BÁT CƠM CÚNG PHẬT

Ngày xưa có hai vợ chồng nọ, vợ là người thiện tín hết lòng kính ngưỡng
Đức Phật và tin Tam Bảo, trong khi người chồng thì lại không. Một hôm,
trong lúc chồng đi vắng, thấy Đức Phật đi khất thực ngang qua, cô vội mang
bát cơm ra cúng dường Ngài và cung kính đảnh lễ Đức Phật. Trước tấm
lòng chân thành và tôn kính của cô, Đức Phật chú nguyện cho cô sẽ được vô
lượng phước báu về sau. Vừa ngay lúc đó người chồng về tới, nghe Đức
Phật chú nguyện như vậy, anh ta ngỗ ngược vô lễ nói :

Này ! Ông sa môn Cù Đàm, chỉ có một bát cơm thôi làm gì mà có chuyện
được phước nhiều như vậy ? Ông có nói khoác lấy lòng để lần sau được
dưng cơm tiếp không vậy ? Thôi đủ rồi, ông hãy đi khỏi đây đi.
Trước thái độ xấc xược lỗ mãn của anh ta, Đức Phật vẫn không tỏ ra khó
chịu mà mĩm cười ôn tồn nói :

Này anh ! Anh từ đâu về ?

Tôi từ trên Thành về – Anh chồng cọc lóc đáp.

Thế, khi đi ngang qua khu rừng anh có thấy cây Ni Câu không ? Đức
Phật hỏi tiếp.

Cây to đùng như vậy ai mà chẵng thấy.

Mỗi năm cây ấy cho bao nhiêu trái, anh có đếm hết được không ?

Ông này lạ chưa, cây to như vậy, trái của nó vô số kể làm sao mà tính
đếm được, chỉ có nước lấy thúng mà lường còn không suể. Nhưng ông hỏi
điều ấy để làm gì ?
Bấy giờ Đức Phật mới bảo :

Anh thấy đấy, đầu tiên chỉ có một hạt bé tí mà sinh ra cây Ni Câu to
đùng như anh nói đấy, rồi lại cho cả trăm ngàn trái như anh đã thấy. Như
vậy thì có nói khoát không ? Loài thực vật mà còn như vậy huống chi là loài
hữu tình. Nữ thí chủ, vợ của anh đây đã thành tâm hoan hỉ cúng dường cho

Như Lai một bát cơm thôi tất nhiên sẽ được vô lượng phước báu, cũng như

một hạt Ni Câu thôi mà cho cả trăm ngàn trái vậy.

Nghe đến đây, anh chồng chợt bừng tỉnh, vội quỳ thộp xuống dưới chân

trước mặt Đức Phật, hối hận ăn năn về hành động thô lỗ vô lễ của mình và

cầu xin sám hối :

Kính bạch Thế Tôn, kính mong Thế Tôn từ bi tha thứ cho con. Từ đây
con xin quy y Thế Tôn và mong Thế Tôn nhận con làm đệ tử.

Lành thay !
( Trích Chuyện cổ Phật Giáo )
BÀI HỌC ĐẠO LÝ
Khi ta gieo một nhân lành, không chỉ gặt được một quả lành thôi mà sẽ là
rất nhiều, không chỉ mỗi mình ta thừa hưởng mà cả những người thân và
người xung quanh đều được hưởng.
Ví như khi ta sống tốt với mọi người, biết thương yêu giúp đỡ và chia sẽ
những phước báu mà ta có qua việc bố thí, cúng dường, … với lòng thành
tâm hoan hỷ thì chẳng những ta sẽ nhận lại những may mắn tốt đẹp cho
chính mình mà cả gia đình người thân và cả con cháu đời sau của mình cũng
thừa hưởng những ân đức ấy.
Và để có được đời sống an lạc hạnh phúc đời này và đời sau ta phải luôn
biết làm phúc, gieo nhân tốt thì mới hái được quả tốt về sau.
Cầu cho toàn thể chúng sinh đời này và mãi mãi đời sau được bén duyên
với Phật Pháp. Cuộc sống bình an, hạnh phúc, giàu có thịnh vượng.

