HỒNG TRẦN MẤY KIẾP RONG CHƠI

(Xin cám ơn Tác giả Ngọc Hằng, Nhân viên trong một VIỆN DƯỠNG LÃO)
Ở trường học, việc được gặp những nhân vật cấp cao, gặp giám đốc của
trường hay là ngay cả gặp trưởng khoa cũng là điều hiếm thấy. Vậy mà
trong viện dưỡng lão cao cấp này, những nhân vật nổi tiếng ấy lại vô tình
trở thành bệnh nhân của con. Ngoài ra còn có cả những cựu thị trưởng hay
cựu tổng giám đốc của các tập đoàn lớn. Thật không thể nào tin được giờ
những người ấy về hưu sống ở đây, bệnh tật triền miên, mất trí, trầm cảm
cùng những loại bệnh khác của vô thường kéo đến làm cho họ trông thật
thảm thương, tội nghiệp. Vì thế mỗi khi khám bệnh, trả lời, lấy máu hay
chẩn đoán họ xong, con cũng hốt hoảng khi được giới thiệu về lịch sử của
họ.
Những người nổi tiếng, sang trọng, quyền uy tột bực ngày xưa giờ lại là
như thế này sao?
Mấy mươi năm về trước có bao giờ họ nghĩ đến lúc mình như thế này
không?
Giờ họ ở đây dù giữa môt viện dưỡng lão hiện đại, sang trọng, nhưng
vẫn sống một mình giữa những ngôi nhà lớn. Họ đã ở độ tuổi thất thập cổ
lai hy nhưng vẫn muốn cố gắng sống một mình, tự làm mọi việc, cần lắm họ
mới thuê người và tự lo cho cuộc sống của bản thân mình. Tuy nhiên, một
số người phải chuyển đến nơi cần có y bác sĩ chăm sóc nếu họ không thể tự
mình làm hoặc nếu tâm trí của họ có vấn đề. Nhìn cảnh những người sống
ở đây dù là tự lập hay có sự giúp đỡ đều thầy ảm đạm, thương cảm làm sao
ấy. Đi ngang qua phòng ăn trong giờ trưa, những cụ ông, cụ bà thiểu não
ráng nhai từng muỗng cơm rất tội nghiệp. Đôi khi họ vừa ăn vừa ngủ và chỉ
tỉnh dậy ăn tiếp nếu ai nhắc nhở họ. Xung quanh những chiếc ghế sang trọng
là một số cụ già đang nằm thất thểu, một số mất trí cuồng loạn nói liên hồi
và một số chẳng buồn cử động chẳng thấy một sức sống nào. Cả một màu ủ
rũ, ảm đạm bao phủ trên những con người một thời vĩ đại giữa bao nhiêu
của cải vật chất, tiện nghi hiện đại thuộc quyền sở hữu của họ nhưng chẳng
ai còn có thể biết mình đang tận hưởng và làm gì cả.
Tự nhiên, con lại thấy thương và buồn cười với sự ngược đời. Con người
ta phải khổ đau lặn ngụp suốt ngày, hành hạ thân xác của mình để kiếm tìm
cho được những thứ ngũ dục thế gian, những vật chất bên ngoài trang hoàng
lên cho bản thân mình, để mua vui thoáng chốc với tâm hơn thua và để thỏa
mãn chút ham muốn của tâm. Để rồi giờ đây ở những giờ phút cuối đời, bên
những tiện nghi ấy cũng vẫn chẳng ham đua, sao mà lại khổ đến vậy.
Những cụ ông, cụ bà trong viện dưỡng lão này đã sắp đến ngày lần lượt
về bên kia thế giới. Chỉ một làn gió làn sương vô tình cũng có thể đưa thân
trở về cát bụi. Kiếp người thật mong manh nhẹ thoảng bay ngang.
Tất cả như một vở tuồng biến chuyển đủ thứ vai, hết vở lại xuống.
