CHẲNG QUA LÀ DUYÊN ĐẾN DUYÊN ĐI..


Thói quen nhìn xung quanh và cho rằng ”của mình” đã định hình bấy lâu
trong chúng ta: Nhà của tôi, vợ của tôi, sắc đẹp của tôi… v.v. và v.v…

  • Khi cưới 1 cô vợ, lúc đó bạn cho rằng cô ấy là của mình.
    Nếu là của bạn, hãy điều khiển để cô ấy cứ trẻ mãi, đẹp mãi, khỏe mãi
    như hồi mới cưới đi… Không được phải không nào? Vì cô ấy không là .. Của
    chính cô ấy, nên càng không phải là của bạn.
    Khi mua 1 ngôi nhà, bạn có sổ đỏ trong tay chứng nhận quyền Sử Dụng
    thôi, bạn không Sở Hữu được nhà đâu vì bạn không điều khiển được để nó
    không xấu đi, xuống cấp dần…
    Mọi thứ do các điều kiện (duyên) khác nhau đến với chúng ta, chúng ta
    có quyền sử dụng 1 số thứ hữu duyên với mình nhưng… nó đến, rồi đi theo
    quy luật của nó, chúng ta không Sở Hữu được. Đó là Sự Thật, và càng chấp
    nhận, thoải mái với Sự Thật này bao nhiêu, bạn càng buông bỏ được dính
    mắc với mọi thứ, bạn càng bình an trước những sự Đến, Đi.
  • Thật ra nói buông bỏ chỉ là một cách nói, vì những gì bạn đang sở hữu
    đâu có bao giờ lên tiếng nói rằng: ”chúng tôi là của anh”, phải thế không.
    Bạn khổ, chẳng qua dính mắc chặt chẽ vào các sự vật quanh mình…
  • Mèo thích ăn cá, nhưng mèo lại không biết bơi.
    Cá thích ăn giun, nhưng cá lại không thể lên bờ.
    Cuộc đời mang đến cho bạn rất nhiều thứ hấp dẫn, nhưng lại không cho
    bạn dễ dàng đạt được nó. Đạt được rồi thì khổ vì suy tính cách gìn giữ sao
    cho đừng mất mát, chưa có thì cũng khổ, có rồi có khi lại khổ hơn.
    Vì thế Đức Phật dạy chúng ta bí quyết hạnh phúc là sống một đời sống
    trong lành, thanh tịnh, nghĩa là không bị ô nhiễm bởi tham, sân, si trong mọi
    hành động, nói năng, và suy nghĩ.
  • Hạnh phúc thay, ta sống không tham giữa cuộc đời đầy tham ái!
  • Hạnh phúc thay, ta sống không sân giữa cuộc đời đầy sân hận!
  • Hạnh phúc thay, ta sống không mê giữa cuộc đời đầy mê muội!
    Nếu chúng ta đồng ý với lời dạy trên của đức Phật, cũng có nghĩa là
    chúng ta có duyên với loại hạnh phúc chân thường, cao thượng, vắng bóng
    khổ đau từ cõi lòng ham ưa sở hữu… và thói quen se dây tự trói đời mình.
    Tiếng Lòng
    Namo Buddhaya
Advertisement