NHỮNG ĐIỀU TRỌN ĐỜI TA CẦN HỌC

  1. HỌC CÁCH SỐNG MẠNH MẼ
    Phải ghi nhớ một điều rằng không phải lúc nào bạn gặp khó khăn cũng
    có người bên cạnh giúp đỡ, những lúc như thế bạn càng phải mạnh mẽ lên,
    độc lập tự giải quyết, kiên cường bước tiếp, dũng cảm đối mặt với mọi hiểm
    nguy.
  2. HỌC CÁCH ĐỪNG QUAN TÂM ĐẾN SỰ GIÀU NGHÈO CỦA KẺ
    KHÁC
    Đừng bao giờ nhìn vẻ bề ngoài của người khác để kết bạn, sự giàu có của
    họ không liên quan gì tới một xu của bạn. Có thể cả gia tài của họ đáng giá
    hàng tỷ đồng nhưng khi bạn không có cơm ăn họ sẽ chỉ cho bạn một chiếc
    bánh mì đã là quý lắm rồi đó!
  3. HỌC CÁCH THẤU HIỂU VÀ SỐNG ĐỘ LƯỢNG
    Bạn bè dang tay giúp đỡ là một việc đáng để biết ơn, không thể giúp đỡ
    cũng không nên trách cứ, càng không nên nuôi hận trong lòng. Không phải
    ai cũng có khả năng cưu mang hay giúp bạn suốt đời.
  4. HÃY HỌC CÁCH TỰ MÌNH VƯƠN LÊN
    Đừng bao giờ hy vọng rằng người khác sẽ bố thí cho bạn bất kì đồng tiền
    nào, vì tiền đối với mỗi người trên thế giới đều không bao giờ là đủ. Người
    có ít tiền sẽ muốn làm 2 chuyện, người có nhiều tiền muốn làm 20 chuyện;
    không có ai thừa tiền để cho bạn hàng ngày.
  5. HỌC CÁCH TÌM HẠNH PHÚC NỘI TÂM
    Đừng chỉ vì sự giàu có về tiền bạc mà quên đi những hạnh phúc trong
    tâm hồn. Sẽ có một ngày bạn nhận ra, những bạn bè giàu có có thể cùng bạn
    ăn chơi nhảy múa, đưa bạn đi hết quán xá này đến cửa tiệm nọ, và họ cũng
    có thể lôi bạn vào xã hội phức tạp, nơi mà đồng tiền là thước đo của mọi giá
    trị. Hãy nhớ rằng những cuộc vui ồn náo rất chóng tàn.
  6. HỌC ĐƯỢC SỰ TRƯỞNG THÀNH
    Tuổi trẻ của chúng ta qua đi rất nhanh, chúng ta mãi mãi không bao giờ
    có thể chống lại được tạo hóa, tuổi càng cao thì nếp nhăn trên trán càng
    nhiều; nhưng nhờ dòng chảy không ngừng đó của thời gian, chúng ta có thể
    mài giũa tâm hồn, như viên ngọc trai càng mài càng sáng. Nhớ rằng, thước
    đo của sự trưởng thành là ở trên bình diện Tâm Linh & Đạo Đức chứ không
    là những thứ khác.
    Tiếng Lòng
    Namo Buddhaya

