Hạnh phúc hay khổ đau vẫn tùy thuộc vào tâm chúng ta

Dù ngoại cảnh như thế nào đi nữa thì cuối cùng hạnh phúc hay khổ đau
vẫn tùy thuộc vào tâm chúng ta. Hãy tưởng tượng cái tâm chúng ta là người
bạn đường mà chúng ta sẽ cùng ăn ở liên tục ngày đêm.
Các bạn có thật sự muốn đi chung với một người mà người này không
ngớt càu nhàu, không ngớt cho rằng các bạn vô dụng, chẳng có gì để mong
đợi nơi các bạn, không ngớt nhắc các bạn nhớ lại những điều tồi tệ đã làm
trước đây? Nhưng với nhiều người trong chúng ta, chúng ta đã và đang sống
như thế — sống chung với một cái tâm, sống chung với một con người khó
chịu, chuyên môn chỉ trích, không biết mệt mỏi, lúc nào cũng sẵn sàng lôi
kéo chúng ta đi vòng vo; một cái tâm hoàn toàn bỏ qua những điều tốt đẹp
của chúng ta, và là người bạn đường cực kỳ đáng sợ của chúng ta.
Vấn đề chính là khi tâm chúng ta tràn đầy sự độ lượng, những ý tưởng
khoan hòa, từ bi, và xứng ý thì cái tâm cảm thấy rất mạnh khỏe. Và khi tâm
chúng ta ngập tràn sân hận, nóng giận, tự kỷ, tham lam và đeo bám thì cái
tâm cảm thấy rất bệnh hoạn. Và nếu chúng ta tìm hiểu thật sâu xa, chúng ta
có thể thấy rằng chúng ta có sự chọn lựa: chúng ta có thể mặc sức quyết định
các loại ý tưởng và cảm xúc nào sẽ chiếm ngự tâm chúng ta.
Khi những ý tưởng tiêu cực tìm đến, chúng ta có thể nhận ra chúng, thừa
nhận chúng, và rồi để chúng ra đi. Chúng ta có thể chọn lựa không đi theo
chúng, những thứ chỉ có đổ thêm dầu vào lửa. Và khi những ý tưởng tốt đẹp
— những ý tưởng từ hòa, quan tâm, độ lượng và xứng ý — và một ý thức
không còn muốn đeo bám bất cứ thứ gì nữa, hiện ra trong đầu chúng ta, thì
chúng ta có thể chấp nhận, khuyến khích, cổ võ chúng, càng nhiều càng tốt.
Chúng ta có khả năng làm được điều này. Chúng ta là Người Lính Gác cái
kho tàng quý báu này, cái tâm này của chính mình.
Một trái tim tốt đẹp đúng nghĩa phải đặt nền tảng trên sự hiểu biết về
hoàn cảnh đúng như nó là. Đó không phải là vấn đề cảm tính. Một trái tim
tốt đẹp cũng không phải chỉ có việc đi vòng quanh trong niềm phấn khích
của một tình thương giả tạo, chối từ khổ đau, và lời phát biểu “mọi thứ đều
là ân phước và hoan lạc”. Nó không phải thế. Một trái tim tốt đẹp đúng nghĩa
là một trái tim rộng mở và sáng rực hiểu biết. Nó lắng nghe những phiền
muộn của thế gian.
Xã hội chúng ta đã sai lầm khi nghĩ rằng hạnh phúc tùy thuộc vào sự thỏa
mãn những ham muốn và thiếu thốn của riêng mình. Đó là lý do tại sao xã
hội chúng ta khốn khổ như thế. Chúng ta là một xã hội bao gồm các cá thể;
và tất cả đang bị ám ảnh bởi nỗ lực sở đắc hạnh phúc riêng của chính mình.
Chúng ta bị cắt đứt với ý thức của chúng ta về sự kết nối hỗ tương với người
khác; chúng ta bị cắt đứt khỏi thực tại. Vì trong thực tại, tất cả chúng ta đều
kết nối với nhau.