Còn chăng là những hơi ấm tình thương lan tỏa trên khắp các nẻo đường
và giữ tâm mình bất động giữa khổ đau của dòng đời.
Một kiếp sống nhẹ tựa lông hồng sa chân biết đến chừng nào mới có thể
mong trở lại làm người. Thiên nhiên đẹp như thế nhưng chẳng ai lo chăm
giữ vui chơi. Tâm mình đẹp trong thuần khiết với bổn tâm thanh tịnh nhưng
chẳng ai muốn giữ lấy chỉ mãi chạy theo ngã trần. Bình yên thanh tịnh sao
khó giữ mình giữa chốn trần gian đầy cám dỗ này quá đi thôi.
Nhìn cảnh tượng buồn thương ấy con chỉ biết niệm Phật rồi nhanh chóng
mở cửa thoát ra ngoài. Thế giới bên ngoài giữa thiên nhiên cỏ cây mới là nơi
con muốn đến. Đường rộng thênh thang, gió thổi qua những rặng cây thêm
âm thanh vi vu vui thích. Con ngồi xuống trên băng ghế kế bên vệ đường
khuất tầm nhìn ngắm cây xanh và nghe chim hót. Không biết bao nhiêu tiếng
chim hót, ve kêu tạo nên một bản hòa nhạc của núi rừng.
“Tiếng chim hót trong bụi mận gai” Không, đây là tiếng chim hót giữa
rừng cây ở viện dưỡng lão làm tăng thêm chút sinh khí buồn ảm ở đây. Cảnh
quá đẹp và hữu tình nhưng chẳng ai dạo bước chỉ mỗi mình con. Thỉnh
thoảng lắm mới có một hai người giúp việc hay một ông cụ nào đó đi xe
đạp chạy qua cũng ngoái cổ ngước nhìn con một thân đi dạo khi đang mặc
trên mình chiếc áo blouse trắng của thầy thuốc. Khung cảnh thật bình an làm
tâm con không hề nổi sóng.
Lâu lắm rồi con mới thấy dễ chịu, sảng khoái và thích được ở mãi giữa
thiên nhiên như vậy. Dưới chân là hoa nở, cỏ xanh trải thảm ngút ngàn còn
trên đầu là cây xanh hòa điệu với biết bao nhiêu tiếng chim hót liên hồi. Chỉ
cách nhau một vài con đường và một cánh rừng thì bên ngoài kia là cả một
cuộc sống tấp nập, bon chen, ồn ào, mỏi mệt mà đôi khi con cũng dừng lại
tự hỏi mình đang chạy đi đâu.
Chỉ cách một cánh cửa nhưng bên trong là một sự ảm đạm của những con
người một thời quyền uy lỗi lạc. Con ước ao ngày nào mình cũng được sống
và đi dạo trong khung cảnh như thế này thì làm sao còn biết đến tham sân
si.
Tiếng chuông từ đâu điểm canh kéo con về với thực tại. Đã đến giờ con
phải trở vào tiếp tục vật lộn với bệnh tật, mang lại những gì có thể cho sức
khỏe, bình an của bệnh nhân mình. Người sung sướng giàu sang hay nghèo
khổ khi thân bệnh đến đều như nhau, đều đau khổ cả. Bao nhiêu năm con
đã nhờ thân này bước đi trả nghiệp liệu còn được bao nhiêu lâu nữa thì sẽ
được thoát ly lưới trần này.
Nghiệp duyên bao phủ hằng sa chỉ mong tịnh tâm để bớt đi phiền muộn
và không phải tạo thêm ác nghiệp. Mong cho tâm mình ngày nào cũng được
thanh thản bình yên như cuộc dạo chơi giữa hồng trần nơi bên ngoài viện
dưỡng lão hôm nay.
“Xin cho bốn mùa
Đất trời lặng gió
Đường trần con đi
Hoa vàng mấy độ.”
NAM GIANG TU