THƯƠNG GIA GIÀU CÓ VÀ BỐN NGƯỜI VỢ

Chuyện kể về một thương gia giàu có và bốn người vợ. Ông yêu người
vợ thứ tư nhiều nhất, chính vì vậy ông thường sắm nhiều đồ đạc đắt tiền,
những món ăn ngon và đối xử, chăm sóc cô rất tuyệt vời.
Ông cũng yêu người vợ thứ ba. Bởi cô luôn khiến ông tự hào và luôn
muốn dẫn cô ra mắt bạn bè trong các bữa tiệc. Tuy nhiên, người thương gia
luôn trong nỗi sợ hãi vì có thể cô sẽ bỏ ông để theo một người khác.
Người vợ thứ hai cũng được ông dành tình cảm đặc biệt. Cô là một người
rất chu đáo, luôn kiên nhẫn và là người thân tín của ông trong mọi lĩnh vực.
Bất cứ khi nào người thương gia phải đối mặt với các rắc rối, ông thường
tìm đến cô chia sẻ và nhờ giúp đỡ.
Và cuối cùng là người vợ cả của ông, bà là một người rất trung thành, có
nhiều đóng góp trong công việc kinh doanh của cả gia đình. Không những
vậy bà cũng rất tháo vát khi chăm sóc gia đình và con cái. Tuy nhiên, người
thương gia không yêu người vợ đầu tiên, mặc dù bà yêu ông sâu sắc, quan
tâm tới ông nhưng hầu như ông không để ý.
Một ngày nọ, người thương gia bị ốm nặng, ông biết rằng mình sắp gần
đất xa trời. Ông nghĩ về cuộc sống xa hoa và tự nhủ: “Bây giờ tôi có bốn
người vợ. Nhưng khi chết, tôi chỉ có một mình. Tôi sẽ cô đơn lắm đây”.
Ông cất lời hỏi người vợ thứ tư: “Tôi yêu bà nhất. Luôn mang cho bà
những bộ quần áo đẹp, những món ăn ngon và quan tâm tới bà hết mình.
Bây giờ tôi sắp chết, bà hãy làm người bạn đồng hành với tôi chứ?”. “Không
đời nào!”, người vợ thứ 4 trả lời rồi bỏ đi. Câu trả lời của vợ giống như một
con dao nhọn đâm vào trái tim người chồng.
Người thương gia quay sang hỏi người vợ thứ ba: “Tôi đã yêu bà rất
nhiều. Bây giờ tôi sắp chết, bà sẽ theo tôi chứ?”. Người vợ thứ ba trả lời,
“Không. Cuộc sống ở đây tốt hơn. Tôi sẽ tái hôn khi ông ra đi”. Trái tim của
ông như đóng thành băng.
Chỉ còn duy nhất người vợ thứ hai mà ông yêu thương: “Tôi đã luôn nhờ
sự giúp đỡ của bà khi cần và bà luôn sẵn sàng giúp tôi. Và bây giờ tôi còn sự
giúp đỡ của bà một lần nữa. Khi tôi chết, bà sẽ theo tôi chứ?”. ”Tôi xin lỗi,
tôi không thể giúp ông lần này được. Tôi chỉ có thể đến thăm mộ ông chủ
nhật hàng tuần”, câu trả lời của người vợ như một tia sét đánh tan trái tim
người thương gia.
Người vợ cả đã nghe hết câu chuyện, và bà nói với ông:
“Tôi sẽ đi cùng ông, bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu”.
Người thương gia gần như không nói được lời nào. Lần đầu tiên ông nhìn
người vợ cả kỹ như vậy. Bà khá gầy và tiều tụy. Ông nói trong nước mắt:
“Cám ơn bà, người vợ đầu tiên của tôi. Tôi sẽ phải chăm sóc bà nhiều hơn
đến chừng nào tôi còn có thể”.
Trên thực tế, tất cả chúng ta đều có bốn người vợ cho riêng mình.
– Người vợ thứ tư là cái Thân của chúng ta. Từ lúc sinh ra cho đến lúc
chết đi, ai ai cũng chú tâm vào phục vụ cho cái thân thể vật chất này; mọi
người cố gắng kiếm tiền, danh vọng đều chỉ phục vụ cho cái thân. Thế nhưng
đến lúc gặp đại nạn, vô thường ập đến, tâm chúng ta lìa bỏ xác thân thì cái
xác thân này sẽ nằm lại mà không thể đi theo mình.
– Người vợ thứ ba, chính là Tài Sản và sự giàu có. Có rất nhiều người coi
trọng tiền bạc đến mức có thể chà đạp lên mọi thứ để có tiền. Nhưng “Cô
ấy” rồi cũng sẽ đi theo người khác khi chúng ta không còn tồn tại trên đời
này.
– Người vợ thứ hai là Gia Đình và bạn bè. Mặc dù mọi người rất thương
yêu chúng ta nhưng họ chỉ có thể đến thăm mộ khi người thân qua đời.
– Người vợ thứ nhất là hành Nghiệp thiện ác của chúng ta. “Cô ấy”
thường bị lãng quên khi chúng ta theo đuổi sự nghiệp, vật chất và dục vọng.
Một nghiệp dù nhỏ không bao giờ mất. Cứ hễ tạo nhân thì chịu quả báo, làm
việc thiện có quả báo lành, làm ác phải chịu quả dữ, không sai một mảy may.
Thế mà hàng ngày, chúng ta lại quên hành thiện nghiệp mà vẫn vô tình hay
cố ý làm ác để rồi phải chịu quả khổ đắng cay!

