LỜI KINH TRONG LÒNG BÀN TAY

“Khi kéo cây ra khỏi rừng rậm, cây càng thẳng, càng ít vướng mắc, càng
dễ kéo ra. Cuộc sống là một khu rừng rậm và đầy gai, người càng chân
thật, càng ngay thẳng, càng từ bi, càng dễ thoát ra khỏi những khổ đau và
gai góc trong cuộc sống”.(1)
Cách tốt nhất để thoát ra khỏi những gai góc trong cuộc sống là từ bi với
nó. Người không phải buồn lâu là người có thể thương được nỗi buồn nhiều
hơn những người khác. Người không bị tổn thương sâu nặng là người không
bao giờ ngồi chờ tổn thương phai đi, mà đứng lên, mở lòng ra, và thương
được những nỗi đau đang giày xéo mình. Người không bị quay cuồng trong
hận thù là người biết cách đem tình thương ra nối vào hận thù, để hận thù
không còn kéo dài nữa.
Cuộc sống ngoài kia dù giá lạnh thế nào, lòng người ngoài kia dù nông
sâu đến đâu, cũng rất khó làm tổn thương được một người luôn giữ được
trong mình trái tim từ bi.
Khi trong tâm có từ bi, chúng ta sẽ tìm thấy con đường thoát ra khỏi tất
cả những tổn thương.
Với một tâm từ bi rất nhỏ cũng có thể giúp chúng ta thoát khỏi những tổn
thương to lớn.
Người về ngồi dưới hiên chùa, nói ngoài kia có quá nhiều rủi ro, nhưng
có lẽ người chưa biết rủi ro lớn nhất trong cuộc sống là khi chúng ta không
đủ tâm từ bi để thương được cuộc đời, rồi vướng mắc lại với những điều
tầm thường ở đó.
Ai cũng từng muốn chạy thoát khỏi khổ đau, nhưng chưa từng có một
người nào thắng được, vì không ai có thể chạy nhanh hơn chiếc bóng của
chính mình, khổ đau là chiếc bóng của thái độ sống chính chúng ta.

Cuộc sống là một khu rừng rậm đầy gai, chung quanh ai cũng sẽ là như
vậy; khi môi trường sống chung quanh không khác nhau nhiều lắm, nhưng
vẫn luôn có những người rất khác nhau, kẻ hạnh phúc, người khổ đau, kẻ
tầm thường, người cao thương, nên nhất định có ai đó đã biết cách thoát ra
khỏi những điều tầm thường để sống một cuộc đời thật tốt.
Chỉ khi nào biết cách thoát ra khỏi được những điều tầm thường, chúng
ta mới có cơ hội gặp lại được chính mình của ngày xửa ngày xưa.
Mong người luôn an.
Vô Thường.
Núi. 20.10.2022
Om Mani Padme Hum.


[1] Dịch ý từ một đoạn trong Luận Đại Trí Độ.

Advertisement