NGƯỜI THỰC SỰ TRƯỞNG THÀNH

Thời gian có thể giúp con người ta lớn lên nhưng chưa chắc khiến họ
trưởng thành. Chỉ khi va vấp trong cuộc sống, đối mặt với những biến cố
trong cuộc đời… đó mới là lúc để ta nhận ra mình cần phải trưởng thành.
Người trưởng thành không liên quan đến tuổi tác nhiều hay ít.
Trưởng Thành là bình tĩnh trước nghịch cảnh, không so đo chuyện nhỏ.
Có những người tuổi đã cao, nhưng cách hành xử và những suy nghĩ
trong tâm của người ấy vẫn hời hợt, thậm chí trống rỗng. Nhưng có những
người tuy còn trẻ tuổi nhưng lại rất chín chắn, suy nghĩ cân nhắc thấu đáo,
kỹ lưỡng.
Sự trưởng thành, sự hoàn thiện của tâm tính không phải được quyết định
bởi người đó gặp bao nhiêu gian nan chông gai trong cuộc đời, mà nó được
thể hiện ra ở thái độ và cách họ đối đãi với sự tình ra sao. Một người có sự
tu dưỡng và tâm tính tốt mới thực sự là một người trưởng thành.
Trưởng Thành là một quá trình dài lâu, chứ không phải chuyện một sớm
một chiều. Nó chịu ảnh hưởng rất lớn từ sự tu dưỡng tâm linh của người ấy.
được thể hiện rõ qua những người càng trưởng thành chín chắn, càng ôn
hòa , tĩnh lặng.
Trưởng Thành là bình tĩnh và kiên cường.
Những người trưởng thành là những người luôn có sự bình tĩnh trong
tâm, trên khuôn mặt luôn thể hiện sự bình thản kiên cường. Khi đối mặt với
những việc trọng đại trong đời mà vẫn điềm tĩnh tựa như không, khi đối
diện với những điều nhỏ bé vụn vặt thì không so đo tính toán.
Có một số người khi gặp chuyện bất bình, không vừa ý liền tức giận
không giữ được bình tĩnh, chút chuyện nhỏ cũng nổi trận lôi đình bất mãn.
Có người khi đối diện với mọi vấn đề đều ung dung bình tĩnh đối diện.
Cũng có những người bất kể trải qua sóng to gió lớn tới đâu, bất kể gặp phải
người giả dối tiểu nhân xấu xa như thế nào, đều luôn mỉm cười điềm tĩnh
đối diện. Khi gặp mâu thuẫn thì tìm nguyên nhân, khi gặp khó khăn thì tìm
giải pháp khắc phục.
Có những người khi đối diện với bất kể chuyện gì đều trầm lặng không
nói. Cũng lại có những người khi bị người khác hiểu lầm thì không đi giải
thích, khi bị người khác bình luận cũng không tranh cãi, khi bị người khác
đặt điều thị phi thì im lặng, không giải thích. Họ im lặng không phải vì sợ,
cũng không phải vì nhu nhược hèn yếu, mà hiểu rằng “chân thật bất hư.”
Vậy nên khi càng trưởng thành, càng trải qua nhiều chuyện, con người ta
càng trở nên trầm lặng ít nói. Bởi vì im lặng cũng là một biểu hiện của sự
trưởng thành, dù gặp chuyện không vừa mắt, họ cũng dễ dàng bỏ qua, gặp
những việc không thể buông cũng dần dần buông bỏ.
Trưởng Thành là khoan dung và hiểu người khác.
Có lẽ chỉ có người đã từng trải qua gian nan và tổn thương tột cùng mới
có thể thực sự trưởng thành, hiểu và khoan dung với người khác. Một người
trưởng thành sẽ không bao giờ tùy tiện phán xét người khác. Họ luôn hiểu
được rằng ai cũng có điểm ưu khuyết riêng.
Một người càng trưởng thành sẽ càng thấu hiểu cuộc đời, không những
biết khoan dung bản thân mà còn khoan dung người khác, thậm chí khoan
dung ngay với cả kẻ thù của mình. họ có tấm lòng mở rộng như biển lớn thu
nạp trăm sông
Trưởng Thành là biết sống lý trí và nhiệt tình.
