BỐN PHÉP TÍNH CHO NGƯỜI

  1. Nếu muốn thật giàu có, phải giỏi phép tính Nhân. Nhân là nhân bản,
    nhân cách, nhân từ.
  2. Nếu muốn có nhiều bạn bè, nhiều người mến, nhiều người tin tưởng
    thì phải giỏi phép tính Chia. Chia là biết chia sẻ, chứ đừng chỉ có biết giữ cho
    riêng mình.
  3. Nếu muốn làm được những gì mình muốn, hãy khéo léo dùng phép
    tính Cộng. Cộng là cộng tác, chung sức chung làm.
  4. Nếu muốn làm cái mới để thay đổi phải bỏ đi những thói quen, cách
    làm cũ, hãy dùng phép tính Trừ. Trừ là trừ bỏ, buông xuống, không nên cứ
    ôm ấp mãi trong lòng.
    Thành thạo cả 4 điều trên bạn sẽ trở thành một người xuất sắc.
    Và hãy nhớ là trước hết Nhân rồi đến Chia, sau đó mới Cộng rồi hãy Trừ.
    Cuối cùng, hãy đơn giản hoá cuộc sống của chính mình. Đừng quên học
    đi đôi với hành, và thực hành phải luôn đi trước lời nói.
    Cứ làm tốt những điều trên cuộc đời bạn chắc chắn sẽ thay đổi theo
    hướng tích cực hơn mỗi ngày và con đường thành công cũng sẽ rộng mở và
    gần hơn.
    Nhân Chia Cộng Trừ, nói sao làm vậy, làm sao nói vậy.
    SƯU TẦM
Advertisement

THIÊN SỨ

Trong Tăng Chi có nói đến ba vị thiên sứ, mỗi ngày những thiên sứ này
thường xuất hiện giữa thế giới loài người, muốn nhắc nhở người đời một vài
điều về ngày mai của họ, nhưng loài người phần nhiều không biết và cũng
chẳng muốn lắng nghe, lắm khi còn hất hủi xa lánh họ.(1)

  1. Thiên sứ thứ nhất trong hình hài một người già, đây là thiên sứ của
    những người trẻ tuổi. Vị thiên sứ này muốn nói với những người trẻ tuổi
    rằng một ngày nào đó họ sẽ già suy.
    Có những thứ sẽ còn mãi ở đó mỗi khi chúng ta quay đầu nhìn lại, nhưng
    với tháng năm tuổi trẻ thì lại không, cho dù quay đầu nhìn lại bao nhiêu lần
    cũng không thể tìm thấy được.
    Có những điều chỉ cần quay lưng đi là không còn phải đối mặt nữa,
    nhưng với tháng năm tuổi già thì lại không, cho dù cố lẩn tránh thế nào, cuối
    cùng, vẫn không thể tránh né được.
    Có những chuyện thời gian sẽ làm phai mất đi, nhưng với câu chuyện
    nhân quả đời người thì lại không, tất cả những nông nổi của tuổi trẻ nhất
    định phải đem những tháng năm vất vả của tuổi già bù đắp lại. Không thể
    khác được.
    Trong cuộc sống, đôi khi, điều khó nhất là có thể nhìn thấy được những
    chuyện bình thường đang diễn ra ở ngay trước mắt, như nhìn thấy một
    người già rồi biết rằng tuổi trẻ của mình chắc chắn sẽ mất và ngày mai ai
    cũng phải già đi. Nhận ra được điều bình thường đó để dừng lại, cân chỉnh
    cách sống của mình, để không phung phí những tháng năm tuổi trẻ, và để
    những việc làm của tuổi trẻ hôm nay không trở thành gánh nặng đè lên đôi
    vai gầy của tuổi già ngày mai.
    Có kẻ sống như không biết ngày mai sẽ già, nên chỉ ra sức tìm kiếm những
    người cùng mình lao vào các cuộc vui tuổi trẻ, mà quên tìm kiếm một người
    để cùng nhau già đi.
    Có kẻ sống như không biết ngày mai sẽ già, nên phung phí hết tháng năm
    tuổi trẻ, đến khi chạm mặt tuổi già, mới giật mình nhận ra còn quá nhiều
    khát vọng tuổi trẻ chưa thực hiện được, và phía trước còn quá ít thời gian,
    nên vội vã đem những khát vọng tuổi trẻ giao cho tuổi già, nhưng tuổi già
    lại không còn sức gánh vác nổi.
    Điểm tựa của tuổi già phải được chuẩn bị từ những tháng năm tuổi trẻ,
    nhưng có kẻ sống như không biết ngày mai sẽ già nên không chuẩn bị được
    điều gì cho ngày mai.
    Ai cũng muốn một tuổi già bình yên, nhưng không có một tuổi già nào
    bình yên được nếu bên trong nó không được lấp đầy bởi những tháng năm
    tuổi trẻ từ bi và hiểu biết.
    Có lẽ rất ít người trẻ tuổi nhìn thấy được người già trước mắt mình là một
    thiên thần, nhìn thấy ở họ một điều bình thường của cuộc sống, rồi chấp
    nhận được điều bình thường đó, không mất thời gian để buồn khi điều bình
    thường đó ập đến, không tốn thời gian để kháng cự lại một chuyện bình
    thường của kiếp người, chỉ dồn hết sức bình sinh để sống thật sâu và thoát
    ra khỏi những điều tầm thường của kiếp người.
    Có rất nhiều điều rất cần cho tuổi trẻ nhưng khi nhận ra chúng ta không
    đã còn trẻ nữa.
  2. Thiên sứ thứ hai trong hình hài một người bệnh, đây là thiên sứ của
    những người đang khoẻ mạnh. Vị thiên sứ này muốn nói với những người
    đang khoẻ mạnh rằng một ngày nào đó họ sẽ ốm đau.
    (còn tiếp)
    Người ngủ an.
    Vô Thường.
    Om Mani Padme Hum
    (1) Kinh Tăng Chi IV. 35. 1.

