TRONG TÂM CỦA BẠN CHỨA ĐỰNG GÌ THÌ BẠN CHÍNH LÀ THỨ ĐÓ

Trong tâm nếu chứa đầy tư tưởng bất hảo, ích kỷ, thù hận thì chính bạn
đã biến mình trở thành một cái bao chứa đầy sự thù hận, đen tối và đau khổ,
cuối cùng tự mình hại lấy mình. Nhưng nếu trong tâm bạn chứa đầy sự
lương thiện, vị tha, yêu thương, thì bạn chính là ánh nắng rực rỡ và ấm áp,
có thể bao dung cả vạn vật, bất kể ai bên cạnh cũng đều cảm thấy an toàn và
thoải mái khi bên cạnh bạn.
Trong tâm chứa đựng thiện lương, chứa đựng khoan dung, chứa đựng
chân thành, chứa đựng cảm ân, thì cuộc đời bạn sẽ tràn đầy ánh nắng rực
rỡ.
Nếu gặp bất kỳ mâu thuẫn nào đều biết trước tiên đi tìm chỗ thiếu sót
của bản thân để sửa đổi, thì tất cả những gì không tốt của người khác đều sẽ
tiêu tan trong tấm lòng rộng lớn bao dung của bạn.
Trong tâm có chứa đựng người khác, thì trước bất kỳ việc gì, trước tiên
bạn sẽ nghĩ đến cảm thụ của người khác, sẽ không tính toán cho mình, do
đó người ta sẽ cảm nhận được sự ấm áp.
Bạn quan tâm đến người khác, người khác cũng sẽ nghĩ đến bạn, cuối
cùng bạn sẽ có được càng nhiều hơn những gì bạn đã làm cho người khác.
Trong tâm chứa đựng trời đất, thì những việc thị phi đúng sai, những
tranh giành đấu đá, những công danh lợi lộc, những nổi chìm vinh nhục
chốn nhân gian, hết thảy đều không thể nào che nổi con mắt trí huệ của bạn.
Bạn sẽ ung dung tự tại, yên tĩnh hướng tới cao xa, cảm thụ cuộc đời tốt
đẹp. Trái lại, trong tâm chứa đựng những hạt giống hận thù, nó sẽ bén rễ,
nảy lộc đâm chồi trong cuộc đời bạn, kết quả là người thù hận sẽ bị chính
bản thân mình thù hận trước, cuối cùng, người bị tổn thương lại chính là
bạn.

Trong tâm chứa đựng đố kị, chứa đựng tính toán, chứa đựng tham lam,
bạn sẽ không thể bước ra khỏi bóng tối của sự hẹp hòi, câu thúc và tự tư,
trong cái vòng bạn bè nhỏ mọn tự cho mình là đúng đó mà oán Trời trách
người. Vì thế bạn bè của bạn cũng càng ngày càng ít, cuối cùng như con tằm
tự nhả tơ làm kén mà giam hãm mình, trở thành kẻ cô độc.
Trong tâm chứa đựng chức vụ, cổ phiếu, nhà cửa, thì cuộc đời bạn sẽ mệt
mỏi bôn ba trong thế giới vật chất. Khi những thứ này lần lượt đến thì truy
cầu dục vọng không đáy của bạn thậm chí sẽ khiến bạn bị mê mất trong thế
giới tinh thần.
Vận mệnh của bạn, thành công hay thất bại, giàu sang hay nghèo hèn,
không quyết định bởi tướng mạo và chiều cao, mà quyết định bởi trong tâm
bạn chứa đựng cái gì. Sinh không mang đến, chết không mang đi, đến cuối
cùng hai tay buông xuôi rời xa nhân thế, chỉ có thể đem theo sự bận rộn vất
vả trống rỗng và sự nuối tiếc mà ra đi.
Trong tâm bạn chứa đựng những điều tốt đẹp, thì thân thể bạn sẽ mạnh
khỏe. Cảnh giới của cuộc đời, tương lai của sinh mệnh, nói là ở trong mê,
kỳ thực chính là ngay trước mắt, chính là ở trong sự lựa chọn của bạn, chính
là trong tâm bạn. Tướng tùy tâm sinh, duyên do tâm định, duyên khởi ở
tâm, mà tu cũng là ở tâm.
Mỗi người chúng ta đều giống như một chiếc chai không, trong tâm
chúng ta chứa đựng những gì thì chúng ta sẽ được những thứ đó. Trong
tâm bạn chứa đựng những điều tươi đẹp, thì dung mạo bạn sẽ đẹp tươi.
Trong tâm bạn chứa đựng đầy năng lượng, thì thân thể bạn sẽ tràn đầy năng
lượng. Trong tâm bạn chứa đựng niềm vui, thì cuộc đời bạn sẽ tràn đầy
hạnh phúc.
SƯU TẦM

