TỬ TẾ VỚI CHÍNH MÌNH LÀ ĐANG GIÚP ĐỜI.

Nếu bạn muốn làm gì cho cuộc đời này, không phải cứ hô to nói lớn: Hãy
trừng trị cái ác, hãy bài trừ cái xấu… hay tỏ ra chê bai, dè bỉu…Vì dù bạn có
phản ứng hay không thì tự thân mỗi người phải chịu nhân quả với việc làm
của họ không sớm thì muộn.
Cái xấu cần được giáo dục hơn là chê bai, phần lớn người ta làm việc xấu
vì họ không biết rằng việc đó là xấu thế nào, hoặc nữa, họ không biết làm gì
để được tốt hơn!
Nếu đem tâm hiềm khích, chê bai, đấu tranh… mà đóng góp cho đời thì
chỉ góp thêm phần bất an và xung đột.
Nếu có thứ gì đó cuộc đời cần ở bạn thì không gì hơn là sự tử tế!
Nếu mỗi người tử tế hơn chính mình, tử tế hơn với thái độ của mình, tử
tế hơn với những buồn phiền, bất mãn, xung đột, đấu tranh bên trong
mình…thì xã hội sẽ thêm phần an ổn. Khi không tử tế được với chính mình,
thì bạn sẽ không thể tử tế với ai được cả!
Nếu cái xấu của người có thể làm bạn phẫn nộ, cái tốt của người có thể
làm bạn vui cười thì bạn chỉ là một nô lệ trung thành cho hai mặt đối đãi của
cuộc sống!
Còn khi bạn có đủ bình an và tĩnh tại trước sự xấu tốt của người, dù bạn
không làm gì cho đời thì bạn cũng đã đóng góp một phần tử tế của mình để
làm an cuộc sống…
Có những người đến chùa làm công quả, nhưng họ thường nói những lời
chứa đầy những xung đột và bất mãn bên trong mình, nên dù họ đang làm
công quả bằng thân, nhưng ý và khẩu thì đang tạo nghiệp.
Có những vị nhân danh mình tu theo phái này là chính thống, là hay, nên
chê bai, đã phá phái kia. Hoặc cho pháp môn này là đúng, pháp môn kia là
sai nên sinh tâm bài trừ, hiềm khích.
Dù đúng hay sai, dù tà hay chánh… thì họ đang vận hành theo Nhân Quả,
Nghiệp Báo của chính họ. Bạn muốn xen vào để thay đổi nhân quả và nghiệp
báo thay họ ư?!
Mỗi cá nhân tự tu tập đủ năng lượng an lạc, từ bi và trí tuệ thì thế giới
này sẽ tự thay đổi.
Nếu bạn là mặt trời, dù có đứng một chỗ thì tự thân cũng chiếu sáng cho
vạn vật… Chân Lý cũng vậy, chỉ chiếu sáng cho người hữu duyên vượt thoát
những khổ đau, soi chiếu cho họ thấy ra nguồn gốc từ vô minh của bản ngã.
Chứ không phải đấu tranh để loại trừ điều gì. Bởi Chân Lý tự thân đã có đủ
Chân Thiện Mỹ.
Cho nên, việc tốt, chính là làm cho bản thân mình tốt hơn, nếu bạn nghĩ
rằng bạn đang làm việc tốt để cho ai đó, cho đời, cho đạo hay cho chùa… mà
thân khẩu ý của mình vẫn còn nhiều buồn bực và bất mãn thì việc ấy chỉ là
mặt khác của tham-sân-si trong bạn vẽ ra mà thôi…
Cho nên, hãy tử tế với những tư duy, cảm xúc, thái độ phản ứng của mình
cũng là một cách tu tập để bài trừ cái xấu vậy…
Đổi tâm, đổi tánh, đời thay đổi
Đổi cảnh, đổi người, chỉ nhọc công
Người đời không mấy thong dong
Vì mong thế giới như trong lòng mình
Chừng nào tâm thái an bình
Nhìn đâu cũng thấy nhân sinh nhiệm mầu!
Sư cô Trúc Lan Nhã

