NÔ TỲ BÌNH ĐẲNG VỚI NGƯỜI CAO QUÝ.

Tại Hồng Châu có quan tư mã là Vương Giản Dị bị chứng đau bụng, trong
bụng thấy có một khối cứng, tùy theo hơi thở mà di chuyển lên xuống. Ông
ấy đau quá đã chết đi, sau sống lại nói với vợ rằng:
“Ta bị triệu đến chốn âm ty, vì có đứa nô tỳ kiện ta. Nó nói rằng vì bị ta
kiềm chế mất tự do thái quá đến nỗi phải tự vẫn. Nay cái khối cứng trong
bụng ta chính là nó đó. Âm ty tra xét sổ bộ thấy ta còn được sống trên dương
gian 5 năm nữa, vì thế thả cho ta về.”
Người vợ hỏi:
“Đứa nô tỳ sao lại dám làm như vậy?”
Giản Dị đáp:
“Thế gian phân chia kẻ sang quý, người hạ tiện, chốn âm ty đều xem bình
đẳng như nhau thôi.”
Năm năm sau, quả nhiên Vương Giản Dị bị tái phát chứng đau bụng mà
chết.
LỜI BÀN
Kẻ tôn quý với người thấp hèn, đều do sự phân biệt đối xử mà thành; cha
con chồng vợ, bất quá cũng chỉ tạm thời giả hợp thành danh xưng, xét từ
đầu vốn không phải những vị trí, danh xưng rốt ráo. Như nhà ở kề cận ta về
phương đông, quay nhìn sang nhà ta ắt gọi là phương tây; như từ chỗ nhà
của người ở về phương đông của ta mà nói, thì căn nhà kề cận về phương
tây của họ, đối với ta lại là phương đông. Cha ta gọi ta là con, ấy là nhìn từ
phía của người làm cha. Nếu như nhìn từ phía con ta, ắt lại phải gọi ta là cha.
Đường xuống suối vàng vốn đã không còn nghe đến chuyện cháu con vui
vầy, huống chi đến chốn Quỷ môn quan lại còn có nô tỳ phục dịch bên mình
được sao?
SAU KHI CHẾT KHÔNG CÓ NÔ TỲ.
Thời Nam Bắc triều, ở Bắc Tề có viên quan họ Lương, nhà hết sức giàu có.
Lúc sắp chết bảo vợ con rằng:
“Ta bình sinh yêu thích một nô tỳ với con ngựa hay, các người phải vì ta
mà chôn theo khi tống táng.”
Sau khi họ Lương chết, người nhà liền dùng bao chứa đầy đất đè lên
người đứa nô tỳ, ngạt thở mà chết. Riêng con ngựa còn đợi đó, chưa giết. Nô
tỳ chết được bốn ngày thì bỗng nhiên sống lại, kể rằng:
“Tôi chết rồi, hồn đi đến phủ Diêm vương, ở bên ngoài cửa ngủ lại một
đêm. Sáng hôm sau, nhìn thấy ông chủ bị xiềng xích gông cùm, có người áp
giải vào. Ông chủ bảo tôi rằng:
‘Ta cứ tưởng sau khi chết cũng cần dùng đến nô tỳ, nên mới dặn người
nhà cho ngươi xuống, đâu có ngờ đến hôm nay thì mỗi người đều tự chịu
khổ não, chẳng liên quan gì đến nhau. Ta sẽ thỉnh cầu phán quan thả ngươi
về. ’
“Ông chủ nói rồi phải vào trong điện. Tôi đứng bên ngoài liền ghé mắt
nhìn trộm vào, thấy có vị quan tra hỏi quân lính rằng:
‘Hôm qua ép ra được nhiều ít mỡ?’
Quân lính thưa: ‘Được 8 đấu.’
Quan dạy rằng: ‘Tên họ Lương đó cần phải ép nữa, hãy ép cho ra đủ một
thạch sáu đấu mỡ.’
Ông chủ lập tức bị dẫn đi, không kịp mở miệng nói điều gì.
“Hôm sau lại thấy ông chủ bị dẫn đến, nhưng vẻ mặt có phần hoan hỷ.
Quan tra hỏi: ‘Có ép được mỡ không?’
Quân lính đáp: ‘Dạ không.’
Quan hỏi nguyên do, quân lính thưa:
‘Người nhà ông ấy thỉnh chư tăng tụng kinh lễ Phật, mỗi khi nghe tiếng
kinh kệ thì đà sắt tự gãy lìa, nên không ép ra được mỡ.’
Ông chủ nhân lúc đó liền lên tiếng xin tha cho tôi về, lại nhờ nhắn lời về
với người nhà rằng:
‘Nhờ các người làm điều phước thiện nên ta được thoát nỗi khổ lớn,
nhưng giờ thật chưa thoát hết tội, mong các người tiếp tục vì ta tụng kinh,
tạo tác tượng Phật, ta nhờ đó có thể được giải thoát. Từ nay về sau tuyệt đối
không được sát sinh để cúng tế, chẳng những ta không hề được hưởng
những thứ ấy, mà ngược lại còn phải chịu tăng thêm tội khổ.’”
LỜI BÀN
Sau khi chết rồi không thể sử dụng nô tỳ, cũng giống như sau khi nghỉ
việc quan thì không thể sai khiến những kẻ giúp việc trong nha môn. Còn
như việc tụng kinh có thể tạo phước, làm việc sát sinh ắt gây họa cho người
chết, lẽ ấy cũng là đương nhiên.
Trích An Sĩ Toàn Thư -Khuyên người tin sâu nhân quả quyển thượng.
Tác giả : Chu An Sĩ
Việt dịch : Nguyễn Minh Tiến.