cho việc thành tựu Thánh quả.
    Theo tuệ giác Thế Tôn, giữ vững niềm tin Phật, đấng Toàn giác là yếu tố
    đầu tiên. Tin tưởng tuyệt đối vào bậc Đạo sư, người dẫn đường tối thượng
    đã hoàn toàn giải thoát và giác ngộ. Tin Phật để tin tâm, thành tựu niềm tịnh
    tín bất hoại là tin vào khả năng giác ngộ của chính mình. Như Lai là Phật đã
    thành, chúng ta là Phật sẽ thành.
    Tiếp đến, người tu phải có sức khoẻ và thể lực tốt. Thân và tâm vốn nhất
    như, có liên hệ mật thiết với nhau. Không thể có sự minh triết, sáng suốt
    trong một thân thể bệnh hoạn, ốm yếu đến kiệt sức. Mặt khác, tu tập là một
    sự tự giác và tự nguyện. Vì thế, trung thực và chân thật với chính mình và
    mọi người là một nguyên tắc căn bản để tiến tu, tịnh nghiệp. Nguyện từ bỏ
    các điều ác, làm tất cả việc lành đồng thời những điều ác chưa sinh thì không
    để phát sinh, những việc lành đã sinh thì phải làm cho tăng trưởng là cốt tủy
    của chánh cần. Cuối cùng là vận dụng tuệ giác, nỗ lực thiền quán về sự sanh
    diệt của các pháp để thân chứng về Khổ, Vô thường và Vô ngã.
    Thời gian để chứng đạt và an trú quả vị giải thoát tùy vào sự tinh tấn,
    chuyên cần. Có thể rất dài, trải qua ba A tăng kỳ kiếp nhưng cũng có thể rất
    ngắn, bảy ngày cho đến một ngày, thậm chí trong một sớm một chiều đã
    chứng đắc. Tinh tấn, siêng năng hay chánh cần có ý nghĩa quyết định đối
    với sự nghiệp tu học như thế, nên trong lời di huấn cuối cùng trước lúc Niết
    bàn, Thế Tôn chỉ răn dạy:
    “Các pháp hữu vi là vô thường, hãy tinh tấn, chớ có phóng dật.”
    (kinh Đại Bát Niết Bàn).
    QUẢNG TÁNH

NGƯỜI THÔNG MINH CÓ BA CHUYỆN KHÔNG LÀM BA KHÔNG QUẢN

  1. Không Quản Chuyện Bao Đồng
    Làm người, quý ở chỗ biết nên dừng ở đâu và lúc nào.
    Không quản chuyện không đâu, không phải là lạnh lùng, mà là một kiểu
    chừng mực.
    Bớt quản chuyện của bạn bè, tôn trọng lựa chọn của họ, là đang cho tình
    bạn không gian để bền lâu.
    Bớt quản chuyện của người khác, tránh xa cuộc sống của người khác, có
    như vậy mỗi người mới có thể thể hiện được cá tính bản thân.
    Bớt quản chuyện của người thân, chỉ khi có những không gian nhất định
    giữa những người thân thì gia đình mới thực sự hòa hợp.
    Dành cho nhau một khoảng không nhất định, mới có thể giữ được trạng
    thái quan hệ thoải mái nhất.
    Quan tâm trăm chuyện bao đồng nhà người khác, chi bằng làm tốt một
    chuyện của mình.
    Đọc nhiều sách mở mang kiến thức, bớt quản chuyện bao đồng dưỡng
    tinh thần.
    Đây mới là trí tuệ trong đối nhân xử thế.
  2. Không Quản Chuyện Tình Cảm Người Ta
    Không làm bà mai mối, không làm người bảo lãnh, cả đời không phiền
    não.
    Làm người ở giữa cho chuyện tình cảm của người khác là chuyện không
    dễ dàng nhất.
    Hôm nay hai người chia tay, hôm sau lại làm hòa.
    Khuyên hòa khuyên chia, đều là bạn không phải.
    Vì vậy, gặp chuyện tình cảm của người khác, tốt nhất là không nên tham
    dự.
