HỌC LÀM NGƯỜI

  1. HỌC CÁCH TRẦM TĨNH
    Có đôi khi bị người khác hiểu lầm, đừng tranh luận, hãy lựa chọn giữ im
    lặng. Trong cuộc sống, có rất nhiều chuyện đúng sai khó có thể nói rõ ràng,
    thậm chí căn bản là không có hoàn toàn đúng hay hoàn toàn sai. Cho nên,
    nếu không muốn nói, thì đừng nói. Khi mà có nói nhiều cũng vô ích, có lẽ im
    lặng là lời giải thích tốt nhất.
  2. TRỞ NÊN BÌNH THẢN
    Con người đến độ tuổi nào đó, tự nhiên không còn thích những gì ồn ào
    náo nhiệt, tâm thái bình thản giúp cho cơ thể khỏe mạnh, kéo dài tuổi thọ.
    Mặc kệ là đời sống vật chất dư dả hay bần cùng, chỉ cần nội tâm bình
    thản, chính là sống một cuộc đời hạnh phúc.
  3. HỌC CÁCH CÚI MÌNH
    Bạn bất đồng ý kiến với với con cái, nói chuyện mâu thuẫn với bạn bè,
    những điều này cũng không sao cả. Nghĩ thoáng một chút, chấp nhận buông
    bỏ, cho dù là cúi người xuống nói lời xin lỗi thì có sao?
  4. ĐỪNG CẢM THẤY HỐI HẬN
    Cuộc đời là một con đường dài với vô số ngã rẽ, và ta luôn phải lựa chọn
    không ngừng. Nhưng cuộc đời không có cơ hội nào lặp lại, lựa chọn rồi thì
    đừng hối hận, cũng đừng nói câu muốn làm lại từ đầu…
    Mỗi lựa chọn đưa ra không có thực sự tốt hay thực sự tồi, chỉ cần biết
    cuộc sống là tác phẩm độc nhất vô nhị của chúng ta, thì sẽ không phải hối
    tiếc nếu ngày đó mình không làm như vậy.
  5. TIẾP TỤC HỌC TẬP
    Học không mang lại niềm vui ở hiện tại nhưng mang lại cuộc sống hạnh
    phúc, thanh thản ở tương lai.
  6. GIỮ GÌN SỰ ĐƠN GIẢN
    Suy nghĩ quá nhiều, ngược lại càng làm cuộc sống thêm phức tạp, “đơn
    giản” thật ra chính là một ân huệ mà trời cao ban cho chúng ta. Đừng suy
    nghĩ quá nhiều, cuộc sống thật ra luôn cần những niềm vui đơn giản.
  7. THỈNH THOẢNG “BUÔNG THẢ” BẢN THÂN
    Ai cũng chỉ sống một lần trong đời. Sống vui, sống khỏe, sống có ích.
    Thỉnh thoảng hãy “đổi gió” bằng những việc bạn chưa từng nghĩ tới. Đời
    không biết cách tận hưởng là đời uổng phí.
  8. LUÔN ĂN MẶC ĐẸP
    Yêu cái đẹp nên là điều mà chúng ta theo đuổi cả đời, tuyệt đối đừng vì
    suy nghĩ mình lớn tuổi mà không muốn trưng diện nữa.
    Hãy nhân lúc lưng còn thẳng, chân còn khỏe, hãy mặc thật nhiều bộ đồ
    xinh đẹp, đến những nơi đẹp đẽ nhất, chụp những tấm hình rực rỡ nhất!!!
  9. HÃY “NGỜ NGHỆCH” MỘT CHÚT
    Có những chuyện, cần hờ hững thì hờ hững, điều gì không làm rõ được
    thì không cần làm rõ, người nào cần lướt qua thì cứ lướt qua.
    Nếu như chỉ biết nhớ không biết quên, chỉ biết tính toán mà không biết
    cho qua, chỉ biết khôn khéo mà lại không biết vụng về… sẽ chỉ làm cuộc sống
    của chúng ta luôn nặng nề, phiền não.
  10. HÃY THƯỜNG XUYÊN CHÚC PHÚC CHO NGƯỜI KHÁC
    Chúng ta đối đãi với người khác thế nào, họ cũng sẽ đối đãi với ta như
    vậy. Thời điểm bạn làm cho người khác vui vẻ, bạn sẽ nhận ra rằng mình
    còn được nhân đôi niềm vui. Sống ở hiện tại, tận hưởng cuộc sống ở hiện tại,
    đó chính là phương thức sống hạnh phúc!
    Lang Công Đạt
Advertisement