TU CÁI MIỆNG: NÓI LỜI DỄ THƯƠNG,NGƯỜI NGHE HOAN HỶ


“Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana. Tại đấy, Thế Tôn gọi các
Tỷ-kheo:

  • Này các Tỷ-kheo, đầy đủ bốn đức tánh này lời nói được xem là thiện
    thuyết, không phải ác thuyết, không có tội và không bị người có trí chỉ
    trích. Thế nào là bốn?
  • Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nói lời thiện thuyết, không nói lời ác
    thuyết; nói lời đúng pháp, không nói lời phi pháp; nói lời ái ngữ, không
    nói lời ác ngữ; nói lời chơn ngữ, không nói lời phi chơn. Đầy đủ bốn đức
    tánh này lời nói được xem là thiện thuyết, không phải ác thuyết, không có
    tội và không bị người có trí chỉ trích.
  • Rồi Tôn giả Vangìsa từ chỗ ở trong hội chúng đứng dậy, chắp tay
    hướng về Thế Tôn nói lên bài kệ tán thán: “Ai nói lên lời gì, lời ấy không
    khổ mình, lại không làm hại người, lời ấy là thiện thuyết. Ai nói lời ái ngữ,
    lời nói khiến hoan hỷ, lời nói không ác độc. Những lời nói đúng pháp, và
    những lời chân thật, là lời nói bất tử”.
    (Tương Ưng Bộ I, chương 8, phần Khéo nói)
    LỜI BÀN:
    Lời nói là một phương tiện giao tiếp cực kỳ quan trọng trong đời sống
    con người. Thử hình dung nhân loại sẽ sống ra sao nếu thiếu vắng ngôn ngữ,
    lời nói. Tuy nhiên, lời ăn tiếng nói của con người vốn đầy đủ hai mặt; có
    những lời nói đem đến sự hiểu biết và yêu thương đồng thời cũng có những
    lời nói đem đến đổ vỡ, chia rẽ và thù hận. Vì thế, ông cha ta đã từng kinh
    nghiệm “lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.
    Nói cho vừa lòng nhau hay khéo nói, thiện thuyết là cả một nghệ thuật
    sống. Con người phải học tập, rèn luyện và tu dưỡng thân tâm trong một
    thời gian dài mới mong hoàn thiện lời ăn tiếng nói của mình. Vì ngôn ngữ
    bị chi phối bởi tư duy, “ý dẫn đầu các pháp”, nên muốn nói cho vừa lòng
    nhau tất phải dựa trên một tâm thái sáng suốt, định tỉnh và chan chứa tình
    thương. Thiếu đi những yếu tố này tức tâm không được kiểm soát, chánh
    niệm không có mặt thì khả năng ác thuyết, những lời nói gây khổ đau cho
    bản thân và mọi người có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
    Khéo nói ở đây không phải nói nhằm được lòng người để thủ lợi. Khéo
    nói là nói ra những lời đem lợi ích, an lạc đến cho mình và người, trong hiện
    tại và cả tương lai. Tu tập trọn vẹn giới không nói dối (không nói sai sự thật,
    không nói lời chia rẽ, không nói lời hung ác, không nói lời xu nịnh nhằm
    hưởng lợi) thì người con Phật có thể đạt được khả năng thiện thuyết.
    Khổ đau trong đời sống con người rất nhiều và nguyên nhân của những
    nỗi khổ ấy xuất phát từ lời nói cũng không phải là ít. Do vậy, tu tập chuyển
    hóa khẩu nghiệp để trở thành người khéo nói, thiện thuyết nhằm đem lại
    hạnh phúc, an vui cho tự thân và cộng đồng là trách nhiệm của mỗi người
    con Phật.
    QUẢNG TÁNH

