Bậc trí biết chọn lời để nói, chọn nơi để ở, chọn việc để làm, chọn người
để kết duyên và chọn cách để im lặng.
Lời nào khi nói mà đưa đến thị phi, đấu tranh, oán hận, không nâng cao
tâm hồn cho mình và người thì không nên nói.
Nơi nào khi ở mà không đưa đến an bình, không phát triển thiện duyên,
thiện hạnh cho mình và người thì nên đi.
Việc nào khi làm mà không đem lại an lạc, tăng trưởng nghiệp bất thiện,
sự bất an cho mình và người ở hiện tại cả về sau thì không nên làm.
Người nào khi kết nối mà tăng trưởng tham lam, sân hận, si mê, phiền
não, khổ đau, buộc ràng…thì nên xa lánh.
Bất cứ khi nào và ở đâu, nếu ngôn ngữ không có tác dụng truyền thông
điều chân, thiện, mỹ thì nên chọn cách im lặng.
“Người Trí bảo vệ thân
Bảo vệ luôn lời nói
Bảo vệ cả tâm tư
Ba nghiệp khéo bảo vệ”
Trúc Lan Nhã
Author: durendal
LỜI KINH TRONG LÒNG BÀN TAY
“Đức Phật nói: ở đời có 4 thứ cách xa nhau:
- Đất và trời.
- Hai bờ của đại dương.
- Nơi mặt trời mọc và nơi mặt trời lặn.
- Người thiện và người chưa thiện”.(1)
Dù xa đến mấy, đất vẫn có thể nối với trời bằng những giọt mưa, hai bờ
đại dương nối với nhau bằng những con sóng, chân trời đông và tây nối
nhau bởi ánh sáng của một ngày, còn người thiện và người chưa thiện nối
với nhau bằng điều gì? Bằng điều thiện trong tim.
Có lẽ nhiều người vẫn nghĩ, trong tim một người chưa thiện sẽ không có
một chút thiện nào, thật ra, trong tim của một người dù ác đến đâu vẫn còn
tồn tại một chút thiện, đủ để nuôi cho trái tim ấy không bị chết khô, đủ để
cho con người ấy, dù xấu xí đến đâu cũng có hình dạng của một con người,
vẫn có một chút nhân tính.
Được nối lại với nhau bằng một chút thiện, mong manh, nên dù đứng
cạnh nhau nhưng vẫn xa nhau lắm. Một người quay lưng lại điều thiện, một
người quay lưng lại điều ác, thứ xa nhất vẫn là những gì đã ở phía sau lưng.
Buổi sớm mai bình yên chỉ có thể được nhìn thấy bởi một người có ánh
mắt thật ấm nhìn cuộc sống; với một người mãi nghĩ những điều ác, nói
những lời ác, làm những việc ác, một buổi sớm mai bình yên với họ cũng xa
như đất với trời. Xa vì cách nghiệp.
Quá trình mang những điều thiện lấp cho đầy trái tim bất thiện, khó hơn
cả một cuộc hành trình vượt biển, nhiều sóng và gió, xa hơn từ bờ này đến
bờ kia của đại dương. Xa vì dài lâu, vì khó khăn.
Nghiệp thiện là nơi bắt đầu niềm vui và nghiệp ác là nơi để bắt đầu những
nỗi buồn; như chân trời phía đông bắt đầu ngày mới và chân trời phía tây
để bắt đầu cho bóng đêm. Xa vì khác biệt.
Ai cũng muốn được bình yên, nhưng thường lại chọn nhầm thứ mang cất
vào cuộc đời mình, nếu chọn đúng, sẽ không không ai phải quá nhọc nhằn
để có được bình yên.
Người ngày mới an.
Vô Thường.
Núi ngày cũ
Om Mani Padme Hum.
[1] Tăng chi bộ kinh, chương IV, phẩm V, kinh 47
TỰ XEM NGÀY LÀNH THÁNG TỐT CHO MÌNH
Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ kheo:
Các loài hữu tình nào, này các Tỷ kheo, vào buổi sáng, thân làm việc
thiện, nói lời nói thiện, ý nghĩ điều thiện, các loài hữu tình ấy, này các Tỷ
kheo, có một buổi sáng tốt đẹp.
Các loài hữu tình nào, này các Tỷ kheo, vào buổi trưa, thân làm việc
thiện, nói lời nói thiện, ý nghĩ điều thiện, các loài hữu tình ấy, này các Tỷ
kheo, có một buổi trưa tốt đẹp.
Các loài hữu tình nào, này các Tỷ kheo, vào buổi chiều, thân làm việc
thiện, nói lời nói thiện, ý nghĩ điều thiện, các loài hữu tình ấy, này các Tỷ
kheo, có một buổi chiều tốt đẹp.
Này các Tỷ kheo:
Vầng sao lành, điều lành
Rạng đông lành, dậy lành
Sát-na lành, thời lành
Cúng dường bậc Phạm hạnh
Thân nghiệp chánh, lời chánh
Ý nghiệp chánh, nguyện chánh
Làm các điều chơn chánh
Được lợi ích chơn chánh
Thì được lợi, an lạc
Lớn mạnh trong Phật giáo
Hãy không bệnh, an lạc
Cùng tất cả bà con.
