TƯ TƯỞNG CỦA BẬC ĐẠI NHÂN

Có 8 tư tưởng của bậc đại nhân mà chúng ta cần học hỏi và thực hành:

  1. THIỂU DỤC (Ít Ham Muốn): người muốn giác ngộ đạo quả Niết Bàn cần phải có ít nhu cầu, ít ham muốn vì đó là điều kiện để thành đạt giáo pháp – cũng là những đặc tính được Đức Phật tán dương. Có 4 loại thiểu dục tri túc (ít ham muốn):
    1. Một là ít ham muốn về vật dụng, chỗ ở, y phục…Hai là ít ham muốn về chứng đắc thiền, không được khoe khoang sự giác ngộ của mình sẽ giúp chúng ta vun bồi được đức khiêm nhường.Ba là ít ham muốn về phương diện phô bày kiến thức, dù cho có thuộc lòng Tam Tạng Kinh Điển cũng không nên thố lộ khoe khoang kiến thức sự hiểu biết của mình.
    • Bốn là ít ham muốn về phương diện thực hành, dù cho có nguyện thực hành hạnh đầu đà thì cũng không để người khác biết mình đang thực hành hạnh đầu đà, phải biết khiêm nhường.
  2. TRI TÚC (Biết Đủ) – Bằng lòng với những gì đã có và những gì đã nhận được vì sự thành tựu giáo pháp không đến với những người hay bất mãn (không hài lòng). Chỉ những người biết hài lòng mới có thể thành tựu giáo pháp giác ngộ đạo quả. Biết hài lòng (không muốn cái này cái kia) là một đặc tính tốt đẹp lớn lao mà đòi hỏi các nhà sư và thiền sinh cần có.
  3. SỐNG ẨN CƯ (tâm lẫn thân đều ẩn cư), có 3 loại ẩn cư:
    1. Thân ẩn cư: Nếu chọn được một nơi an tĩnh yên lặng, ít người lui tới, ít côn trùng quấy nhiễu, có chỗ đi kinh hành… rất thích hợp cho việc hành thiền vì giúp ta ít phóng tâm. Đó là nơi giúp thân ẩn cư.
    • Tâm ẩn cư: là hành thiền cho đến khi nào đạt được các tầng thiền vì khi ấy tâm mới ẩn cư khỏi các phiền não trong một thời gian dài. Tâm ẩn cư là bước đầu tốt đẹp nhưng chưa đủ, chúng ta cần đi thêm bước nữa là thựchành thiền Minh Sát.
  • Tị phiền não ẩn cư: là khi chúng ta hành thiền Minh Sát tốt đẹp cho đến khi giác ngộ đạo quả thì tâm ta mới giải thoát ra khỏi tất cả phiền não – đây được gọi là giai đoạn “tị phiền não ẩn cư”.

Chúng ta ít nhất cũng phải có được thân ẩn cư và tâm ẩn cư, thì cuối cùng mới mong giác ngộ đạo quả. Giáo pháp không thể đạt được đối với người thích quần tụ: quần tụ với người khác và quần tụ với phiền não.

4.) TINH TẤN: Sự thành tựu giáo pháp không bao giờ đến với người làm biếng, chỉ có người tinh tấn mới đạt thành đạo quả. Không tinh tấn chánh niệm thì không có định tâm và kết quả là không có trí tuệ. Tinh tấn bao gồm cả 2 phương diện thể chất và tinh thần. Đức Phật từng dạy “sống một trăm năm chay lười biếng nhác, không bằng sống một ngày tinh tấn cần chuyên”

5.) CHÁNH NIỆM vào những gì đang khởi sinh trong giây phút hiện tại: giáo pháp không thành tựu với người thất niệm, chúng ta cần thực hành tinh tấn chánh niệm – chú tâm chánh niệm một cách đúng đắn. Chánh niệm trước được vun bồi sẽ khiến chánh niệm sau mạnh mẽ hơn và giúp tập trung tốt hơn – sự tập trung tâm ý đó được gọi là Định.