Advertisement

THỬ MỘT LẦN SUY NGHIỆM VỀ KIẾP SỐNG


Hãy thử tưởng tượng đi chỉ 5 phút thôi thân thể này sẽ biến thành tro
ngay lập tức trong lò thiêu, hoặc da thịt này sẽ sình thối, nứt nẽ chảy nước
rồi rã ra với mùi hôi thối nực nồng.
Chỉ vài phút thôi khi hơi thở không còn trong thân xác này thì một dấu
chấm hết, không còn gì cả, mất tất cả, không còn một dấu vết gì của một con
người này trên thế gian cả ! biến mất như một cơn gió thổi qua ! chỉ còn là
hư không. Vậy mà ta đã tốn không biết bao nhiêu công sức nuôi dưỡng cái
thân này, bao nhiêu công sức xây dựng cơ ngơi, hoạch định tương lai lâu
dài, dùng hết cả sức lực của mình đấu tranh giành giựt, tính toán thâu đêm
để rồi chỉ 5 phút thôi tất cả thành tro bụi ngay lập tức, ta có giống con Dã
Tràng không? xây dựng lâu đài cát cho sóng biển cuốn đi.
Ngắn ngủi làm sao một kiếp người, mong manh làm sao một cuộc đời, ta
bất lực với sự chấm dứt của nó, không thể kéo dài, không thể van xin mà
thật ra keó dài để làm chi nếu sự tồn tại của con người chỉ là một chuổi những
phiền muộn, lo toan, tranh giành, tính toán, hồi hộp, giận hờn, đau đớn bệnh
hoạn, chứ có phải là cuộc sống thiên đàng đâu.
Thế mà chúng ta không nhận ra giá trị của sự tồn tại cái thân này để tận
hưởng và sử dụng cho xứng đáng những tháng ngày nó còn tồn tại, để khi
nó hoại ta không thấy tiếc nuối mà sẽ hài lòng vì mình đã sử dụng, sống đầy
ý nghĩa một cuộc đời.
Nhận thức sâu sắc về thực tế này là một sự chánh niệm, tỉnh thức đầy trí
tuệ, nó giúp ta sống đúng nghĩa, cư xử hợp lý, hành động không nông nổi
bởi ta biết được hạnh phúc trong thực tại mới có ý nghĩa, còn những gì mong
đợi cho tương lai, kiếp sau thật hư vọng.
Tin sâu nhân quả, sống thuận theo nhân quả, tức biết những gì xấu nên
tránh, những gì thiện nên làm là ta đã tiên đoán được một cuộc đời tiếp theo
của thân này rồi vậy có cần thiết phải quá lo lắng “ ta sẽ về đâu sau khi bỏ
thân này không ? “
Hãy sống thật sự, hãy cảm nhận từng phút giây trong hiện tại, ta còn đây,
hiện hữu ngay giờ phút này, hãy hạnh phúc với những gì mình đang có, trân
trọng nó.
Hãy tự nhủ mình sẽ là cơn gió mát cho những tâm hồn nóng nảy, là bóng
râm cho những người bạn lử hành, là ánh đèn cho người đi trong đêm đen.
Lợi lạc thay một cuộc đời.
Chỉ thế thôi, tôi không cần đến đâu cả thiên đàng hay tây phương, ngay
đây, ở chốn này đã đủ cho tôi rồi.
Pháp Đăng

