VÌ SAO PHẢI BỎ ÁC LÀM LÀNH?


Một thời Thế Tôn trú ở Kimbilà, dạy các Tỷ-kheo: Này các Tỷ-kheo, có
năm nguy hại này cho người ác hành. Thế nào là năm?

  • Tự mình chỉ trích mình.
  • Sau khi suy xét, các bậc trí quở trách.
  • Tiếng ác đồn khắp.
  • Khi mạng chung, tâm bị mê loạn.
  • Sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
    Này các Tỷ-kheo, có năm nguy hại này cho người ác hành.
    Này các Tỷ-kheo, có năm lợi ích này cho người thiện hành. Thế nào là
    năm?
  • Tự mình không chỉ trích mình.
  • Sau khi suy xét, các bậc trí tán thán.
  • Tiếng tốt đồn khắp.
  • Khi mạng chung, tâm không bị mê loạn.
  • Sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào thiện thú, thiên giới, cõi đời
    này.
    Này các Tỷ-kheo, có năm lợi ích này cho người thiện hành.
    (Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Ác hành, phần Người ác hành)
    LỜI BÀN:
    Thời Đường, Bạch Cư Dị có lần hỏi Thiền sư Ô Sào về đại ý Phật pháp và
    được trả lời một cách giản dị rằng “Không làm các việc ác, hãy làm các việc
    lành, giữ tâm ý trong sạch”. Bạch Cư Dị không mấy hài lòng về câu trả lời
    ấy vì trẻ lên ba cũng nói được. Ô Sào đã lưu ý rằng dù vậy nhưng người già
    tám mươi cũng chưa chắc đã làm xong. Thế mới biết chuyện “bỏ ác, làm
    lành” quan trọng và không dễ làm.
    Ác hành là suy nghĩ ác, nói lời ác và hành động ác, tạo ba nghiệp bất thiện.
    Người làm ác tất bị lương tâm cắn rứt, luôn mang nỗi bất an, hối hận và lo
    sợ. Mặt khác, người làm ác bị pháp luật trừng trị, nhẹ hơn thì bị xã hội phê
    phán, tiếng xấu đồn khắp, thanh bại danh liệt. Quan trọng hơn, những việc
    ác đã gây tạo trong đời sẽ kết thành cận tử nghiệp xấu ác và theo đó sẽ bị
    sanh vào cõi dữ ở tương lai.
    Thiện hành là suy nghĩ thiện, nói lời thiện và hành động thiện, tạo ba
    nghiệp thiện. Ai sống trong sạch thì cõi lòng thanh thản, tâm thư thái an
    nhiên, không lo lắng, dằn vặt và sợ hãi. Ăn hiền ở lành thì mọi người đều
    khen ngợi, tiếng tốt đồn xa. Nhất là, một đời làm các điều thiện sẽ kết tụ
    nghiệp lành, làm cho cuộc sống hiện tại luôn bình an, đến khi từ giả cuộc
    đời chết trong thanh thản và tái sanh vào cõi lành.
    Bỏ ác, làm lành là đạo lý sống của những người con Phật và của tất cả mọi
    người. Nhân quả luôn chính xác và rõ ràng. Mỗi người đều có một hoàn cảnh
    cuộc sống khác nhau, điều đó phản ánh đích thực nghiệp nhân của chính họ.
    Do vậy, muốn hạnh phúc và bình an trong cuộc sống ở hiện tại cũng như
    trong tương lai, mỗi người phải tự gây tạo nhân lành cho chính mình.
    QUẢNG TÁNH
Advertisement

NHỮNG DẤU HIỆU CHO THẤY LÀ BẠN ĐANG TẠO PHƯỚC

  1. Cho Đi Không Cần Đền Đáp
    Có thể chia ra 3 hạng người trong cõi đời này đó là:
    Người vừa đủ phước,
    Người không đủ phước một đời,
    Người dư phước có thể mang phước sang thế giới bên kia.