6.) ĐỊNH TÂM: giáo pháp không thành tựu với người có tâm tán loạn lang bạt, phóng túng … vì khi nào có định tâm thì lúc ấy mới có trí tuệ, mới có sự hiểu biết sáng suốt giúp nhìn xuyên thấu rõ bản chất thật sự của sự vật. Định tâm phải được chánh niệm hỗ trợ và chánh niệm phải được tinh tấn hỗ trợ. Một khi có định tâm, an tĩnh, tĩnh lặng giúp tâm trên đề mục đủ dài thì lúc bấy giờ trí tuệ sẽ tự động đến.

7.) TRÍ TUỆ – Có hiểu biết căn bản và nhân quả nghiệp báo: phải có hiểu biết về nghiệp báo – phải biết nghiệp là gia tài, là của thừa kế của mình. Chỉ có những người có sự hiểu biết căn bản này mới có thể hành thiền đạt được kết quả tốt đẹp. Giáo pháp không thể thành tựu đến những người không hiểu biết về điều này.

8.) HƯỚNG ĐẾN GIẢI THOÁT NIẾT-BÀN: tức là hướng tâm vào sự vô thường, sự sinh diệt của các pháp, không thích thú trong tham ái, tà kiến và mạn. Không thích thú trong các việc bất thiện nhờ luôn luôn hướng tâm và sự vô thường của tất cả sự vật. Thấy rõ mọi sự vật đều không bền vững: đến rồi đi và hoại diệt nên chẳng có gì trên thế gian này quan trọng đến nỗi ta phải tham luyến dính mắc vào. Tư tưởng thứ 8 này là quan trọng nhất.

Nên nhớ có 2 pháp làm cản trở việc giác ngộ là: Tự Cao Ngã Mạn và Thối Chí Ngã Lòng. Nếu 2 pháp này xuất hiện thì chúng ta nên đến gặp một vị thầy đủ thẩm quyền để xin lời khuyên bảo.

Từ: Hiểu Biết Trọn Vẹn Thiền Sư U Sīlānanda Namo Buddhaya

Advertisement

PHƯỚC ĐỨC LỘC ĐẾN TỪ ĐÂU?

PHƯỚC nằm trên Miệng, ĐỨC nằm trong Tâm và LỘC nằm trong Tay.
Họa từ miệng mà ra thì PHƯỚC cũng từ miệng mà ra. Nếu ta biết nói
những lời lẽ tốt đẹp cho nhau hàng ngày thì PHƯỚC từ đó mà sinh ra. Đánh
giá bản chất một con người rất đơn giản, hãy nghe anh ta nói gì về người
khác trước mặt bạn. Lời nói tốt đẹp giả dối trước mặt cũng xấu như lời nói
thị phi sau lưng nhau, người khôn hãy biết tránh.
Nếu đôi tay chịu làm chịu lao động thì LỘC từ đó khởi sinh, dù suy nghĩ
hay đến đâu mà không bắt tay hành động thì cũng giống như ngồi nhìn thực
đơn chứ không chịu đi nấu , thực đơn chỉ có thể nhìn chứ không thể ăn.
ĐỨC thì vi tế hơn, ta không cần phải từ thiện phóng sinh mới là ĐỨC, ta
chỉ cần CHUYỂN HÓA NÔI TÂM mình.
Biết cách hài lòng, biết bao dung,
Biết Yêu Thuơng, Luôn vui vẻ,
Luôn Khiêm Nhường và Luôn Có Lòng Biết ơn,
Không oán hận, không đố kỵ ganh ghét,
hay chỉ trích, phán xét thì ĐỨC tự sinh.
Nhiều khi chỉ cần ta hoan hỷ khi người khác thành công thì ta cũng đã
tạo sinh công Đức, gọi là “ Tuỳ Hỷ Công Đức” vui theo cái vui của người.
Nội Ngoại cần tương ứng,
Tâm tốt mà Thức ( Cách thức, Lời Nói, Hành Động ) chưa tốt thì cũng nên
cải thiện, Thức tốt mà Tâm không tốt thì bao nhiêu cũng vô nghĩa…
“Người trồng cây hạnh người chơi.
Ta trồng cây ĐỨC để đời mai sau”- CaDao
Thiện Tri Thức
Namo Buddhaya

TU PHÁP GÌ ĐỂ THOÁT KHỔ?