LỜI KINH TRONG LÒNG BÀN TAY

“Khi không sợ kết quả khổ từ những việc làm bất thiện, thì kẻ đó cứ mặc
nhiên tạo ra nhiều tội lỗi.
Dù bình yên hay xót xa, ai cũng phải cảm ơn những duyên lành ngày
trước để hiện tại vẫn còn được đứng đây mà làm một con người, rất khó có
được; sao lại xem thường những nhân duyên lành đó mà đem những việc
làm bất thiện phá nát đi”.
Khi làm một việc bất thiện, có bao giờ người nghĩ, ta đang nợ ngày hôm
qua của mình một lời xin lỗi, vì vừa phụ bạc những duyên lành ngày trước,
vừa quên đi những nỗ lực ngày xưa; và cũng nợ ngày mai của mình một lời
xin lỗi như vậy, vì vừa bắt ngày mai của mình phải nhận thêm một nỗi bất
an?
Có không?
Ai cũng có những ngày hôm qua rất nỗ lực để đi qua cho hết một nỗi
buồn, hiện tại, khi làm một việc bất thiện là đang bắt mình bước vào một nỗi
buồn khác. Ai cũng có những ngày hôm qua rất cố gắng để vun đắp một
điều lành, hiện tại, khi làm một việc bất thiện, là đang xóa đi điều lành đó.
Ai cũng có những ngày mai đầy bất trắc, hiện tại, khi làm một việc bất
thiện, là chồng vào ngày mai thêm một nỗi buồn.
Thứ mạnh hơn lỗi lầm là tình thương. Vì thương người mà bỏ qua lỗi lầm
của người. Vì thương mình mà không để mình phạm thêm lỗi lầm nữa.
Thế giới vô thường mang đến cho người đời nhiều điều sợ hãi, thứ mạnh
hơn sợ hãi cũng chính là tình thương.
Người ngủ an.
Vô Thường. Núi ngày cũ.
Om Mani Padme Hum

CUỘC ĐỜI ĐẸP BỞI NÓ MONG MANH


Hạnh phúc mong manh, vì tiềm tàng trong hạnh phúc luôn có niềm đau
khổ. Và đau khổ cũng mong manh, vì đau khổ vốn do duyên sanh thì cũng
do duyên mà đến ngày hoại diệt. Một người hiểu biết, khi hạnh phúc đến,
họ cảm nhận và bình an, không vênh vang đắc chí. Khi đau khổ xuất hiện,
họ cũng cảm nhận và bình an, không hoảng loạn, ưu phiền.
Cuộc đời này rất đẹp, và vạn sự đều mang vẻ đẹp của sương mai, mong
manh tan theo ngày nắng vội. Nhưng không vì thế mà cuộc đời này mọi thứ
trở nên vô vị và vô nghĩa. Nhiều vĩ nhân cũng mang tấm thân phận hạt bụi
như chúng ta, họ đã đi qua cuộc đời này mà nghìn năm vẫn còn vang bóng,
họ cũng mong manh. mà trí tuệ và tấm lòng thì soi sáng, vĩnh hằng.
Con người không tồn tại với thời gian, tiếng nói cũng không vang mãi tới
muôn trùng, nhưng trái tim và tác phẩm để lại cho đời thì thiên thu bất diệt.
Ai nói kiếp đời ” hạt bụi mong manh ” là vô nghĩa, hư vô, là chưa hiểu thấu
đấy thôi!…
Hãy nhủ lòng hiện hữu như sương mai, dẫu phù du mà vẫn tinh khôi,
chiếu sáng. Hạt sương đẹp ở chỗ dù không ai chiêm ngưỡng thì nó vẫn đẹp,
nó đẹp một cái tự nhiên như bản thể nó là.
Sống giữa đời, cứ như sương, cứ như hoa, sống là biểu hiện, là cống hiến
vô tư, chẳng vì ai tán dương, ca tụng… Hãy yêu thương cuộc đời và loài
người, vì thân phận loài người cũng mong manh như loài sương buổi sớm,
lỡ phải một cơn gió thôi, lỡ nhiễm một cơn dịch thôi là.. cũng dễ vỡ tan rồi!
Đời người như giọt sương mai.
Thương nhau không hết, đắng cay làm gì.
Mai rồi ai ở, ai đi
Giọt sương khóe mắt, nói chi, muộn màng!…
Như Nhiên – TTT
Namo Buddhaya