Advertisement

“UNG THƯ” TÂM


Chúng ta có lẽ ai cũng sợ hãi khi nghe cụm từ “Ung thư”. Những ai nhận
tin xấu ấy dễ rơi vào trạng thái kích động, chán nản, hoảng loạn, lo sợ.
“Nhiều người kể lại cảm giác khi nhận được tin xấu là ‘Đầu óc trống rỗng’,
‘Trời đất tối sầm’, ‘Chỉ biết khóc ngẩn ngơ’ hay ‘Quên cả lối về’(1). Họ lo lắng
cho chính mình và cho cả gia đình mình.
Khi đối diện với sự sống chết, mà ở đây là cái chết được báo trước, có lẽ
ít ai trong chúng ta có thể giữ được bình tĩnh, dù việc đó xảy ra cho chính
mình hay người thân của mình. Có lẽ, cũng chính lúc ấy ta mới nhận ra, ta
chưa bao giờ thấm thía sự thật mà Đức Phật đã chỉ dạy:
Không bao lâu thân này,
Sẽ nằm dài trên đất,
Bị vất bỏ vô thức,
Như khúc gỗ mục hư.
(Pháp cú 41, Phẩm Tâm, Đức HT Minh Châu dịch)
Đó chỉ là bài học mà ta đọc thuộc mỗi ngày, để rồi giờ đây khi thực sự đối
diện với thần chết, lời dạy ấy hoặc chìm vào vô thức, hoặc bị sự hoảng loạn
che đậy, lấn át, ta thấy mình yếu đuối và giận dữ đến chừng nào. Yếu đuối
bởi ta không biết phải nương dựa vào ai, giận dữ bởi ta đang tìm cách đổ lỗi
cho người khác hay đang dằn vặt chính mình. Do vậy, căn bệnh ung thư trên
thân có cơ hội “di căn” thành căn bệnh ung thư trên tâm với đầy những sân
hận, giận dữ, than trách, tuyệt vọng,… dòng suy nghĩ tiêu cực khiến những
bệnh nhân đuối sức và từ bỏ tất cả.
Nếu như ung thư trên thân do các gen trong cơ thể đột biến, “…cơ chế
điều tiết sự phân chia, trưởng thành và tiêu biến của tế bào bị phá vỡ. Kết
quả là sự xuất hiện của các tế bào dị thường, tăng sinh liên tục và không tự
tiêu biến.”(2) thì ung thư trên tâm có phải do sự phát triển dị thường của
những quan niệm, tư tưởng sai lầm, tiêu cực, phiến diện…làm phát triển liên
tục những tâm khủng hoảng, lo sợ, giận dữ, tự ti…?
Đức Phật Sakya Muni Buddha đã phát hiện ra hàng chục tế bào dị thường
của tâm: “tế bào” tham lam, “tế bào” ích kỷ, đố kỵ, giận dữ, “tế bào” phẫn
uất, “tế bào” hận thù, “tế bào” dối trá, che đậy, “tế bào” cố chấp, cứng đầu,
hấp tấp,…(3) Nó xuất hiện bởi “gen” trong sáng, định tĩnh, giới hạnh của tâm
đã bị đột biến thành những “gen” tham vọng, sân hận và si mê.
Nếu như ung thư trên thân cần lắm sự hiểu biết để chấp nhận và phối
hợp điều trị nhằm ngăn ngừa sự phát triển hay tấn công của những tế bào
dị thường kịp lúc thì ung thư trên tâm cũng cần được làm như vậy. Cần lắm
sự hiểu biết, kiểm tra, kiên trì và chấp nhận chữa trị sớm nhất.
Trạng thái hoảng loạn là một “tế bào” ung thư dị thường của tâm. Nó sẽ
phát triển nhanh chóng và tấn công tế bào bình thường, là sự bình tĩnh, chấp
nhận và sáng suốt của tâm. Cần ngăn chặn sự “tăng sinh” ấy bằng những
hiểu biết (Chánh kiến), những suy nghĩ tích cực (chánh tư duy), bằng sự nỗ
lực (chánh tinh tấn), nhận biết (chánh niệm), bình tĩnh hay quân bình (chánh
định) để rồi chúng ta không tự dằn vặt chính mình và người thân bằng ngôn
từ hay hành động (tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng), để chúng ta không tự huỷ
hoại chính bản thân mình, để căn bệnh ung thư trên tâm không “di căn”
sang thân, không phá huỷ hay làm trầm trọng hơn những gì mà thân thể
đang phải chịu đựng.
Điều trị ung thư, dù là trên thân hay trên tâm, là một tiến trình lâu dài,
cần lắm sự nỗ lực của bản thân và sự giúp đỡ của cộng đồng, bác sĩ, gia đình
và xã hội. Nhưng trên hết, hãy bắt đầu bằng sự hiểu biết đúng đắn về căn
bệnh mà mình đang mắc phải và hãy điều trị nó một cách kiên trì, nỗ lực,
khéo léo và thông minh. Để rồi, khi đối diện lại với vấn đề, chúng ta có thể
nhẹ nhàng hơn, ít rối loạn hơn và ít lo sợ hơn:
“Biết thân như đồ gốm,
Trú tâm như thành trì,
Chống ma với gươm trí,
Giữ chiến thắng không tham.”
(Pháp cú 40, Phẩm Tâm, Đức HT Minh Châu dịch.)
“Như từ một đống hoa,
Nhiều tràng hoa được kết,
Cũng vậy, thân sanh tử,
Làm được nhiều thiện sự.”
(Pháp cú 51, Phẩm Hoa, Đức HT Minh Châu dịch.)
“Tâm hoảng hốt, dao động,
Khó hộ trì, khó nhiếp,
Người trí làm tâm thẳng,
Như thợ tên, làm tên.”
(Pháp cú 33, Phẩm Tâm, Đức HT Minh Châu dịch).
Nguồn: Chia sẻ từ MT
THAM KHẢO:
(1) TS BS Phạm Nguyên Quý, ThS Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, 2022, Đồng
hành cùng bệnh nhân ung thư: Cẩm nang cho bệnh nhân và người thân, Tổ
chức Y học Cộng đồng, NXB Medinsights & NXB Dân Trí, trang 18.
(2) TS BS Phạm Nguyên Quý, ThS Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, 2022, Đồng
hành cùng bệnh nhân ung thư: Cẩm nang cho bệnh nhân và người thân, Tổ
chức Y học Cộng đồng, NXB Medinsights & NXB Dân Trí, trang 56.
(3) Xem thêm kinh Ví Dụ Tấm Vải, Trung Bộ Kinh 7, Đức HT Minh Châu
dịch.