(Tăng Chi Bộ KINH I, chương 3, phẩm Cát tường, phần Buổi Sáng Tốt Đẹp)
LỜI BÀN:
Trong tâm thức người Á Đông nói chung và trong đó có không ít những
Phật tử sơ cơ đều tín niệm về ngày giờ tốt xấu, cát hung. Vì thế những liên
hệ về tuổi tác, ngày giờ tốt xấu để khởi sự công việc làm ăn hay bất cứ việc
hệ trọng nào, đối với họ là một trong những mối quan tâm lớn, được ưu tiên
hàng đầu.
Chuyện có ngày tốt đích thực hay không đến nay vẫn là cảm nghiệm
riêng của mỗi người. Thực sự thì không có ngày nào tốt cho tất cả mọi người,
bởi có thể có ngày tốt đối với người này nhưng ngày ấy lại là ngày xấu đối
với người kia. Chuyện hai người bán áo mưa và bán quạt ở cạnh nhau nhận
xét về ngày tốt xấu là một điển hình. Vì ngày mưa sẽ tốt đối với người bán
áo mưa nhưng không tốt với người bán quạt và ngược lại.
Theo tuệ giác Thế Tôn, ngày nào chúng ta có những phẩm chất tốt đẹp
như suy nghĩ điều thiện, nói lời nói thiện và làm những việc thiện thì ngày
đó chính là ngày tốt. Và như thế, ngày tốt phải do chúng ta tạo ra, làm nên
chứ không phải do tạo hóa hay bất cứ sự vận hành nào tác thành. Vậy nên,
thay vì tìm cầu chọn lựa ngày tốt từ bên ngoài, người con Phật chủ động tạo
ngày tốt cho chính mình và mọi người bằng cách tịnh hóa tam nghiệp.
Trong một ngày, nếu từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều và từ chiều đến
tối mà ta không làm bất cứ điều gì sai trái, xấu ác đồng thời còn làm được
nhiều điều tốt đẹp, lợi ích thì chắc chắn đó là một ngày tràn ngập hạnh phúc,
an vui. Thì ra, ngày tốt vốn có hàng ngày và không cần nhờ cậy bất kỳ ai coi
ngày, ta vẫn có được ngày tốt lành cho mình, nếu biết tu dưỡng và chuyển
hóa thân tâm.
QUẢNG TÁNH
MÂU THUẪN GIỮA MUỐN VÀ CẦN
Một điều tôi học được từ những câu chuyện, đó là: điều bạn nghĩ mình
muốn (want), chưa chắc đã là điều bạn thật sự cần (need).
Điều bạn muốn thường sẽ rất hấp dẫn, sẽ khơi gợi ở bạn động lực và niềm
khát khao có được. Chẳng hạn như những cuộc đi chơi, những món đồ hiệu,
những lời khen ngợi, hay sự quan tâm của một ai đó… Chúng có thể làm
thỏa mãn bạn trong nhất thời, nhưng chưa hẳn đã thật sự tốt cho bạn.
Ngược lại, điều bạn cần, cho dù là hữu ích cho bạn như việc đọc sách hay
tập thể thao, đôi khi lại chẳng thú vị cho lắm. Những sự thật “đắng ngắt” mà
bạn cần nghe, thậm chí có thể khiến bạn cảm thấy khó chịu. Nhưng phần
nào đó bên trong, bạn vẫn biết những điều ấy là cần thiết.
Đó là những khi: điều bạn muốn và điều bạn cần mâu thuẫn với nhau.
…
Trong những câu chuyện thần thoại, văn học, hay điện ảnh… mâu thuẫn
giữa điều bạn muốn và điều bạn cần, thường được kịch tính hóa trong quá
trình phát triển của một nhân vật.
Để vượt qua được những thử thách “bên ngoài”, một người cũng đồng
thời phải vượt qua được những thử thách “bên trong”.
Thử thách đó yêu cầu bạn cần phải thành thật đối diện với con người
mình, nhận thức được mình cần phải thay đổi thế nào, và buông bỏ đi những
thiên kiến sai lầm đang kìm hãm bạn. Việc ấy thực chất chẳng dễ dàng, vì
chẳng mấy ai muốn chủ động thay đổi con người họ, nhất là khi họ đang
cảm thấy an toàn với phiên bản hiện tại của mình.
Nhưng sự thay đổi, nhiều khi chỉ bắt nguồn từ một ý nghĩ. Như nhà văn
K. M. Weiland có viết: để vượt qua được những thử thách “bên trong”, có
khi chỉ cần bạn “nhận ra” (realization) một sự thật nào đó về mình, một sự
thật có thể giúp bạn phát triển, nhưng không dễ chấp nhận và thường khiến
bạn lảng tránh.
Ví dụ như khi chàng cao bồi Woody nhận ra rằng lòng đố kị với Buzz
chẳng giúp cậu được người chủ yêu quý nhiều hơn (Toy Story); hay như khi
chàng tỷ phú Tony Stark kiêu căng hiểu rằng mình cần phải có trách nhiệm
hơn với những hậu quả của việc kinh doanh vũ khí (Iron Man).
