ÔNG CHỦ VÀ NGƯỜI CON CỦA OSHIN

Chị là Oshin – người giúp việc nhà cho một ông chủ ngoài ngũ tuần, rất
giàu có. Đêm xuống, xong việc, vội vàng về với đứa con trai nhỏ 5 tuổi suốt
ngày ngóng đợi trong căn nhà tồi tàn..
Hôm ấy, chủ nhà có lễ lớn, mời rất nhiều bạn bè quan khách đến dự tiệc
đêm.
Ông chủ bảo:
_ Hôm nay việc nhiều, chị có thể về muộn hơn không?
_ Thưa được ạ, có điều đứa con trai nhỏ quá, ở nhà tối một mình lâu sẽ
sợ hãi.
Ông chủ ân cần:
_ Vậy chị hãy mang cháu đến cùng nhé.
Chị mang theo con trai đến. Đi đường nói với nó rằng:
_ Mẹ sẽ cho con đi dự tiệc đêm.
Thằng bé rất háo hức. Nó đâu biết là mẹ làm Oshin là như thế nào kia
chứ! Vả lại, chị cũng không muốn cho trí tuệ non nớt của nó phải sớm hiểu
sự khác biệt giữa người giàu kẻ nghèo. Chị âm thầm mua 2 chiếc xúc xích.
Khách khứa đến mỗi lúc mỗi đông. Ai cũng lịch sự. Ngôi nhà rộng và
tráng lệ… Nhiều người tham quan, đi lại, trò chuyện. Chị rất bận không
thường xuyên để mắt được đến đứa con nhếch nhác của mình. Chị sợ hình
ảnh nó làm hỏng buổi lễ của mọi người.
Cuối cùng chị cũng tìm ra được cách đưa nó vào ngồi trong phòng vệ sinh
của chủ… đó có vẻ như là nơi yên tĩnh và không ai dùng tới trong buổi tiệc
đêm nay.
Đặt 2 miếng xúc xích vừa mua để vào chiếc đĩa sứ, chị cố lấy giọng vui vẻ
nói với Con:
_ Đây là phòng dành riêng cho con đấy, nào tiệc đêm bắt đầu!
Chị dặn con cứ ngồi yên trong đó đợi chị đón về. Thằng bé nhìn “căn
phòng dành cho nó” thật sạch sẽ thơm tho, đẹp đẽ quá mức mà chưa từng
được biết. Nó thích thú vô cùng, ngồi xuống sàn, bắt đầu ăn xúc xích được
đặt trên bàn đá có gương, và âm ư hát… tự mừng cho mình.
Tiệc đêm bắt đầu. Người chủ nhà nhớ đến con trai chị, gặp chị đang trong
bếp hỏi. Chị trả lời ấp úng:
_ Không biết nó đã chạy đi đằng nào…
Ông chủ nhìn chị làm thuê như có vẻ giấu diếm khó nói. Ông lặng lẽ đi
tìm… Qua phòng vệ sinh thấy tiếng trẻ con hát vọng ra, ông mở cửa, ngây
người:
Cháu nấp ở đây làm gì ? Cháu biết đây là chỗ nào không ? Thằng bé hồ hởi: Đây là phòng ông chủ nhà dành riêng cho cháu dự tiệc đêm, mẹ cháu
bảo thế, nhưng cháu muốn có ai cùng với cháu ngồi đây cùng ăn cơ!
Ông chủ nhà thấy sống mũi mình cay xè, cố kìm nước mắt chảy ra, ông
đã rõ tất cả, nhẹ nhàng ngồi xuống nói ấm áp:
_ Con hãy đợi ta nhé.
Rồi ông quay lại bàn tiệc nói với mọi người hãy tự nhiên vui vẻ, còn ông
sẽ bận tiếp một người khác đặc biệt của buổi tối hôm nay. Ông để một chút
thức ăn trên cái đĩa to, và mang xuống phòng vệ sinh. Ông gõ cửa phòng lịch
sự… Thằng bé mở cửa… Ông bước vào.
_ Nào chúng ta cùng ăn tiệc trong căn phòng tuyệt vời này nhé.
Thằng bé vui sướng lắm. Hai người ngồi xuống sàn vừa ăn ngon lành vừa
chuyện trò rả rích, lại còn cùng nhau nghêu ngao hát nữa chứ…
Mọi người cũng đã biết. Liên tục có khách đến ân cần gõ cửa phòng vệ
sinh, chào hỏi hai người rất lịch sự và chúc họ ngon miệng, thậm chí nhiều
người cùng ngồi xuống sàn hát những bài hát vui của trẻ nhỏ… Tất cả đều
thật chân thành, ấm áp!
Nhiều năm tháng qua đi… Cậu bé đã rất thành đạt, trở nên giàu có.
Nhưng không bao giờ quên giúp đỡ những người nghèo khó chăm chỉ.
Một điều quan trọng đã hình thành trong nhân cách của anh: Ông chủ
nhà năm xưa đã vô cùng nhân ái và cẩn trọng bảo vệ tình cảm và sự tự tôn
của một đứa bé 5 tuổi như thế nào…
Bài học:
Tình thương người không phân biệt giàu nghèo, một hành động nhỏ thôi
nhưng cũng đủ để thay đổi cả một con người, thương người chính là thương
bản thân mình. Câu chuyện đặt ra bài học về cách ứng xử với những người
bất hạnh hơn mình trong cuộc sống này.