    Không phải ai cũng may mắn có thừa cả phước đức đến nỗi dùng đời này
    không hết và có thể để sang cả đời sau như hạng người thứ 3 kể trên. Đó là
    một quá trình tu thân và không ngừng làm việc thiện từ tâm, đó là thái độ
    cho đi không cần đền đáp.
    Người có được điều đấy thì họ sẽ không hối tiếc vì đã làm điều tốt, họ
    chẳng cần quy chuẩn nào, đơn giản giúp người là giúp người chứ không hề
    toan tính rằng sẽ có ngày được đền đáp lại.
    Thế nhưng người đời nay chỉ quan tâm tới vật chất, nhất là người trẻ tuổi
    cho rằng mình còn nhiều thời gian hơn người khác.
    Tuy nhiên, dù bạn là ai trong 3 hạng người đó thì vẫn nên học cách tin
    rằng ta không đủ phước để đem theo, như vậy mới tìm cách duy trì việc làm
    điều tốt, lành, tránh bị tổn phước mà còn có thể nhận rộng phước báu.
    Nói như thế không có nghĩa người lớn tuổi không có khả năng tạo phước,
    đúng là họ có giới hạn về sức khỏe nhưng nếu biết dạy con, cháu làm việc
    thiện thì họ cũng đang làm việc thiện đấy thôi.
    Nhiệm vụ cuối cùng của đời người không là gì ngoài đóng góp cống hiến
    nhiều cho đời chứ không phải tích trữ nhiều tiền bạc để mang theo khi sang
    thế giới bên kia.
  2. Hưởng Thụ Ít
    Sống trong cuộc đời này ai cho rằng mình không thích hưởng thụ là nói
    dối, thế nhưng vì muốn rèn giũa bản thân, vì không muốn nuông chiều cái
    thân quá đà rồi mang họa về sau nên chúng ta đành chấp nhận việc hưởng
    thụ ít lại. Có như vậy mới có thời gian để tập trung lao động hăng say hơn.
    Tất nhiên, không thể nói ít hưởng thụ thôi là ta ngay lập tức có thể làm
    được, đó là một quá trình tinh tấn tu tâm, học hỏi, gia tăng sự hiểu biết thì
    ta mới có thể làm được.
  3. Biết Tiết Chế Điều Đáng Nói, Điều Không Đáng Nói
    Việc nói gì và không nên nói gì chưa bao giờ là việc dễ dàng cho tất cả
    chúng ta. Người cho rằng mình khéo léo thì tự thấy mình là người không
    thật thà, trong khi người nói thẳng nói thật lại dễ làm tổn thương người khác.
    Thế nên việc nói thẳng có phải khẩu nghiệp hay không vẫn là nỗi lo lắng của
    nhiều người.
    Khi bạn hiểu ra để biết rằng không nói ra những lời cạn tình, biết khi nào
    cần nói và khi nào cần im lặng chính là dấu hiệu ta đang tự tạo phước đức
    cho chính mình.
  4. Hiểu Những Thói Quen Bất Thiện Của Bản Thân
    Mỗi chúng ta đều có những tật xấu, thiếu sót rất nhiều trong con người
    đang hiện hữu vì thế không việc gì phải trốn tránh, sợ hãi mà phải nhận diện
    ra để tìm cách sửa đổi. Thực ra, cuộc sống không hoàn hảo là điều tuyệt vời
    nhất mà ta có được, ta có quyền sai và sửa sai chứ không nên xem việc sai
    sót, thất bại là đường cùng.
    Việc hiểu những thói quen bất thiện của bản thân có thể giúp ta nâng lên
    tầm cao mới thông qua sự thấu hiểu người khác, từ đó bao dung với những
    lỗi lầm của họ, cho phép họ có cơ hội sửa đổi.
