NHỮNG THAY ĐỔI KHI BƯỚC VÀO TUỔI 70

Tôi hỏi một người bạn đã bước qua tuổi 70 và đang hướng tới tuổi 80 rằng
anh ấy đang cảm thấy những thay đổi gì trong bản thân? Anh ấy đã gửi cho
tôi những câu trả lời sau:

  1. Sau khi yêu cha mẹ, anh chị em, vợ / chồng, con cái và bạn bè của tôi,
    tôi đã bắt đầu yêu bản thân mình.
  2. Tôi đã nhận ra rằng tôi không phải là “Atlas”. Thế giới không dựa trên
    vai tôi.
  3. Tôi đã ngừng mặc cả với những người bán rau và trái cây. Thêm vài xu
    nữa sẽ không làm tôi mất lòng, nhưng nó có thể giúp một người nghèo tiết
    kiệm được tiền học cho con gái anh ta.
  4. Tôi để lại cho nhân viên phục vụ của mình một khoản tiền boa lớn. Số
    tiền tăng thêm có thể mang lại nụ cười trên khuôn mặt cô ấy. Cô ấy kiếm
    sống vất vả hơn tôi rất nhiều.
  5. Tôi ngừng nói với người già rằng họ đã kể câu chuyện đó nhiều lần.
    Câu chuyện khiến họ đi ngược dòng ký ức và hồi tưởng lại quá khứ của
    mình.
  6. Tôi đã học được cách không sửa người ngay cả khi tôi biết họ sai. Tôi
    không muốn mọi người trở nên hoàn hảo. Hòa bình quý hơn sự hoàn hảo.
  7. Tôi đưa ra lời khen một cách tự do và hào phóng. Lời khen ngợi là một
    công cụ cải thiện tâm trạng không chỉ cho người nhận mà còn cho tôi.
    Và một mẹo nhỏ cho người nhận lời khen, đừng bao giờ, không bao giờ
    từ chối lời khen, chỉ cần nói “Thank You”.
  8. Tôi đã học cách không bận tâm về một nếp gấp hoặc một vết hằn trên
    áo sơ mi của tôi. Tính cách lớn hơn vẻ bề ngoài.
  9. Tôi rời xa những người không coi trọng tôi. Họ có thể không biết giá trị
    của tôi, nhưng tôi thì có.
  10. Tôi vẫn bình tĩnh khi ai đó chơi bẩn để vượt mặt tôi trong cuộc đua
    chuột. Tôi không phải là một con chuột và tôi cũng không thuộc bất kỳ chủng
    tộc nào.
  11. Tôi đang học cách không xấu hổ trước những cảm xúc của mình.
    Chính cảm xúc của tôi đã tạo nên con người của tôi.
  12. Tôi đã học được rằng tốt hơn là vứt bỏ cái tôi còn hơn là phá vỡ một
    mối quan hệ. Cái tôi của tôi sẽ khiến tôi xa cách, ngược lại với các mối quan
    hệ, tôi sẽ không bao giờ đơn độc.
  13. Tôi đã học cách sống mỗi ngày như thể đó là ngày cuối cùng. Rốt cuộc,
    nó có thể là cuối cùng.
  14. Tôi đang làm những gì khiến tôi hạnh phúc. Tôi chịu trách nhiệm cho
    hạnh phúc của mình, và tôi nợ chính mình.
    Hạnh phúc là một sự lựa chọn. Bạn có thể hạnh phúc bất cứ lúc nào, chỉ
    cần chọn là được!
    BUÔNG ĐI CHO NHẸ
    Một vị nữ giáo sư chuyên ngành Tâm lý học đang bước những bước chậm
    rãi trên một bục giảng trong một giảng đường sinh viên ngồi kín. Bấy giờ là
    giờ giảng về những nguyên tắc quản lý cảm xúc và kiểm soát căng thắng.
    Trên tay vị giáo sư có một ly nước. Chợt Bà dừng lại đối diện với các sinh
    viên, tay nâng cao ly nước ngang trước mặt. Gần hết sinh viên trong khán
    phòng đều mong chờ một câu hỏi quen thuộc kiểu như : “vơi hết một nửa
    rồi” hay “còn đầy tới một nửa”
    Nụ cười trên môi, Bà hỏi :
    “Các bạn có thể cho tôi biết ly nước tôi đang cầm nặng bao nhiêu không?”