HÃY NHÌN TÂM MÌNH ĐỪNG NHÌN XUNG QUANH

Bởi vì mọi người không nhìn thấy chính mình, họ có thể làm đủ mọi
chuyện bất thiện. Họ không nhìn vào tâm của chính mình.
Khi một người sắp làm điều gì bất thiện, trước tiên, người ấy phải nhìn
quanh xem có ai đang nhìn mình không:
“Liệu mẹ có đang nhìn mình không?”
“Liệu chồng của mình có đang nhìn mình không?”
“Các con có nhìn mình không?”
“Liệu vợ mình có nhìn mình không?”
Nếu thấy không có ai đang nhìn thì họ làm việc bất thiện đó ngay lập tức.
Đây là sự sỉ nhục mình.
Họ nói rằng không có ai đang nhìn nên họ nhanh chóng làm cho xong
việc bất thiện đó trước khi có ai đó nhìn thấy họ. Còn bản thân họ thì sao.
Họ không phải là một “ai đó” sao?
Quý vị hiểu chứ. Bởi vì mọi người phớt lờ góc nhìn chính mình như thế
này nên họ sẽ không bao giờ nhìn thấy được Pháp/Chân lý.
Nếu quý vị nhìn vào chính mình, quý vị sẽ thấy chính mình. Bất cứ khi
nào quý vị sắp sửa làm điều gì xấu, nếu quý vị nhìn vào chính mình kịp thời
thì quý vị có thể dừng lại.
Nếu quý vị muốn làm điều gì xứng đáng, hãy nhìn vào tâm mình. Nếu
quý vị biết cách nhìn chính mình, quý vị sẽ biết điều gì đúng hoặc sai, điều
gì là tai hại hay lợi lạc, điều gì là vô đạo đức hoặc đạo đức.
Đây là những điều chúng ta nên biết…
Từ: “Những lời dạy vượt thời gian”
Namo Buddhaya

CÒN ÁC TÂM NÊN KHÔNG THỂ THẢNH THƠI

Một chàng thanh niên tìm đến một vị Thiền Sư xin chỉ bảo:

– “Vì sao những người lương thiện như con lại thường xuyên cảm thấy đau khổ, mà những người ác lại vẫn sống tốt như vậy?”

Thiền sư từ tốn:

  • Nếu một người trong lòng còn cảm thấy khổ, điều đó nói lên rằng trong tâm người này có tồn tại một điều ác tương ứng. Nếu một người trong nội tâm không có điều ác nào, như vậy, người này sẽ không có cảm giác thống khổ.

Có cảm giác như bị xúc phạm, chàng thanh niên không phục, liền nói:

  • Thưa Thầy, sao con có thể là người ác được? Con là người sống rất lương thiện mà.

Vị Thiền sư điềm đạm trả lời:

  • Nội tâm không ác thì không cảm thấy khổ, con đã cảm thấy khổ, nghĩa là trong tâm con đang tồn tại điều ác. Con hãy nói về nỗi khổ của con, ta sẽ nói cho con biết, điều ác nào đang tồn tại trong con.

Chàng thanh niên bắt đầu kể:

  • Thưa Thầy, nỗi khổ của con thì rất nhiều ạ. Có khi con cảm thấy tiền lương thu nhập rất thấp, không đủ vào đâu. Nhà ở thì không đủ rộng. Con thường có cảm giác thua thiệt người khác, trong tâm không lúc nào thoải mái. Con hy vọng mau chóng thay đổi được tình trạng trên.

Thưa Thầy, xã hội không ít người căn bản không có văn hóa gì, lại có thể lận lưng hàng chục, hàng trăm triệu, trong khi một trí thức văn hóa như con, mỗi tháng lại chỉ có vài triệu đồng thu nhập, thật sự không công bằng; Người thân thì nhiều lúc không nghe con khuyên…

Cứ như vậy, lần lượt chàng thanh niên kể hết cho vị Thiền sư về những nỗi thống khổ, ấm ức mà mình đang phải chịu đựng.