Đó là những “hỏng hóc” từ bên trong mà phải trải qua nhiều thử thách,
thành công, và thất bại, họ mới nhận ra và tự “sửa chữa” được.…
Không phải ngẫu nhiên mà motif phát triển nhân vật này trong những
câu chuyện có thể tạo ra được sự đồng cảm và kết nối sâu sắc với chúng ta.
Theo như nhà tâm lý Carl Jung, hành trình đó là hiện thân của “nguyên mẫu
người hùng” (the hero archetype), biểu tượng cho sự trưởng thành và hoàn
thiện về tâm lý của một cá nhân.
Theo như Jung trừu tượng hoá từ kho tàng thần thoại phương Tây, một
“người hùng” lý tưởng, sẽ sẵn sàng dấn thân vào vùng chưa biết, vượt qua
rào cản để chinh phục những giới hạn mới:
“Chỉ người nào sẵn sàng mạo hiểm chiến đấu với rồng mà không bị nó
khuất phục, mới có thể giành lấy những kho báu giá trị không dễ gì có được”
- Carl Jung (CW 14).
Biểu tượng của loài “rồng”, chính là hiện thân của nỗi lo sợ, sự mặc cảm,
sự tổn thương… những phần tối nội tâm bị bạn dồn nén trong vô thức, hoặc
quay lưng đi chẳng dám thừa nhận.
Nói cách khác, Jung cho rằng: đoạt được phần thưởng bên ngoài là điều
bạn muốn, nhưng trước hết, dám đương đầu với những rào cản bên trong
mới là điều bạn cần.
…
Và nhiều khi, chúng ta chưa thể biết mình thật sự muốn gì hay cần gì. Vì
khi còn chưa có đủ kiến thức và trải nghiệm, chưa thật sự hiểu hết chiều sâu
con người mình, thì những mục tiêu được đặt ra có khi chẳng hề phù hợp
như chúng ta nghĩ.
Lúc đấy, chúng ta cần phải cho phép bản thân mình va vấp nhiều hơn,
học hỏi nhiều hơn, nâng cao nhận thức của mình hơn, và rồi thì con đường
ta thật sự cần đi mới dần hiện ra trước mắt.
Giống như chàng Thạch Sanh trong câu chuyện cổ tích: “muốn” sống
chân thành và ơn nghĩa với Lý Thông, nhưng điều Thạch Sanh thật sự “cần”
(mà phải trải qua nhiều hiểm nguy mới tìm được), là nhận ra sự dối trá lươn
lẹo của người anh, và không được quá tin người để rồi bị lợi dụng.
Vậy nên: đừng vội để bị đánh lừa bởi những điều bạn nghĩ rằng mình
muốn. Hãy thử tự hỏi mình rằng điều ấy có tốt cho bạn hay không, có thật
sự cần thiết hay không?
Vì những điều tuyệt vời nhất, thường không dễ có được. Như giáo sư
Jordan Peterson từng viết trong cuốn “Beyond Order”:
“That which you most need to find will be found where you least wish to
look”.
Cosmic Writer
TRIẾT LÝ “NHẤT KỲ, NHẤT HỘI” CỦA NGƯỜI NHẬT
Một đời người có bao nhiêu khoảnh khắc không thể nào quên? Trên thế
giới mấy tỉ người này, nếu có thể gặp gỡ nhau đã là cái duyên. Thế giới này
nhỏ lắm. Chỉ cần xoay người một cái là bạn không ngờ rằng mình sẽ gặp
được ai. Nhưng thế giới này cũng rất lớn, chỉ cần quay lưng bước đi là sẽ
chẳng bao giờ gặp lại. Vì thế, hãy trân trọng từng khoảnh khắc quý giá của
cuộc sống.
Ichigo ichie có thể được dịch là “Nhất kỳ, nhất hội” (một thời điểm, một
cuộc gặp gỡ). Điều này có ý nghĩa nhắc nhở với chúng ta rằng mỗi lần gặp
gỡ. Mỗi thứ mà chúng ta trải nghiệm là một kho báu độc nhất sẽ không bao
giờ lặp lại. Vì vậy, nếu chúng ta để nó trôi đi mà không tận hưởng nó,
khoảnh khắc đó sẽ bị biến mất mãi mãi.
Nhận thức được ý nghĩa của “Ichigo ichie” giúp chúng ta sống chậm lại.
Và nhớ rằng mỗi buổi sáng chúng ta dành cho thế giới. Mỗi khoảnh khắc
chúng ta dành cho con cái. Và với những người thân yêu là vô cùng quý giá
và đáng được chúng ta quan tâm.
Việc thực hành “Ichigo ichie” sẽ giúp bạn có một cuộc sống hạnh phúc
hơn. Viên mãn hơn mà không cảm thấy bị đè nặng bởi quá khứ hay lo lắng
về tương lai. Bạn sẽ học cách sống trọn vẹn trong hiện tại, biết ơn và cảm
kích món quà của mọi khoảnh khắc.