    Nhiều tiếng hô to các câu trả lời của nhiều sinh viên : các con số từ 300
    gram cho đến 600, 700 hay 800 gram.
    Giáo sư bấy giờ mới trả lời:
    “ Theo tôi, trọng lượng tuyệt đối của cái ly này không đáng kể. Nặng bao
    nhiêu tùy thuộc vào thời gian tôi giữ nó. Nếu tôi giữ chiếc ly trong 1 hoặc 2
    phút, thì nó khá nhẹ. Nếu tôi giữ ly nước 1 giờ liền, trọng lượng của nó có
    thể làm tay tôi hơi đau. Nhưng nếu tôi cầm ly nước nguyên cả ngày, tay của
    tôi sẽ bị chuột rút, tê liệt, buộc tôi phải buông cái ly xuống. Trong mọi trường
    hợp trọng lượng của ly không thay đổi, nhưng tôi càng giữ lâu, càng thấy
    ly nước nặng hơn.
    Trong khi cả lớp gật đầu đồng ý, bày tỏ sự tán thành, Giáo sư tiếp lời:
    Những áp lực và muộn phiền, lo lắng của các bạn rất giống như ly nước
    này. Nghĩ về những căng thẳng lo âu ấy chốc lát thôi chẳng sao cả. Nghĩ về
    những chuyện đó lâu hơn, bạn bắt đầu thấy đau nhức. Nghĩ về chúng cả
    ngày, bạn sẽ thấy tê liệt hoàn toàn không làm được gì cho đến khi buông
    bỏ chúng khỏi tâm trí.
    Bài học mà Bạn rút ra từ câu chuyện về ly nước trong câu chuyện của vị
    nữ giáo sư này là gì?
    Phải chăng là buông bỏ?
    Buông bỏ áp lực và phiền muộn cho thân không đau và lòng nhẹ nhàng.
    nhé.

NHANH và CHẬM, Hơn Cả Một Định Nghĩa Thuận

Chắc chắn không dưới một lần chúng ta từng tự đặt câu hỏi: mình đang
“sống nhanh” hay là “sống chậm” trong thời đại đang phát triển quá nhanh
như thế này? Nhanh & Chậm – 2 từ mà chúng ta vẫn thường thấy rất nhiều
trong những bài viết về quan điểm chia sẻ liên quan đến giá trị cuộc sống.
Tuy nhiên, có lẽ hệ quy chiếu giữa sự phát triển bên trong mình và sự phát
triển ngoài xã hội vẫn chưa thể khiến chúng ta thôi ngừng đặt những câu
hỏi tương tự vậy. Có chăng nhịp sống hiện tại có thể chưa bao giờ được định
nghĩa là nhanh. Hoặc nói cách khác, chúng ta mải mê đi tìm nhịp sống phù
hợp với mình, nhìn tốc độ ở cuộc sống hiện tại là hiển nhiên, và bản thân là
một sự khác biệt?!
Thực tế, để đánh giá một người là “sống nhanh” hay “sống chậm” lại
không đơn giản như vậy.
Thuận theo sự phát triển của công nghệ, kiến trúc và nghệ thuật cũng
nhanh chóng biến đổi không ngừng để bắt kịp với tốc độ của xã hội. Hàng
loạt những giải pháp tiện lợi ra đời để đáp ứng nhịp sống nhanh và gia tăng
chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, với sự thay đổi đó, những không gian
mang tính rập khuôn xuất hiện ngày càng nhiều, tối ưu quy cách nhưng lại
thiếu hụt đi tính cá nhân và bản sắc văn hoá. Từ đó, khái niệm nhà đã không
còn giữ vững được đúng vai trò của nó, nó tồn tại như những khối bê tông
trơ lì vô cảm, thiếu đi linh hồn và chất riêng, làm đứt gãy mối liên kết giữa
người với người và giữa người với không gian, vạn vật.