Thiền sư khẽ gật đầu, mỉm cười, một nụ cười nhân từ và đôn hậu, nhìn

chàng thanh niên:

– Theo như con nói, thu nhập hiện tại của con cũng đủ nuôi sống con và gia đình, đúng không? Con còn có một căn nhà nhỏ để ở, căn bản là đã không phải lưu lạc nơi đầu đường xó chợ như bao người. Con hoàn toàn có thể không phải chịu đựng những nỗi khổ tâm ấy. Nhưng, chỉ bởi vì nội tâm con có Lòng Tham đối với tiền tài và của cải, cho nên con luôn cảm thấy không đủ. Do không bao giờ cảm thấy đủ và hài lòng nên cảm thọ khổ dấy lên trong con. Loại tâm Tham này là một Ác Tâm.

Trong xã hội có nhiều người thiếu văn hóa nhưng lại phát tài, rồi con lại cảm thấy không phục, đây chính là tâm đố kị. Tâm Đố Kị là một loại Ác Tâm.

Con tự cho mình là có văn hóa, nên cần phải có thu nhập cao, đây chính là ngã mạn. Ngã Mạn cũng là Ác Tâm.

Cho rằng có văn hóa thì phải có thu nhập cao, đây chính là tâm si; bởi vì văn hóa không phải là căn nguyên của sự giàu có, mà là do kiếp trước làm việc thiện. Hành thiện tích đức, bố thí, cúng dường… mới là nguyên nhân cho sự giàu có của kiếp này. Si Mê cũng là một loại Ác Tâm.

Người thân không nghe lời khuyên của con, con cảm thấy không thoải mái, đây là không rộng lượng, bao dung. Dẫu là người thân của con, nhưng mỗi chúng sanh đều có biệt nghiệp riêng của mình. Họ nhìn mỗi việc qua lăng kính của nghiệp, nên mỗi người sẽ có tư tưởng và quan điểm riêng, vì sao lại cưỡng cầu tư tưởng và quan điểm của họ bắt họ phải giống như con? Không rộng lượng sẽ dẫn đến hẹp hòi, ích kỷ. Tâm Hẹp Hòi cũng là Ác Tâm.

Lòng Tham, Tật Đố, Ngã Mạn, Si Mê, Hẹp Hòi đều là những ác tâm. Bởi vì nội tâm con chứa đựng những ác tâm ấy, nên đau khổ mới tồn tại trong con.

Con đem niềm vui và thỏa mãn của mình đặt lên tiền bạc và của cải, con

hãy bình tâm nhìn và suy xét kỹ: con đã không chết đói, chết cóng; những người giàu có kia, thật ra cũng chỉ là không chết đói và chết cóng mà thôi. Con đã nhận ra chưa? Hạnh phúc hay không, không dựa trên sự giàu có bên ngoài, mà dựa trên thái độ sống của con mới là quyết định. Nắm chắc từng giây phút của cuộc đời, sống với thái độ lạc quan, hòa ái để thay thế lòng tham, tính đố kỵ và ích kỷ; Nội tâm của con sẽ dần chuyển hóa, dần thay đổi… thanh thản và bình an hơn.

Trong xã hội, nhiều người không có văn hóa nhưng lại giàu có, con hãy nên vì họ mà hoan hỷ, nên cầu chúc họ càng giàu có hơn. Người khác đạt được, phải vui như người đó chính là con; Người khác mất đi, đừng cười trên nỗi đau của họ. Người như vậy mới là người lương thiện. Con nhìn người khác giàu con lại thiếu vui, đây chính là Đố Kị. Tâm đố kị là một loại tâm rất không tốt, phải kiên quyết tiêu trừ.

Con cho rằng, con có chỗ hơn người, tự cho là giỏi. Đây chính là ngã mạn. Ngạo mạn cao sơn, bất sinh đức thủy”, người khi đã sinh lòng ngã mạn, thì đối với thiếu sót của bản thân sẽ như có mắt không tròng, vì vậy, không thể nhìn thấy bản thân có bao nhiêu điều xấu, sao có thể thay đổi để tốt hơn lên. Một người luôn nuôi dưỡng lòng khiêm tốn, giữ gìn tâm thái hòa ái từ bi thì nội tâm mới có thể cảm thấy tròn đầy và an vui.