LUÔN NHẮC NHỞ BẢN THÂN MỖI NGÀY ĐỂ SỐNG THIỆN

LUÔN NHẮC NHỞ BẢN THÂN MỖI NGÀY ĐỂ SỐNG THIỆN

  1. RỒI MÌNH SẼ GIÀ.
    Sự già đối với chúng ta rất hiển nhiên trong cuộc sống hằng ngày. Rồi
    một ngày không xa, mình cũng già như bao người khác. Đó là sự thật!
    Tuổi già sẽ đến với chúng ta, điều đó là chắc chắn và cũng không một ai
    thoát khỏi sự thật này. Do đó, chúng ta nên cố gắng luôn suy xét và tâm
    niệm! Đừng nên tự mãn cho rằng: mình còn trẻ, còn khỏe, còn mạnh.
  2. RỒI MÌNH SẼ BỆNH, SẼ ĐAU.
    Chúng ta hãy nhìn xem người bệnh họ như thế nào? Khi bị nỗi đau của
    bệnh tật chi phối, sẽ khiến chúng ta mệt mỏi, đau đớn thống khổ. Nỗi khổ
    của thân sẽ không bỏ qua bất kì người nào. Trong tương lai cái khổ, cái đau
    sẽ hành hạ chúng ta.
    Trước khi chưa già, chưa bệnh, chưa bị đau đớn từ thân thể, chúng ta phải
    biết nỗ lực học hỏi giáo Pháp và thực hành thiền để vun bồi đạo lộ tâm linh,
    hành trình giác ngộ.
  3. RỒI MÌNH SẼ CHẾT
    Ai rồi cũng phải chết. Đó là điều hiển nhiên trong cuộc sống. Dường như
    chúng ta không hề quan tâm, để ý. Khi cái chết bắt đầu tìm đến chúng ta, có
    lẽ nỗi sợ hãi, nỗi lo lắng kinh hoàng sẽ chinh phục mình dễ dàng.
  4. RỒI MÌNH SẼ BỎ LẠI TẤT CẢ SAU CÁI CHẾT.
    Gia đình của ta, người thân của ta, sự nghiệp của ta,tiền tài của ta, hội
    chúng của ta,… tất cả đều bỏ lại. Sự chết sẽ chấm dứt tất cả mà cái tôi, cái ta
    đã bao năm gầy dựng đều sẽ bị tan vỡ.
  5. RỒI NHÂN QUẢ SẼ THEO MÌNH SAU CÁI CHẾT.
    Tất cả đều bỏ lại sau cái chết, chỉ có nghiệp thiện và bất thiện theo mình
    nhiều kiếp sống tương lai.
    Thân, khẩu, ý sống bất thiện sẽ cho quả đau khổ!
    Thân, khẩu, ý sống thiện sẽ cho quả an lạc!
    Vì danh, vì lợi, vì cái tôi quá lớn mà bất chấp làm những điều xấu ác, làm
    hại người, làm đau khổ chúng sanh, gieo tạo nghiệp bất thiện. Sau khi chết
    người đó phải chịu nỗi thống khổ trong 4 đường dữ (Điạ ngục, Ngạ quỷ, Súc
    sanh và A-tu-la).
    Người sống biết bố thí, trì giới, hành thiền sẽ được an lạc cõi người, cõi
    trời.
    Vì vậy, các con phải luôn tâm niệm, ghi nhớ và suy xét kĩ 5 sự thật này.
    Hãy sống thiện mỗi ngày các con nhé!
    Lời dạy của Ngài Trưởng Lão Mahabodhi Myaing Sayadaw.
    (Bậc ẩn sĩ núi rừng)