NHỮNG CÁI “ĐỪNG” RẤT ĐÁNG ĐỂ TÂM

1) Đừng vì hưởng được chút quả lành trong kiếp này mà quên đi việc
phải tiếp tục tu tập, tiếp tục gieo nhân lành để thăng hoa cho những kiếp
mai sau.
2) Đừng để thái độ, lời nói, hành động của người khác làm ảnh hưởng
đến sự bình yên trong tâm mình.
3) Đừng quay lại lối mòn thói quen tập khí bất thiện cũ, phải quyết tâm
từ bỏ và thay đổi để hướng thượng, hướng thiện hơn.
4 ) Đừng vì một chút thương ghét, vui buồn , lợi danh , hơn thua cỏn con
mà phá hủy công phu tu tập của mình.
5) Đừng để nghiệp bất thiện của người khác trở thành nghiệp của mình.
6) Đừng chạy theo bên ngoài quá nhiều mà bỏ quên thân tâm bên trong
mình . Hãy chăm sóc cho thân được khỏe, tâm được an. Thân tâm an lạc
thanh thản thì niệm và định mới có mặt được .
7) Đừng kết oan trái với bất cứ ai, mà cũng đừng dính mắc vô bất cứ ai,
hãy nghĩ đến nỗi khổ đau của sinh tử luân hồi thì sẽ biết sợ mà buông , mà
khước từ , mà vất bỏ . Hãy để mình và người khác được tự do.
8) Đừng phung phí phước, đừng xài hao phước, hết phước sẽ khổ, phải
vun bồi phước liên tục, phước thiện nhỏ cũng làm.
9) Đừng tự ti mà cũng chẳng có gì để tự tôn, vì xét cho cùng có ai đâu mà
so sánh hơn thua, cứ trọn vẹn với chính mình đang là.
10) Đừng quên chánh niệm khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần . Luôn quan
sát kiểm soát và không phản ứng.

11) Đừng nghĩ cõi trời là điểm dừng , tu cho đến khi chấm dứt sinh tử
luân hồi thì mới là điểm dừng thật sự .
12) Đừng hứa, đừng hẹn, có cơ hội làm thiện thì phải làm ngay, làm liền,
vì cái chết đâu có biết ngày giờ .
”Nguyện ngày an lành, đêm an lành” cùng tất cả.
Thiện Tri Thức
Namo Buddhaya

KHI BẠN TRUNG THỰC, BẠN SẼ KHÔNG TỔN THẤT ĐIỀU GÌ

Trong những năm đầu thời kỳ Trung Hoa Dân Quốc, có hai cửa tiệm bán
gạo, một hiệu buôn là Vĩnh Xuyên, còn hiệu kia là Phong Dụ. Vào thời buổi
loạn lạc, ông chủ tiệm gạo Phong Dụ bèn chớp lấy thời cơ để chuộc lợi. Ông
đã mời một bậc thầy làm cân đòn đến tiệm để bàn chuyện riêng: “Phiền thầy
làm cho tôi một chiếc cân đòn, sao cho định lượng 1 cân là 15 lạng rưỡi, thay
vì 16 lạng như trước, tôi sẽ trả thêm cho thầy một xâu tiền.”
Nàng dâu mới được gả đến tình cờ nghe thấy câu chuyện của cha chồng.
Nàng suy nghĩ đắn đo một hồi lâu. Sau khi cha chồng rời đi, nàng đã nói
chuyện với người thợ làm cân đòn rằng: “Cha tôi già rồi nên chắc có chút
lẩm cẩm, phiền thầy hãy làm chiếc cân 16 lạng rưỡi thay vì 16 lạng như trước
nhé, tôi sẽ gửi ngài thêm hai xâu tiền. Nhưng mà ngài không được nói
chuyện này với cha tôi nhé.”
Người thợ tức khắc làm ngay chiếc cân đòn 16 lạng rưỡi đúng như lời
hứa với người con dâu và không tiết lộ với ông chủ về trọng lượng thật của
chiếc cân này. Ông chủ rất tin tưởng tay nghề của người thợ làm cân và bắt
đầu sử dụng chiếc cân đòn đó mỗi ngày.
Một thời gian sau, sự nghiệp buôn bán của ông chủ tiệm Phong Dụ ngày
càng phát đạt. Ngay cả những mối quen của tiệm gạo Vĩnh Xuyên cũng bắt
đầu đến mua gạo của tiệm Phong Dụ. Thời gian dần trôi, những người dân
sinh sống ở vùng xa xôi cũng tìm đến tiệm Phong Dụ để mua gạo. Vào cuối
năm đó, ông chủ tiệm Phong Dụ đã kiếm được rất nhiều tiền. Cuối cùng,
ông chủ tiệm Vĩnh Xuyên đã phải bán lại tiệm gạo của mình cho ông chủ
tiệm Phong Dụ.
Trong bữa cơm đoàn viên đêm giao thừa, ông chủ tiệm Phong Dụ lòng
đầy hứng khởi, bèn đặt ra một câu đố cho các thành viên trong gia đình: “Ta
đố mọi người biết bí quyết thành công của nhà chúng ta là gì?” Vấn đề này
đã làm dấy lên một cuộc thảo luận.
Sau đó, ông chủ tiệm gạo cười khúc khích nói: “Đáp án nằm bên trong
chiếc cân này. Thật ra nó là một chiếc cân 15 lạng rưỡi, vậy thì cứ mỗi cân
gạo được bán ra, ta đã lời thêm được nửa lạng. Đó là cách giúp chúng ta trở
nên giàu có”. Ông kể cho gia đình mình nghe về việc ông đã mua chuộc
người thợ làm cân như thế nào.
Khi đó, người con dâu của ông từ từ đứng dậy khỏi chỗ ngồi và thưa
chuyện với cha chồng rằng, “Thưa cha, có một chuyện con cần phải thưa lại
với cha, nhưng con mong cha hứa sẽ tha thứ cho con.” Nghe vậy, ông Phong
Dụ liền chấp thuận. Lúc này nàng dâu mới tiếp tục kể cho ông nghe về việc
chiếc cân đòn đã trở thành 16 lạng rưỡi như thế nào.
Nàng bộc bạch: “Cha đã đúng, thưa cha. Đúng là chiếc cân này đã mang
đến của cải cho gia đình chúng ta. Nhưng, với chiếc cân này của gia đình
mình, mỗi 1 cân gạo bán ra không phải là 16 lạng, mà luôn luôn là 16 lạng
rưỡi. Nhìn bề ngoài có vẻ như mỗi 1 cân gạo chúng ta lãi ít đi một chút, tuy
nhiên lượng gạo bán ra càng nhiều thì lợi tức sẽ càng tăng. Chính nhờ sự
trung thực và chính trực của chúng ta đã mang đến tài phú cho nhà mình.”
Ông chủ Phong Dụ không thể tin vào những điều con dâu vừa kể, nhưng
sau một hồi kiểm tra thì quả thực 1 cân là 16 lạng rưỡi. Ông không nói nên
lời, rồi lẳng lặng đi vào phòng của mình.
Sáng ngày hôm sau, cũng là sáng mùng một Tết, ông chủ tiệm gạo họp
mặt cả nhà và tuyên bố: “Ta già cả rồi, sau khi cân nhắc kỹ càng, ta quyết
định giao lại công việc buôn bán cho con dâu mới của ta. Từ nay trở đi, con
dâu sẽ gánh vác sự nghiệp buôn bán của gia đình mình.