HƯƠNG CỦA BẬC CHÂN NHÂN

Một thời, Thế Tôn trú tại Vesàli. Rồi tôn giả Ananda đi đến đảnh lễ,
bạch Thế Tôn:
Có ba loại cây hương này, bạch Thế Tôn, hương của chúng bay theo
chiều gió. Thế nào là ba? Cây hương rễ, cây hương lõi và cây hương hoa.
Này Ananda, có loại cây hương mà hương bay thuận gió, bay ngược gió
và bay thuận gió ngược gió.
Bạch Thế Tôn, loại cây hương ấy là gì?
Ở đây, này Ananda, có nữ hay nam nhân quy y Phật, Pháp, Tăng, từ bỏ
sát sanh, từ bỏ trộm cướp, từ bỏ sống tà hạnh, từ bỏ nói láo, từ bỏ uống
rượu, giữ giới, tâm tính hiền lương, không xan tham, ưa thích bố thí…
Người như vậy, được các Sa môn, Bà la môn tán thán khắp bốn phương.
Cây hương như vậy, này Ananda, có hương bay thuận gió, bay ngược
gió và bay thuận gió ngược gió.
Không một hương hoa nào
Bay ngược chiều gió thổi
Dầu là hoa Chiên đàn
Già la hay Mạt lỵ
Chỉ hương người đức hạnh
Bay ngược chiều gió thổi
Chỉ hương bậc Chân nhân
Biến mãn mọi phương trời.
(Tăng Chi I, chương 3, phẩm Ananda, phần Hương)
LỜI BÀN:
Có thể hôm ấy là một ngày đẹp trời, Tôn giả Ananda được gió mang đến
ban tặng cho ngài những hương thơm tinh khiết của cỏ cây. Tôn giả hồn
nhiên cảm tạ đất trời đã gởi hương cho gió. Nhưng khi chia sẻ kinh nghiệm
ấy với Thế Tôn thì Ananda ngạc nhiên vô cùng, bởi cảm nhận về hương của
bậc Đạo Sư tinh tế quá. Thế Tôn đã giới thiệu một loại siêu hương, thơm ngát
cả trời đất, ngây ngất mọi tâm hồn, bay muôn nơi mà chẳng nương vào gió,
không nhạt nhòa theo thời gian và cũng chẳng tan loãng trong không gian.
Thì ra, đó là hương thơm của đức hạnh. Danh thơm, tiếng lành của một
người con Phật chân chính được ca ngợi, đồn xa. Khi một người phát tâm
quay về sống nương tựa Tam bảo, giữ gìn năm giới, thực hành các hạnh lành,
tránh xa những điều xấu ác đồng thời nhân ái với mọi người thì tự thân
người ấy tỏa ra hương thơm đức hạnh, bay khắp muôn phương.
Danh thơm này luôn được các Sa môn tán thán, những bằng hữu ca ngợi
và muôn đời được hậu thế truyền tụng, nhắc tên. Cấp Cô Độc (cấp dưỡng
cho những người cô độc, cơ nhỡ) là danh thơm của Phật tử Tu Đạt không chỉ
ngát hương khắp toàn cõi Ấn Độ thời bấy giờ mà dư âm của hương xưa còn
vang vọng đến tận hôm nay và mãi ngàn sau.
Nếu như danh thơm lan tỏa đến mọi ngõ ngách cuộc đời thì tiếng xấu
cũng lan truyền nhanh không kém. Rắn chết để da, người ta chết để tiếng.
Bất kể tiếng gì, nức tiếng hay tai tiếng đều bay khắp muôn nơi. Vì thế, người
con Phật luôn nỗ lực phấn đấu để tự hoàn thiện mình, tỏa ngát hương đức
hạnh. Phải hướng về nương tựa Tam bảo để được soi đường, chỉ lối và dẫn
dắt nhằm tránh xa những điều xấu ác, bất thiện, không làm ô danh cho mình
và cho đời, hôm nay và mai sau.
“Trăm năm bia đá cũng mòn/Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”. Do
vậy, mỗi người con Phật phải trau giồi giới hạnh để luôn mãi ngát hương
trong cuộc đời.
Quảng Tánh