Kiếp trước làm việc thiện là một trong những nguyên nhân cho sự giàu có ở kiếp này. (Để giàu có có nhiều nguyên nhân chứ không chỉ đơn thuần là phước báu đời trước). Mà người đời thường không hiểu được nhân quả, trồng dưa lại muốn được đậu, trồng đậu lại muốn được dưa, đây là thể hiện cho sự ngu muội, si mê. Chỉ có người chăm học Phật Pháp, mới có được trí tuệ chơn chánh, mới thấu hiểu được quy luật của nhân quả – luật tuần hoàn của vạn vật trong vũ trụ. Để từ đó biết quán xét thân tâm, lựa chọn các hành

vi, lời nói, ý nghĩ sao cho phù hợp để gieo nhân lành. Người luôn suy xét,

kiểm soát tốt thân khẩu ý sẽ luôn được an vui.

Bầu trời có thể bao dung hết thảy, nên rộng lớn vô biên; mặt đất có thể chịu đựng hết thảy, nên tràn đầy sự sống, vạn vật đâm chồi. Một người sống trong thế giới này, không nên xem mình là nhất mà tùy tiện xem thường người khác. Không cưỡng cầu bất cứ điều gì mà phải tùy duyên tự tại. Vĩnh viễn dùng tâm lương thiện giúp đỡ người khác, nhưng không chấp trước bất kỳ điều gì.

Nếu tâm một người có thể rộng lớn như bầu trời mà bao dung vạn vật, người đó sao còn có thể khổ đây?”

Ngồi im lặng hồi lâu. Xưa nay chàng trai vốn cho mình là một người rất lương thiện. Mãi cho đến lúc này, anh ta mới chợt tỉnh ngộ… nhận ra “thì ra trong mình còn tồn tại một con người xấu xa đến thế. Bởi vì tâm mình chứa những điều bất thiện trên, nên mình mới luôn thấy khó chịu, khổ tâm nhiều đến thế!”

Chàng trai vội cúi đầu, chắp tay:

– Thưa Thầy, con xin cảm tạ Thầy nhiều lắm, nếu không được Thầy khai thị chỉ bảo, con mãi mãi sẽ không biết có một người xấu xa như vậy đang tồn tại trong con.

TÁM NHÂN DUYÊN LÀM TỔN HẠI CÁC GIA ĐÌNH

“Một thời Thế Tôn du hành ở giữa dân tộc Kosala cùng với đại chúng Tỷ kheo đi đến Nàlandà. Tại đấy, Thế Tôn trú tại rừng Pàvarikamba. Lúc ấy, Nàlandà đang đói kém, khó kiếm được cái ăn, xương trắng đầy tràn.
Rồi thôn trưởng Asibandhakapu􀄴a, đệ tử của Nigantha đi đến đảnh lễ, cật vấn Thế Tôn:
Bạch Thế Tôn, có phải Thế Tôn dùng nhiều phương tiện tán thán, thương kính các gia đình, bảo vệ các gia đình, từ mẫn đối với các gia đình?
Đúng vậy, này thôn trưởng!
Vậy thì vì sao, bạch Thế Tôn, Ngài cùng đại chúng Tỷ kheo lại du hành tại xứ Nàlandà đang đói kém, khó kiếm được cái ăn, xương trắng đầy tràn?
Như vậy, Thế Tôn thực hành tàn phá các gia đình, thực hành sự bất hạnh cho các gia đình, thực hành sự tổn hại cho các gia đình.
Này thôn trưởng, có tám nhân duyên làm tổn hại các gia đình. Do quốc vương, các gia đình đi đến tổn hại. Hay do trộm cướp, các gia đình đi đến tổn hại. Hay do lửa, các gia đình đi đến tổn hại. Hay do nước, các gia đình đi đến tổn hại. Hay họ không tìm được tiền của cất giấu. Hay do biếng nhác, họ bỏ bê công việc. Hay trong gia đình có kẻ phá hoại. Và vô thường là thứ tám. Này thôn trưởng, chính tám nhân duyên này làm tổn hại các gia đình.
Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng”.
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ IV, chương 8, phần Gia tộc)
LỜI BÀN:
Không phải ngày nay mới có một vài người nhận thức phiến diện cho rằng tu sĩ là một bộ phận không lao động, thụ hưởng, là gánh nặng cho xã hội mà ngay thời Thế Tôn còn tại thế, quan niệm thiển cận này đã có mặt. Tu sĩ nói chung, dù trực tiếp hay không trực tiếp tham gia sản xuất thì vẫn có vai trò rất quan trọng trong xã hội, đóng góp tích cực vào việc thiết lập và xây dựng nền tảng đạo đức, góp phần gìn giữ sự ổn định, thăng hoa đời sống, phát triển xã hội.
Theo tuệ giác Thế Tôn, một gia đình, địa phương, khu vực hay quốc gia rơi vào nghèo khổ, kinh tế kiệt quệ thậm chí bị chết đói không phải vì “gánh nặng” tu sĩ mà bởi: Vua quan bất tài, dốt nát, chỉ biết bóc lột; giặc giã, trộm cướp hoành hành; thiên tai lửa cháy, nước trôi tàn phá; không kế thừa gia sản của cha ông; biếng nhác, bỏ bê công việc; bị chính các thành viên trong gia đình phá hoại; cuối cùng là do vô thường biến hoại, chi phối, thay đổi.
Đây chính là những nguyên nhân chủ yếu làm tổn hại các gia đình.
Bước đường du hoá hành đạo của Thế tôn và chư Thánh đệ tử vốn tùy duyên, bình đẳng, vô phân biệt. Không vì nơi giàu có sung túc mà dừng chân quá lâu hay những nơi đói nghèo thì chẳng đặt chân đến. Tinh thần thương kính các gia đình, bảo vệ các gia đình, từ mẫn đối với các gia đình vẫn xuyên suốt trong mọi hành trình của Thế Tôn và tất cả những người con Phật. Ở đâu càng đói nghèo, tăm tối và đau khổ lại càng cần có những bước chân an lạc, từ bi, vô ngã, vị tha. Vì lẽ ấy, nơi nào có đau khổ do chiến tranh, thiên tai, dịch họa… thì nơi ấy có mặt người con Phật với tâm nguyện ban vui, cứu khổ “vì lợi ích, an lạc cho chư thiên và loài người”.