Những ai học tiếng Nhật hẳn không còn xa lạ gì với câu thành ngữ “Ichigo
Ichie” hay “Nhất kỳ nhất hội”. Được ra đời vào khoảng thế kỷ 16 bởi bậc
thầy Trà đạo có tên Sen No Rikyuu (千利休). Ichigo Ichie vượt ra khỏi ranh
giới của khái niệm thưởng trà, trở thành một phong cách sống, một thế giới
quan tinh tế về nhân sinh của người Nhật.
Khởi nguồn từ văn hóa Trà đạo của Nhật Bản
“Ichigo Ichie” (一期一会 – Nhất kỳ nhất hội) là một thành ngữ 4 chữ của
Nhật Bản. Khi trực dịch, Ichigo Ichie mang hàm nghĩa “một thời điểm, một
cuộc gặp gỡ”. Khi chiết tự, chúng ta có thể hiểu câu thành ngữ này với ý
nghĩa. “Mỗi lần gặp gỡ đều đáng quý, bởi nó không bao giờ lặp lại”.
Thành ngữ này được đúc kết lại từ lời dạy của bậc thầy Sen no Rikyuu
với các học trò của mình. Về ý nghĩa của việc thưởng trà. Đối với một buổi
Chakai (茶会, trà hội), từ việc quét dọn con đường lát đá vào buổi sớm trước
khi các vị khách ghé thăm, tiết trời vào ngày hôm đó, bông hoa nào vừa nở,
bông hoa nào vừa tàn,… tất thảy đều chỉ xảy ra một lần trong đời trước khi
chúng trôi đi. Vì nhận thức được tính chất độc nhất và phù du của vạn vật,
mọi công việc trong nghi lễ Trà đạo đều được thực hiện với lòng tôn kính
chân thành.
Nhắc tới văn hóa Trà đạo Nhật Bản
Người ta sẽ nhắc tới 4 chữ Hòa, Kính, Thanh, Tịch (和 – 敬 – 清 – 寂),
nghĩa là hài hòa giữa con người với thiên nhiên, tôn kính người khác, thanh
tao và yên tĩnh.Trong quan niệm của người Nhật, hương vị một ly trà không
chỉ được cảm nhận bởi vị giác. Thưởng trà cần có một không gian thanh tịnh,
dụng cụ vừa vặn, các bước chuẩn bị tinh tế và một tâm hồn trong sáng. Tận
hưởng ly trà bằng cả trái tim, và điều ấy sẽ đem lại cho người thưởng trà
những cảm giác khác biệt. Khi ấy, hương vị trà sẽ vượt qua giới hạn của một
món đồ uống thông thường, lan tỏa tới mọi giác quan, chạm tới cảm xúc của
con người.
Qua thời gian, từ những bức tranh chữ xuất hiện tại các phòng trà, “Ichigo
Ichie” – nhất kỳ nhất hội dần phổ biến thành những bức thư pháp được
người Nhật treo rộng rãi khắp các phòng khách, giảng đường, trong các món
quà tặng… Cũng từ đây, ý nghĩa của câu thành ngữ dần được mở rộng với
muôn vàn góc nhìn khác nhau.
Mỗi lần gặp gỡ đều là duy nhất
Người Nhật coi trọng chữ “Duyên”, đó là duyên gặp gỡ, duyên hội ngộ.
Vạn vật thay đổi, thế giới đổi thay, con người cũng không phải ngoại lệ.
Chúng ta có thể gặp một ai đó nhiều lần, nhưng mỗi lần gặp gỡ chẳng bao
giờ giống nhau. Cùng bạn bè bên ly trà nóng cuối tuần, hay một câu nói câu
chào buổi sáng với đồng nghiệp, hay một lần chạm mắt với một người bên
đường xa lạ, tất cả đều không bao giờ quay lại được. Mỗi phút giây, mỗi
khoảnh khắc đều là duy nhất. “Ichigo Ichie” nhắc nhở chúng ta hãy tận
hưởng khoảnh khắc hiện tại, nói ra những điều cần nói, làm những điều bạn
phải làm, sống hết mình để không lãng phí từng khoảnh khắc và nuối tiếc
những cuộc gặp mặt.
Chúng ta chỉ sống một lần duy nhất
“一期 – Ichigo” trong “Ichigo Ichie” là một khái niệm có nguồn gốc Phật
Giáo. Và ngày nay được hiểu với ý nghĩa “một đời người”. Triết lý sống
Ichigo Ichie cho rằng việc nghe, nhìn, chạm, nếm những hương vị cuộc sống
này là một nghệ thuật. Không ai biết được tương lai sẽ ra sao và ngày mai sẽ
thế nào. Cuộc sống là một một cánh rừng phong phú, đa sắc, được vun đắp
nên từ chuỗi những trải nghiệm.
Mỗi trải nghiệm, dù ngọt ngào, dù cay đắng cũng đều là duy nhất. Rũ bỏ,
quên lãng, bỏ qua, buông xuôi đều là một cách để người ta đương đầu với
những điều tiêu cực. Tuy nhiên, nếu nhìn những điều tiêu cực ấy là một trải
nghiệm, là bài học, là một động lực. Chúng ta có thể trở thành những phiên
bản tốt hơn của chính mình cho hiện tại.