NHỮNG CÁI ĐỪNG CỦA NGƯỜI TU

  1. Đừng ra gió khi trong người đang bệnh, cũng vậy ngay từ đầu nếu thấy
    lực thiện của mình còn yếu thì nên tránh xa những duyên ác.
  2. Đừng phung phí phước, đừng xài hao phước, hết phước sẽ khổ, phải
    vun bồi phước liên tục, phước thiện nhỏ cũng làm.
  3. Đừng chạy theo bên ngoài quá nhiều mà bỏ quên thân tâm bên trong
    mình. Hãy chăm sóc cho thân được khỏe, tâm được an. Thân tâm an lạc
    thanh thản thì niệm và định mới có mặt được.
  4. Đừng kết oan trái với bất cứ ai, mà cũng đừng dính mắc vô bất cứ ai,
    hãy nghĩ đến nỗi khổ đau của sinh tử luân hồi thì sẽ biết sợ mà buông, mà
    khước từ vất bỏ. Hãy để mình được tự do.
  5. Đừng quay lại lối mòn thói quen tập khí bất thiện cũ, phải quyết tâm
    từ bỏ và thay đổi để hướng thượng, hướng thiện hơn.
  6. Đừng để nghiệp bất thiện của người khác trở thành nghiệp của mình.
    7, Đừng vì một chút thương ghét, vui buồn, lợi danh, hơn thua cỏn con
    mà phá hủy công phu tu tập của mình.
    8, Đừng để thái độ, lời nói, hành động của người khác làm ảnh hưởng
    đến sự bình yên trong tâm mình.
  7. Đừng quên chánh niệm khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần. Luôn quan
    sát kiểm soát và không phản ứng.
  8. Đừng nghĩ cõi trời là điểm dừng, tu cho đến khi chấm dứt sinh tử luân
    hồi thì mới là điểm dừng thật sự.
  9. Đừng than vãn, trách móc bất cứ điều gì ở cuộc đời vì những gì mình
    nhận được bây giờ đều đúng với nhân quả nghiệp báo mà mình đã từng tạo
    trong quá khứ.
  10. Đừng quên thường xuyên nói lời ái ngữ, chúc phúc, mỉm cười và kết
    nối với thiên nhiên. Đó là bước đầu để nuôi dưỡng lòng từ bi. Mình thương
    mình được trước rồi thì mình mới thương được người khác.
    Thiện Tri Thức
    Namo Buddhaya