  5. Tha Thứ Những Ai Không Biết Xin Lỗi
    Dấu hiệu ta đang tự tạo phước cho mình còn là biết tha thứ cho những ai
    ngang ngược, không biết xin lỗi. Nếu không ta nuôi ý định trả thù, rồi đôi
    bên trả thù qua lại thì chẳng khi nào cuộc sống mới yên ổn?
    Mục tiêu tâm thanh thản, cuộc sống an yên từ từng việc nhỏ mới là điều
    mà người hiểu biết, có tu dưỡng nên làm. Phước đức đó không phải ai trong
    cõi người này cũng may mắn có được.
  6. Biết Ơn Từ Những Điều Nhỏ Bé
    Con người ta thường bị lòng tham điều khiển nên có thứ này rồi ta lại
    mong có nhiều hơn nữa mà họ quên đi việc đang may mắn sở hữu điều gì.
    Lời Phật dạy về lòng biết ơn đã chỉ ra rằng, trân trọng thứ mình đang có bạn
    sẽ có nhiều hơn.
    Vì thế, dấu hiệu ta đang tự tạo phước đó là khi ta bắt đầu quý trọng, biết
    ơn từ những điều nhỏ bé đang hiện hữu quanh mình. Đó là khi ta biết ơn đồ
    ăn ta có hôm nay, bộ quần áo ta mặc, cho tới việc trân quý và giữ lại những
    người bạn tốt,…
  7. Từ Bỏ Những Ý Nghĩ Tiêu Cực
    Những suy nghĩ tiêu cực đang ăn mòn ta mỗi ngày thông qua suy nghĩ,
    lời nói và hành động của chúng ta. Khi ta hiểu rằng việc loại bỏ chúng là
    điều cần làm thì chẳng còn gì phải sợ hãi nữa.
    Nó như là con quỷ trong ta luôn tìm sẵn cơ hội để xuất hiện, việc của ta
    là đuổi chúng đi và thay thế bằng những suy nghĩ tích cực. Vì cuộc sống này
    luôn có hai mặt, trong một sự việc không chỉ có mặt xấu xí, nếu ta tìm được
    lý do để chúng trở nên tươi đẹp hơn thì cuộc sống sẽ rạng rỡ hơn. Khi đó,
    không phải ai ngoài chính chúng ta đang tạo ra phước lành cho chính mình.
  8. Không Bận Tâm May Rủi, Chỉ Dựa Vào Năng Lực
    Nếu cuộc sống chỉ chờ một vận may để đổi đời nghĩa là ta đã trao quyền
    quyết định cuộc sống của mình cho những tác nhân bên ngoài.
    Trong khi đó, những người dựa vào năng lực cho dù không giàu thì cuộc
    sống của họ hiếm khi lâm vào khó khăn. Vì chẳng chờ vào may mắn nên họ
    chăm chỉ tích lũy như kiến tha lâu thì đầy tổ. Mọi thứ của họ có được mới
    bền vững và an toàn hơn rất nhiều sơ với người khác….
  9. Sẵn Sàng Chịu Thiệt Vì Lợi Ích Chung
    Dấu hiệu ta đang tự tạo phước cho mình đó là khi ta chẳng so đo hơn
    thua với đời mà sẵn sàng hi sinh bản thân một chút vì lợi ích chung….
    Thiện Tri Thức
    Namo Buddhaya

TÂM AN CẢNH SẼ AN


Khi tâm bình an thì những hạt giống tốt lành trong ta mới có cơ hội phát
triển. Tại vì thường ngày ta hay sống bằng cảm xúc, bằng những phản ứng
bảo vệ cái tôi ích kỷ của mình, nên nó che khuất những hiểu biết sâu sắc mà
ta vốn có.