Advertisement

CHỈ LÀM CÔNG VIỆC CỦA MÌNH

Bạn có để ý rằng mỗi sự vật tự nó có một lối phát triển riêng không. Khi
ta đã cố hết sức mình rồi thì ta hãy để cho luật tự nhiên, nhân quả vận hành
theo luật của nó. Ta bao giờ cũng phải cố gắng, tùy theo sức của mình, nhưng
tuệ giác hay niềm vui đến với ta mau hay chậm, điều đó hoàn toàn không
tùy thuộc vào mình.
Cũng như khi bạn trồng một cây, ta không thể nào bắt buộc cây mọc mau
hay chậm được. Cây có nhịp độ phát triển riêng của nó. Bổn phận riêng của
bạn chỉ là đào đất, tưới nước, bón phân, chăm sóc nó.
Và thật ra, bạn cũng chỉ có thể làm được bấy nhiêu thôi. Còn sự phát triển
là tùy thuộc vào cây. Nhưng nếu bạn cứ tiếp tục làm công việc của mình,
bạn đừng lo, cây bạn trồng sẽ xanh tươi, sẽ phát triển.
Nhưng bạn phải biết phân biệt giữa công việc của mình làm và công việc
của cây. Việc của cây hãy để yên cho nó, còn bạn hãy quan tâm đến bổn phận
của chính mình. Nếu bạn không thấy rõ được điều ấy, bạn sẽ đi bắt cây phải
mọc nhanh lên, rồi đâm hoa, nở nhụy, kết trái theo ý muốn của mình. Đó là
một cái nhìn, quan niệm sai lầm, đưa ta qua biết bao nhiêu phiền não, khổ
đau.
Làm gì cũng vậy, nhất là trong sự tu tập, hãy thực hành đúng với sự thật,
phần còn lại để cho sự vận hành của pháp, luật nhân quả phân xử. Hiểu
được như vậy, cho dù con đường của bạn đi có dài bao nhiêu, dầu ở bất cứ
nơi đâu, trong hoàn cảnh nào, bạn cũng sẽ được an vui.
Ngài Ajahn Chah

NHẬN RA BẢN CHẤT CÁC PHÁP LIỀN THANH THẢN

Tảng đá đâu có nặng nếu như chúng ta không muốn nhấc nó lên.
Cuộc sống đâu có khổ nếu như chúng ta không nắm giữ hay chấp thủ.
Nếu suy nghĩ bi quan chúng ta sẽ thấy cuộc đời này đầy rẫy khổ đau hay
nghịch cảnh. Nếu sống với tâm lạc quan chúng ta sẽ thấy cuộc đời này thật
may mắn và hạnh phúc.
Khi chúng ta thấy ra được bản chất thật sự của cả hai thì sẽ nhận ra đau
khổ hay hạnh phúc cũng đều là Pháp, cũng đều là vô thường. Khi thấy rõ
vô thường chúng ta không còn dính mắc vào khổ đau hạnh hạnh phúc nữa.
Lúc đau khổ hay nghịch cảnh đến chúng ta vẫn bằng lòng đón nhận mà
không hề oán trách giận hờn. Lúc hạnh phúc hay thuận duyên đến chúng ta
cũng tri ân mà không hề nắm giữ nó cho riêng mình.
Khi thấy ra tiến trình tâm, tiến trình sinh diệt của Pháp thì sự trí tuệ hiểu
biết của chúng ta sẽ dẫn dắt chúng ta vào Đạo.
Đạo quý vô tâm , vô tâm là không dính mắc, không chấp trước. Không
nắm giữ là giải thoát. Giải thoát chính là Niết Bàn, tâm ngừng tạo tác. Nhìn
các Pháp vận hành như nhiên với lòng thanh thản…
Đối cảnh vô tâm
Âm thầm tỉnh giác
Dù thiện hay ác
Để Pháp tự nhiên.
Thuận pháp tùy duyên
Việc ác chẳng làm
Phước thiện chẳng tham
Niết bàn giải thoát.
Namo Buddhaya
Như Nhiên