Cuộc sống hiện đại thực tế đòi hỏi chúng ta phải sống nhanh, làm việc
hết mình để bám đuổi với tốc độ phát triển chóng mặt của khoa học-công
nghệ và sự hội nhập toàn cầu. Một cách khách quan, rõ ràng rằng khái niệm
sống nhanh gần như không thể tách biệt hoàn toàn khỏi cuộc sống của
những người trẻ 20, 30. Cuộc sống hối hả đôi lúc không cho phép người trẻ
đủ thời gian để được đắn đo giữa hai sự lựa chọn, để cân nhắc giữa đúng và
sai. Sức ép từ tiếng tích tắc của kim đồng hồ hối thúc người ta đưa ra quyết
định một cách hoàn toàn bản năng mà thiếu đi sự tỉnh táo của lý trí. Sai lầm
là điều kiện cần, nhưng chưa đủ để khẳng định sự trưởng thành của con
người, nhất là những sai lầm đến từ sự vội vã, thiếu suy nghĩ. Khi đó, chính
ta sẽ thấy mình chạy quá nhanh so với nhịp sống phù hợp.
Trái ngược với nhịp sống nhanh của xã hội, khi trải nghiệm đủ đầy và
hiểu sâu sắc hơn về các thước đo giá trị, lại càng mong muốn tìm kiếm sự
thanh thản và những khoảng lặng. Họ chú trọng nhiều hơn vào những giá
trị nội tại để giữ vững tâm – thân – trí của mình giữa bối cảnh bấp bênh đang
vận hành liên tục bên ngoài. Khi đó, nhà trở thành chốn nương ẩn lý tưởng,
xoa dịu mọi cảm xúc và tiếp thêm nguồn năng lượng cho mỗi người. Sống
chậm đặt chất lượng lên trên số lượng, chú trọng nhiều hơn vào cảm xúc,
hành vi và sự kết nối. Một không gian với thiết kế chậm (slow design) sẽ là
nơi khuyến khích con người tận hưởng trải nghiệm không vội vã, tập trung
cảm nhận bằng tất cả giác quan để tìm kiếm sự an lành cho chính mình. Ngôi
nhà giờ đây không còn chỉ là chốn nương ẩn an toàn, nó còn là nơi bồi đắp
giá trị tinh thần, xây dựng nội tâm phong phú. Khi đó, không chỉ là những
người 40, 50 hay già hơn, mà thậm chí 20, 30 cũng có thể dễ dàng tìm thấy
sự cân bằng trong chính mình khi sẵn sàng tâm thế “chậm lại một chút” để
thấy rằng nước sông vẫn chảy, và trái đất thì vẫn quay nhanh và đều, nhịp
phù hợp với mình là do mình tự tạo ra và đặt vào đó định nghĩa riêng cho
mình.
Ở một góc nhìn khác, vẫn có những người lại vô tình hoặc cố tình bị hiểu
lệch đi khái niệm “chậm”. Bản chất của sự chậm thường bị xuyên tạc trong
nhiều bối cảnh, như cách mà nhiều người bảo vệ sự lười biếng hay trì hoãn
của bản thân. Họ cho phép mình chậm chạp, ù lỳ và ngụy biện bằng những
khái niệm đánh tráo. Có thể coi đây như là một dạng sống gấp với tốc độ
chậm. Bằng thực tế trải nghiệm cuộc sống để quan sát, rõ ràng không có một
cách sống nào là hoàn hảo với một con người. Nó không nhanh mà cũng
chẳng được gọi là chậm, nó chỉ là sống trọn vẹn trong từng hơi thở, khoảnh
khắc, trọn vẹn với từng thái độ và hành vi của mình. Sống với đầy đủ sự
thận trọng, chú tâm, sáng suốt, để cống hiến cho cuộc sống, đam mê, và tìm
thấy hạnh phúc đích thực. Khi đã trải nghiệm đủ, cho bản thân những điểm
“nghỉ” để nạp năng lượng, cảm nhận rõ hơn, yêu thương nhiều hơn, sắp xếp
thứ tự ưu tiên và nhận ra đâu là giá trị bất biến trong cuộc đời.