Quá khứ sẽ không quay lại, còn hiện thực vẫn đang hiện hữu. Tận hưởng
khoảnh khắc hiện tại như thể đó là hơi thở cuối cùng của bạn. Đừng quên
rằng, bạn chỉ có thể sống mỗi ngày một lần thôi.
Nhất kỳ nhất hội.
TRONG TÂM CỦA BẠN CHỨA ĐỰNG GÌ THÌ BẠN CHÍNH LÀ THỨ ĐÓ
Trong tâm nếu chứa đầy tư tưởng bất hảo, ích kỷ, thù hận thì chính bạn
đã biến mình trở thành một cái bao chứa đầy sự thù hận, đen tối và đau khổ,
cuối cùng tự mình hại lấy mình. Nhưng nếu trong tâm bạn chứa đầy sự
lương thiện, vị tha, yêu thương, thì bạn chính là ánh nắng rực rỡ và ấm áp,
có thể bao dung cả vạn vật, bất kể ai bên cạnh cũng đều cảm thấy an toàn và
thoải mái khi bên cạnh bạn.
Trong tâm chứa đựng thiện lương, chứa đựng khoan dung, chứa đựng
chân thành, chứa đựng cảm ân, thì cuộc đời bạn sẽ tràn đầy ánh nắng rực
rỡ.
Nếu gặp bất kỳ mâu thuẫn nào đều biết trước tiên đi tìm chỗ thiếu sót
của bản thân để sửa đổi, thì tất cả những gì không tốt của người khác đều sẽ
tiêu tan trong tấm lòng rộng lớn bao dung của bạn.
Trong tâm có chứa đựng người khác, thì trước bất kỳ việc gì, trước tiên
bạn sẽ nghĩ đến cảm thụ của người khác, sẽ không tính toán cho mình, do
đó người ta sẽ cảm nhận được sự ấm áp.
Bạn quan tâm đến người khác, người khác cũng sẽ nghĩ đến bạn, cuối
cùng bạn sẽ có được càng nhiều hơn những gì bạn đã làm cho người khác.
Trong tâm chứa đựng trời đất, thì những việc thị phi đúng sai, những
tranh giành đấu đá, những công danh lợi lộc, những nổi chìm vinh nhục
chốn nhân gian, hết thảy đều không thể nào che nổi con mắt trí huệ của bạn.
Bạn sẽ ung dung tự tại, yên tĩnh hướng tới cao xa, cảm thụ cuộc đời tốt
đẹp. Trái lại, trong tâm chứa đựng những hạt giống hận thù, nó sẽ bén rễ,
nảy lộc đâm chồi trong cuộc đời bạn, kết quả là người thù hận sẽ bị chính
bản thân mình thù hận trước, cuối cùng, người bị tổn thương lại chính là
bạn.
Trong tâm chứa đựng đố kị, chứa đựng tính toán, chứa đựng tham lam,
bạn sẽ không thể bước ra khỏi bóng tối của sự hẹp hòi, câu thúc và tự tư,
trong cái vòng bạn bè nhỏ mọn tự cho mình là đúng đó mà oán Trời trách
người. Vì thế bạn bè của bạn cũng càng ngày càng ít, cuối cùng như con tằm
tự nhả tơ làm kén mà giam hãm mình, trở thành kẻ cô độc.
Trong tâm chứa đựng chức vụ, cổ phiếu, nhà cửa, thì cuộc đời bạn sẽ mệt
mỏi bôn ba trong thế giới vật chất. Khi những thứ này lần lượt đến thì truy
cầu dục vọng không đáy của bạn thậm chí sẽ khiến bạn bị mê mất trong thế
giới tinh thần.
Vận mệnh của bạn, thành công hay thất bại, giàu sang hay nghèo hèn,
không quyết định bởi tướng mạo và chiều cao, mà quyết định bởi trong tâm
bạn chứa đựng cái gì. Sinh không mang đến, chết không mang đi, đến cuối
cùng hai tay buông xuôi rời xa nhân thế, chỉ có thể đem theo sự bận rộn vất
vả trống rỗng và sự nuối tiếc mà ra đi.
Trong tâm bạn chứa đựng những điều tốt đẹp, thì thân thể bạn sẽ mạnh
khỏe. Cảnh giới của cuộc đời, tương lai của sinh mệnh, nói là ở trong mê,
kỳ thực chính là ngay trước mắt, chính là ở trong sự lựa chọn của bạn, chính
là trong tâm bạn. Tướng tùy tâm sinh, duyên do tâm định, duyên khởi ở
tâm, mà tu cũng là ở tâm.
Mỗi người chúng ta đều giống như một chiếc chai không, trong tâm
chúng ta chứa đựng những gì thì chúng ta sẽ được những thứ đó. Trong
tâm bạn chứa đựng những điều tươi đẹp, thì dung mạo bạn sẽ đẹp tươi.
Trong tâm bạn chứa đựng đầy năng lượng, thì thân thể bạn sẽ tràn đầy năng
lượng. Trong tâm bạn chứa đựng niềm vui, thì cuộc đời bạn sẽ tràn đầy
hạnh phúc.