Khi mặt hồ tâm phẳng lặng và trong suốt thì ta mới thấy hết những gì
đang ẩn tàng trong chiều sâu tâm thức, lúc ấy ta mới biết mình nên làm gì
hay không nên làm gì để mình có thể chế xuất ra những năng lượng tốt. Nói
cách khác, lý trí là thuộc tính của tâm an và cảm xúc là thuộc tính của tâm
bất an. Nếu biết cách giữ cho tâm an thì ta sẽ luôn hài lòng và sẵn sàng chịu
trách nhiệm cho mọi hành vi cử chỉ của mình. Và điều đó có nghĩa là khi tâm
bất an thì ta đừng nên quyết định hay làm bất cứ điều gì, chắc chắn ta sẽ hối
tiếc sau này.
Khi tâm an ta sẽ nhìn lại nhận vấn đề ở một tầng hiểu biết khác. Ta không
còn thấy sự việc bất thành hay đổ vỡ kia là điều quá kinh khủng, không còn
thấy thái độ khó chịu hay lầm lỗi của người kia là đáng phải trừng phạt nữa.
Cho nên khi tâm an thì ta không còn muốn thay đổi hoàn cảnh, ta có một
khả năng có thể chấp nhận mà không thấy khó khăn hay đau đớn gì. Ta đã
từng thấy có những người trông rất an ổn và vui vẻ, mặc dù trong họ đang
có những mất mát rất lớn lao. Không phải họ đang cố gắng che đậy để trình
diễn trước mọi người, mà chính nhận thức và dung lượng trái tim của họ đã
giúp họ ôm ấp được hoàn cảnh. Đó là những người không đặt hạnh phúc
của mình quá nhiều vào sự toại nguyện từ bên ngoài, nên khi hoàn cảnh bất
toại nguyện thì họ không bị dễ khổ đau.
Tổ tiên ta đã từng nói “Tâm bình thế giới bình”. Khi tâm ta bình an thì
năng lượng đó sẽ lên đường để xâu kết với những năng lượng bình an khác
trong những con người khác hay trong vũ trụ này, nó có thể trở thành một
hiệu ứng dây chuyền nếu điều kiện đủ cho nó xảy ra. Và khi tâm an thì ta
nhìn đâu cũng thấy an, tuy đối tượng kia hay cả thế giới này còn nhiều biến
động và phiền toái, nhưng ta vẫn không bị dìm xuống hay khổ đau theo, dù
ta vẫn ý thức rất rõ tình trạng đang xảy ra và có ý chí muốn giúp đỡ. Cho
nên thái độ khôn ngoan của một người biết sống là ta hãy luôn ưu tiên giữ
gìn tâm bình an của mình, thà chịu để cho hoàn cảnh hư hao chứ nhất định
ta không rao bán linh hồn mình. Ai đã trải nghiệm nhiều năm trong cuộc đời
đều cũng thấm thía rằng chỉ có sự thanh thản và bình an trong tâm hồn mới
là khát khao lớn lao nhất của con người.
Trong quá khứ ta đã từng sống thiếu tỉnh thức và hiểu biết, vì để nắm bắt
những nhu cầu hưởng thụ cao cấp từ vật chất đến sự công nhận của người
đời mà ta đã coi rẻ tâm hồn mình, đem tâm hồn mình ra cho hoàn cảnh hay
kẻ khác giày xéo. Ta sẵn sàng nổi giận, hờn ghen, nghi ngờ, kỳ thị, độc tài,
hơn thua và cả thù hận để có được cái này cái kia mà thực chất chỉ là những
thỏa mãn cảm xúc. Ta chưa bao giờ có cơ hội để nhìn kỹ lại tâm mình, trừ
phi bị thất bại hay mất mát chua cay, nhưng đó là những lần quay về trong
muộn màng và choáng ngộp với những đóng tàn tro. Kết quả thường là
buồn chán và tuyệt vọng chứ chưa bao giờ có một chương trình thanh tịnh
hóa tâm hồn cho nghiêm túc.