NHÂN QUẢ

Tôi lớn lên ở Việt Nam và vì cha mẹ theo đạo Phật nên tôi dĩ nhiên theo đạo Phật. Đó
không phải là một sự lựa chọn. Đó là truyền thống gia đình.
Khi tôi thành hôn với Ron, anh là một thành viên trong gia đình Công Giáo chính
thống, từ một non nước mà đạo Chúa là lẽ sống, là niềm tin, là cuộc đời.
Nhưng anh ơi, anh giữ đạo anh, em giữ đạo em nhé. Chúng ta thường ca tụng là Chúa
nhân từ, Phật bác ái. Vậy hãy để hai ngài ngồi lại cùng nhau, xem thử niềm tin của chúng
ta có lung lay không? lối sống của chúng ta có hạ thấp không? và cuộc đời của chúng ta
có được hạnh phúc không?
Ai trong chúng ta từ thuở trăng tròn mười sáu cho đến nay trăng khuyết tận cùng, chỉ
còn một vành đai nhỏ xíu đủ nguệch ngoạc cho số bảy mà không có lần niềm tin mất
sạch, ngẩng mặt hỏi Chúa, hỏi Phật:

  • Tại sao và tại sao?
    Hay là đứng trên thành cầu đăm đăm vô hồn nhìn dòng nước trôi xuôi mang theo lẽ
    sống hay là cầm nắm thuốc độc trongtay… mong rằng nỗi đau vì vậy mà chấm dứt…
    Chúng ta giựt mình ngoảnh lại. Thôi thì Chúa đã định, Chúa đã chọn, chúng ta nên
    kính cẩn tin Ngài. Hiện giờ chúng ta không hiểu, nhưng rồi tới ngày đó chúng ta sẽ hiểu.
    Hãy có niềm tin.
    Chúng ta ngậm ngùi xét lại. Thôi thì kiếp trước đã gây ra bao nhiêu nhân xấu, đã làm
    bao nhiêu người khổ đau, tan nhà nát cửa, bây giờ nếm lại một chút Quả, có gì đâu mà
    thắc mắc… Mình làm mình chịu… * Nhân quả công bằng…
    Tôi đắm chìm và tuyệt đối tin tưởng Nhân Quả cũng giống như bao nhiêu Phật
    tửkhác.
    Giàu sang hay nghèo nàn, hạnh phúc hay khổ đau, thông minh hay ngu dốt, oai quyền
    hay thấp kém đều do Kiếp trước từ thiện hay lường gạt, trung thành hay phản bội, học
    hỏi hay biếng lười, công minh hay hiếp đáp…
    Vân vân và vân vân…
    Không những tôi “thấy” Kiếp trước của con người mà tôi còn “thấy luôn” Kiếp sau
    của họ nữa! Ghê chưa bạn?
    Những thành kiến và dự đoán của tôi như một cái võ bọc bằng đá bao quanh trái tim
    khiến tôi nhìn Nhân Quả một cách lạnh lẽo và vô tình.
    Cho tới một ngày, sau khi nghe những dè bỉu và dự đoán của tôi, thằng con trai điềm
    nhiên nói , dĩ nhiên nó “xài xể” Mẹ bằng tiếng Mỹ:
  • Mẹ à, quan niệm Nhân Quả của Mẹ đúng, không sai.
    Làm ác gặp ác. Làm lành gặp lành.
    Nhưng nó hình như làm cho Mẹ mất đi một chút lòng thương yêu và chia sẻ. Nó làm
    Mẹ phán đoán cứng ngắc, không tình người. Nó làm Mẹ sống trong tạo dựng mơ hồ của
    dĩ vãng và thiết kế hư ảo chuyện tương lai. Nó làm Mẹ quên hiện tại! Quên đời sống thực