SƯU TẦM
TU MÀ QUÁ NHIỀU VIỆC, DỄ RƠI VÀO “PHÓNG DẬT, TẠP THOẠI, VÔ VỊ”
Một thời, Tôn giả Ananda trú giữa dân chúng Kosala, tại một khu rừng.
Lúc bấy giờ, Tôn giả Ananda sống quá bận rộn bởi nhiều liên hệ với cư sĩ.
Rồi một vị Thiên trú ở khu rừng ấy thương xót Tôn giả Ananda, muốn
hạnh phúc, muốn cảnh giác, liền đi đến Tôn giả Ananda. Sau khi đi đến,
vị ấy nói lên bài kệ với Tôn giả Ananda:
Ông đã quyết lựa chọn
Đời sống dưới gốc cây
Tâm ông quyết nhập một
Với mục đích Niết-bàn.
Cù Đàm, hãy thiền tư
Và sống chớ phóng dật
Đối với ông, ích gì
Tạp thoại vô vị ấy.
Tôn giả Ananda được vị Thiên ấy cảnh giác, tâm hết sức xúc động.
(Tương Ưng Bộ I, chương 9, phần Ananda)
LỜI BÀN:
Đành rằng mối liên hệ giữa bốn chúng đệ tử Phật vốn hòa hợp như nước
với sữa, luôn khắng khít và không thể tách rời. Thế nhưng, quá bận rộn bởi
các liên hệ với cư sĩ chưa phải là điều hay đối với người xuất gia, vì duyên
trần sẽ quấy đảo an tịnh nội tâm, làm chướng ngại thiền định.
Như Tôn giả Ananda, thị giả của Thế Tôn, bẩm tính thông minh, có trí
nhớ phi thường lại rất dễ thương và hòa ái nên được hàng cư sĩ đặc biệt mến
mộ. Và do đặc điểm của công việc thị giả cho Đức Phật nên phải xử lý vô số
công việc đồng thời phải tiếp xúc, gặp gỡ rất nhiều hạng người. Từ đó, Tôn
giả Ananda còn rất ít thời gian cho thiền định nhằm thanh lọc và thăng hoa
tâm.
Vì thế, một vị Trời ở trong trụ xứ của Tôn giả Ananda đã trợ duyên, cảnh
tỉnh với Tôn giả rằng sự bận rộn ấy tuy là Phật sự (có phước báo) nhưng đối
với mục tiêu giải thoát Niết-bàn thì chỉ là “phóng dật, tạp thoại vô vị”. Đây
cũng là một bài học lớn cho chúng ta nhằm tránh bỏ gốc để chạy theo ngọn,
nhận ra những việc cốt tủy mà hàng xuất gia cần phải làm.
Đối với người xuất gia, hai mục tiêu tự lợi và lợi tha cần phải thực hiện
song hành. Tuy vậy, khi nội tâm chưa thực sự vững chãi trước những thách
thức và cám dỗ của ngoại cảnh thì tự lợi, tức sự tu học cá nhân cần được ưu
tiên hơn. Khi nội tâm chưa thực sự an tịnh và vững vàng mà chuyên lo lợi
tha và quên mất phần tự lợi thì có khi mất cả chì lẫn chài.
Tôn giả Ananda thông tuệ đến thế, nhớ tất cả những lời dạy của Thế Tôn
mà đến khi Thế Tôn nhập Niết-bàn vẫn chưa chứng đắc Thánh quả A-la-hán
là điều đáng cho tất cả chúng ta suy ngẫm.
QUẢNG TÁNH
LỜI KINH TRONG LÒNG BÀN TAY
“Khi kéo cây ra khỏi rừng rậm, cây càng thẳng, càng ít vướng mắc, càng
dễ kéo ra. Cuộc sống là một khu rừng rậm và đầy gai, người càng chân
thật, càng ngay thẳng, càng từ bi, càng dễ thoát ra khỏi những khổ đau và
gai góc trong cuộc sống”.(1)
Cách tốt nhất để thoát ra khỏi những gai góc trong cuộc sống là từ bi với
nó. Người không phải buồn lâu là người có thể thương được nỗi buồn nhiều
hơn những người khác. Người không bị tổn thương sâu nặng là người không
bao giờ ngồi chờ tổn thương phai đi, mà đứng lên, mở lòng ra, và thương
được những nỗi đau đang giày xéo mình. Người không bị quay cuồng trong
hận thù là người biết cách đem tình thương ra nối vào hận thù, để hận thù
không còn kéo dài nữa.
Cuộc sống ngoài kia dù giá lạnh thế nào, lòng người ngoài kia dù nông
sâu đến đâu, cũng rất khó làm tổn thương được một người luôn giữ được
trong mình trái tim từ bi.
Khi trong tâm có từ bi, chúng ta sẽ tìm thấy con đường thoát ra khỏi tất
cả những tổn thương.
Với một tâm từ bi rất nhỏ cũng có thể giúp chúng ta thoát khỏi những tổn
thương to lớn.
Người về ngồi dưới hiên chùa, nói ngoài kia có quá nhiều rủi ro, nhưng
có lẽ người chưa biết rủi ro lớn nhất trong cuộc sống là khi chúng ta không
đủ tâm từ bi để thương được cuộc đời, rồi vướng mắc lại với những điều
tầm thường ở đó.