Thôi ta về đi, về thu xếp lại những bề bộn trong tâm hồn, đừng tiếp tục
lao tới phía trước để nắm bắt hay chứng tỏ gì thêm nữa. Chỉ khi nào tâm hồn
ta lắng dịu, không còn những khắc khoải mong cầu hay chống đối, biết chấp
nhận và thuận theo hoàn cảnh, ý thức giữ tâm hơn là giữ cảnh, thì ta mới
nếm được chất liệu thảnh thơi và hạnh phúc chân thật. Nếu trong giai đoạn
ban đầu rất khó giữ tâm trước những hoàn cảnh trái ngang, ta hãy tạm thời
tìm cho mình một không gian đủ an ninh để tịnh dưỡng tâm hồn. Một con
thú khi bị trúng thương thì nó lập tức rút về hang để liếm láp vết thương vì
nó biết cơ thể nó có khả năng tự chữa trị, nếu nó không kềm chế nổi cơn
thèm khát mà tiếp tục ra ngoài săn mồi thì sẽ bị kẻ khác tấn công hay chính
vết thương ấy sẽ hủy diệt nó. Vì vậy biết lúc nào cần phải quay về nuôi
dưỡng hay chăm sóc tâm hồn mình, sẵn sàng rời xa những hào quang hấp
dẫn từ cuộc sống thì đó mới đích thực là kẻ trí.
Tùy thuận theo hoàn cảnh
Không buộc theo ý mình
Giữ tâm không giữ cảnh
Tâm bình cảnh cũng bình
(Trích trong tác phẩm Bình An – Hiểu về trái tim, TG: Thích Minh Niệm)

MỖI NGÀY SỐNG ĐÃ LÀ MỘT CƠ HỘI ĐẶC BIỆT RỒI


Bạn hỏi mình : Có kiếp trước hay không ?
Sao mỗi con người sanh ra lại khác nhau đến thế?
Có kẻ đẹp kẻ xấu. Có người khôn người ngu. Có đứa
sang đứa hèn.
Nhưng bạn ơi, xấu – đẹp, khôn – ngu, sang – hèn … là do
bạn nhìn nó như vậy.
Chứ bản thân mỗi người đều là mỗi tuyệt tác đấy thôi.
Máu ai cũng đỏ. Nước mắt ai cũng trong. Trái tim ai cũng
đập. Sự phân biệt đến do bạn nhìn như vậy.
Bạn lại hỏi mình : Có kiếp sau hay không?
Mình mới hỏi lại : Bạn cần kiếp sau để làm gì?
Để thấy người sống thiện được đền đáp, người tội lỗi bị
dầu sôi, người tu đạo được giải thoát.
Nhưng bạn ơi, đâu cần tới kiếp sau.
Nhân quả nhãn tiền. Chỉ do bạn không thấy.
Bạn có bao giờ nhìn sâu vào cuộc sống.
Người có lòng Từ, khuôn mặt sẽ dịu nhẹ bao dung, vòng
tay sẽ ân cần rộng mở.
Kẻ thủ ác, trong tim chứa đầy lửa dữ. Tự đốt mình, đâu
cần địa ngục xa xôi. Đôi mắt láo liên, hằn những đường gân
máu luôn cau mày, luôn nhức nhối thân tâm.
Ai xức nước hoa, người sẽ thoang thoảng hương thơm.
Trái tim ai đẹp sẽ lung linh như vầng trăng ấy.
Và bạn ơi, phút giây này hạnh phúc.
Được mỉm cười, được chiêm ngắm đổi thay.
Tìm cầu chi nữa quá khứ vị lai.
Chẳng nơi nào đẹp như bây giờ hiện tại.
Cành sen trắng đang rưng rưng trong nắng.
Bụt mỉm cười lấp lánh đoá Vô Ưu.
“Đừng bao giờ giữ lại một cái gì mà chờ cơ hội đặc biệt
cả. Mỗi ngày sống đã là một cơ hội đặc biệt rồi !”