Con người ta khi càng trưởng thành qua thời gian, cho dù nhìn rõ hiện
thực phũ phàng của thế giới, của xã hội, nhưng vẫn nhiệt tình kiên cường
trân trọng từng phút giây của cuộc sống.
Người trưởng thành, nhất định sẽ có lý trí. họ biết duy trì tình yêu với
cuộc sống. Sự kết hợp giữa lý trí và nhiệt tình sẽ giúp người ta thực sự trưởng
thành qua năm tháng. không chạy theo những phù phiếm ,những hư danh,
những tâm lý số đông…
Trưởng thành là biết buông bỏ những thứ không liên quan, và quý trọng
những gì đáng trân quý. từ bỏ những “hư tình giả ý”, những thú vui rượu
chè vô nghĩa, những câu chuyện phiếm vô dụng…
Trưởng thành, chính là biết hoàn thiện bản thân. tự tin, lương thiện,
khiêm tốn và giản dị… Trưởng thành giúp ta có tầng tư duy cao hơn để phục
vụ cho cuộc sống.
Tiếng Lòng
Himachal 2018

DẠO BỘ LÀ MỘT PHÚC LÀNH

Đi dạo là một năng lực di chuyển tự nhiên và khởi thủy. Nói khởi thủy vì
đó là một khả năng sẵn có và đầu tiên trước khi con người sáng tạo ra các
phương tiện giúp việc di chuyển nhanh hơn, tiện hơn. Tuy nhiên, điều này
khiến không ít người trở nên chây lì, biếng nhác, muốn mọi thứ phải thật tức
khắc, phải thuận tiện theo sự phát triển văn minh ngày nay. Nghĩa rằng, khi
các phương tiện được phát minh ngày càng trở nên nhanh hơn, tiện nghi
hơn, đồng nghĩa với việc tâm trí con người bị phản ứng một cách vồ vập,
gấp gáp. Họ sẽ dính mắc vào thời gian tâm lý nhiều hơn, bồn chồn và mong
ngóng nhiều hơn. Xã hội đang ngày càng đi theo hướng mọi thứ phải đến
tay khách hàng nhanh nhất có thể, những người làm việc ở công ty trở nên
áp lực hơn với deadline, những người sống ở thành phố thường trong trạng
thái bồn chồn, lo lắng, mải nghĩ đến thời điểm phải hoàn thành thứ gì đó,
cũng như việc người chạy xe thường hướng về điểm đến thay vì trọn vẹn
với hiện tại.
Các phương tiện đi lại là những phát minh mang tính trung dung, nhưng
bám vào sự tiện lợi của chúng khiến chúng ta không nhận thức rõ những
năng lực di chuyển từ đôi chân chính là thần thông. Vào thời Đức Phật, mọi
người đi khất thực từ đôi chân trần, từ chỗ này qua chỗ khác. Họ không bị
ràng buộc với thời gian. Khi chúng ta thực sự bén nhạy với những năng lực
tự nhiên, tức những năng lực đang hiện diện trên cơ thể, chúng ta sẽ không
bị lệ thuộc tâm lý vào những phát minh, và đồng thời quan sát được những
năng lực khởi thủy này là thần thông, vì nếu thiếu nó, hẳn là việc sống sẽ trở
nên thử thách hơn rất nhiều.
Khi trở về Măng Đen sống, tôi thường đi dạo vào sáng lẫn chiều. Không
nảy sinh lý do cho việc đi, và cũng không bận tâm đến lúc về. Sự tĩnh lặng
thấy rõ việc dạo bộ là thú vui tốt cho cơ thể lẫn tinh thần. Việc di chuyển này
không quá nhanh, không quá chậm. Nó vừa đủ để kích hoạt cái thấy lên mọi
giác quan khác, đồng nghĩa với việc thấy thực tại. Việc đi bộ không thường
tạo ra tiếng ồn gì mấy, sự thanh tĩnh từ bước chân kích hoạt thính giác lên
cơ thể, tâm trí lẫn môi trường xung quanh. Vận tốc vừa đủ để ngắm nhìn,
để ngửi, để hít thở bầu không khí trong lành. Dạo bộ không lệ thuộc vào
dụng cụ gì, nhẹ nhàng, thoải mái nghỉ ngơi bất cứ lúc nào. Khi đi bộ, tôi cảm
nhận rất rõ sự tĩnh lặng như ra tín hiệu để việc hít thở trở nên sâu hơn, chậm
hơn. Có một thời gian tôi gặp một số vấn đề về hô hấp và hít thở. Sự nhận
biết biết rõ điều đó nên điều hướng cơ thể dịch chuyển đến một môi trường
giàu thiên nhiên.