Ai cũng từng muốn chạy thoát khỏi khổ đau, nhưng chưa từng có một
người nào thắng được, vì không ai có thể chạy nhanh hơn chiếc bóng của
chính mình, khổ đau là chiếc bóng của thái độ sống chính chúng ta.
Cuộc sống là một khu rừng rậm đầy gai, chung quanh ai cũng sẽ là như
vậy; khi môi trường sống chung quanh không khác nhau nhiều lắm, nhưng
vẫn luôn có những người rất khác nhau, kẻ hạnh phúc, người khổ đau, kẻ
tầm thường, người cao thương, nên nhất định có ai đó đã biết cách thoát ra
khỏi những điều tầm thường để sống một cuộc đời thật tốt.
Chỉ khi nào biết cách thoát ra khỏi được những điều tầm thường, chúng
ta mới có cơ hội gặp lại được chính mình của ngày xửa ngày xưa.
Mong người luôn an.
Vô Thường.
Núi. 20.10.2022
Om Mani Padme Hum.
[1] Dịch ý từ một đoạn trong Luận Đại Trí Độ.
SỐNG ẢO, SỐNG THẬT VÀ CUỘC CHƠI KIẾM TÌM
Người ta thích sống ảo, là vì người ta thích sự công nhận. Chính xác là
sự công nhận từ bên ngoài, điều đó giúp người ta cảm thấy bản thân có giá
trị hơn!
Một người đã đủ đầy bên trong, sẽ ít khi tìm kiếm sự công nhận ở bên
ngoài để làm gì, vì chính họ đã tự công nhận chính bản thân mình rồi. Càng
thiếu thốn bên trong chừng nào thì người ta càng thích sống ảo chừng đấy.
Rồi chúng ta tự ảo giác rằng, sự lấp đầy bên ngoài sẽ có thể lấp đầy được
sự trống trải bên trong, một cái bẫy rất vi tế.
Đó là tại sao, có nhiều người, dù đã đi đến đỉnh cao của vật chất và danh
vọng từ bên ngoài, nhưng trong lòng họ vẫn không thể đủ đầy, vẫn cảm thấy
lạc lỏng, cô đơn và luôn ‘thiếu thiếu’ một cái gì đấy.
Hôm rồi, có bạn hỏi tôi, sống trên đời này, mình phải tạo ra giá trị nào đó
phải không?
“Không tạo giá trị gì, cũng không ảnh hưởng đến ai, thì vẫn ổn mà !”, tôi
đáp: Chúng ta luôn bị thôi thúc phải ‘làm cái gì đó’ để tạo ra giá trị, và luôn
phải ‘trở thành ai đó’ để thấy cuộc sống này ý nghĩa hơn, … chúng ta rất sợ
sống một cuộc sống ‘vô nghĩa’, chính nỗi sợ đó khiến chúng ta lạc lối hơn.
Nói một cách tương đối, nếu 30 năm chỉ làm đúng 1 nghề như nhân viên vệ
sinh quét rác… chúng ta chịu nổi không?
Ít ai hỏi ngược lại, nếu không trở thành ai cả và cũng không tạo ra giá trị
gì cả, thì có được không?
Rất được đó chứ, Cuộc đời của chúng ta mà,.. Mấu chốt ở đây, khi chúng
ta vẫn chưa nhận ra sự ‘trống trải’ bên trong mình, chưa có sự công nhận
chính bản thân mình thì chúng ta sẽ mãi lạc lối trong chơi trò chơi ‘tìm
kiếm’… vậy kiếm gì? Tìm kiếm hạnh phúc, tìm kiếm một cuộc sống có giá
trị, tìm kiếm sự công nhận từ bên ngoài.
Sự thật, khi anh em đi tìm kiếm 1 điều gì đó, đồng nghĩa anh em cũng
đang rất thiếu nó. Tìm kiếm hạnh phúc, vì ngay chính hiện tại, anh em đã
không có sự hạnh phúc đó bên trong. Tìm kiếm bình an, vì anh em vẫn chưa
có nó trong tay. Chẳng ai đi tìm khi họ đã có cả. Người đã ăn no thì không
cần đi kiếm thêm thức ăn làm gì, Người đã có sự ‘đủ đầy’ bên trong mình,
thì các ảo giác về trò chơi tìm kiếm hạnh phúc, trò chơi tìm kiếm ý nghĩa
cuộc đời liền tan biến.
Bản chất của trò chơi tìm kiếm là gì, là chúng ta tạo ra những ‘mục tiêu’
để chơi, để trốn tìm, để cố gắng, để đạt được… để rồi, khi đi đến cuối trò,
chúng ta lại chơi trò ‘buông’, chơi trò ‘diệt khổ’, để quay lại điểm bắt đầu.
Chỉ có người thiếu, thì mới đi tìm, Nó đơn giản, nhưng vi tế.