  3. Không Quản Việc Nhà Người Khác
    Cổ ngữ nói: “thanh quan bán đoạn gia vụ sư”, ý muốn nói, chuyện gia
    đình là chuyện vô cùng phức tạp, đến cả quan thanh liêm cũng khó lòng
    phân định.
    Lưỡi với răng còn có lúc đánh nhau, người một nhà ở với nhau, thì không
    tránh đụng phải mép nồi.
    Những chuyện tế nhị như vậy, ngay cả người nhà còn chưa chắc đã nói
    rõ được với nhau, một người ngoài thì liệu biết được cái gì?
    Huống hồ, người thân với nhau, không chỉ nói lý mà còn nói cả tình. Đây
    không phải là chuyện một người ngoài nên nhúng tay vào.
    Vì vậy, đừng quản chuyện nhà người khác, chúng ta không có cái quyền
    hạn này, cũng chẳng có đủ năng lực.
    BỐN KHÔNG NÓI
  4. Không Nói Điều Xấu
    Miệng là cái rìu, lời nói là con dao, không nên cái gì cũng nói toẹt ra hết,
    giữ lại cho mình chút khẩu đức
    Đừng công kích điểm yếu của người khác, sát muối vào vết thương của
    người ta. Người thích sát muối vào vết thương người khác, chỉ khiến người
    khác ghét mình hơn, hại người hại mình.
    Con người sống trên đời dựa vào hai chữ “tôn trọng” để đứng vững trong
    xã hội. Con người sống ai cũng có thể diện, ai cũng có tôn nghiêm, ai chẳng
    ưa sĩ diện, vì vậy, đừng chọc vào điểm yếu của người khác hay nói xấu sau
    lưng người ta.
  5. Không Nói Lời Ngông Cuồng
    Người tài còn có người giỏi hơn, núi cao còn có núi cao hơn.
    Bạn vĩnh viễn không bao giờ biết được người khác tài giỏi, mạnh mẽ ra
    sao.
    Bạn có thể tự hào về mình, nhưng tuyệt đối không được ngạo mạn.
    Phần lớn thất bại đời người đều tới từ hai chữ: một là “lười”, hai là “ngạo”.
    Người thích nói lời ngông cuồng, ngạo mạn, tầm nhìn sẽ trở nên hẹp hơn,
    không biết thế nào là trời cao đất dày.
    Trông thì tưởng đang nhe nanh duỗi móng, nhưng thực ra chỉ là một con
    hổ giấy.
    Khiêm tốn một chút, không bao giờ là có hại cả.
  6. Không Nói Lời Oán Than, Ca Thán
    Cuộc sống chưa bao giờ là dễ dàng, mỗi người đều mang trên vai những
    gánh nặng khác nhau để tiến về phía trước.
    Ca thán không giải quyết được bất cứ vấn đề gì, chỉ truyền đi năng lượng
    tiêu cực.
    Phàn nàn nhiều, bạn bè tự dưng sẽ ít lại.
    Đừng trở thành người truyền đi năng lượng tiêu cực, chẳng ai thích cả
    ngày phải đối mặt với một người suốt ngày ủ rũ, khó ở.
    Gặp vấn đề, trước tiên hãy tìm lý do từ bản thân mình.
    Sống ở đời, thay vì ca thán một ngày, chi bằng nỗ lực một ngày.
    Có sức ngồi đó ca thán, chi bằng để dành sức đi nỗ lực, cố gắng.
  7. Không Nói Lời Vô Nghĩa
    Tử Cầm hỏi thầy mình là Mặc Tử, nói nhiều liệu có gì tốt.
    Mặc Tử nói: “Ếch, muỗi kêu suốt ngày suốt đêm, kêu đến cháy cổ khát
    họng, rồi ai sẽ nghe chúng?
    Nhưng nhìn con gà xem, đúng bình minh kêu gáy, đánh thức mọi người
    dậy.”