Ở đây, tôi thường đi dạo xuống rẫy nhà hàng xóm. Lối đi xuống rẫy là
những hàng hoa thược dược, dứa, hoặc cây rừng. Từ rẫy nhìn ra khung cảnh
hoang sơ lãng mạn. Tôi thường ngồi ở đó, cùng chú chó, ngắm nhìn, và cảm
nhận những năng lực tự nhiên: mắt thấy sắc, tai nghe âm thanh, mũi ngửi
hương thơm và bầu không khí, da thịt khi xúc chạm với môi trường này…
Khi cảm nhận rõ những năng lực tự nhiên này, bạn sẽ thấy việc sống thực
sự là một phúc lành.
Trang Ps

HOÀN HẢO VÀ KHUYẾT ĐIỂM

Có một cậu bé bị cụt bàn tay trái đến xin học với một vị võ sư nổi tiếng.
Đây là một điều khó khăn đối với một người bị khiếm khuyết nhưng vị võ
sư vẫn nhận. Trong suốt thời gian học võ, người thầy chỉ dạy cho cậu học
trò chỉ một thế võ duy nhất mà không chỉ dạy thêm gì khác. Cậu học trò
cũng lấy làm lạ nhưng không dám hỏi thầy của mình.
Một thời gian sau, hai thầy trò tham gia một cuộc thi tỉ thí võ công. Người
học trò gặp một đối thủ rất giỏi võ và bị thua nhiều đòn liên tiếp nhưng
người thầy quyết không cho dừng trận đấu. Đến một khoảnh khắc, tận dụng
sơ hở của đối phương, cậu học trò tung chiêu võ duy nhất mà cậu đã rèn
luyện thuần thục trước đó. Và tất nhiên, đối thủ của cậu đã bị hạ đo ván.
Cậu chiến thắng trận đấu.
Trên đường về, cậu mới dám hỏi vị thầy của mình những thắc mắc bấy
lâu nay. Vị thầy trả lời: ”Thứ nhất, đó là thế võ khó nhất và con đã được trui
rèn cả trăm nghìn lần. Thứ hai, chỉ có một cách để phá thế võ đó là đối
phương phải nắm được bàn tay trái của con – nhưng con lại không có bàn
tay trái.”
Đôi khi trong cuộc sống, có những khó khăn và khiếm khuyết làm ta chùn
bước. Nhưng trong những nghịch cảnh, đó lại là cơ hội cho ta thấy được
những khiếm khuyết lại là lợi thế ở mỗi người. Hãy vững tin vào bản thân
và kiên trì theo đuổi ước mơ của mình, bạn chắc chắn sẽ thành công. Vì
không ai sinh ra đã là hoàn hảo.
Năm 1983: chúng tôi cạn kiệt khi mua xong đất làm tự viện mà còn thêm
nợ nữa. Mảnh đất thật trơ trọi, không nhà cửa, một túp liều cũng không,
Suốt mấy tuần lễ đầu chúng tôi phải ngủ trên cánh cửa cũ mua rẻ trong bãi
phế liệu. Chúng tôi kê bốn góc gạch làm giường (dĩ nhiên làm gì có nệm –
chúng tôi tu ở rừng mà!).
Sư cả được dành cho cánh cửa tốt nhứt bằng phẳng. Còn tôi có cánh cửa
với cái lỗ bự xộn, chắc là cái lỗ của tay nắm. Tôi mừng thấy tay nắm đã được
tháo gỡ, nhưng còn cái lỗ nằm chình ình giữa cánh cửa làm giường ngủ của
tôi. Tôi đùa rằng bây giờ tôi không cần bước xuống giường để đi vô cầu tiểu
nữa! Tuy nhiên sự thật là gió lùa qua lỗ hỏng đó nên nhiều đêm tôi nào có
ngủ được.