TRẦM TĨNH NHẪN NẠI ĐỂ NHẬN RA BẢN CHẤT THẬT CỦA CUỘC SỐNG

Thực ra, không có năng lực nào tốt hơn khả năng có thể kiên trì nhẫn nại
trước mọi thử thách cam go đầy phiền não khổ đau trong cuộc sống hiện tại
để học ra bài học giác ngộ của mình. Năng lực đó không xuất phát từ ý chí
phấn đấu kiên cường của cái Ta dũng mãnh mà từ một tâm hồn giản dị, bình
thường, thầm lặng và vô ngã.
Bởi vì, tâm càng giản dị bình thường càng ít cái Ta đối kháng, càng dễ
nhẫn nại, trầm tĩnh. Có trầm tĩnh nhẫn nại mới có từ bi và trí tuệ để sáng
suốt thấy rõ lẽ thật của vạn pháp. Vậy vấn đề không phải là tránh né phiền
não khổ đau hay mong cầu bình an hạnh phúc mà an lạc chỉ đến khi bạn có
đủ trầm tĩnh nhẫn nại để nhận ra bản chất thật của cuộc đời.
Giác ngộ giải thoát không phải là đạt được một chân trời lý tưởng an toàn
trong thường, lạc, ngã, tịnh, mà chính là nhận chân bản chất của đời sống là
vô thường, khổ não, vô ngã và bất tịnh để không còn chỗ cho cái Ta chấp thủ
bám trụ. Khi không còn chỗ để bám trụ thì bạn mới buông cái Ta đối kháng
để đón nhận trọn vẹn bản chất bất toàn của đời sống một cách vô ngại, đó
chính là thái độ nhẫn nại đích thực. Nhờ đó mọi phiền não mới thực sự chấm
dứt để bạn có thể “ung dung trong ràng buộc, tự tại giữa khổ đau” với một
nụ cười an nhiên, vô úy.
Cuộc sống, quả thật, đầy phiền não khổ đau, nhưng đó cũng chính là môi
trường tốt nhất cho giác ngộ giải thoát, đúng như một danh ngôn: “Cảnh
khổ là nấc thang cho bậc anh tài, là kho tàng cho người khôn khéo và là vực
thẳm cho những kẻ yếu đuối”.
Và thật là thông minh, chính xác khi nói rằng:
“Con người là kẻ học nghề,
Mà thầy là nỗi ê chề đớn đau,
Không ai tự biết mình đâu,
Nếu chưa từng trải đớn đau nhiều bề.”
Đau khổ chính là liều thuốc đắng kỳ diệu nhất có thể loại trừ được bệnh
tà kiến và tham ái. Nếu tà kiến và tham ái không đưa đến khổ đau thì không
bao giờ bạn thấy được đó là những thái độ sai lầm.
Vậy cuộc đời là một trường học giác ngộ mênh mông vô tận. Và những vị
thầy lỗi lạc nhất chính là những khổ đau mà bạn gặp phải trong suốt đời
mình. Những vị thầy tận tụy này, không ngừng chỉ cho bạn thấy những sai
lầm trong cách sống, cách ứng xử… để bạn có thể biết cách điều chỉnh nhận
thức và hành vi nơi chính mình; giúp bạn phát huy được những đức tính
cần yếu như nhẫn nại, yêu thương, cảm thông, chia sẻ v.v…
Nói cách khác, đời là tấm gương phản ánh trung thực nhất diện mạo bạn
trong mọi tình huống để bạn thấy ra chính mình. Do đó bài học giác ngộ
chính xác nhất không phải là một phương pháp cố định nổi tiếng nào để bạn
phải tuân thủ suốt đời, mà chính là thái độ nội tâm đầy nhẫn nại, từ bi, trầm
tĩnh và trong sáng để có thể tự tại vô ngại giữa dòng đời biến hóa không
ngừng trong bản chất vô thường, khổ, vô ngã của nó…
Thầy Viên Minh