TÂM LẶNG TRÍ SÁNG


Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông
Anàthapindika. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:
Này các Tỷ-kheo, ví như một hồ nước trong sáng, không bị khuấy động.
Tại đấy, một người đứng trên bờ, có thể nhìn thấy các con ốc, con sò, các
hòn sỏi, các đàn cá qua lại trong nước. Vì cớ sao? Vì nước không bị khuấy
đục.
Này các Tỷ-kheo, cũng vậy, vị Tỷ-kheo với tâm không bị khuấy đục,
biết được lợi ích của mình và biết được lợi ích của người, hay biết được lợi
ích của cả hai, sẽ chứng ngộ các pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng của
bậc Thánh; sự kiện như vậy có thể xảy ra.
Này các Tỷ-kheo, vì cớ sao? Vì rằng tâm không bị khuấy đục.
(Tăng Chi Bộ I, chương 1, phẩm Đặt hướng và trong sáng, phần Tâm đặt sai hướng)
LỜI BÀN:
Lắng lòng thanh tịnh, giữ tâm chánh niệm trong sáng và thuần khiết là
nền tảng căn bản của các phương thức thiền định Phật giáo. Nhờ thực tập
nuôi dưỡng sự tĩnh lặng cho tâm hồn nên người ta tỉnh táo, sáng suốt và
hành xử hợp tình hợp lý hơn đối trước mọi biến động của cuộc sống.
Tâm chúng ta như một hồ nước với nhiều trạng thái khác nhau, khi thì bình
lặng trong suốt như pha lê, lúc thì đục ngầu sôi sục và còn lại là lăn tăn gợn
sóng lao xao. Có một điều mà ai cũng đã từng kinh nghiệm là nội tâm càng
bình yên, thanh thản chừng nào thì sự tự chủ của ta càng lớn và khả năng
vượt thoát cám dỗ, nóng giận càng cao.
Khi tâm vắng lặng, những toan tính và lo âu vụn vặt đời thường tạm thời
buông xuống, lúc bấy giờ ta mới cảm nhận sâu sắc về sự bình an. Đây là cơ
hội quý báu nhất để chúng ta nhìn lại chính mình, thấy rõ mình là ai? Nhờ
tâm không bị tham sân si khuấy đục nên hành giả “biết được lợi ích của
mình và biết được lợi ích của người hay biết được lợi ích của cả hai” mà bình
thường chúng ta chỉ biết có bản thân mình.
Do vậy, dù bề bộn thế nào mỗi ngày chúng ta phải dành một khoảng thời
gian để lắng đọng tâm hồn. Có thể tịnh hóa thân tâm bằng tọa thiền, tụng
kinh, lễ Phật, niệm Phật, thiền hành hay đi bộ, thưởng thức nghệ thuật, uống
trà… với tâm buông xả, chánh niệm tỉnh giác. Thực hành đều đặn những
phương thức thanh tịnh tâm như trên không chỉ giúp tâm trí được thư giản,
nghĩ ngơi mà còn trưởng dưỡng những ý nguyện thiện lành và nếu hội đủ
duyên lành có thể thăng hoa thành thanh tịnh và giải thoát.
QUẢNG TÁNH