Khi hiểu được giá trị của việc “sống” này, bắt đầu từ nơi bạn đang ở,
không gian bạn đang sống, bạn sẽ hiểu được việc thực hành cảm thụ được
giá trị trong từng khoảnh khắc nó quan trọng như thế nào. Chính nơi đây,
căn nhà yêu dấu ấy của bạn sẽ là nơi bạn đón lấy nguồn năng lượng tươi mới
đầu ngày, và được xoa dịu vỗ về sau một ngày kết thúc.
Một căn nhà có thiết kế chậm luôn lấy sự bền vững làm trọng tâm, ưu tiên
kết nối cùng thiên nhiên, tôn vinh giá trị văn hoá sở tại, không phô trương
hào nhoáng bởi những vẻ đẹp có phần bề nổi, sáng bóng và nặng nề. Với
nhan sắc “không tuổi”, sử dụng vật liệu địa phương, kết hợp chặt chẽ với
cảnh quang để lan toả một tinh thần nhẹ nhàng, phóng khoáng. Dựa vào đó,
con người có thể sống “đủ” và “đầy”, tự do tận hưởng trọn vẹn từng khoảnh
khắc, rời xa khỏi những bon chen, đua tranh với cuộc đời ngoài kia.
Sống nhanh hay sống chậm, vốn dĩ không quan trọng, khi mà sự tuyệt
đối của mọi thứ tương đối trên đời, chính là thời gian. Thay vì cân nhắc giữa
sống nhanh hay sống chậm, chi bằng hãy sống trọn vẹn từng khoảnh khắc
trôi qua, bởi lẽ, thời gian là vô cùng, nhưng đời người thì hữu hạn, chậm một
nhịp để thấy đủ, lành, và an nhiều hơn.
ST AN

MƯỜI KHẨU NGHIỆP TUYỆT ĐỐI PHẢI TRÁNH

  1. Đa Ngôn (nhiều lời)
    Bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra, vì thế không nên nói quá
    nhiều, đa ngôn tất thất (nói nhiều ắt sẽ có sai sót).
    Trong cuốn “Mặc Tử” có ghi chép rằng, học trò của Mặc Tử từng hỏi ông:
    “Nói nhiều có lợi không?”
    Mặc Tử trà lời: “Ếch nhái kêu suốt ngày đêm, kêu nhiều đến mức mỏi
    miệng nhưng nào có ai nghe chúng kêu. Sáng sớm nay nhìn thấy một con gà
    trống, mặt trời vừa ló rạng nó liền cất tiếng gáy, cả thiên hạ chấn động, người
    người lục đục trở dậy.
    Vậy kêu nhiều, nói nhiều có gì tốt đẹp? Chỉ vào những lúc hợp lý nhất, ta
    cất tiếng nói, như vậy lời nói mới có tác dụng mà thôi.”
  2. Khinh Ngôn (nói năng khinh suất)
    Lời nói một khi được nói ra, tuyệt đối không nên khinh suất, thiếu thận
    trọng. Nếu nói ra mà phải đính chính, sửa lại, thà rằng không nói còn hơn!
    Những người nói năng khinh suất luôn phải đối mặt với sự chỉ trích và xấu
    hổ.
    Không nên dễ dãi hứa hẹn với người khác, bởi một khi không làm được,
    bạn sẽ trở thành người thất tín, bội tín.
  3. Cuồng Ngôn
    Làm người, nên nhận thức và phân biệt được khinh – trọng trong từng
    tình huống hoàn cảnh. Một khi đã nói ra những lời cuồng ngôn, thiếu suy
    nghĩ, bạn ắt sẽ phải hối hận về sau.
    Thứ mà con người có thể thể hiện trước mặt người khác nhiều nhất chính
    là ngôn từ và hành động, đặc biệt là ngôn từ. Thế nên, khi nói năng, cuồng
    ngôn là điều tối kỵ.
    Cuồng ngôn sẽ gây ra sự khó chịu cho đối phương, gây ra thù hận… và
    dễ rước họa vào người.
  4. Trực Ngôn
    Những lời nói quá thẳng thắn trong nhiều trường hợp cũng gây rắc rối.