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, dạy các Tỷ-kheo:
Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các ông pháp môn đưa đến an ổn,
khỏi các khổ ách.
Thế nào là pháp môn đưa đến an ổn, khỏi các khổ ách? Này các Tỷ-
kheo, có những sắc do mắt nhận biết khả lạc, khả ái, liên hệ đến dục, hấp
dẫn. Những sắc ấy đã được Như Lai đoạn tận, cắt đứt từ gốc rễ, làm cho
như thân cây ta-la, làm cho không thể tái sanh, không thể sanh khởi trong
tương lai. Do vậy Như Lai được gọi là vị đã được an ổn, khỏi các khổ ách.
Này các Tỷ-kheo, có những tiếng do tai nhận biết khả lạc, khả ái, liên
hệ đến dục, hấp dẫn. Những tiếng ấy đã được Như Lai đoạn tận, cắt đứt từ
gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, làm cho không thể tái sanh, không thể
sanh khởi trong tương lai. Do vậy Như Lai được gọi là vị đã được an ổn,
khỏi các khổ ách.
Có những hương do mũi nhận biết khả lạc, khả ái, liên hệ đến dục, hấp
dẫn. Những hương ấy đã được Như Lai đoạn tận, cắt đứt từ gốc rễ, làm cho
như thân cây ta-la, làm cho không thể tái sanh, không thể sanh khởi trong
tương lai. Do vậy Như Lai được gọi là vị đã được an ổn, khỏi các khổ ách.
Có những vị do lưỡi nhận biết khả lạc, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn.
Những vị ấy đã được Như Lai đoạn tận, cắt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân
cây ta-la, làm cho không thể tái sanh, không thể sanh khởi trong tương lai.
Do vậy Như Lai được gọi là vị đã được an ổn, khỏi các khổ ách.
Có những xúc do thân nhận biết khả lạc, khả ái, liên hệ đến dục, hấp
dẫn. Những xúc ấy đã được Như Lai đoạn tận, cắt đứt từ gốc rễ, làm cho
như thân cây ta-la, làm cho không thể tái sanh, không thể sanh khởi trong
tương lai. Do vậy Như Lai được gọi là vị đã được an ổn, khỏi các khổ ách.
Này các Tỷ-kheo, có những pháp do ý nhận biết khả lạc, khả ái, liên hệ
đến dục, hấp dẫn. Những pháp ấy đã được Như Lai đoạn tận, cắt đứt từ
gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, làm cho không thể tái sanh, không thể
sanh khởi trong tương lai. Do vậy Như Lai được gọi là vị đã được an ổn,
khỏi các khổ ách.
Này các Tỷ-kheo, đây là pháp môn đưa đến an ổn, khỏi các khổ ách, là
pháp môn đúng pháp.
(Tương Ưng Bộ IV, chương 1, phẩm An ổn, phần Người được an ổn, khỏi các khổ ách)
LỜI BÀN:
Kinh Phật có đến vô lượng pháp môn tu. Tùy theo căn cơ, nghiệp lực và
hoàn cảnh sống của mỗi người mà chọn cho mình một pháp môn thích hợp.
Như trăm sông đều xuôi về biển cả, các pháp môn tu do Đức Phật tuyên
thuyết đều xuôi về giải thoát, Niết bàn. Pháp thoại này, Thế Tôn giới thiệu
một pháp môn tu đơn giản mà vô cùng hiệu quả là quán chiếu ngay nơi sáu
giác quan để làm chủ thân tâm và đoạn tận phiền não, đạt đến an ổn, khỏi
các khổ ách.
Thu thúc lục căn là làm chủ sáu giác quan khi tiếp xúc với sáu đối tượng
trần cảnh. Khi mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngữi mùi, lưỡi nếm vị, thân
xúc chạm và ý nghĩ đến…pháp trần thường đi kèm với tâm phân biệt cùng
thái độ yêu ghét. Và mọi tham muốn, khổ đau, hệ lụy ở đời cũng đều xuất
phát từ đây. Vấn đề là làm sao khi mắt vẫn thấy, tai vẫn nghe mà không bị
cái thấy nghe chi phối?
Chính chánh niệm và tỉnh giác (biết rõ) khi mắt nhìn thấy sắc, tai nghe
âm thanh là yếu tố quan trọng để làm chủ thân tâm, không bị sắc thanh lôi
cuốn. Khi mắt thấy sắc, rõ biết và ghi nhận đó là một sự vật, một bông hoa
chẳng hạn. Nhưng chỉ thuần có cái thấy, tâm không phân biệt đẹp xấu,
không biểu hiện tình cảm yêu ghét. Thấy được như vậy thì cái thấy đó không
hề mang đến hệ lụy và não phiền. Nghe, ngửi, nếm, xúc chạm, nghĩ tưởng
đều chánh niệm, tỉnh giác như vậy thì hành giả sẽ đạt đến an ổn, khỏi các
khổ ách.
Hạnh phúc an lạc hay phiền não khổ đau phụ thuộc vào sự tu tập làm
chủ sáu giác quan này. Do đó, thực tập và duy trì chánh niệm tỉnh giác trong
đời sống hàng ngày chính là con đường đưa đến giải thoát, an vui.
QUẢNG TÁNH