Advertisement

TU MÀ QUÁ NHIỀU VIỆC, DỄ RƠI VÀO “PHÓNG DẬT, TẠP THOẠI, VÔ VỊ”

Một thời, Tôn giả Ananda trú giữa dân chúng Kosala, tại một khu rừng.
Lúc bấy giờ, Tôn giả Ananda sống quá bận rộn bởi nhiều liên hệ với cư sĩ.
Rồi một vị Thiên trú ở khu rừng ấy thương xót Tôn giả Ananda, muốn
hạnh phúc, muốn cảnh giác, liền đi đến Tôn giả Ananda. Sau khi đi đến,
vị ấy nói lên bài kệ với Tôn giả Ananda:
Ông đã quyết lựa chọn
Đời sống dưới gốc cây
Tâm ông quyết nhập một
Với mục đích Niết-bàn.
Cù Đàm, hãy thiền tư
Và sống chớ phóng dật
Đối với ông, ích gì
Tạp thoại vô vị ấy.
Tôn giả Ananda được vị Thiên ấy cảnh giác, tâm hết sức xúc động.
(Tương Ưng Bộ I, chương 9, phần Ananda)
LỜI BÀN:
Đành rằng mối liên hệ giữa bốn chúng đệ tử Phật vốn hòa hợp như nước
với sữa, luôn khắng khít và không thể tách rời. Thế nhưng, quá bận rộn bởi
các liên hệ với cư sĩ chưa phải là điều hay đối với người xuất gia, vì duyên
trần sẽ quấy đảo an tịnh nội tâm, làm chướng ngại thiền định.
Như Tôn giả Ananda, thị giả của Thế Tôn, bẩm tính thông minh, có trí
nhớ phi thường lại rất dễ thương và hòa ái nên được hàng cư sĩ đặc biệt mến
mộ. Và do đặc điểm của công việc thị giả cho Đức Phật nên phải xử lý vô số
công việc đồng thời phải tiếp xúc, gặp gỡ rất nhiều hạng người. Từ đó, Tôn

giả Ananda còn rất ít thời gian cho thiền định nhằm thanh lọc và thăng hoa
tâm.
Vì thế, một vị Trời ở trong trụ xứ của Tôn giả Ananda đã trợ duyên, cảnh
tỉnh với Tôn giả rằng sự bận rộn ấy tuy là Phật sự (có phước báo) nhưng đối
với mục tiêu giải thoát Niết-bàn thì chỉ là “phóng dật, tạp thoại vô vị”. Đây
cũng là một bài học lớn cho chúng ta nhằm tránh bỏ gốc để chạy theo ngọn,
nhận ra những việc cốt tủy mà hàng xuất gia cần phải làm.
Đối với người xuất gia, hai mục tiêu tự lợi và lợi tha cần phải thực hiện
song hành. Tuy vậy, khi nội tâm chưa thực sự vững chãi trước những thách
thức và cám dỗ của ngoại cảnh thì tự lợi, tức sự tu học cá nhân cần được ưu
tiên hơn. Khi nội tâm chưa thực sự an tịnh và vững vàng mà chuyên lo lợi
tha và quên mất phần tự lợi thì có khi mất cả chì lẫn chài.
Tôn giả Ananda thông tuệ đến thế, nhớ tất cả những lời dạy của Thế Tôn
mà đến khi Thế Tôn nhập Niết-bàn vẫn chưa chứng đắc Thánh quả A-la-hán
là điều đáng cho tất cả chúng ta suy ngẫm.
QUẢNG TÁNH

