Chúng ta có lẽ ai cũng sợ hãi khi nghe cụm từ “Ung thư”. Những ai nhận
tin xấu ấy dễ rơi vào trạng thái kích động, chán nản, hoảng loạn, lo sợ.
“Nhiều người kể lại cảm giác khi nhận được tin xấu là ‘Đầu óc trống rỗng’,
‘Trời đất tối sầm’, ‘Chỉ biết khóc ngẩn ngơ’ hay ‘Quên cả lối về’(1). Họ lo lắng
cho chính mình và cho cả gia đình mình.
Khi đối diện với sự sống chết, mà ở đây là cái chết được báo trước, có lẽ
ít ai trong chúng ta có thể giữ được bình tĩnh, dù việc đó xảy ra cho chính
mình hay người thân của mình. Có lẽ, cũng chính lúc ấy ta mới nhận ra, ta
chưa bao giờ thấm thía sự thật mà Đức Phật đã chỉ dạy:
Không bao lâu thân này,
Sẽ nằm dài trên đất,
Bị vất bỏ vô thức,
Như khúc gỗ mục hư.
(Pháp cú 41, Phẩm Tâm, Đức HT Minh Châu dịch)
Đó chỉ là bài học mà ta đọc thuộc mỗi ngày, để rồi giờ đây khi thực sự đối
diện với thần chết, lời dạy ấy hoặc chìm vào vô thức, hoặc bị sự hoảng loạn
che đậy, lấn át, ta thấy mình yếu đuối và giận dữ đến chừng nào. Yếu đuối
bởi ta không biết phải nương dựa vào ai, giận dữ bởi ta đang tìm cách đổ lỗi
cho người khác hay đang dằn vặt chính mình. Do vậy, căn bệnh ung thư trên
thân có cơ hội “di căn” thành căn bệnh ung thư trên tâm với đầy những sân
hận, giận dữ, than trách, tuyệt vọng,… dòng suy nghĩ tiêu cực khiến những
bệnh nhân đuối sức và từ bỏ tất cả.
Nếu như ung thư trên thân do các gen trong cơ thể đột biến, “…cơ chế
điều tiết sự phân chia, trưởng thành và tiêu biến của tế bào bị phá vỡ. Kết
quả là sự xuất hiện của các tế bào dị thường, tăng sinh liên tục và không tự
tiêu biến.”(2) thì ung thư trên tâm có phải do sự phát triển dị thường của
những quan niệm, tư tưởng sai lầm, tiêu cực, phiến diện…làm phát triển liên
tục những tâm khủng hoảng, lo sợ, giận dữ, tự ti…?
Đức Phật Sakya Muni Buddha đã phát hiện ra hàng chục tế bào dị thường
của tâm: “tế bào” tham lam, “tế bào” ích kỷ, đố kỵ, giận dữ, “tế bào” phẫn
uất, “tế bào” hận thù, “tế bào” dối trá, che đậy, “tế bào” cố chấp, cứng đầu,
hấp tấp,…(3) Nó xuất hiện bởi “gen” trong sáng, định tĩnh, giới hạnh của tâm
đã bị đột biến thành những “gen” tham vọng, sân hận và si mê.
Nếu như ung thư trên thân cần lắm sự hiểu biết để chấp nhận và phối
hợp điều trị nhằm ngăn ngừa sự phát triển hay tấn công của những tế bào
dị thường kịp lúc thì ung thư trên tâm cũng cần được làm như vậy. Cần lắm
sự hiểu biết, kiểm tra, kiên trì và chấp nhận chữa trị sớm nhất.
Trạng thái hoảng loạn là một “tế bào” ung thư dị thường của tâm. Nó sẽ
phát triển nhanh chóng và tấn công tế bào bình thường, là sự bình tĩnh, chấp
nhận và sáng suốt của tâm. Cần ngăn chặn sự “tăng sinh” ấy bằng những
hiểu biết (Chánh kiến), những suy nghĩ tích cực (chánh tư duy), bằng sự nỗ
lực (chánh tinh tấn), nhận biết (chánh niệm), bình tĩnh hay quân bình (chánh
định) để rồi chúng ta không tự dằn vặt chính mình và người thân bằng ngôn
từ hay hành động (tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng), để chúng ta không tự huỷ
hoại chính bản thân mình, để căn bệnh ung thư trên tâm không “di căn”
sang thân, không phá huỷ hay làm trầm trọng hơn những gì mà thân thể
đang phải chịu đựng.
Điều trị ung thư, dù là trên thân hay trên tâm, là một tiến trình lâu dài,
cần lắm sự nỗ lực của bản thân và sự giúp đỡ của cộng đồng, bác sĩ, gia đình
và xã hội. Nhưng trên hết, hãy bắt đầu bằng sự hiểu biết đúng đắn về căn
bệnh mà mình đang mắc phải và hãy điều trị nó một cách kiên trì, nỗ lực,
khéo léo và thông minh. Để rồi, khi đối diện lại với vấn đề, chúng ta có thể
nhẹ nhàng hơn, ít rối loạn hơn và ít lo sợ hơn:
“Biết thân như đồ gốm,
Trú tâm như thành trì,
Chống ma với gươm trí,
Giữ chiến thắng không tham.”
(Pháp cú 40, Phẩm Tâm, Đức HT Minh Châu dịch.)
“Như từ một đống hoa,
Nhiều tràng hoa được kết,
Cũng vậy, thân sanh tử,
Làm được nhiều thiện sự.”
(Pháp cú 51, Phẩm Hoa, Đức HT Minh Châu dịch.)
“Tâm hoảng hốt, dao động,
Khó hộ trì, khó nhiếp,
Người trí làm tâm thẳng,
Như thợ tên, làm tên.”
(Pháp cú 33, Phẩm Tâm, Đức HT Minh Châu dịch).
Nguồn: Chia sẻ từ MT
THAM KHẢO:
(1) TS BS Phạm Nguyên Quý, ThS Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, 2022, Đồng
hành cùng bệnh nhân ung thư: Cẩm nang cho bệnh nhân và người thân, Tổ
chức Y học Cộng đồng, NXB Medinsights & NXB Dân Trí, trang 18.
(2) TS BS Phạm Nguyên Quý, ThS Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, 2022, Đồng
hành cùng bệnh nhân ung thư: Cẩm nang cho bệnh nhân và người thân, Tổ
chức Y học Cộng đồng, NXB Medinsights & NXB Dân Trí, trang 56.
(3) Xem thêm kinh Ví Dụ Tấm Vải, Trung Bộ Kinh 7, Đức HT Minh Châu
dịch.