    “Phu nhân bất ngôn, ngôn bất hữu trung”, câu nói này của Khổng Tử ý
    muốn nói, kẻ sĩ hoặc là không nói, hoặc là mở miệng ra nói câu nào đúng
    câu ấy.
    Đừng nói những lời vô ích không có giá trị, nói nhiều cũng vô ích, quan
    trọng là nói đúng trọng tâm.
    Lời ít ý nhiều, đây là cảnh giới.
    Nói, hãy nói sao cho đúng thời điểm, đúng hoàn cảnh, đúng người và nói
    những lời thích hợp.
    NĂM KHÔNG GIÚP
  8. Không Giúp Việc Quá Sức Với Mình
    “Lực vi thể phụ trọng, ngôn khinh mạc khuyến nhân”, sức lực nhỏ bé
    đừng mang vác quá nặng, lời nói không có sức thuyết phục thì đừng khuyên
    người.
    Giúp đỡ người khác cũng phải biết lượng sức mình.
    Những việc người khác nhờ nếu trong phạm vi khả năng của mình, giúp
    được hãy giúp, còn nếu những việc đó nằm ngoài phạm vi khả năng của
    mình, đừng miễn cưỡng bản thân đi giúp.
    Đừng vì sĩ diện, muốn lấy lòng người khác.
    Hãy lo cho bản thân mình tốt trước, chăm sóc quan tâm người thân trước
    tiên.
  9. Không Giúp Việc Vượt Quá Ranh Giới
    Giữa người với người, dù có thân thiết tới đâu, cũng nên biết chừng mực
    Nắm rõ vị trí của mình, phân biệt rõ ranh giới giữa mình và họ.
    Liên quan tới việc nhà, việc riêng của người ta, những việc như vậy không
    nên giúp.
    Những sự giúp đỡ vượt quá ranh giới, người khác chưa chắc đã lĩnh ngộ
    được ý tốt của bạn.
    Những sự giúp đỡ đầy nghĩa khí nhất thời, rất dễ biến thành “ôm chuyện
    bao đồng”.
  10. Không Giúp Người Không Biết Cảm Ơn
    Giữa con người với nhau: giúp đỡ là tình nghĩa, không giúp đỡ là bổn
    phận.
    Luôn tồn tại những người xem sự bỏ ra, sự giúp đỡ của người khác là
    điều hiển nhiên, họ nhận lấy mà không có một chút biết ơn nào.
    Bạn giúp họ 10 lần, chỉ một lần không giúp thôi họ sẽ trở mặt ngay lập
    tức.
    Đến cuối cùng, quay ra trách ngược bạn không nghĩa khí.
    Trước khi giúp đỡ ai đó, hãy nhìn cho rõ nhân phẩm của đối phương, nếu
    không mọi công sức của bạn sẽ đều là phí công vô ích.
  11. Không Giúp Người Vừa Nghèo Vừa Không Cầu Tiến
    Cứu người cầu tiến không cứu người nghèo, giúp người khó không giúp
    người lười.
    Một người khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn, giúp đỡ là chuyện nên làm,
    là đang tích phúc cho bản thân.
    Nhưng, nếu một người không chịu cầu tiến, thì sự giúp đỡ của bạn sẽ chỉ
    càng làm họ phụ thuộc hơn.
    Bạn chỉ có thể cứu một người trong lúc khó khăn chứ không thể thay đổi
    vận mệnh của ai.
    Trừ phi tư tưởng của họ có sự thay đổi, nếu không thì, những kiểu người
    như vậy, tuyệt đối đừng giúp.
  12. Không Giúp Việc Trái Luân Thường Đạo Đức
    Bất kể là bạn bè ra sao, giúp đỡ cũng phải có giới hạn đạo đức.
    Những chuyện vô đạo đức, vi phạm pháp luật, tuyệt đối không được
    giúp.
    Giúp những việc như này chỉ khiến bạn bè càng lún càng sâu, bản thân
    cũng bị liên lụy.
    Học cách khuyên giải bạn bè, tuyệt đối không được kích động, giữ đạo
    đức, mới giữ được lương tâm.
  • Theo Tri thức trẻ-