LỜI KINH TRONG LÒNG BÀN TAY

“Khi kéo cây ra khỏi rừng rậm, cây càng thẳng, càng ít vướng mắc, càng
dễ kéo ra. Cuộc sống là một khu rừng rậm và đầy gai, người càng chân
thật, càng ngay thẳng, càng từ bi, càng dễ thoát ra khỏi những khổ đau và
gai góc trong cuộc sống”.(1)
Cách tốt nhất để thoát ra khỏi những gai góc trong cuộc sống là từ bi với
nó. Người không phải buồn lâu là người có thể thương được nỗi buồn nhiều
hơn những người khác. Người không bị tổn thương sâu nặng là người không
bao giờ ngồi chờ tổn thương phai đi, mà đứng lên, mở lòng ra, và thương
được những nỗi đau đang giày xéo mình. Người không bị quay cuồng trong
hận thù là người biết cách đem tình thương ra nối vào hận thù, để hận thù
không còn kéo dài nữa.
Cuộc sống ngoài kia dù giá lạnh thế nào, lòng người ngoài kia dù nông
sâu đến đâu, cũng rất khó làm tổn thương được một người luôn giữ được
trong mình trái tim từ bi.
Khi trong tâm có từ bi, chúng ta sẽ tìm thấy con đường thoát ra khỏi tất
cả những tổn thương.
Với một tâm từ bi rất nhỏ cũng có thể giúp chúng ta thoát khỏi những tổn
thương to lớn.
Người về ngồi dưới hiên chùa, nói ngoài kia có quá nhiều rủi ro, nhưng
có lẽ người chưa biết rủi ro lớn nhất trong cuộc sống là khi chúng ta không
đủ tâm từ bi để thương được cuộc đời, rồi vướng mắc lại với những điều
tầm thường ở đó.
Ai cũng từng muốn chạy thoát khỏi khổ đau, nhưng chưa từng có một
người nào thắng được, vì không ai có thể chạy nhanh hơn chiếc bóng của
chính mình, khổ đau là chiếc bóng của thái độ sống chính chúng ta.

Cuộc sống là một khu rừng rậm đầy gai, chung quanh ai cũng sẽ là như
vậy; khi môi trường sống chung quanh không khác nhau nhiều lắm, nhưng
vẫn luôn có những người rất khác nhau, kẻ hạnh phúc, người khổ đau, kẻ
tầm thường, người cao thương, nên nhất định có ai đó đã biết cách thoát ra
khỏi những điều tầm thường để sống một cuộc đời thật tốt.
Chỉ khi nào biết cách thoát ra khỏi được những điều tầm thường, chúng
ta mới có cơ hội gặp lại được chính mình của ngày xửa ngày xưa.
Mong người luôn an.
Vô Thường.
Núi. 20.10.2022
Om Mani Padme Hum.


[1] Dịch ý từ một đoạn trong Luận Đại Trí Độ.