TU LÀ TRỞ VỀ ĐỂ THẤY RÕ MÌNH HƠN

Hiểu thêm về chữ Tu
Tu dưỡng hiểu theo 1 cách giản dị là:

  • Tâm đừng nghĩ bậy, thân đừng làm bậy, miệng đừng nói bậy, người có
    tu thì lòng phải ngay thẳng.
  • Không lừa mình, dối người, gạt trời cao, có ở 1 mình cũng phải thận
    trọng.
  • Ở nơi đông người, phải giữ miệng, khi ở 1 mình phải phòng tâm.
    Đại Sư Hoằng Nhất
    Bậc cổ đức từng nói:
  • Cho dù là khi chỉ có 1 mình, bạn cũng đừng làm việc xấu, phải biết giữ
    liêm sỉ hơn cả khi đứng trước mặt người khác.
    Tu dưỡng là 1 quá trình đối mặt với con người thật của mình, không phải
    làm để người khác coi, cho nên không thể chỉ làm cho có.
    Sự khác nhau giữa “chân tu” và “ngụy tu” nằm ở chỗ có thể “thân trọng
    ngay cả khi chỉ có 1 mình” hay không.
    Nếu trước mặt người khác ra vẻ đạo mạo mà sau lưng thì thủ đoạn, nham
    hiểm thì có khác nào kẻ tiểu nhân. Trong hoàn cảnh không có gì trói buộc
    người ta càng dễ lơi là. Cho nên muốn trở thành 1 người thật sự có tu dưỡng
    thì phải cảnh giác, khi chỉ có 1 mình cũng phải yêu cầu nghiêm ngặt đối với
    bản thân.
    Thận trọng khi chỉ có 1 mình là một yêu cầu đối với tâm trí.
    Chúng ta làm điều này không phải vì người khác mà là vì chính mình.
    Lúc này điều chúng ta phải đối mặt là con người thật của mình, lấy lỗi lầm
    trong quá khứ làm bài học, trở thành 1 người đáng để người khác và chính
    mình tôn trọng.
    Tu là cuộc trở về với mình để thấy rõ mình hơn !
    …Tu là Sống bình thường, vẫn thở, cười, đi, đứng, ăn, uống… nhưng
    người tu biết mình đang thở, cười, đi, đứng, ăn, uống… Tu là thức dậy biết
    mình thức dậy, mỉm cười, xếp mền, cám ơn cái mền đã che ấm đêm đông
    lạnh buốt… là mặc thêm áo ấm, ngồi xuống, uống trà, thắp nhang…
    Tu là biết mình đang sống. Tu không làm máy móc, thói quen, tự động
    mà ý thức mình đang làm gì. Đi biết mình đang đi, ngồi biết mình đang ngồi,
    uống biết mình đang uống, buồn biết mình đang buồn…
    Tu không mong cầu hạnh phúc mà không xua đuổi hạnh phúc, không
    mong cầu thành Thánh, thành Phật mà nhận diện, chấp nhận tất cả những
    gì về con người của mình. Vui biết vui, buồn biết buồn, thương biết thương,
    ghét biết ghét…
    Tu là cuộc trở về với mình để thấy rõ mình hơn và tập nhìn cuộc đời bằng
    con mắt không đòi hỏi. Tu là mỉm cười với sự sống, nhận biết những gì đang
    xảy ra.
    Tu dễ không bạn?
  • Dễ! Dễ như chơi. Ai tu cũng được.
    Tu là thở và biết mình đang còn sống, ôi hạnh phúc!
    Tu là đi và cảm giác bàn chân chạm mặt đất, trở về thật.
    Tu là ngồi và biết rằng mình đang ngồi, có mặt thiệt.
    Tu là nhìn và biết mình đang nhìn, không lên án, không vẽ vời.
    Tu là nghe và biết mình đang lắng nghe, cảm thông, xót thương…
    Kính chúc cả Chùa một ngày hạnh phúc trong tu tập nhé !
    Namo Buddhaya