KHÔNG DẠY TRẺ VỀ LÒNG BIẾT ƠN VỀ SAU SẼ THÀNH CON BẤT HIẾU

Văn hóa truyền thống rất coi trọng việc giáo dục trong gia đình và nề nếp
gia phong. Trong lịch sử, nhiều danh môn vọng tộc sở dĩ có thể bồi dưỡng
ra vô số những nhân vật lẫy lừng, không thể không nhắc đến giáo dục gia
đình mà nền tảng chính là lòng biết ơn.
Tuy nhiên, trẻ em ngày nay thường chiếm vị trí “độc tôn” trong gia đình.
Cả nhà xoay quanh một đứa trẻ, chúng đóng vai diễn được yêu thương,
chiều chuộng, muốn gì được nấy. Lâu dần về sau, rất nhiều trẻ sẽ cho rằng
những thứ chúng có được từ gia đình là hiển nhiên, từ đó chỉ biết yêu cầu,
nhận lấy mà không biết hồi báo, càng không biết quan tâm và cảm kích
người khác.
Là cha mẹ, ai cũng mong muốn những gì tốt nhất cho con mình. Tuy
nhiên, cái tốt nhất đó không nên thiên về hướng vật chất, tức là đáp ứng tất
cả những gì chúng muốn, mà nên cho trẻ được hưởng thụ một nền giáo dục
chất lượng cao và bồi dưỡng chúng thành những người có phẩm chất ưu tú.
Trong đó, giáo dục trẻ lòng biết ơn là nền tảng rất quan trọng.
Nếu cha mẹ chỉ biết nuông chiều mà không dạy trẻ biết hồi báo, thì cho
dù có bước ra ngoài xã hội, trẻ cũng sẽ gặp nhiều trắc trở, thậm chí coi Trời
bằng vung. Đối tượng mà trẻ cần biết ơn không chỉ có cha mẹ, mà còn là
những ai từng giúp đỡ chúng.
Câu chuyện vài năm trước của cậu sinh viên (xin giấu tên) là một ví dụ
điển hình về hậu quả của việc không giáo dục trẻ lòng biết ơn. Cậu ta được
mẹ cho đi du học ở Nhật bản 5 năm, trước giờ chưa từng đi làm, học phí và
phí sinh hoạt mỗi tháng đều do một tay người mẹ vất vả chu cấp. Đến khi
mẹ cậu không thể kiếm được tiền gửi nữa và cậu phải về nước, ngay khi vừa
ra khỏi sân bay, cảnh tượng cậu bạo lực với mẹ khiến ai cũng rùng mình.
Thanh niên 25 tuổi vốn dĩ cần tự lập, dựa vào tiền làm thêm để trang trải
cuộc sống. Nhưng cậu sinh viên này lại thản nhiên hưởng thụ số tiền mà
người mẹ vất vả chu cấp hàng tháng. Khi người mẹ kia không thể kiếm được
tiền gửi nữa thì cậu ta không màng đến tình mẫu tử, trong tâm tràn đầy oán
hận mà ra tay tàn ác với chính người sinh ra mình.
Câu chuyện trên đã thức tỉnh rất nhiều bậc cha mẹ: Những đứa trẻ không
biết cảm ơn sau này sẽ còn đáng sợ hơn cả sói dữ. Vì vậy, giáo dục trẻ sống
có trách nhiệm và biết cảm ơn thực sự rất quan trọng.
Khi trẻ còn nhỏ cha mẹ đã luôn thuận theo ý của chúng, dẫn đến chúng
xem cha mẹ như nô lệ của mình.
Những đứa trẻ này đưa ra những đòi hỏi vô tận trước những nỗ lực của
cha mẹ chúng. Có những sinh viên chỉ trong mấy năm đại học đã tiêu tốn
của gia đình không biết bao nhiêu tiền, trong khi cha mẹ tiết kiệm ăn không
dám ăn, dùng không dám dùng, thậm chí chẳng ngần ngại đi vay nợ để nuôi
con.
Chúng thoải mái mua sắm những món đồ trang sức, quần áo, giày dép
hàng hiệu, điện thoại, máy tính đắt tiền để khoe mẽ, ăn nhà hàng, tiêu tiền
một cách không thương xót và xem đó là điều đương nhiên. Thậm chí có
những đứa đã đi làm rồi nhưng vẫn có tâm lý dựa dẫm vào cha mẹ để sống.
Kỳ thực, nếu không cho trẻ thử nhịn đói, chúng sẽ không biết giá trị của
đồ ăn. Không để trẻ thử chịu lạnh, chúng sẽ không biết ấm áp đáng quý
nhường nào. Không để trẻ nếm trải thất bại, chúng sẽ không thể hiểu được
gian nan của thành công.
Một đứa trẻ biết ơn, chúng sẽ cảm kích khi người khác giúp chúng và sẽ
trân quý tất cả những gì mình có được. Nếu bạn không muốn trẻ bị đào tạo
thành một con “sói kiêu ngạo”, thì tuyệt đối không nên thay trẻ làm quá
nhiều thứ, không nên để trẻ nhận quá nhiều mà không biết cảm ơn.

  • Lòng biết ơn chính là chất dinh dưỡng của sự trưởng thành về tâm hồn.
    Khi trẻ cảm nhận được những hành động tử tế từ người khác, chúng sẽ biết
    rằng ngày sau mình cũng nên yêu thương và giúp đỡ người khác.
    Thiện Ý
    Namo Buddhaya

VÔ THƯỜNG

Kiếp sau nếu có dù thương hay không thương, cũng không còn dịp gặp
lại nhau đâu.
Tôn Vận Tuyền đã để lại những lời căn dặn như sau:

  • Các Con thân mến, viết những điều căn dặn này, Cha dựa trên 3 nguyên
    tắc như sau:
  1. Đời sống là Vô thường, không ai biết trước mình sống được bao lâu,
    có những việc cần, nếu được nói ra sớm để hiểu thì hay hơn.
  2. Cha là Cha của các Con, nếu không nói ra thì chắc không ai nói rõ với
    các Con những việc này đâu !
  3. Những điều căn dặn để ghi nhớ này là kết quả của bao kinh nghiệm
    xương máu, thất bại đắng cay trong cuộc đời của chính bản thân mà Cha ghi
    nhận được, Nó sẽ giúp các Con tránh những nhầm lẫn hoang phí trên con
    đường trưởng thành của các Con.
    Dưới đây là những điều nên ghi nhớ trong cuộc đời
  4. Nếu có Người đối xử với Con không tốt, đừng thèm để Tâm cho mất
    thời giờ.
    Trong cuộc đời nầy, không Ai có bổn phận phải đối xử tốt với Con cả,
    ngoại trừ Cha và Mẹ của các Con.
    Nếu có người đối xử tốt với Con, ngoài việc các Con phải biết ơn, trân
    quý, các Con cũng nên thận trọng một chút. Vì Người đời thường làm việc
    gì cũng có mục đích của nó, chớ có vội vàng cho là Bạn tốt của mình ngay.
  5. Không có Người nào mà không thể thay thế hay tồn tại mãi với mình
    được cả; không có vật gì mà nhất thiết phải sở hữu, bám chặt lấy nó.
    Nếu hiểu rõ được nguyên lý nầy thì sau nầy trong cuộc đời, lỡ người Bạn
    đời không còn muốn cùng đi trọn cuộc đời hay vì lý do gì Con bị mất đi
    những gì trân quý nhất trong đời Con thì cũng nên hiểu: đó cũng không phải
    là chuyện Trời sập.
  6. Đời Người ngắn ngủi, nếu hôm nay ta để lãng phí Thời gian, mai đây
    hiểu được thì thấy rằng quãng đời đó đã vĩnh viễn mất rồi !
    Cho nên, nếu ta càng trân biết quý sinh mạng của mình càng sớm, thì ta
    được tận hưởng cuộc đời mình càng nhiều hơn.
    Trông mong được sống Trường thọ, chi bằng mình cứ tận hưởng cuộc đời
    mình ngay từ bây giờ.
  7. Trên đời nầy chẳng hề có chuyện yêu thương bất diệt. Ái tình chẳng
    qua là một cảm xúc nhất thời, cảm giác nầy tuyệt đối sẽ theo Thời gian, hoàn
    cảnh mà biến thiên, thay đổi.
    Nếu Người yêu bất diệt rời bỏ Con rồi thì hãy chịu khó nhẫn nại một chút
    để Thời gian dần dần trôi qua, để tâm tư mình từ từ lắng đọng, cái đau khổ
    cũng sẽ từ từ nhạt nhòa đi.
    Không nên cứ ôm ấp cái ảo ảnh yêu thương mãi, cũng không nên quá bi
    lụy vì Thất tình.
  8. Tuy có nhiều người trên thế giới này thành công, nổi tiếng mà chẳng
    có học hành nhiều, chẳng có bằng cấp cao, nhưng điều đó cũng không có
    nghĩa là không cần học hành nhiều sẽ thành công. Kiến thức đạt được do
    việc học hành, giáo dục là vũ khí trong tay của mình. Ta có thể lập nên sự
    nghiệp với bàn tay trắng, nhưng không thể trong tay không có tấc sắt. Nên
    nhớ kỹ điều nầy !
  9. Cha không yêu cầu các Con phải phụng dưỡng Cha trong nửa quãng
    đời còn lại của Cha sau nầy. Ngược lại, Cha cũng không thể bao bọc nữa
    quãng đời sau này của các Con.
    Lúc các Con đã trưởng thành, độc lập, đó cũng là lúc Cha đã làm tròn
    thiên chức của mình. Sau nầy các Con có đi xe Bus công cộng hay đi Auto
    nhà, các Con ăn súp vi cá hay ăn mì gói đều là trách nhiệm của các Con.
  10. Các Con có thể yêu cầu mình phải giữ chữ TÍN, nhưng không thể bắt
    người khác phải giữ chữ TÍN với mình. Các Con có thể yêu cầu mình phải
    đối xử TỐT với Người khác, nhưng không thể kỳ vọng người khác phải đối
    xử TỐT với mình.
    Mình đối xử Người ta thế nào, không có nghĩa làNgười ta sẽ đối xử lại
    mình như thế, nếu không hiểu rõ được điều nầy, sẽ tự chuốc lấy buồn phiền
    cho mình.
  11. Trong mười mấy, hai mươi năm nay, có người tuần nào cũng mua vé
    số, nhưng vẫn nghèo trắng tay, điều nầy chứng minh: muốn phát đạt, phải
    siêng năng làm ăn mới khá được.
    Trên Thế gian nầy không có cái gì là miễn phí cả.
  12. Sum họp Gia đình, thân thích đều là Duyên phận, bất luận trong kiếp
    nầy Chúng ta sống chung với nhau được bao lâu, như thế nào, nên trân trọng
    và hãy quý khoảng Thời gian Chúng ta được chung sống với nhau, kiếp sau
    nếu có, dù ta có thương hay không thương, cũng không có dịp gặp lại nhau
    đâu.
    Tôn Vận Tuyền (Sun Yun-Suan, 10/11/1913 – 15/2 /2006), một nhà kinh tế,
    một chính trị gia Đài Loan. Ông là Bộ trưởng Bộ Kinh tế từ năm 1969 đến
    1978, sau đó được bầu làm Thủ tướng Đài Loan- Premiere of the Republic of
    China từ năm 1978 đến 1984.
    Ngày 24 tháng hai năm 1984, Ông bị đột quỵ do xuất huyết não và sau
    khi phục hồi chỉ có thể ngồi trên xe lăn. Tháng 2 năm 2006, Ông qua đời tại
    Đài Bắc, hưởng thọ 92 tuổi.