QUẢNG TÁNH

ĐỂ SỐNG CÓ HẠNH PHÚC

  • Bạn biết chăng, người hạnh phúc là người luôn tràn đầy cảm hứng và
    lạc quan, luôn vui tính, biết dành thời gian để vui đùa, chứ không phải lúc
    nào cũng mang vẻ mặt cau có. Hạnh phúc có thể nở hoa trong lòng chúng
    ta, nếu mỗi ngày chúng ta biết sống, làm những việc hữu ích và luôn yêu
    thương người khác, mà không bận tâm quá nhiều về lợi ích của mình.
  • Bạn biết chăng, bản chất của hạnh phúc là sự sẻ chia. Hạnh phúc chỉ đến
    với những ai biết cảm thông, biết đối xử với mọi người một cách chân thành,
    rộng lượng để khơi gợi những tình cảm cao thượng trong tâm hồn của họ.
    Và, hạnh phúc chỉ có khi con người sống thật với mình. Sống theo trái tim
    của mình chứ không phải núp dưới một tấm mặt nạ nào, không phải sống
    bên ngoài một đằng, bên trong một nẻo. Mình có thể dối đời, dối người,
    nhưng đâu thể dối được chính mình?
  • Thái tử Siddartha bỏ ngai vàng đi xuất gia cũng chẳng qua là đi tìm hạnh
    phúc, một loại hạnh phúc tuyệt đối, không bị chi phối bỏi qui luật vô thường.
    Là người con Phật, chúng ta cũng là một chiến sĩ chiến đấu cho hạnh phúc
    bản thân. Ta phải biết vung gươm trí tuệ để chặt đứt những hệ lụy não phiền,
    những sợi dây ràng buộc ta với hoài niệm quá khứ, hay cột ta vào những
    khát vọng ảo tưởng ở tương lai. Chỉ khi nào ta tiếp xúc được với những sự
    mầu nhiệm, sự tươi mát, cái hay, cái đẹp, đang hiện hữu trong giây phút
    hiện tại, thì ngay lúc đó hạnh phúc hiện về.
  • Tâm thức nào có tự do, tâm thức đó có hạnh phúc.
    Có hai câu danh ngôn mà tôi đem gối đầu giường :
  • Những ai chưa từng đau khổ, thì những kẻ ấy không bao giờ biết tận
    hưởng được hạnh phúc. (Ugo Foscolo).
  • Cái trở ngại to nhất của hạnh phúc là trông chờ một hạnh phúc khác to
    hơn. (Fontenelle).
    ”Em đừng mãi đi xa tìm hạnh phúc
    Hãy yên ngồi nhận diện ở chung quanh..
  • Hạnh phúc đến từ những điều bình dị
    Mỗi bình minh hít thở.. sống an lành..”
    Như Nhiên