    Thế nên, thay vì nói thẳng, hãy tìm một cách nói mềm mại hơn, những lời
    nói lạnh như băng, hãy cho thêm chút nhiệt…
    Hãy để ý đến lòng tự tôn của đối phương, chúng ta sẽ biết nên nói thế
    nào cho vừa lòng nhau.
  5. Tận Ngôn
    Nói năng cần phải hàm xúc và phải để lại một đường lui cho đối phương.
    Những người sống biết người biết ta sẽ không bao giờ nói lời tận ngôn, thay
    vào đó họ sẽ để lại cho người khác vài “lối thoát”, lưu lại chút khẩu đức cho
    bản thân.
    Ngay cả khi trách người cũng không nên khắt khe đến mức không để cho
    họ một đường lùi, dành cho họ một lối thoát, lòng bao dung của mình sẽ
    được mở rộng.
  6. Lậu Ngôn (tiết lộ chuyện cơ mật)
    “Sự dĩ mật thành, ngữ dĩ lậu bại” câu nói này ý chỉ một việc thành hay
    bại, một phần là do khả năng giữ bí mật của người trong cuộc. Đối với những
    việc cơ mật có liên quan đến một cá nhân hay tổ chức, tuyệt đối đừng để lọt
    ra ngoài.
    Lậu ngôn là vấn đề về nhân phẩm và hậu quả của nó thậm chí có thể
    nghiêm trọng đến mức khó lường. Khi sự việc chưa được xác định rõ ràng,
    tốt nhất không nói những lời khẳng định để tránh những ảnh hưởng xấu.
  7. Ác Ngôn
    Không nên dùng những lời vô lễ, ác ý để làm tổn thương người khác.
    Cổ ngữ nói “đao sang dị một, ác ngữ nan tiêu”, ý chỉ vết thương do đao
    kiếm gây ra có thể sẽ mai một phôi pha nhưng những lời ác ý thì mãi găm
    sâu trong lòng người khác, chẳng thể nào gạt bỏ, lãng quên một cách dễ
    dàng.
    Những tổn thương trong tâm lý do cái gọi là ác ngôn gây ra luôn luôn
    đau hơn cả những vết thương trên thể xác.
  8. Căng Ngôn
    Căng ở đây nghĩa là kiêu căng, tự cao tự đại. Những người thường xuyên
    nói những lời này, không phải là kẻ kiêu ngạo hẳn sẽ là người vô tri và dù
    họ thuộc nhóm nào đi nữa, thì cách ăn nói căng ngôn cũng bất lợi cho quá
    trình trưởng thành của họ, thậm chí khiến người khác ghét bỏ.
  9. Sàm Ngôn
    Sàm ngôn chỉ những lời nói xấu sau lưng người khác. Người hay nói
    những lời sàm ngôn phần lớn đều là những kẻ tiểu nhân.
    Nhà triết học thời Đông Hán – Vương Sung từng nói: “Sàm ngôn thương
    thiện”, ý chỉ những lời nói xấu sau lưng sẽ vùi dập những điều lương thiện,
    tốt đẹp.
    Một người có khẩu đức tuyệt đối không nói xấu người khác, bởi hậu quả
    của việc này thậm chí có thể nghiêm trọng đến mức khiến cho thiên hạ không
    thể thái bình.
  10. Nộ Ngôn
    Nộ ngôn là những lời nói được thốt ra lúc nóng nảy, mất lý trí. Những lời
    nói này khi nói ra sẽ làm tổn thương người khác rất nhiều.
    Nói không nghĩ, bị cảm xúc lấn át lý trí dẫn đến những lời nói tức tối,
    giận dữ không chỉ khiến người khác khó chịu mà bản thân người nói ra câu
    đó cũng khó có thể vui vẻ.
    Thế nên khi giận dữ, hãy lấy một tờ giấy trắng và một cây bút, nghĩ gì,
    quyết định gì… hãy viết ra. Sau một vài ngày, hãy xem lại “sản phẩm” lúc
    trước, nếu vẫn duy trì suy nghĩ cũ, vậy thì hãy làm theo.
    Còn nếu cảm thấy đó chỉ là cách nghĩ lúc giận, hãy đem tờ giấy đó đi đốt
    để cuộc sống nhẹ nhàng hơn.
    Nguồn: SƯU TẦM