SỐNG ẢO, SỐNG THẬT VÀ CUỘC CHƠI KIẾM TÌM

Người ta thích sống ảo, là vì người ta thích sự công nhận. Chính xác là
sự công nhận từ bên ngoài, điều đó giúp người ta cảm thấy bản thân có giá
trị hơn!
Một người đã đủ đầy bên trong, sẽ ít khi tìm kiếm sự công nhận ở bên
ngoài để làm gì, vì chính họ đã tự công nhận chính bản thân mình rồi. Càng
thiếu thốn bên trong chừng nào thì người ta càng thích sống ảo chừng đấy.
Rồi chúng ta tự ảo giác rằng, sự lấp đầy bên ngoài sẽ có thể lấp đầy được
sự trống trải bên trong, một cái bẫy rất vi tế.
Đó là tại sao, có nhiều người, dù đã đi đến đỉnh cao của vật chất và danh
vọng từ bên ngoài, nhưng trong lòng họ vẫn không thể đủ đầy, vẫn cảm thấy
lạc lỏng, cô đơn và luôn ‘thiếu thiếu’ một cái gì đấy.
Hôm rồi, có bạn hỏi tôi, sống trên đời này, mình phải tạo ra giá trị nào đó
phải không?
“Không tạo giá trị gì, cũng không ảnh hưởng đến ai, thì vẫn ổn mà !”, tôi
đáp: Chúng ta luôn bị thôi thúc phải ‘làm cái gì đó’ để tạo ra giá trị, và luôn
phải ‘trở thành ai đó’ để thấy cuộc sống này ý nghĩa hơn, … chúng ta rất sợ
sống một cuộc sống ‘vô nghĩa’, chính nỗi sợ đó khiến chúng ta lạc lối hơn.
Nói một cách tương đối, nếu 30 năm chỉ làm đúng 1 nghề như nhân viên vệ
sinh quét rác… chúng ta chịu nổi không?
Ít ai hỏi ngược lại, nếu không trở thành ai cả và cũng không tạo ra giá trị
gì cả, thì có được không?
Rất được đó chứ, Cuộc đời của chúng ta mà,.. Mấu chốt ở đây, khi chúng
ta vẫn chưa nhận ra sự ‘trống trải’ bên trong mình, chưa có sự công nhận
chính bản thân mình thì chúng ta sẽ mãi lạc lối trong chơi trò chơi ‘tìm
kiếm’… vậy kiếm gì? Tìm kiếm hạnh phúc, tìm kiếm một cuộc sống có giá
trị, tìm kiếm sự công nhận từ bên ngoài.

Sự thật, khi anh em đi tìm kiếm 1 điều gì đó, đồng nghĩa anh em cũng
đang rất thiếu nó. Tìm kiếm hạnh phúc, vì ngay chính hiện tại, anh em đã
không có sự hạnh phúc đó bên trong. Tìm kiếm bình an, vì anh em vẫn chưa
có nó trong tay. Chẳng ai đi tìm khi họ đã có cả. Người đã ăn no thì không
cần đi kiếm thêm thức ăn làm gì, Người đã có sự ‘đủ đầy’ bên trong mình,
thì các ảo giác về trò chơi tìm kiếm hạnh phúc, trò chơi tìm kiếm ý nghĩa
cuộc đời liền tan biến.
Bản chất của trò chơi tìm kiếm là gì, là chúng ta tạo ra những ‘mục tiêu’
để chơi, để trốn tìm, để cố gắng, để đạt được… để rồi, khi đi đến cuối trò,
chúng ta lại chơi trò ‘buông’, chơi trò ‘diệt khổ’, để quay lại điểm bắt đầu.
Chỉ có người thiếu, thì mới đi tìm, Nó đơn giản, nhưng vi tế.
Tái bút,
Tôi viết, không phải để anh em ‘tốt’ hơn, rồi cố gắng trở thành một người
nào đó có giá trị hơn… mà cốt lõi là để anh em sống ‘thật’ hơn với bản thân
mình… Thật hơn, là biết cả cái tốt, biết cả cái xấu của bản thân, vì khi anh em
sống thật với chính mình hơn… thì tự khắc, anh em sẽ tốt hơn trên đúng
phiên bản duy nhất của mình.
Anh em không thể trở thành tôi, và tôi cũng không thể trở thành anh em.
Anh em chỉ cần sống ‘thật’ thì mọi thứ sẽ tự ắt xoay chuyển.
Khi sống ‘thật’ thì chúng ta sẽ không cần nhiều thứ ở bên ngoài, tự nhiên
anh em sống đơn giản hẳn, một cách không cần cố gắng. Không cần cố cái
nhà, cái xe, cái chức danh, v.v… để người ta kính nể. Vì cơ bản, cả sự kính nể
đó cũng vô thường mà.
Mỗi ngày, ‘thật’ với mình 1 chút, thì tự bên trong sẽ đủ đầy hơn 1 chút.
Cheers,
Bác 7B