TRÂN TRỌNG NHỮNG NHÂN DUYÊN KIẾP NGƯỜI

Tất cả chúng ta có mặt với nhau ở đây không phải tự nhiên mà do có nhân
duyên với nhau nhiều đời nên nay mới gặp. Có người mình chưa bao giờ
biết, nhưng vừa gặp thì thấy thân thiện, quen quen, như đã gặp ở đâu rồi.
Có người vừa mới gặp là đã thấy ghét. Đó là dấu hiệu cho thấy mình đã có
duyên với nhau từ nhiều kiếp trước, bây giờ mới gặp lại đây.
Người mình từng mang ơn thì vừa trông thấy liền cảm mến. Người đã
tạo oán thì trông thấy liền bực mình. Con người chúng ta do tạo các nhân
duyên thiện ác lẫn lộn nên sanh ra ở cõi ta bà phải kham nhẫn này.
Bạn yêu thương con cái của mình ư? Từng giờ từng khắc bạn mong rằng
mình có thể ngăn gió chắn mưa cho chúng. Vậy mà tuổi bạn đang lớn lên
từng ngày. Rồi cũng có một ngày, trước mặt các con, bạn cũng phải bỏ chúng
mà đi. Bạn chỉ có thể cùng đi với con cái chỉ có một đoạn đường!
Bạn thương yêu cha mẹ mình, hy vọng họ sống lâu trăm tuổi. Nhưng
trong lúc bạn đang rất hiếu thuận với cha mẹ, thì họ cũng sẽ rời xa trước mặt
bạn, bạn cũng chỉ có thể đi cùng cha mẹ mình duy chỉ một đoạn đường mà
thôi!
Bạn xem trọng tình nghĩa bạn bè, nhưng nếu không phải bạn bè lìa xa
bạn, thì chính bạn cũng sẽ phải lìa xa bạn bè. Bạn chỉ có thể cùng đi với bằng
hữu một đoạn đường thôi! Cũng vì chỉ có thể cùng đi với nhau một đoạn
đường, nên bạn càng thêm trân trọng quí mến những gì mình đang có.
Bởi vì chỉ có thể cùng người ta đi chỉ một đoạn đường, nên bạn cũng cần
học cách từ bỏ. Cha mẹ chỉ có thể vỗ về nuôi nấng bạn trưởng thành, nhưng
không nên kỳ vọng cha mẹ là cây gậy vĩnh viễn để có thể chống đỡ toàn bộ
cuộc đời bạn. Con cái cũng chỉ cùng liên quan huyết nhục với bạn chứ không
phải là vật phẩm phụ thuộc của bạn.

Bạn chỉ là người khách qua đường trong cuộc đời của người khác, chỉ có
thể cùng người khác đi cũng chỉ một đoạn đường đời. Điều đó chính là tính
hữu hạn mà bạn cho được người khác, vậy thì làm sao có thể mong cầu
người khác cho đi sự vô hạn được?”
Mười năm, hai mươi năm hay một trăm năm của một đời người, cũng chỉ
là một đoạn đường. Chúng ta chỉ có thể có duyên cùng đi với nhau chỉ một
đoạn nào đó thôi, đừng nhầm lẫn cố chấp, sở hữu. Khoảnh khắc hiếm hoi
nào còn duyên, có được, chúng ta nên quan tâm, cho ra hơn là nghĩ người
khác phải tuân thủ theo kiểu của mình.
Như thế, sẽ không bị nhận hiểu sai lầm, biết tôn trọng và giúp đỡ người
khác, đưa đến một cuộc sống tích cực, vui tươi. Trân trọng Nhân Duyên
chính là Sống không làm khổ mình và người…!
Tiếng Lòng
Namo Buddhaya