Tôi suy đi nghĩ lại câu nói này, và nó đã thay đổi cuộc
đời tôi.
Hiện nay tôi đọc sách nhiều hơn trước và bớt dọn dẹp
nhà cửa.
Tôi ngồi trước mái hiên mà ngắm cảnh chứ không buồn
để ý đến cỏ dại mọc trong vườn.
Tôi dành nhiều thì giờ cho gia đình và bạn hữu hơn là
cho công việc.
Tôi hiểu rằng cuộc đời là những cảm nghiệm mình cần
phải nếm.
Từ ngày ấy, tôi không còn cất giữ một cái gì nữa.
Tôi đem bộ ly pha lê ra sử dụng mỗi ngày; tôi mặc áo mới
để đi siêu thị, nếu mình bỗng thấy thích.
Tôi không cần dành nước hoa hảo hạng cho những ngày
đại lễ, tôi xức nước hoa khi nào mình thấy thích.
Những cụm từ như “một ngày gần đây” và “hôm nào”
đang bị loại khỏi vốn từ vựng của tôi.
Điều gì đáng bỏ công, thì tôi muốn xem, muốn nghe,
muốn làm ngay bây giờ.
Tôi không biết chắc là vợ của bạn tôi hẳn sẽ làm gì nếu cô
ấy biết trước rằng mai đây mình không còn sống nữa. (một
ngày mai mà tất cả chúng ta xem thường)
Tôi nghĩ rằng cô ấy hẳn sẽ mời mọi người trong gia đình,
mời bạn bè thân thích đến.
Có thể cô sẽ điện cho vài người bạn cũ và làm hòa hay
xin lỗi về một chuyện bất hòa trước đây.
Tôi đoán rằng cô ấy sẽ đi ăn các món Tàu (vì cô rất thích
ăn đồ Tàu!)
Chính những chuyện vặt vãnh mà tôi chưa làm khiến cho
tôi áy náy, nếu tôi biết rằng thì giờ tôi còn rất có hạn.
Tôi sẽ rất áy náy vì không đi thăm một vài người bạn
mình cần phải gặp mà cứ hẹn lần hồi.
Áy náy vì không nói thường hơn với những người thân
của mình rằng mình yêu thương họ.
Áy náy vì chưa viết những lá thư mà mình dự định ‘hôm
nào’ sẽ viết.
Giờ đây, tôi không chần chờ gì nữa, tôi không hẹn lại và
không cất giữ điều gì có thể đem lại niềm vui và nụ cười
cho cuộc sống chúng tôi.
Tôi tự nhủ rằng mỗi ngày là một ngày đặc biệt. Mỗi ngày,
mỗi giờ, mỗi phút đều đặc biệt cả.
Nếu bạn nhận được thư này, ấy là vì có một ai muốn điều
hay cho bạn, và vì bạn cũng có quanh mình những người
bạn quý yêu.
Nếu bạn quá bận đến độ không thể dành ra vài phút gửi
đến cho ai khác và tự nhủ: “mai mốt tôi sẽ gửi” thì mai mốt
đó có thể là một ngày thật xa hoặc là bạn không bao giờ gửi
được.

TẬN HƯỞNG SỰ CÔ ĐƠN


Hòa Thượng Thánh Nghiêm
Làm thế nào để đối mặt với sự cô đơn? Đó chính là trở về trạng thái trước
khi chưa sanh: trước khi người mẹ vẫn chưa có mang thai, ta đã ở đâu? Có
ai đồng hành cùng ta? Con người từ nào đến giờ luôn cô đơn, không phải
đợi đến già mới trở nên cô đơn, nguyên nhân dẫn đến cô đơn thường là do
tâm lý của bản thân, tinh thần và cuộc sống không có chỗ dựa mới cảm thấy
cô đơn. Cho nên, dù là trẻ em, thanh niên hay người trung niên đều sẽ thấy
cô đơn.
