TU CÁI MIỆNG: NÓI LỜI DỄ THƯƠNG,NGƯỜI NGHE HOAN HỶ


“Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana. Tại đấy, Thế Tôn gọi các
Tỷ-kheo:

  • Này các Tỷ-kheo, đầy đủ bốn đức tánh này lời nói được xem là thiện
    thuyết, không phải ác thuyết, không có tội và không bị người có trí chỉ
    trích. Thế nào là bốn?
  • Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nói lời thiện thuyết, không nói lời ác
    thuyết; nói lời đúng pháp, không nói lời phi pháp; nói lời ái ngữ, không
    nói lời ác ngữ; nói lời chơn ngữ, không nói lời phi chơn. Đầy đủ bốn đức
    tánh này lời nói được xem là thiện thuyết, không phải ác thuyết, không có
    tội và không bị người có trí chỉ trích.
  • Rồi Tôn giả Vangìsa từ chỗ ở trong hội chúng đứng dậy, chắp tay
    hướng về Thế Tôn nói lên bài kệ tán thán: “Ai nói lên lời gì, lời ấy không
    khổ mình, lại không làm hại người, lời ấy là thiện thuyết. Ai nói lời ái ngữ,
    lời nói khiến hoan hỷ, lời nói không ác độc. Những lời nói đúng pháp, và
    những lời chân thật, là lời nói bất tử”.
    (Tương Ưng Bộ I, chương 8, phần Khéo nói)
    LỜI BÀN:
    Lời nói là một phương tiện giao tiếp cực kỳ quan trọng trong đời sống
    con người. Thử hình dung nhân loại sẽ sống ra sao nếu thiếu vắng ngôn ngữ,
    lời nói. Tuy nhiên, lời ăn tiếng nói của con người vốn đầy đủ hai mặt; có
    những lời nói đem đến sự hiểu biết và yêu thương đồng thời cũng có những
    lời nói đem đến đổ vỡ, chia rẽ và thù hận. Vì thế, ông cha ta đã từng kinh
    nghiệm “lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.
    Nói cho vừa lòng nhau hay khéo nói, thiện thuyết là cả một nghệ thuật
    sống. Con người phải học tập, rèn luyện và tu dưỡng thân tâm trong một
    thời gian dài mới mong hoàn thiện lời ăn tiếng nói của mình. Vì ngôn ngữ
    bị chi phối bởi tư duy, “ý dẫn đầu các pháp”, nên muốn nói cho vừa lòng
    nhau tất phải dựa trên một tâm thái sáng suốt, định tỉnh và chan chứa tình
    thương. Thiếu đi những yếu tố này tức tâm không được kiểm soát, chánh
    niệm không có mặt thì khả năng ác thuyết, những lời nói gây khổ đau cho
    bản thân và mọi người có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
    Khéo nói ở đây không phải nói nhằm được lòng người để thủ lợi. Khéo
    nói là nói ra những lời đem lợi ích, an lạc đến cho mình và người, trong hiện
    tại và cả tương lai. Tu tập trọn vẹn giới không nói dối (không nói sai sự thật,
    không nói lời chia rẽ, không nói lời hung ác, không nói lời xu nịnh nhằm
    hưởng lợi) thì người con Phật có thể đạt được khả năng thiện thuyết.
    Khổ đau trong đời sống con người rất nhiều và nguyên nhân của những
    nỗi khổ ấy xuất phát từ lời nói cũng không phải là ít. Do vậy, tu tập chuyển
    hóa khẩu nghiệp để trở thành người khéo nói, thiện thuyết nhằm đem lại
    hạnh phúc, an vui cho tự thân và cộng đồng là trách nhiệm của mỗi người
    con Phật.
    QUẢNG TÁNH
Advertisement