Là sư nghèo đi xây tự viện, chúng tôi không có đủ tiền thuê thợ – chỉ nói
tới vật liệu là thấy đủ ngán rồi. Vì thế tôi phải học xây cất, như, cách làm
móng, cách đổ bê tông, cách xây gạch, cách lên mái, cách thiết kế hệ thống
ống nước, v.v. Tôi phải học toàn bộ công việc. Lúc đời sống cư sĩ tôi chỉ biết
lý thuyết vật lý và dạy ở trường trung học chớ có làm công việc tay chân nào
đâu. Sau mấy năm dùi mài tôi tạm gọi có trong tay nghề khá và từng lập một
đội ngũ mà tôi tạm gọi là đội BBC (Buddhist building Company, Công ty
xây dựng Phật giáo). Tuy nhiên lúc bắt tay vào việc mới thấy không phải là
dễ.
Xây gạch trông có vẻ rất dễ, chỉ có việc lót một bay hồ bên dưới rồi đặt
viên gạch lên, gõ góc này vài cái, góc kia vài cái là xong, chứ có gì là khó.
Nhưng không phải như vậy đâu. Lúc mới vô nghề tôi làm y như vậy nhưng
hễ tôi gõ đầu này xuống thì đầu kia trồi lên, gõ đầu kia thì gạch bị đùa ra
xéo xẹo. Tôi kéo gạch vô, cái góc tôi gõ lúc ban đầu nhô cao hơn. Mời bạn thử
làm xem!
Là nhà sư tôi có thừ kiên nhẫn và thì giờ nên chi tôi cứ gò tới gò lui để
công trình xây gạch được hoàn hảo; tôi không nề hà tốn công hay tốn thời
gian. Cuối cùng tôi hoàn thành bức tường đầu tay và tôi bước lui đứng
ngắm. Cũng ngay hàng thẳng lối đó chớ. Nhưng khi nhìn kỹ thì – ô – hô có
2 viên gạch méo xẹo trông rất dị hợm. Chúng là 2 “con sâu làm rầu nồi canh”
chúng làm hỏng trọn bức tường!
Lúc đó hồ đã cứng rồi nên không sao kéo 2 viên gạch cho ngay ngắn lại
được. Tôi trình sư cả xin bỏ bức tường ấy để xây lại – thậm chí làm cho nó
mất xác luôn cũng nên. Làm mà hư nên tôi rất tức tối. Sư cả không cho, và
bức tường đứng yên!
Hôm đưa khách đầu tiên đi tham quan khu chùa mới cất, tôi cố tránh bức
tường gạch tôi xây. Tôi không muốn bất cứ ai nhìn thấy nó. Nhưng một ngày
nọ khoảng 3, 4 tháng sau, có một vị khách nhìn thấy bức tường trong lúc đi
bách bộ với tôi. Ông bất chợt khen:
“Ồ, bức tường đẹp quá!”
Ngạc nhiên, tôi nghĩ ông khách chắc đã bỏ quên mắt kiến trong xe hoặc
mắt ông rất kém. Tôi bèn nói: “Thưa có 2 viên gạch lệch làm hỏng cả bức
tường kìa!”
“Vâng tôi có thấy 2 viên gạch lệch đó. Nhưng tôi cũng thấy 998 viên gạch
khác rất ngay ngắn.” Vị khách vừa nói vừa ra những lời làm thay đổi hẳn
cái nhìn của tôi về bức tường, về tôi và về nhiều khía cạnh khác của cuộc
sống.