Lúc mà mọi người cảm thấy buồn chán và cô đơn,thường họ sẽ muốn tìm
bạn bè, xem phim, hoặc tham gia vào một vài bữa tiệc khiêu vũ, tụ tập với
bạn bè và các hoạt động khác. Nhưng khi những hoạt động này được thực
hiện, thì liệu cảm giác cô đơn có biến mất hay không? Không biết nữa! Bạn
biết đấy, khi tham gia sự kiện, cảm thấy nhiều người cùng chung với nhau
rất sôi nổi náo nhiệt, nhưng một khi kết thúc trở về nhà thì vẫn lẻ bóng một
mình nên vẫn là cô đơn.
Từng có một ca sĩ rất nổi tiếng ở Nhật Bản, khi anh ấy lên sân khấu, hàng
nghìn hàng vạn người đã hò hét và vỗ tay ủng hộ, anh ấy cũng tin rằng
những người này đều là fan của mình. Nhưng sau khi rời sân khấu trên
đường về nhà, chỉ có một mình anh ngồi trong xe, sau khi về đến nhà, anh
cũng chỉ một mình tắm rửa, ăn uống và ngủ nghỉ. Anh bắt đầu tự hỏi, rốt
cuộc vì sao mình lại sống?
Anh ấy nghĩ hoài nghĩ mãi mà không thể hiểu được điều đó, và sau đó
anh ấy muốn tự tử. Anh cảm thấy “cái tôi” xuất hiện trước mặt quần chúng
là cái tôi giả tạo, “cái tôi” mà anh đối diện cô đơn một mình mới là “con
người thật”, mà “con người thật”, là cô đơn và không có bạn bè. “Mặc dù
đông khán giả vì tôi mà phát cuồng, nhưng những gì họ thấy là tôi trên sân
khấu, và những gì họ thích là cách tôi thể hiện trên sân khấu. Diện mạo sau
sân khấu của tôi, họ không nhìn thấy, mà nếu như có nhìn thấy, thì cũng
không chắc chắn sẽ thích nó. ”Vì vậy, anh ta tự nghĩ mình là một người
không có bạn bè và muốn tự tử.
Sau đó, anh ấy nói vấn đề này với bạn mình, và bạn của anh ấy đã gợi ý
rằng nên tham gia khóa tu thiền thất (7 ngày). Anh hỏi:
“Thiền thất có thể làm được gì?”
Người bạn trả lời:
“Thiền thất là đối mặt với nỗi cô đơn của mình trong bảy ngày, không nói
chuyện với bất kỳ ai. Không có bạn bè, chỉ có mỗi bản thân mình. Luyện tập
để bản thân đối mặt với cô đơn và nhìn lại chính mình. Sống chung với chính
mình, sau khi quen rồi, sẽ cảm thấy thế giới không những quá ư là to lớn, vũ
trụ vô hạn, mà còn tràn đầy sức sống, mình và vũ trụ kết lại cùng hòa vào
nhau, thì làm sao có thể cô đơn chứ?”
Ca sĩ này nghe lời bạn đi tham gia tập thiền, sau khi ngồi thiền, hiệu quả
rất tốt, không những không còn muốn tự tử mà anh còn truyền bá rộng rãi
trãi nghiệm này.
Đối với một người lớn tuổi theo học Phật pháp, khi gặp cảnh cô đơn, nếu
cầm chuổi hạt và niệm danh hiệu “A Di Đà Phật” thì phút hiện tại chính là
ta đang ở cùng với Phật Di Đà; niệm danh hiệu “Quán Thế Âm Bồ-tát” có
nghĩa là phút hiện tại ta đang ở cùng với Bồ-tát Quán Âm. Nếu bạn có thể
thực hành phương pháp của tôn giáo này, bạn không hề đơn độc chút nào.