    thụ diễn ra hằng ngày chung quanh Mẹ. Nó làm Mẹ không thấy những con người đau
    khổ cần được an ủi đỡ nâng, những con người lỡ lầm cần được chỉ dẫn hướng thiện,
    những con người xấu ác cần được sửa đổi thứ tha.
    Mẹ đã dùng Nhân Quả để phán đoán, chê bai và nguyền rủa người khác. Mẹ thử lật
    ngược lại bàn tay, hãy thử xoay lưng lại một vòng hãy giúp họ chuyển hóa những Nhân
    xấu thành Quả tốt, hãy giúp họ tìm kiếm cơ hội tạo dựng Nhân lành, hãy giúp họ phát
    triển những điều tốt đẹp thay vì xỉa xói những cái xấu xa.
    Hãy cho họ… second chance, Ok Mẹ?
    Ôi Trời ơi, cái thằng nầy học đạo Phật từ nơi đâu? Nó là thằng Mỹ lai, tiếng Việt nói
    không quá năm câu, chưa bao giờ nghe các Thầy giảng, chưa bao giờ đi Chùa, chưa bao
    giờ ngồi Thiền.
    Vì sao nó nói đạo Phật nghe… chạm lòng tự ái thế?
  • Con trai à, Nhân Quả muôn đời vẫn vậy. Làm ác gặp chuyện xấu, làm lành được
    khen tặng. Có ai nói thằng nầy chuyên làm điều thiện, luôn giúp đỡ mọi người nên Trời
    thương cho nó… nghèo mạt rệp. Cô kia kiếp trước từ hòa nhân ái, lúc nào cũng nở nụ
    cười an ủi kẻ khổ đau nên kiếp nầy được Phật ban cho… xấu hoắc! Làm sao mẹ có thể
    nhìn Nhân Quả dưới một góc độ khác? suy nghĩ theo một quan niệm khác?
    Tôi vào Lớp Vẽ Cao Niên được bảo trợ bởi viện bảo tàng Bowers và nhật báo Người
    Việt mỗi Thứ Tư để học vẽ.
    Ánh sáng, tiếng cười, giấy trắng, mực màu, cọ lông, bút vẽ…
    Mọi người vui tươi hạnh phúc.
    Cuối lớp, anh Đương và chị Hương đang chăm chú tô màu. Cạnh đó cháu Donny
    ngồi cười cười vu vơ và lặng lẽ ngắm nghía.
    Sau bài học của thằng con, bỗng nhiên tôi hơi ngờ ngợ, bỗng nhiên tôi hơi sượng sùng.
    Giọng nói thân yêu vang lên:
  • Mẹ ơi, hãy nhìn nhân quả với ánh mắt khác đi, Ok Mẹ?
    Khi tôi thấy anh chị thản nhiên, hãnh diện đem theo đứa con tàn tật vào lớp học, tôi
    bỗng thấy một vòng hào quang, tôi bỗng thấy một chất thật ngọt mà tôi không nếm trải
    được, nhưng tôi biết nó có ở đó, ở ngay giữa sự nghẹn ngào của con tim, ở ngay giữa tình
    người bát ngát.
    Bạn ơi, đây là hai con người đã đưa lưng ra vui vẻ vác cái Thánh giá nặng nề mà Chúa
    giao cho, không than van, không trách móc. Đây là hai con người can đảm đối diện với
    khó khăn của cuộc đời, không nản lòng, không chùn bước.
    Chúng ta thường hay khoe khoang các con nào là gì… nào là gì… nhưng những thất
    bại, xấu xa thì chúng ta giấu biệt tăm. Nhưng chỉ có những tâm hồn Thánh thiện mới
    hãnh diện dám đem đứa con tật nguyền tham dự vào các cuộc sinh hoạt vui chơi, không
    e dè, không xấu hổ.