Tôi sững sờ. Trong hơn ba tháng qua, đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy
những viên gạch khác trên bức tường, những viên gạch nổi bật cạnh viên
gạch lệch. Bên trên, bên dưới, bên trái, bên phải của hai viên gạch ngay hàng
thẳng lối rất đẹp mắt. Đã vậy, những viên gạch hoàn hảo có nhiều, rất nhiều
so với hai viên gạch lệch đó. Trước đây mắt tôi chỉ tập trung vào 2 lỗi của
mình mà không thấy được gì khác hơn. Đó là lý do tại sao tôi không muốn
nhìn cũng như không muốn để người khác ghé mắt vào bức tường. Đó cũng
chính là lý do tôi muốn phá hủy nó. Giờ thấy được những viên gạch đẹp rồi
tôi không nghĩ nó không còn trông xấu xí nữa. Chính vì vậy mà vị khách
mới khen “bức tường đẹp quá”. Bức tường ấy vẫn còn đứng vững đây sau
hai mươi năm và tôi như không còn nhìn thấy có chút lỗi nào nữa cả.
Biết bao nhiêu người trong chúng ta đã dứt bỏ mối quan hệ của họ hoặc
ly dị nhau bởi vì họ chỉ nhìn thấy “hai viên gạch lệch” nơi bạn họ. Biết bao
nhiêu người trong chúng ta từng tuyệt vong, thậm chí từng nghĩ đến việc tự
vẫn, bởi vì chúng ta chỉ nhìn thấy trong chúng ta “2 viên gạch lệch”. Sự thật
có rất nhiều, rất nhiều viên gạch tốt, hoàn hảo ở bên trên, bên dưới, bên trái,
bên phải của hai viên gạch ấy nhưng chúng ta chưa nhìn thấy mà thôi. Và
mỗi lần nhìn chúng ta hay nhầm lẫn. Rồi chúng ta chỉ thấy toàn lỗi lầm, nghĩ
chỉ có lỗi lầm, và muốn phá vỡ tất cả. Đáng buồn thay, nhiều lúc chúng ta
đã lỡ đập vỡ “một bức tường đẹp!”
Tất cả chúng ta đều có hai viên gạch lệch, nhưng cũng có những viên gạch
hoàn hảo, nhiều và rất nhiều so với những viên gạch lệch. Khi chúng ta nhận
ra điều này thì sự việc không hẳn là xấu xa. Không những chúng ta có thể
sống hòa với chính mình, kể cả những lỗi lầm của mình mà còn có thể sống
vui với mọi người. Một tin vui cho các luật sư ly hôn, nhưng là tin tốt cho
các bạn có gia đình. Phải không các bạn?
Như vậy “nét độc nhất vô nhị” trong nhà bạn có thể xuất phát từ những
lỗi lầm xây cất. Cũng giống như vậy những gì bạn cho là lỗi của mình, của
bạn mình, của cuộc đời nói chung có thể là những “nét độc nhứt vô nhị” làm
phong phú thêm đoạn đời của bạn nếu bạn không đặt trọng tâm vào chúng.
Trích: MỞ RỘNG CỬA TÂM MÌNH
OPENING THE DOOR OF YOUR HEART
And Other Buddhist Tales Of Happiness – Thiền sư Ajahn Brahm

TU TẬP TÂM TỪ ĐỂ NÓI LỜI LÀNH

Người xưa nói “Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”. Dù cho miệng
lưỡi thế gian có thế nào chúng ta vẫn an nhiên, “tâm không bị biến đổi,
miệng không phát ra lời nói cộc cằn”. Để làm được điều này, nội tâm của
chúng ta cần được phủ đầy bốn tâm vô lượng, đặc biệt là tâm từ.
Kinh Phật thuyết:
“Một thời đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp
Cô Độc…

  • Lại nữa, có năm con đường của ngôn ngữ, hoặc nói đúng thời hay không
    đúng thời, hoặc nói chân thật hay không chân thật, hoặc nói dịu dàng hay
    cứng ngắc, hoặc nói từ hòa hay sân nhuế, hoặc nói có nghĩa lợi hay không
    nghĩa lợi. Với năm con đường ngôn ngữ này, các ngươi nếu khi người khác
    nói mà với tâm bị biến đổi, có thể miệng phát ra lời nói cộc cằn, Ta nói các
    ngươi do đó mà bị suy thoái.