Dù con người đã già đi, bạn bè lần lượt ra đi, sự nghiệp cũng không còn, và
những người khách từng chen chúc, nịnh nọt đến viếng năm xưa cũng
không còn nữa, bạn vẫn có thể có một cuộc sống thật tuyệt vời. Chỉ cần bạn
có thể tập luyện tu dưỡng tinh thần đối mặt với cô đơn, bạn sẽ không cô đơn.
Trích dẫn nội dung từ Pháp Cổ Văn Hóa, “Sanh tử là tự tại”, tựa gốc “càng
già bạn càng cô đơn sao”?
Bồ Đề Trí chuyển ngữ

VẬT DƯỚI GIẾNG


Chuyện xảy ra tại một tu viện. Nhà Sư nọ, trong giờ chấp tác, đi ngang
giếng nước, nhòm xuống, chợt thấy một cái quần đen nổi lều bều trong đó,
liền hét toáng lên:

  • Chèn đét ơi! Cái giếng nước này người ta dùng để nấu ăn, nấu uống,
    rửa hoa cúng Phật, rửa chén cập Tăng… mà ai ăn ở bất nhơn, làm rớt cái quần
    xuống đây, hỏng biết nữa hà…
    Sau một hồi la lối, đương sự bèn dòm dáo dác, tìm tới tìm lui xem có ai
    đứng gần đâu đó để ngoắc tới phân bua… Nhưng thật xui xẻo, chung quanh
    vắng bặt như tờ.
    Nhà Sư này bèn dòm xuống giếng một cách bực tức… Và chợt bụm miệng
    la lên:
    _ Í, chết cha rồi! là cái quần của mình..
    Lập tức đương sự vội vàng lấy cây khoèo cái quần đa sự lên, vừa dáo dác
    canh chừng xem có ai nom thấy không. Và cũng thật là may mắn, chưa có ai
    nom thấy hết. Ðương sự vội vàng làm thinh, đi phơi cái quần và giữ im lặng
    như là thánh vậy.
    *
  • *
    Em thân mến!
    Ðây là một mẩu chuyện nhỏ rất thường xảy ra trong đời sống thường
    ngày của chúng ta. Cũng đồng thời là một sự kiện đó, một lỗi lầm đáng trách
    nhưng nếu do người khác gây ra thì chúng ta sẽ sẵn sàng hô hoán la rùm
    beng lên. Nhất là nếu người ghét cay ghét đắng thì… ta chỉ còn thiếu một
    việc là bắt loa phóng thanh lên để rao cho làng trên xóm dưới cùng nghe,
    cùng biết, cùng hay.
    Nhưng, nếu lỗi lầm đó, do chính ta vô tình hoặc cố ý gây nên thì phải dáo
    dác nhìn xem có ai ngó thấy không và khỏa lấp đi thật lẹ… như nhà sư trong
    câu chuyện trên đây vậy.
    Có lẽ vì vậy mà Phật khuyên chúng ta như thế này:
    Không nên nhìn lỗi người
    Có làm hay không làm
    Hãy nên nhìn lỗi mình
    Có làm hay không làm. (PC 50)
    Và:
    “Thấy lỗi người thì dễ, thấy lỗi mình mới khó. Lỗi người, ta cố phanh
    tìm như tìm thóc lẫn trong gạo, còn lỗi mình, ta cố che giấu như kẻ cờ
    gian bạc lận thu giấu quân bài.” (PC 252)
    Trong pháp Bảo Ðàn Kinh, Lục Tổ cũng có một lời khuyên chúng ta như
    thế này: “Nhược chân tu đạo nhân, Bất kiến thế gian quá…”
    Nghĩa là:
    Nếu thật người tu đạo, Ðừng thấy lỗi thế gian.
    Ghi lại câu chuyện này cùng lời Phật Tổ dạy, để gởi cho em, người bạn
    đồng hành nhỏ tuổi của tôi, cũng có nghĩa là tôi tự viết cho riêng mình vậy.
    Tn Hue Hanh