    Ai nói là đứa con Down Syndrome đó là cái Nhân ác ngày xưa? Không bạn à, nhìn
    Nhân Quả dưới góc cạnh khác đi. Cháu Donny trở lại làm con để giúp cho cha mẹ bài
    học về sự nhẫn nại vô biên, về tình yêu thương không điều kiện. Anh chị đã nhiều đời,
    nhiều Kiếp thực hành hạnh Nhẫn nhục, yêu thương nhưng chắc là còn thiếu một vài nét
    chấm phá nào đó khiến cho Donny trở lại làm con để hoàn thiện nó. Donny, người con
    tật nguyền, là một thiện hữu tri thức, giúp anh chị nhận ra hạnh phúc không có nghĩa là
    nhận được mà thực sự là cho đi.
    Tôi kính phục anh chị và thương yêu cháu Donny.
    Nếu bạn có một đứa con tật nguyền, có một đứa con đồng tính, có một đứa con đổi
    giống, có một đứa con sứt môi, có một đứa con sanh ra thiếu chân, cụt tay, đui mù hoặc
    câm nín, xin bạn đừng buồn.
    Bạn hãy vui lên đi vì ơn trên đã chọn bạn để ban ơn chớ không phải để trừng phạt!
    Đúng rồi bạn ơi. Thằng Mỹ lai nói đúng. Hãy nhìn Nhân Quả dưới khía cạnh khác đi:
    nó làm cho tâm hồn mình thư thả hơn, trái tim mình thương yêu hơn, cuộc đời mình có
    nhiều ý nghĩa hơn.
    Ai là người không từng mất niềm tin, không từng nghi ngờ lẽ sống, không từng chịu
    khổ đau?
    Nhưng rồi Chúa và Phật sẽ tạo cho ta cơ hội thấy được niềm tin quả nhiên tồn tại, lẽ
    sống quả nhiên nhiệm mầu và đau khổ quả nhiên làm ta thiện mỹ hơn.
    Viết tới đây tôi chợt nghĩ tới rồi khi nào có dịp, tôi sẽ nói chuyện thêm với thằng con
    về Tôn giáo , nó là thằng con có Hiếu, tin cả Chúa cả Phật vì không muốn… kẹt giữa Cha
    Mẹ thì cảm thấy hơi mất mặt một chút. Mẹ đã bảy bó rồi mà con mới có vừa ba bó. Trứng
    mà đòi khôn hơn rận. Thôi thì đổ thừa cho mấy cái“neuron” chết tiệt trong óc bà già
    không còn hoạt động như ngày xưa… rồi viện trợ thêm ông bà tổ tiên nữa vì họ đã nói:
  • Con hơn Cha – Mẹ là nhà có Phúc mà! Phải không bạn?
    Mẹ xin cám ơn con, con trai của Mẹ. Con đã thẳng thắn chỉ cho Mẹ thấy những sai trái
    của Mẹ, con đã thương yêu vạch trần những tối tăm của Mẹ, con đã can đảm đứng trước
    mặt Mẹ, cản ngăn không cho Mẹ bước sâu vào hố u tối để Mẹ sống an lạc hơn, rộng mở
    hơn, thương yêu hơn.
    Đúng rồi con ơi. Mẹ sẽ không dè bỉu Dĩ Vãng nữa. Mẹ sẽ không nguyền rủa Tương
    Lai nữa. Mẹ sẽ sống trong Hiện Tại!
    In the Here and In the Now! With LOVE and CARE.
  • Ok, con trai?
    Lệ Hoa Wilson
    Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa đã nhận giải
    Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ 2016, với bài “Bốn Ngọn Đèn Cầy”.