Tái bút,
Tôi viết, không phải để anh em ‘tốt’ hơn, rồi cố gắng trở thành một người
nào đó có giá trị hơn… mà cốt lõi là để anh em sống ‘thật’ hơn với bản thân
mình… Thật hơn, là biết cả cái tốt, biết cả cái xấu của bản thân, vì khi anh em
sống thật với chính mình hơn… thì tự khắc, anh em sẽ tốt hơn trên đúng
phiên bản duy nhất của mình.
Anh em không thể trở thành tôi, và tôi cũng không thể trở thành anh em.
Anh em chỉ cần sống ‘thật’ thì mọi thứ sẽ tự ắt xoay chuyển.
Khi sống ‘thật’ thì chúng ta sẽ không cần nhiều thứ ở bên ngoài, tự nhiên
anh em sống đơn giản hẳn, một cách không cần cố gắng. Không cần cố cái
nhà, cái xe, cái chức danh, v.v… để người ta kính nể. Vì cơ bản, cả sự kính nể
đó cũng vô thường mà.
Mỗi ngày, ‘thật’ với mình 1 chút, thì tự bên trong sẽ đủ đầy hơn 1 chút.
Cheers,
Bác 7B
BÁT CƠM CÚNG PHẬT
Ngày xưa có hai vợ chồng nọ, vợ là người thiện tín hết lòng kính ngưỡng
Đức Phật và tin Tam Bảo, trong khi người chồng thì lại không. Một hôm,
trong lúc chồng đi vắng, thấy Đức Phật đi khất thực ngang qua, cô vội mang
bát cơm ra cúng dường Ngài và cung kính đảnh lễ Đức Phật. Trước tấm
lòng chân thành và tôn kính của cô, Đức Phật chú nguyện cho cô sẽ được vô
lượng phước báu về sau. Vừa ngay lúc đó người chồng về tới, nghe Đức
Phật chú nguyện như vậy, anh ta ngỗ ngược vô lễ nói :
Này ! Ông sa môn Cù Đàm, chỉ có một bát cơm thôi làm gì mà có chuyện
được phước nhiều như vậy ? Ông có nói khoác lấy lòng để lần sau được
dưng cơm tiếp không vậy ? Thôi đủ rồi, ông hãy đi khỏi đây đi.
Trước thái độ xấc xược lỗ mãn của anh ta, Đức Phật vẫn không tỏ ra khó
chịu mà mĩm cười ôn tồn nói :
Này anh ! Anh từ đâu về ?
Tôi từ trên Thành về – Anh chồng cọc lóc đáp.
Thế, khi đi ngang qua khu rừng anh có thấy cây Ni Câu không ? Đức
Phật hỏi tiếp.
Cây to đùng như vậy ai mà chẵng thấy.
Mỗi năm cây ấy cho bao nhiêu trái, anh có đếm hết được không ?
Ông này lạ chưa, cây to như vậy, trái của nó vô số kể làm sao mà tính
đếm được, chỉ có nước lấy thúng mà lường còn không suể. Nhưng ông hỏi
điều ấy để làm gì ?
Bấy giờ Đức Phật mới bảo :
Anh thấy đấy, đầu tiên chỉ có một hạt bé tí mà sinh ra cây Ni Câu to
đùng như anh nói đấy, rồi lại cho cả trăm ngàn trái như anh đã thấy. Như
vậy thì có nói khoát không ? Loài thực vật mà còn như vậy huống chi là loài
hữu tình. Nữ thí chủ, vợ của anh đây đã thành tâm hoan hỉ cúng dường cho
Như Lai một bát cơm thôi tất nhiên sẽ được vô lượng phước báu, cũng như
một hạt Ni Câu thôi mà cho cả trăm ngàn trái vậy.
Nghe đến đây, anh chồng chợt bừng tỉnh, vội quỳ thộp xuống dưới chân
trước mặt Đức Phật, hối hận ăn năn về hành động thô lỗ vô lễ của mình và
cầu xin sám hối :
Kính bạch Thế Tôn, kính mong Thế Tôn từ bi tha thứ cho con. Từ đây
con xin quy y Thế Tôn và mong Thế Tôn nhận con làm đệ tử.
Lành thay !
( Trích Chuyện cổ Phật Giáo )
BÀI HỌC ĐẠO LÝ
Khi ta gieo một nhân lành, không chỉ gặt được một quả lành thôi mà sẽ là
rất nhiều, không chỉ mỗi mình ta thừa hưởng mà cả những người thân và
người xung quanh đều được hưởng.
Ví như khi ta sống tốt với mọi người, biết thương yêu giúp đỡ và chia sẽ
những phước báu mà ta có qua việc bố thí, cúng dường, … với lòng thành
tâm hoan hỷ thì chẳng những ta sẽ nhận lại những may mắn tốt đẹp cho
chính mình mà cả gia đình người thân và cả con cháu đời sau của mình cũng
thừa hưởng những ân đức ấy.
Và để có được đời sống an lạc hạnh phúc đời này và đời sau ta phải luôn
biết làm phúc, gieo nhân tốt thì mới hái được quả tốt về sau.
Cầu cho toàn thể chúng sinh đời này và mãi mãi đời sau được bén duyên
với Phật Pháp. Cuộc sống bình an, hạnh phúc, giàu có thịnh vượng.