TỰ MÌNH AN ỔN ĐỜI MÌNH

Người thấu tâm ta nhất đâu ai khác ngoài chính bản thân, người làm ta
an ổn nhất cũng đâu ai khác ngoài chính lòng ta. Ấm lạnh đời mình nói ra
sao hết, khi có những tâm trạng, xúc cảm chỉ mình mới có thể chạm, có thể
hiểu chứ không thể diễn bày. Nên tự thân vun vén chút an vui, tự thân sải
bước thong dong, làm gì được cho mình, cho đời đều sẽ cố gắng hết sức.
Sống thương, sống quý với cuộc đời, sống vui, sống đẹp trong từng hơi thở
an lành.
Bình an cũng như muôn sự vận hành nên sự sống, bản chất của nó luôn
đong đầy và tròn vẹn. Chỉ do cách mỗi người tiếp nhận khác nhau, đưa đến
những mức độ không đồng nhau: an ít, an vừa, an chút chút, an nhiều…
Cùng một sự việc, hiện tượng, người lại ngập tràn cảm giác bình yên, người
lại mơ hồ và dửng dưng với tất cả. Bởi vì điều kiện, hoàn cảnh, lý tưởng sống
đưa đến những nhận thức và mục đích an lành khác nhau. Người an tâm
khi có dư dả vật chất, tiền bạc, người an khi được quây quần cùng bạn bè,
người an khi được ở một mình, an khi nghe được tin tốt, tin lành của người
thân thương… Càng trải nghiệm nhiều, nhu cầu bình an càng đơn giản. Xích
lại gần hơn với rung cảm nơi con tim và tâm hồn sâu lắng. Đó là lúc người
ta biết rằng, ai cũng đang trong hành trình tìm kiếm ý nghĩa đích thực cuộc
đời. Mà trong đó, tình người với nhau, tình thương đại đồng là điểm sáng
và đáng trân quý biết bao nhiêu.
Phát triển bình an nơi tình thương rộng lớn, không chỉ giúp an cho mình
mà còn lan toả được bình an đến cho người khác. Mỗi người ý thức ngay nơi
ý nghĩ, lời nói, hành động cho an, thì mọi việc mình làm đều chứa đựng chất
liệu bình an.
Trong đó, hàm dưỡng phẩm chất để mang lại niềm vui cho cuộc đời, giúp
cho bản thân và người khác tháo gỡ những vướng mắc, nặng nề trong tâm
trạng. Hàm dưỡng hành động luôn hướng đến làm những điều có tác dụng
xây dựng và lợi ích, chứ không gây chia rẽ và tàn phá. Hàm dưỡng tâm sao
cho biết vui với thành tựu của mình và của người. Từ đó san sẻ kinh nghiệm,
giúp đỡ tinh thần vật chất trong điều kiện có thể.
Tất cả những đức tính này không hề xa vời, nó đã có sẵn nơi mỗi người.
Nhưng do đôi lúc bị chôn vùi dưới những thói quen sai lầm, cái tôi quá lớn
nên lu mờ dần. Chỉ cần tinh cần mài giũa, “quét bụi trừ bẩn” mỗi ngày với
việc tu dưỡng thân tâm, thu xếp những điều bất thiện và nuôi dưỡng những
đức hạnh tốt đẹp, sẽ trở về được với “tánh bản thiện”. Khi dần khôi phục
tròn vẹn, ánh sáng tỉnh thức sẽ soi rọi để làm tiền đề cho an lành luôn xuất
hiện trong cách sống, cách ứng xử với mọi diễn biến của cuộc đời. Thuận
thấy lành, nghịch cũng tìm thấy động lực để bình an.
Cảm rõ được càng nhiều “nguyên bản” của bình an sẽ thấy mọi thứ trong
trẻo và ít đối nghịch với bản thân. Giống như trăng càng tròn càng soi tỏ
muôn nơi, người càng lên gần đỉnh núi càng thấy không khí thanh lành. Để
giữa dòng đời tấp nập, bon chen, va vấp khó tránh khỏi, cũng có thể “chín
bỏ làm mười”. Có chút khuyết cũng gắng cho được tròn, chứ không quá xét
nét, cắn đắng mãi vì những điều nhỏ bé khi còn có duyên ở cạnh nhau. Còn
nếu như tính tình và cách hành xử của người đã quá khác biệt với tâm lượng
vị tha, thương được trước những vụn dại thì tốt, chưa thương được, mình
“bật chế độ tàng hình”, xoá họ ra khỏi luôn tâm trí để nhẹ nhàng. Chứ giữ lại
đem vào lòng làm chi, rồi mỗi ngày lại phải phiền luỵ theo. Ai cũng có nỗi
khổ riêng, bớt nhóm thêm lửa thì bình an cũng từ đó mà có mặt.
Cứ như vậy, mỗi ngày thực hành, duy trì và tích luỹ những điều thiện
lành, tích cực và tốt đẹp, để nói ra được lời an vui, đúng với sự thật, gửi gắm
đến mọi người những năng lượng an hoà. Làm một việc gì cũng đưa đến
bình yên, không gieo thêm khổ đau, oán kết với người. Giữ tư duy sáng đẹp
để hoà hợp những mối quan hệ góp phần an cho mình và cho mọi người.
Bây giờ bình an nội tại tuỳ người có thể chiếm 10%, 30%, 50%, 70%…
nhưng hễ đã có an hiện hữu dù chỉ 1% thôi cũng là đã có cội nguồn hạnh
phúc trong mình. Tiếp tục vun trồng từng giây, từng phút để nụ cười trong
tâm được lớn mạnh. Để dù trước những biến đổi nhỏ cho đến những biến
lớn theo quy luật vô thường, bản thân cũng sẽ biết cách định tĩnh và có năng
lực an ổn khi đối diện với tất cả. Muốn cuộc sống bình an, bản thân phải có
an. Không ai cho ta bình an ngoài chính ta.