TA CHỌN THA THỨ KHÔNG PHẢI VÌ TA NHU NHƯỢC


Ta chọn tha thứ không phải vì ta nhu nhược, mà bởi vì ta hiểu rằng tha
thứ là một trong những đức tính tốt đẹp nhất trên đời, không bao giờ là sai
cả.
Ta chọn lương thiện không phải vì ta mềm yếu, mà bởi vì ta hiểu rằng
lương thiện là bản tính nguyên sơ của mỗi con người, “nhân chi sơ, tính bổn
thiện”. Làm người thì không thể chọn con đường trở thành kẻ ác, người ác
tất sẽ có báo ứng.
Ta chọn nhường nhịn không có nghĩa là ta đang bị thụt lùi, mà vì ta hiểu
rằng, “một sự nhịn, chín sự lành”, nhịn một chút sóng yên biển lặng, lùi một
chút biển rộng trời cao.
Ta lựa chọn tha thứ còn một nguyên nhân nữa, không phải vì ta không
giữ vững lập trường, mà bởi vì ta hiểu rằng mọi chuyện không nên làm tận,
làm tuyệt.
Ta chọn “khờ khạo” không phải vì ta khờ khạo thật, mà bởi vì ta hiểu
rằng, khi đối diện với hiểu lầm, oan ức, bất công thì không nên so đo tính
toán quá, cứ nở nụ cười mà lặng nhìn thế thái nhân tình. Đôi khi giả ngốc
không phải là ngốc thật, mà chỉ là muốn cấp cho đối phương thêm một cơ
hội nữa.
Ta chọn chân thành và nói lời thẳng thắn là bởi vì ta hiểu rằng, những lời
nói dối, trái với lương tâm chỉ dùng để đối phó tình huống, trong khi thật
lòng đối đãi, nói lời chân tình mới thật sự giải quyết tận gốc vấn đề và không
có hậu họa về sau.
Ta trân trọng nghĩa tình không phải vì ta quỵ lụy, mà bởi vì không nhất
thiết phải vứt bỏ khoảng thời gian tốt đẹp giữa chúng ta.
Cuộc đời vốn dĩ có nhiều điều dù ta có muốn hay không chúng vẫn tồn
tại. Tuy nhiên khi đối diện với cuộc đời thì bản tính của mình như thế nào
mới là điều quan trọng nhất.
Sưu Tầm

THIỀN QUÁN TÂM


Không có gì trong vũ trụ nầy có thể so sánh hay thay thế được tâm.
Tâm tạo ra mọi thứ. Nhưng tất cả chúng ta đều coi thường tâm mình. Đó
cũng là một nghịch lý của cuộc đời. Không ai coi thường thân thể mình, nếu
nó bệnh, ta vội vã chạy đi bác sĩ. Nếu nó mệt mỏi, ta vội vã cho nó nghĩ ngơi.
Nhưng ta đã làm gì cho tâm? Hình như chỉ có các vị Thiền sư là chú trọng
đến tâm của họ.
Muốn tâm được phát triển sâu rộng, ta cần phải chăm sóc tâm. Nếu không
tâm ta luôn nhìn cuộc đời bằng con mắt nhị nguyên (hai chiều): Tốt, xấu;
ngày mai hay hôm qua; yêu (tôi thích thứ nầy), ghét (tôi không ưa thứ kia);
có (tôi sở hữu cái nầy), không (không sỡ hữu thứ kia); cái nầy của tôi, cái kia
của anh. Chỉ khi tâm đã được rèn luyện, ta mới có thể thay đỗi cái nhìn của
mình để có thế nhìn thấy được những ‘chiều’ khác của sự vật.
Việc ta cần làm trước tiên cho Tâm là tẩy rửa, tắm gội cho nó, không chỉ
mỗi ngày một lần hay hai lần như đối với cơ thể, nhưng trong mỗi giây phút
tỉnh thức.
Để làm được điều đó, chúng ta phải biết phương pháp. Với cơ thể, điều
đó khá dễ, chỉ cần dùng xà-phòng và nước. Chúng ta đã quen làm như thế
từ ngày còn nhỏ. Nhưng tâm chỉ có thể được gội rửa bằng tâm.
Những gì tâm đã thâu nhận, chỉ có tâm mới có thể cởi bỏ. Mỗi giây phút
tỉnh thức trong thiền là mỗi giây phút tâm được sàng lọc vì may mắn thay,
tâm không thể làm hai việc cùng một lúc. Dầu rằng, như Đức Phật đã nói
trong một nháy mắt ta có thể có đến hàng ngàn ý tưởng dấy lên, nhưng thực
tế ít ai nghĩ nhiều đến vậy và nhất là không thể có tất cả những suy tưởng
đó trong cùng một lúc. Chúng tiếp nối nhau cái này sau cái khác thoáng qua
nhanh chóng trong đầu ta.
Khi ta Thiền quán, ái dục, tham vọng, không thể hiện ra vì tâm chỉ có thể
làm một công việc một lúc. Do đó nếu thời gian tọa thiền tăng lên, các vết
nhơ bẩn trong tâm ta sẽ được gội rửa ngày một trở nên sạch hơn.
Từ Vô Ngã – Vô Ưu
AyyaKhema
Namo Buddhaya