NGƯỜI CÓ ĐỨC MỚI CÓ PHÚC

Khí chất thực sự của một người không phải là vẻ ngoài đẹp đẽ, mà là sự
phong phú nội tâm bên trong; điều quan trọng nhất của cuộc đời một người
không phải là của cải, mà là phẩm hạnh! Người có đạo đức đi đến đâu cũng
được kính trọng; người không có đạo đức đi đến đâu cũng bị ghét bỏ.
Người có đức ắt sẽ có phúc!
Phúc đức của một người không chỉ ẩn chứa sự tu dưỡng, mà còn ẩn chứa
phúc khí của đời người. Làm người phải chú ý đến đức hạnh của bản thân,
mới là người có đức.
Làm Người Phải Lương Thiện: lương thiện là đức tính tốt đẹp nhất.
Nếu được hỏi phẩm chất tốt đẹp nhất trên thế giới này là gì, tôi chắc chắn
sẽ nói đó là lương thiện. Lương thiện mới là năng lượng tích cực trên thế
gian, nó có thể gửi hơi ấm và làn gió xuân cho người khác, đồng thời khiến
bản thân cảm thấy an tâm.
An tâm là phúc lớn nhất đời người, người ta sống cả đời chỉ cầu được an
tâm. Thực ra, chọn lương thiện không phải vì người khác mà là cho chính
mình, để xứng với lòng mình, để cho lương tâm mình trong sáng không hối
hận.
Người ta nói người tốt bị người khác lừa dối, nhưng tôi nghĩ dù thế nào
thì chúng ta cũng phải giữ lòng tốt, đừng vì người khác không thiện mà mất
đi sự thiện lương trong con người. Lòng tốt không hề sai trái, nhưng lòng
tốt phải có thước, có độ, có sự sắc sảo của nó.
Làm Người Phải Chân Thành: chân thành là phẩm chất tốt đẹp nhất.
Dù người khác không chân thành, chúng ta cũng phải chân thành, xứng
đáng với lương tâm của mình, xứng đáng với cách cư xử của mình. Hơn
nữa, tôi nghĩ rằng chỉ có đối xử chân thành với mọi người thì chúng ta mới
có thể nhận lại được sự chân thành từ người khác.
Làm Người Phải Giữ Chữ Tín: tín là nguyên tắc tốt nhất.
Người không giữ lời hứa sẽ mất lòng tin của mọi người đối với mình, con
đường trong tương lai chỉ càng ngày càng hẹp, vận may sau này cũng tiêu
tan dần. Niềm tin một khi sử dụng hết sẽ mất đi, chỉ có giữ nguyên tắc của
chính mình thì bạn mới có thể giữ được lòng tin trong thời gian dài.
Tín nhiệm thực ra là may mắn, bạn càng đáng tin cậy, càng được nhiều
người tin tưởng thì bạn càng may mắn, vì vậy càng giữ chữ tín bạn càng may
mắn. May mắn là phước lành, bạn có bao nhiêu may mắn, bạn sẽ có bấy
nhiêu phúc lành!
Người có đức ắt sẽ có phúc, đức của người ẩn chứa trong việc làm của
người đó.
Thật ra, chúng ta không nên coi làm người là một loại tri thức uyên thâm,
chỉ cần bạn là con người chân chính nhất, tử tế, đối xử chân thành với người
khác và giữ lời hứa, bạn sẽ là người có đức, có phúc!
Phúc đức của cuộc đời ẩn chứa trong đức hạnh của bạn, đức hạnh càng
sâu thì phúc báo càng sâu. Tuy rằng không ai nhìn thấy tích đức, hành thiện
tự có ông trời biết, càng làm việc thiện, càng tích đức, phúc đến, may mắn
đến.
MỘT TÁCH TRÀ THIỀN