LỜI KINH TRONG LÒNG BÀN TAY

“Những hạt mưa đầu mùa ấm áp và bền bỉ có thể lay những hạt giống
mùa cũ dậy nảy mầm, rồi nuôi chiếc mầm lớn lên, tràn ra, phủ kín mặt đất
một màu non xanh.
Những hành động thiện bền bỉ kiên trì trong hiện tại, có thể giúp
những hạt giống thiện hôm qua nảy mầm, rồi lớn lên thành hành động,
thành việc làm, thành những ngày bình yên”.(1)
Khi bước ra khỏi tuổi hai mươi, có người hứa sau này sẽ sống thật thật
tốt, có kẻ hứa sau này sẽ sống thật bình yên, nhưng cuộc sống ngoài kia luôn
đưa đến rất nhiều chuyện để thử thách ước mơ ngày xưa, và ngay bên trong
lòng mỗi người, mỗi ngày lại chồng chất thêm nhiều tham vọng mong cầu,
bao ước mơ diệu vợi, bao mộng tưởng xa xôi, rồi bận rộn đuổi theo gió giông,
bận ngóng trông góc bể chân trời, để ước mơ trong trẻo ngày xưa trở thành
một câu chuyện cũ; để lời hứa “sống thật tốt”, “sống thật bình yên” trở thành
món quà mà ai cũng phải mắc nợ với chính mình.
Lời hứa ngày xưa như mớ hạt giống, đem vùi vội vào một góc tháng năm
cũ rồi để đó. Lâu lâu, khi quá mệt, quá buồn, người mới chịu dừng lại, ngồi
xuống, chăm chút cho nó vài hôm, rồi lại bận rộn quay đi; trong những tháng
năm vội vã đó, một vài giọt nước mắt, năm ba giọt mồ hôi vẫn chưa đủ sức
để hạt giống bình yên ngày xưa nảy mầm và lớn lên thành chiếc chồi non
xanh.
Đưa ra một quyết định không khó, cái khó là bắt tay vào và kiên trì thực
hiện, kiên trì và bền bỉ như những hạt mưa đầu mùa.
Hạt giống chỉ có thể nảy mầm khi có sự đổi thay từ bên trong, một phần
hạt giống sẽ mục nát để cung cấp dưỡng chất cho chiếc mầm non thành hình
và lớn lên.
Niềm vui chỉ có thể xuất hiện khi ngay bên trong nỗi buồn có sự thay đổi
từ bên trong, chúng ta biết cách nhìn nỗi buồn khác đi, tích cực hơn, không
thấy nỗi buồn là thứ làm mình khổ, mà thấy nỗi buồn là một nguồn năng
lượng nuôi dưỡng chúng ta trên một phương diện khác; với sự hiểu biết đó,
nỗi buồn sẽ mục nát và trở thành chất liệu cho niềm vui hiện khởi.
Mong người sẽ luôn kiên trì và ấm áp như những hạt mưa đầu mùa, để
những hạt giống lành ngày xưa được nẩy mầm.
Ai cũng từng có những ước mơ thiện, nên bên trong ai cũng có những hạt
giống lành; ngày trước vùi vào lòng mình rồi bỏ quên, chỉ còn thiếu những
hạt mưa đầu mùa bền bỉ để nảy mầm.
Có lẽ, hôm nay, đã đến lúc chúng ta bắt đầu sống cuộc sống mà chúng ta
đã hứa với chính mình ngày xưa…
Mong Người luôn an.
Vô Thường
Núi.1.2.2023
Om Mani Padme Hum


[1] Dịch ý từ một đoạn trong Luận Đại Trí Độ.