  • Chuyện của Soul

LỜI KINH TRONG LÒNG BÀN TAY

“Một con đường bình thường nhưng sẽ trở nên nguy hiểm và đầy sợ
hãi đối với người khiếm thị.
Một cuộc sống bình thường cũng sẽ trở nên đáng sợ và rất buồn đối với
người thích làm những việc không lành”.(1)
Cách tốt nhất để giữ được bình yên trong lòng mình là mang được bình
yên đặt vào lòng người khác.
Cũng con đường đó, khi không còn ánh sáng, mọi bước đi đều trở nên rất
nguy hiểm, khó lường. Không phải do con đường thay đổi.
Cũng góc phố đó, khi không còn yêu thương, khắp nơi chỉ còn lại đôi mắt
gió và những bước chân phủ đầy mưa gió xưa. Không phải do thời gian phôi
phai.
Cũng cuộc đời đó, khi đánh mất tâm từ bi, chúng ta bỗng trở thành một
người không còn chốn dung thân khi đối diện biến cố trong cuộc sống, khi
đối mặt với những nông sâu của lòng người. Không phải do cuộc sống chia
cho người này những ngày buồn và chia cho người khác những ngày vui.
Khi đánh mất tâm từ bi, chắc chắn chúng ta sẽ còn phải đánh mất thêm
nhiều thứ quý giá khác nữa.
Khi không còn tâm từ bi, sẽ không biết cách thương người, nên làm người
khổ; sẽ không biết cách thương mình, nên làm mình đau, nên dù thương hết
lòng nhưng vẫn chẳng đến đâu.
Khi không còn tâm từ bi, sẽ bớt một chút hơi ấm, thêm một chút dửng
dưng, bớt một việc làm tốt, thêm một việc chẳng lành, bớt một ngày yên tĩnh,
thêm một ngày gió giông.
Khi tâm từ bi không còn, bên trong sẽ trở thành một hoang mạc, không
một chiếc mầm xanh nào có thể mọc được ở đó.
Nếu cuộc sống của chúng ta cứ liên tục nối nhau bởi những ngày không
vui thì chắc chắn là do cách sống của chúng ta có vấn đề.
Mong người đừng làm mãi những việc không lành, rồi trở về ngồi trước
Phật, cầu nguyện cho mình có được một cuộc sống bình yên…
Người ngày mới an….
Vô Thường
Núi mùa Vu Lan 2023
Om Mani Padme Hum


[1] Hán văn: 若所作不善,如彼無目人,涉道甚艱難,路險懷恐怖。Từ
dòng thứ 5 đến 6, khung thứ 2, trang 0779, bộ sách mang mã số 0213, (法集
要頌經), tập 4 大正新脩大藏經。