  • Các người hãy học, với năm con đường ngôn ngữ này, khi người khác
    nói mà tâm không bị biến đổi, miệng không phát ra lời nói cộc cằn, hãy
    hướng đến kẻ thù nghịch, hãy duyên nơi kẻ thù nghịch mà khởi tâm từ mẫn,
    tâm tương ưng với từ biến mãn một phương, thành tựu và an trụ.
    Cũng vậy, hai, ba, bốn phương tứ duy, trên dưới, bao trùm tất cả, tâm
    tương ưng với từ, không kết, không oán, không nhuế, không tranh, rộng lớn,
    vô lượng, vô biên, khéo tu tập, biến mãn khắp cả thế gian, thành tựu an trụ.
    Cũng vậy, bi và hỷ. Tâm tương ưng với xả, không kết, không oán, không
    nhuế, không tranh, rộng lớn, vô lượng, vô biên khéo tu tập, biến mãn khắp
    cả thế gian, thành tựu an trụ. Các ngươi hãy học như vậy.
  • Cũng như một người cầm cái cuốc rất lớn đến và nói rằng: ‘Tôi có thể
    làm cho cả mặt đất này trở thành không phải đất’. Người ấy bèn đào chỗ
    này, chỗ kia, rồi nhổ nước miếng, nước tiểu để làm dơ bẩn. Khi người nói lời
    thô ác nói như vầy: ‘Mong cả mặt đất này không phải là đất’. Ý ngươi nghĩ
    sao? Người ấy do phương tiện ấy có thể làm cho mặt đất trở thành không
    phải mặt đất được chăng?
    Các Tỳ-kheo trả lời rằng:
  • Không thể được, bạch Thế Tôn! Vì sao vậy? Vì cõi đất này rất sâu rất
    rộng, không thể lường được. Cho nên người kia với phương tiện ấy không
    thể nào làm cho cõi đất này trở thành không phải đất. Bạch Thế Tôn, người
    ấy chỉ tự gây phiền nhọc vô ích mà thôi”.
    (Kinh Trung A-hàm, phẩm Đại, kinh Mâu-lê-phá-quần-na, số 193 [trích, lược])
    Người xưa nói “Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”. Dù cho miệng
    lưỡi thế gian có thế nào chúng ta vẫn an nhiên, “tâm không bị biến đổi,
    miệng không phát ra lời nói cộc cằn”. Để làm được điều này, nội tâm của
    chúng ta cần được phủ đầy bốn tâm vô lượng, đặc biệt là tâm từ.
    Tâm từ vốn có trong ta nhưng phải đánh thức, nuôi dưỡng bằng thiền rải
    tâm từ mỗi ngày. Ban đầu là nguyện yêu thương hết thảy chúng sinh cho
    đến khi lòng thương vô hạn có mặt. Đặc tính nổi trội của tâm từ là mát mẻ,
    từ ái, không sân hận. Khi tình thương đã chan chứa, đong đầy thì chúng ta
    không có kẻ thù, chẳng còn người đối nghịch nên dẫu có đối mặt với những
    lời chướng tai cũng khó làm cho ta bực bội. Chẳng những không nóng giận
    mà ta còn thương cho những ai ăn nói cộc cằn, khó nghe. Bởi những ai nói
    lời gây tổn thương, đau khổ thì chính họ đang bị quá nhiều tổn thương, đau
    khổ.
    Nếu cả bốn tâm vô lượng từ, bi, hỷ, xả được tu tập “rộng lớn, vô lượng,
    vô biên khéo tu tập, biến mãn khắp cả thế gian, thành tựu an trụ” thì tâm của
    ta vững chãi và rộng lớn như mặt đất. Cho dù có ai đào bới, khạc nhổ hay
    quăng bỏ những vật dơ uế lên mặt đất thì đất đều dung chứa, chấp nhận dễ
    dàng. Mặt đất không hề khó chịu, phiền hà hay nóng giận vì nó quá lớn,
    không thể bị tổn hại.
    Thế nên, ta không ngại thị phi của người đời vì bản chất của con người
    và cuộc vốn như vậy. Quan trọng là hãy giữ tâm mát mẻ, vui vẻ, yêu thương
    và buông xả. Lời nói sẽ theo gió bay đi nếu tâm ta không bị dính mắc.
    QUẢNG TÁNH